Suối cá Thần - điểm du lịch kỳ thú

Thanh Hoá là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh kì thú, những khu du lịch nổi tiếng như biển Sầm Sơn, rừng quốc gia Bến En, Thành Nhà Hồ, nhưng nếu chưa đến thăm suối cá thần chưa được chiêm ngưỡng phong cảnh tự nhiên kì thú này thì quả là điều đáng tiếc. Bạn có thể đã được nghe kể lại, hoặc xem qua những bức ảnh chụp, hay những thước phim…cũng khó làm cho bạn cảm nhận đầy đủ về sự hấp dẫn của suối cá thần đã hàng ngàn năm gắn với đồng bào bản địa.

Từ trung tâm thành phố Thanh Hoá, theo quốc lộ 217 về hướng Tây cách khoảng gần 90 km, bạn sẽ tha hồ được chiêm ngưỡng suối cá thần tại địa bàn bản Ngọc (làng Ngọc), xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. 



Suối cá đã có hàng ngàn năm nay bên dưới chân núi Trường Sinh mang vẻ đẹp kì bí - Một cảnh đẹp mà thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước bởi nét độc đáo, hoang sơ - suối cá thần đã được Nhà nước xếp vào một trong những cảnh đẹp Việt Nam.

Trên đường vào suối cá thần, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên, làng bản. Trước hết bởi chiếc cầu treo bắc qua dòng sông Mã. Bên dưới cầu là dòng nước trong vắt, chiếc cầu treo như hình con thoi uốn lượn. Từ trên cầu, bạn có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những dãy núi đá cao vút nằm bên bờ sông với nhiều hình dáng đầy sức tưởng tượng của tự nhiên ban tặng, mỗi dãy núi có độ cao, hình hài khác nhau, với danh tính rất mực gần gũi, như núi Thằn lằn, núi con Cò…thật lạ kì. Nếu như thích khám phá dòng sông bạn có thể đi trên những con đò của người dân bản xứ. Dòng sông chảy xiết sẽ làm cho tâm trạng của bạn rạo rực bồi hồi nhưng đầy chất lãng mạn quê hương, làng bản.

Sự tích về suối cá thần

“Ngày xưa, đã từ bao giờ cũng không còn ai khẳng định được thời gian, có thể nói nơi bản Ngọc thời kì khai thiên, lập địa, vào một năm nọ thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa quanh năm, người dân vô cùng khó khăn. Một hôm hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con, đi làm đồng về và nhặt được một quả trứng có hình thù lạ. Người vợ bèn đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà và đặt vào ổ gà đang ấp, một thời gian sau quả trứng nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng bèn đem con rắn ra suối Ngọc thả nhưng kỳ lạ đến tối con rắn lại bò về gia đình hai vợ chồng. Sau đó họ quyết định để con rắn ở lại cùng với gia đình. Thật bất ngờ từ đó trong bản đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, nước nôi thoả mái, đời sống nhân dân ngày một no ấm. Con rắn đã trở thành vị cứu tinh của cả dân làng và mọi người tôn sùng nó. Một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp. Sau cơn giông bão mọi người thấy xác con rắn nằm bên núi Trường Sinh, đầu hướng về bản Ngọc. Thương tiếc cho con rắn, mọi người đem xác nó chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Trong buổi tế lễ, đồng bào bản Ngọc được thần báo mộng là rắn chết do quyết chiến với thuỷ quái và kết quả thuỷ quái thất bại, dù giữ được bản nhưng con rắn phải gửi lại xác của mình. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ con rắn…”


Theo lời kể của những người cao tuổi nhất địa phương thì từ khi sinh ra họ đã thấy có suối cá thần, chỉ biết rằng đấy là vật được mọi người tôn kính và thờ chúng để cuộc sống bình an… Cụ Trương, nay đã 83 tuổi, người gốc bản xứ kể rằng: “Đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá Thần ở đây là vật linh thiêng, do vậy không ai được bắt hoặc ăn thịt cá”.

Có câu truyện đồn rằng: Khi xưa một người xa xứ ăn trộm cá thần, khi trên đường về ông đã bị đột tử và cả nhà ông, con cái người thì chết trẻ, người thì bị què quặt… Từ đó mà mọi người càng tôn sùng những chú cá Thần của mình, họ thường chăm sóc, nuôi nấng, chiều chuộng hết sức chu đáo những chú cá. Nhưng cái kì lạ ở đây làm cho mọi người phải tò mò, chú ý, đó là chỉ với một dòng nước từ một hốc đá ngầm chảy từ chân núi có tới hàng ngàn, hàng vạn chú cá nối đuôi bơi ra, bơi vào. Hơn nữa những chú cá Thần không giống với những cá bình thường, hình cá chép, môi đỏ rực, có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng.

Nếu như bạn đến vào mùa nước cạn (thường vào mùa Đông) sẽ được chiêm ngưỡng phần lớn hình dạng của cá, mặt nước chỉ chừng 20 - 40 cm, cá lộ rõ phần bụng và phần trên của mình. Mỗi khi bơi cá phát sáng nhiều màu lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt. Bạn cũng có thể vuốt ve thân hình của những chú cá làm chúng thích thú, tuy nhiên không được bắt cá lên khỏi mặt nước…Cá rất thân thiện với con người. Mỗi khi đồng bào ra suối Ngọc rửa rau, vo gạo ai cũng nhớ thả cho cá một ít rau cỏ, ít gạo, lạc rang… Bên trên suối cá là một hang động, nơi đó chúng ta có thể thắp hương để “cầu” “thần” cá phù hộ điềm tốt lành. Trong hang, cũng là một khung cảnh tự nhiên tuyệt đẹp, du khách tha hồ chiêm ngưỡng chúng, những nhũ đá nhô ra theo những hình dạng khách nhau, màu sắc khác nhau.


Đặc biệt là có một đội ngũ hướng dẫn viên nhí chuyên nghiệp địa phương, họ sẽ giới thiệu với bạn những gì mà bạn yêu cầu, có thể không khoa học nhưng cũng có những giải thích mà làm cho bạn cảm giác thú vị và thoả mãn…

Bên cạnh là dãy núi còn được giữ khá nguyên vẹn của hệ thống rừng nguyên sinh với các động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới. Còn đối với người dân thì thực sự thân thiệt, mộc mạc và thánh thiện vô cùng, họ sẵn sàng cho bạn tạm trú qua đêm mà không mất một khoản lệ phí nào. Họ vẫn còn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông, đặc biệt là nét văn hoá sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Mường mà chỉ có duy nhất ở đây có, chính là những tục lễ cưới hỏi…Chính vì vậy, đó là những nét mà thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.

Suối cá thần phải chăng chỉ là chuyện hư cấu của người dân bản địa? Nhưng những bí ẩn vẫn còn đó, bạn hãy đến và tìm hiểu một lần. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn và sẽ có nhiều điều mới lạ sẽ đến với mình. 

Trấn Nam