Thủ khoa HV Tài chính mong muốn trở thành bác sĩ

Đậu thủ khoa Học viện Tài chính nhưng Nguyễn Quốc Trí (Trường THPT Hoằng Hóa 4, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn mong đỗ ĐH Y Hà Nội để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ và giúp người nghèo...

Nguyễn Quốc Trí (Ảnh: Bên phải)

Ngay từ nhỏ, Trí đã được mẹ định hướng cho mình phương pháp học tốt nhất là tự học. Bố em làm lái tàu, thường xuyên đi xa. Trong ngôi nhà nhỏ, Trí trở thành người đàn ông duy nhất. 

Ý thức sớm điều này, chưa bao giờ Trí phải để mẹ phải bận lòng vì chuyện học hành của mình, những lúc rảnh rỗi, em lại giúp mẹ làm việc nhà và chăm sóc cô em gái nhỏ.

Khi thi vào THPT, Trí gác ước mơ học trường chuyên tỉnh để học ở trường gần nhà, chăm sóc, đỡ đần mẹ vì mẹ em phát hiện bị khối u ác tính, phải mổ. Từ đó đến nay, cứ 3 tháng mẹ em lại ra viện K để kiểm tra và điều trị. 

Dù ốm đau, mẹ vẫn luôn động viên Trí học - không được lo lắng, phân tâm. Nhìn mẹ đau đớn vì bệnh tật, Trí xót xa và cảm thấy bất lực: “Có hôm mẹ đau quá nằm cả ngày, không ăn uống được, em thương mẹ quá mà không biết phải làm gì cả”.

Hình ảnh mẹ đã là động lực thôi thúc Trí trong học tập. 12 năm liên tục, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Năm lớp 9, Trí đạt giải nhì môn toán, giải ba Giải toán bằng máy tính cầm tay trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Lớp 12, Trí đạt giải nhì môn hóa cấp tỉnh, giải ba trong kì thi học sinh giỏi quốc gia.

Ngoài thi Học viện Tài chính - Trí còn đăng kí thi Trường ĐH Y Hà Nội với mong muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ mình, cho những người nghèo mắc những căn bệnh nan y.
thủ khoa, điểm thi, điểm chuẩn, đại học, Học viện Tài chính, nhà nghèo, khó khăn

Trí chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình “không cần học thêm nhiều, cần nắm thật chắc kiến thức trong sách giáo khoa, quan trọng nhất là khi học phải tập trung cao độ”. Trí thường mượn tài liệu của thầy, của bạn và tập hợp đề của các kì thi những năm trước về tự bấm giờ để làm. Trên lớp, Trí luôn chú ý phương pháp giải các bài khó của thầy, rồi về tự mày mò tìm những cách giải khác.

Thầy Lường Văn Hưng, giáo viên chủ nhiệm của Trí nhận xét: “Trí là học sinh chăm ngoan, đặc biệt có khả năng tự học rất tốt. Trong quá trình học, em luôn bộc lộ tư duy sáng tạo riêng”.

Đỗ thủ khoa Học viện Tài chính, nhưng Trí cho biết có thể em sẽ không học trường này. Cậu học trò ấy vẫn đợi kết quả của Trường ĐH Y Hà Nội, bởi ước mơ lớn nhất của Trí là được làm bác sĩ để giúp mẹ và những người không may như mẹ vượt qua được những cơn đau!

    Trang Nhung

Nữ thủ khoa xứ Thanh xinh ngất ngây của trường Sân khấu điện ảnh

Lương Huyền Thanh, cô gái xinh như hoa với vẻ ngoài thu hút sinh năm 1996, học sinh trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa xuất sắc giành vị trí thủ khoa khoa Diễn viên với 8 điểm văn và 16,8 điểm chuyên môn.


Lương Huyền Thanh được đánh giá là cô nàng đa tài, có năng khiếu trong hội họa, đàn hát, từ lâu đã ấp ủ ước mơ trở thành diễn viên điện ảnh.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, bố mẹ là công chức bình thường và cũng chưa từng tham gia bất cứ bộ phim nào nhưng chính sự đam mê và lòng quyết tâm đã giúp Huyền Thanh mạnh dạn thử sức và hái được quả ngọt.

"Em muốn được hóa thân thành các nhân vật và những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt em thích thể loại và hình tượng vai diễn mà chị Song Hye Kyo thể hiện, kiểu hài hước và lãng mạn...", Thanh nói.

Với bề ngoài xinh đẹp, giọng nói dễ thương, khuôn mặt sáng và nét mặt biểu cảm, cô thủ khoa cao trên 1m7 này rất dễ gây thiện cảm cho người đối diện ngay từ ánh nhìn đầu tiên.


Khi biết kết quả thi, Huyền Thanh đã khóc òa sung sướng. “Đó là số điểm em không dám nghĩ đến, cũng không ngờ mình được thủ khoa nên em vui lắm”, Thanh xúc động.

"Lúc chọn trường đại học, bố không muốn em thi vào trường Sân khấu điện ảnh, nhưng vẫn tôn trọng quyết định của em. Kết quả ngoài sự mong đợi này cũng khiến bố mẹ thêm ủng hộ và tin tưởng vào sự lựa chọn của em, đó là động lực giúp em thêm tự tin vào con đường tương lai phía trước", Huyền Thanh chia sẻ thêm.

Nói về những trải nghiệm trong lần thi tuyển vừa qua, Huyền Thanh tâm sự:" Lúc đầu bắt được đề thi em hơi run, nhưng sau đó em lấy lại được bình tĩnh và hoàn thành tốt bài thi của mình. Em còn được giao thêm tình huống và thử vai, sau khi hình dung những gì có thể xảy ra với nhân vật của mình em đã nhập tâm thực sự vào vai diễn".


Với Huyền Thanh, nụ cười dường như lúc nào cũng nở trên môi. Thời gian rảnh, Huyền Thanh thường dành để tập múa, học thiết kế thời trang và tụ tập bạn bè.

Dự định trong tương lai gần của cô bé thủ khoa xinh đẹp là sẽ cố gắng làm tốt vai trò của một tân sinh viên, đồng thời trau dồi thêm những năng khiếu, sở trường vốn có để phục vụ tốt cho công việc sau này.

Duy Tuyên

Xây dựng Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam tại Thanh Hóa

Ngày 29-7, tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức lễ khởi công xây dựng Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân (HQND) Việt Nam tại cửa Lạch Trường.

Lễ khởi công Đài chiến thắng trận đầu của HQND Việt Nam

Đài chiến thắng trận đầu được xây dựng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 22- 12- 2014. Đây là công trình nhằm ghi nhớ, tôn vinh, tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của HQND Việt Nam và quân dân Thanh Hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt chiến thắng trận đầu ngày mùng 2 và mùng 5-8-1964, từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tình đoàn kết giữa HQND Việt Nam với quân dân Thanh Hóa cho các thế hệ mai sau.

Ngày 31/7/1964, tàu khu trục USS Maddox mang số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 7, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam. Khi đi ngang khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, các thiết bị trinh thám điện tử của tàu Maddox đã mở hết công suất để do thám, xác định hệ thống phòng thủ, bảo vệ bờ biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngày 1/8, Bộ Tư lênh Hải quân nhận mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu về sử dụng lực lượng đánh tàu địch nếu chúng tiếp tục có hành động vi phạm vùng biển nước ta.

13h10’ ngày 2/8/1964, khi tàu USS Maddox cách Đông Nam Hòn Nẹ, khoảng 10 hải lý, xâm phạm vùng biển Hòn Mê, Lạch Trường (xã Hoằng Trường – huyện Hoằng Hoá), cả 3 tàu của ta đồng loạt xuất kích, tiếp cận địch để phóng ngư lôi.

Mặc dù thua kém địch về trang bị, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên phân đội 3 tàu phóng lôi của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ, đánh bị thương tàu Maddox, buộc tàu địch phải hoảng sợ, tháo chạy khỏi vùng lãnh hải của ta.

Cùng với trận đánh đuổi tàu USS Maddox ngày 2/8, trận ngày 5/8/1964 là trận đánh thắng đầu tiên đã ghi vào lịch sử của Hải quân Việt Nam, đồng thời là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc.

Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước, từ đó tổ chức tốt hoạt động tham quan, sinh hoạt truyền thống cho các lực lượng, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên... xứng đáng với giá trị lịch sử chiến thắng trận đầu của HQND Việt Nam và quân dân Thanh Hóa.

Khánh Vân

Chàng thủ khoa 29,5 điểm xứ Thanh

Tin Lê Bá Tùng (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm không quá ngạc nhiên với bố mẹ, thầy cô và bạn bè vì cậu học trò này học giỏi "có tiếng" bấy lâu. Một điều đặc biệt là suốt 12 năm học, ông nội là người luôn "kề vai, sát cánh" cùng Tùng mỗi đêm học bài.


Thủ khoa ĐH Y Hà Nội Lê Bá Tùng

Mặc dù gia đình có điều kiện, có thể học thêm ở ngoài, nhưng Tùng tự học là chủ yếu. Ở nhà ông nội là người quan tâm đến việc học của Tùng nhất. Mỗi buổi tối khi Tùng ngồi vào bàn học là ông cũng ngồi cùng để động viên và xem cháu học bài. Để giải khuây những đêm thức cùng cháu, ông chuẩn bị sách báo đọc. Suốt 12 năm học, đêm nào ông nội cũng thức cùng Tùng. 

Kỳ thi vừa qua, Tùng chọn thi vào ngành Bác sỹ đa khoa, ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong đó Tùng xuất sắc giành ngôi thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm. Trong đó, môn Sinh 10 điểm; Toán 9,75; Hóa 9,5 điểm. Bên cạnh đó, em cũng đạt điểm cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 26,5 điểm.

Suốt 12 năm học phổ thông, Tùng đều đạt học lực học khá, giỏi. Em được tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm lớp 6, Tùng vinh dự được tham gia chương trình giao lưu thanh thiếu niên Đông Á diễn ra ở Nhật Bản. Năm lớp 9, đạt giải Nhì môn Toán cấp tỉnh. Ba năm học cấp 3, Tùng đã “ẵm” 2 giải Nhì môn Tin học, giải Nhất môn giải Toán trên máy tính cầm tay và giải Nhất môn Toán cấp tỉnh.

Với Tùng, muốn làm bài thi tốt thì trước tiên phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Trên lớp chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, chỗ đáng chú ý thì nên ghi nhớ lại. Đối với môn Toán thì điều đầu tiên cũng phải nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó phát triển đi lên, rồi làm nhiều bài tập để làm quen với các dạng đề. Với môn Hóa và môn Sinh, phải nắm vững lý thuyết trước, và trong khi thi, phần lý thuyết nên làm ít thời gian, còn lại dành cho phần bài tập, đọc thật kỹ đề bài. Nên thường xuyên rèn luyện các dạng đề thi thử để có thể làm quen với nhiều dạng bài tập.

Tùng nhấn mạnh đến phương pháp học của em là bắt đầu từ những cái đơn giản nhất rồi sau đó mới đến cái khó hơn. Theo Tùng thì trong quá trình giải bài tập, em ít khi thỏa mãn với một kết quả mà với những đề bài cụ thể, em luôn tìm ra nhiều cách giải khác nhau.

Hơn nữa, là một học sinh “nòi” nên ở trường, các thầy cô và ban giám hiệu rất quan tâm dạy bảo em. Các thầy cô trong bộ môn khoa học tự nhiên thường xuyên trao đổi, khoanh vùng những điều quan trọng nhất để Tùng nắm vững và tìm ra phương pháp tốt nhất để giúp em có thể đạt kết quả cao trong khi làm bài thi. Đặc biệt là thầy chủ nhiệm chính là người luôn “truyền lửa” và cảm hứng học tập cho em. 

Trường THPT Quảng Xương 1 là ngôi trường giàu truyền thống của huyện Quảng Xương cũng như có tiếng ở xứ Thanh, nên việc truyền cho học sinh cảm hứng học tập là điều mà nhà trường và các thầy cô rất quan tâm, ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, các thầy cô còn dạy cho học sinh phương pháp làm bài thi để đạt được kết quả cao.

Tùng cho biết, em sẽ chọn Trường ĐH Y Hà Nội. “Từ nhỏ, em đã có định hướng học ngành y, trước tiên xuất phát từ nỗi lo lắng cho sức khỏe của những người thân trong gia đình em, trong nhà có nhiều người bệnh nên em quyết tâm theo đuổi ngành y”.

Lê Bá Tùng và gia đình

Người vui nhất có lẽ là ông Lê Bá Nhiệm - ông nội của Tùng: “Tôi rất phấn khởi sau khi nghe tin cháu đậu thủ khoa. Tôi làm công tác khuyến học hơn 20 năm nay, nên mong muốn cháu mình học tập thật tốt. Trong quá trình theo dõi cháu học, tôi thấy cháu tiếp thu rất nhanh. Thấy bạn cháu đi học thêm chỗ này chỗ kia, nhưng Tùng chỉ học ở nhà. Cháu cũng rất chịu khó tìm sách để nghiên cứu thêm”.

Thầy Lê Mạnh Hùng - giáo viên chủ nhiệm lớp em Tùng cho biết: “Tùng có đầy đủ tố chất của một học sinh giỏi. Tổng kết trung bình năm suốt ba năm cấp 3 của Tùng đều trên 9,0 điểm. Tùng học đều ở tất cả các môn. Đặc biệt, Tùng rất chịu khó trong học tập và biết chia sẻ, giúp đỡ các bạn khác. Là lớp phó học tập, ngoài việc học ra, Tùng còn tham gia nhiệt tình các phong trào, các hoạt động của lớp, trường”.

Duy Tuyên

Tuyển 2.000 giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế

Ông Nguyễn Xuân Dũng- giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa- cho biết hiện nay UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đang tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế.

Các em nhỏ ở xã Tam Lư, huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) trên đường đi học về

Tổng số giáo viên mầm non toàn tỉnh cần xét tuyển dụng đợt này khoảng 2.000 người.

Theo đó, đối tượng dự tuyển là giáo viên mầm non đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước, hiện đang làm việc theo chế độ hợp đồng ngoài biên chế tại các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trong khi các địa phương xét tuyển, phải ưu tiên ứng viên tốt nghiệp ngành học giáo dục mầm non hệ cử tuyển; ứng viên là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh; ứng viên là người dân tộc thiểu số, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành; con thương binh, liệt sĩ… Ứng viên là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Được biết, số giáo viên mầm non được tuyển dụng vào diện hợp đồng ngoài biên chế này sẽ được hưởng lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ chính sách khác theo Quyết định số 60/2011/QĐ- TTg (ngày 26- 10- 2011) của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011- 2015.

Ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết thêm, số kinh phí để thực hiện chi trả lương và các chế độ chính sách khác cho số giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế tuyển dụng đợt này được ngân sách của tỉnh cấp hàng năm. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có nguồn kinh phí để bắt đầu thực hiện từ đầu năm học 2014- 2015 sắp tới.

Theo tuoitre.vn

Khám phá chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ của xứ Thanh

Nằm giữa bốn bề núi non hùng vĩ, băng qua rừng già đèo cả, hiện lên trong mây là một Cao Sơn ở độ cao hơn 1.000m trầm mặc đầy cuốn hút.

    
Son Bá Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn), là 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố khoảng 130 km về phía tây bắc. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc Việt Nam với những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi. 

Lên Son bá Mười phải vượt cổng trời, mưa núi, vượt mây trôi gió ngàn.

Nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Hé, Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông – Cúc Phương hùng vĩ, Cao Sơn thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông của Hòa Bình. 

Sự khó khăn, hiểm trở của núi non hùng vĩ khiến Cao Sơn gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng chính sự bí ẩn, hoang sơ ấy lại thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến và trải nghiệm. Hành trình “thượng sơn” lên Son Bá Mười – chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ của tỉnh Thanh Hóa, luôn là thử thách hấp dẫn dành cho ai có niềm đam mê khám phá thực sự.

Ở độ cao khoảng 1.180 m so với mực nước biển, Son Bá Mười được bao bọc bởi các dãy núi non trùng điệp, hiểm trở như Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có, Phà Hé... 

Để đến được với Son Bá Mười, du khách phải băng qua những đoạn đường rừng có độ dốc cao và những khu rừng già âm u với nhiều mối nguy rình rập. Vào những hôm thời tiết xấu, gặp mưa rừng, đường lên Cao Sơn là cả một thử thách lớn đối với cả người dân bản địa. 

Mây núi ấp ôm khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh Sapa.

Tuy nhiên, khi đến được với những bản làng dựa lưng vào núi, xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt, được đắm chìm trong sắc thắm của những đóa đào rừng và những loài hoa tím biêng biếc chưa thể gọi tên, du khách bỗng chốc quên những khó khăn trên chặng đường chinh phục thiên nhiên hà khắc. Chỉ còn lại trong sương những thửa ruộng bậc thang, màu xanh mướt màn của rau cỏ và cuộc sống an yên của con người, cảnh vật. 

Son Bá Mười khá biệt lập với bên ngoài nên đến nay còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ, nhà sàn còn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào. 

Bức tranh Cao Sơn hùng vĩ mà nên thơ.

Nơi đây còn được ví như một Sapa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18-22 độ C, đôi khi mùa đông có tuyết rơi, tối mùa hè nhiệt độ cũng xuống rất thấp. 

Khám phá Son Bá Mười, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp của một vùng sơn cước thể hiện đậm nét qua những cánh đồng lúa chín, những bản làng nép mình dưới bóng cọ và sự thân thiện hiếu khách của người Thái, người Mường sinh sống, mà còn được thưởng thức những món ăn dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, măng vịt, rượu ngô... và hòa mình vào cuộc sống giản dị, giàu nghĩa tình của con người vùng sơn cước.

Lê Thương

Chàng thủ khoa "giỏi nuôi gà" của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Những ngày qua, khu phố Định Hòa (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đâu đâu cũng nghe câu chuyện về cậu học sinh Lê Đình Khánh (học sinh Trường THPT Hàm Rồng,  TP Thanh Hóa) đậu thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Lê Đình Khánh bên mẹ

Ai cũng dành cho chàng thủ khoa có nụ cười hiền hậu này những lời khen ngợi. Hàng ngày Khánh vẫn đi lấy bèo về băm cho gà ăn, nhưng không ai nghĩ cậu học trò nghèo, cần cù ở mảnh đất này lại có thể đỗ thủ khoa của một trường đại học danh tiếng.

Khánh được sinh ra trong ra đình nông dân, Bố Khánh trước kia là bồ đội thời chiến tranh biên giới, sau đó xuất ngũ về quê làm ruộng. Mẹ Khánh từ năm 1992 phát hiện bị suy thận nhưng vì lúc đó gia đình khó khăn không có tiền đi chữa trị nên đành để vậy. Đến năm 2012, bệnh tái phát lại khi đi bệnh viện phát hiện đã bị suy thận giai đoạn cuối, thường xuyên phải đi bệnh viện lọc máu.

Là con út trong gia đình có bốn anh chị em, ngay từ nhỏ cậu bé Khánh đã có tính cần cù chăm chỉ, siêng năng. Khi bố mẹ cùng các chị làm việc gì thì em cũng xắn tay vào làm. Vì gia đình không có điều kiện nên hai chị đầu của Khánh chỉ được học xong cấp 2 là phải nghỉ học. Riêng Khánh cùng với người chị thứ ba được học hành đến nơi đến chốn.

Những ngày cuối cấp 3 là những ngày mà Khánh phải trải qua thời gian cực khổ nhất khi mẹ ốm nặng, bố em phải đưa mẹ ra Hà Nội điều trị dài ngày. Cả ba chị gái đều đi làm và đi học xa nên chỉ có mình Khánh ở nhà. Cuộc sống ở nhà một mình Khánh phải tự lập hoàn toàn lo cho mình từ việc nấu ăn, giặt giũ quần áo, nuôi gà, làm cỏ ruộng lúa, ruộng hoa…

Vất vả là vậy nhưng kết quả mà Khánh đạt được lại ngoài sự mong đợi của bố mẹ và gia đình. Năm lớp 12, Khánh đạt giải Nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra em còn đạt giải Khuyến khích môn thi giải Toán trên máy tính cầm tay. Cuối năm lớp 12, Khánh giành danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường. Khi thi tốt nghiệp THPT, Khánh cũng đạt điểm cao trong các môn thi.

Hoàn thành lớp 12, Khánh làm hồ sơ dự thi vào hai trường đều thuộc khối Quân sự. Trường thứ nhất là Học viện Kỹ thuật Quân sự dự thi khối A, trường thứ hai là Học viện Quân y dự thi khối B. Kết quả sau kỳ thi cả hai trường Khánh đều đạt điểm cao, là thủ khoa của Học viện Kỹ thuật Quân sự và đạt 25,5 điểm ở Học viện Quân y.

Lý giải vì sao chọn thi cả hai trường đều thuộc khối Quân sự, Khánh cho biết: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm nông nên cũng rất khó khăn, từ khi mẹ phát bệnh, gia đình lại càng khó khăn hơn. Em dự thi vào trường quân đội để bố mẹ bớt lo lắng khi đi học cũng như khi ra trường. Mẹ em mang trong mình bệnh nặng nên không làm được gì, mình bố vừa phải làm ruộng vừa đảm đương việc nhà, hai chị đi làm công nhân kiếm tiền nuôi em ăn học. Nếu em được học trường Quân đội, gia đình sẽ đỡ tốn chi phí lo cho em. Số tiền các chị làm được đó sẽ dành cho mẹ chữa bệnh”.

Một lý do nữa làm cho cậu học trò nghèo càng quyết tâm thi đỗ vào trường Quân đội hơn đó là sự “truyền lửa” của bố. Khánh tâm sự: “Những lúc hai bố con đi làm đồng cùng nhau, khi nghỉ ngơi em được nghe bố kể về “đời lính” của bố thời gian còn phục vụ trong quân ngũ. Vì thế em càng thấy yêu quý người chiến sĩ quân đội hơn. Em thi ngành Kỹ thuật vì ước mơ được làm một kỹ sư”.

Khi biết tin đậu thủ khoa nhưng Khánh vẫn không quên công việc hàng ngày của mình. Sáng thức dậy em bắt tay ngay vào việc thái chuối, băm bèo cho gà ăn. Sau đó lại ra đồng làm cỏ ruộng hoa giúp bố. Khi về, em không quên lại xuống ao lấy bèo về để làm thức ăn buổi chiều cho đàn gà.

Công việc hàng ngày của Khánh

Chia sẻ về cách học tập để đạt kết quả cao của mình, Khánh khiêm tốn nói: “Em chẳng có phương pháp gì là đặc biệt cả. Khi đi học trên lớp thì chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, khi về nhà em tìm các đề thi và mượn của các anh chị học trước để làm. Ngoài ra em còn tìm các sách tham khảo để tìm phương pháp và cách giải và làm bài hay rồi áp dụng cho mình. Sau đó đem bài trao đổi cùng các bạn trong lớp để tìm ý hay”.

Chuẩn bị cho những ngày tháng trong quân ngũ sắp đến, Bố Khánh hàng ngày luôn nhắc nhở cho người con trai mình biết về những “kỷ luật thép” trong quân đội. Đó chính là “10 điều chức trách quân nhân”, “10 điều chức trách chiến sĩ” và “12 lời thề danh dự của người chiến sĩ”.

Phạm Trường

Chàng trai xứ Thanh học giỏi, mê thiện nguyện

Lê Đình Oanh bắt đầu bén duyên với các hoạt động tình nguyện khi còn là sinh viên năm nhất, mới chập chững khăn gói từ Thanh Hóa ra Hà Nội học tập. Lý do để Oanh tham gia tình nguyện cũng vì muốn học tập tấm gương hai người anh trai đã từng góp sức cho cộng đồng, nhưng quan trọng nhất là “có thể chia sẻ được sự khó khăn của những mảnh đời kém may mắn”. Từng giữ các chức vụ quan trọng trong các tổ chức tình nguyện, tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Giao thông Vận tải. Giờ đây, khi đã ra trường, Lê Đình Oanh vẫn luôn cống hiến hết mình cho hoạt động tình nguyện tại quê hương Thanh Hóa.


Nụ cười trên môi chàng thanh niên, cho dù vất vả trong chuyến tình nguyện.

Mới đầu, Oanh tham gia các hoạt động tình nguyện tại trường như: Tiếp sức mùa thi, tư vấn tuyển sinh… Dần dần, khi có nhiều kỹ năng và hoạt động sôi nổi, Oanh tìm đến những tổ chức tình nguyện lớn hơn để tham gia. Cậu cho biết: “Tình nguyện là nơi tốt nhất để mình chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và khó khăn. 

Điều để lại cho mình nhiều xúc cảm nhất chính là lần đầu tiên đi tình nguyện xa tại huyện miền núi Như Thanh - Thanh Hóa, cái cơ cực, sự khó khăn thiếu thốn hiện rõ trên từng con người. Có những ngôi nhà trên lưng chừng đồi và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Học sinh trong ngôi trường bán trú chỉ ăn cơm trắng với rau rừng, những em nhỏ mong manh trong tiết lạnh với chiếc áo cộc”.

Từ những gì được tận mắt nhìn thấy, và qua mỗi lần như vậy, Oanh càng thêm thấm thía với công việc mình đang thực hiện. Nó cũng là động lực để cậu “càng nỗ lực để sống có ích hơn”. Mong muốn cống hiến cho xã hội với khẩu hiệu “Nhiều sự đóng góp nhỏ sẽ tạo ra yêu thương lớn”, trong 4 năm học Oanh liên tiếp tham gia các hoạt động tình nguyện khác nhau. 

Với Oanh, tình nguyện không chỉ là giúp đỡ mọi người, mà còn giúp chính mình. Trong quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện. Phong trào tình nguyện cũng là nơi Oanh trau dồi kỹ năng sống, làm việc nhóm, phong cách lãnh đạo và hơn cả là sự chia sẻ với nhau trong mọi hoàn cảnh.

Chẳng thế mà sau thời gian dài tham gia các hoạt động tình nguyện, Oanh được tín nghiệm cử giữ chức Phó ban thường trực Ban liên lạc sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội và Ủy viên Ban thư ký Hội sinh viên trường Đại học Giao Thông Vận tải.

Cậu được cử làm người tổ chức các hoạt động tình nguyện khác nhau, phải kể đến: Chương trình tiếp sức mùa thi, Đông ấm xứ Thanh, Trung thu tại bệnh viện…

Bận bịu với tình nguyện là thế, nhưng Oanh chưa bao giờ lơ là chuyện học tập. Bằng chứng là cậu đã tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Cơ khí ô tô. Oanh cho biết: “Thời gian đầu khi tham gia tình nguyện, vấn đề học tập cũng gặp đôi chút khó khăn.

Sau này, mình phân bổ lịch học tập và lịch tình nguyện hợp lý hơn. Nhiều lúc, đi tình nguyện mình vẫn mang theo sách để học, đến kỳ thi thì ít tham gia TN hơn”.

Trong suốt quá trình hoạt động tình nguyện cho đến nay, Oanh nhận được không ít thành tích: Sinh viên thủ đô thời đại mới năm học 2011-2012, Bằng khen của MTTQ tỉnh Thanh Hóa, giấy khen của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Thanh Hóa, giấy khen của hiệu trưởng trường Đại học GTVT, Học bổng Toyota, Học bổng của Tập đoàn dầu khí quốc gia…

Oanh tuyên thệ trong Lễ kết nạp đảng viên.

Chính vì những đóng góp đáng kể cho hoạt động tình nguyện và tu dưỡng rèn luyện trong suốt quá trình học tập. Oanh được mời đi dự lớp cảm tình Đảng, cậu chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 16/5/2013. 

Oanh chia sẻ: “Đây là vinh dự của bất cứ đoàn viên thanh niên nào, mình cũng không nằm ngoài số đó. Là đảng viên, mình sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì đã nhận được”.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Oanh đã ra trường được, không còn là sinh viên và đang làm việc tại quê nhà. Nhưng các hoạt động tình nguyện, Oanh vẫn sắp xếp thời gian để tham gia. Oanh cho biết: “Thời gian đi làm là theo giờ giấc, mình vẫn cố gắng sắp xếp lịch để tham gia tình nguyện.

Gần đây nhất, mình có tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, chia sẻ thông tin về nơi ăn chốn ở trong những ngày thi đại học cho các em sĩ tử. Với mình, hoạt động tình nguyện là không tuổi tác. Vì có rất nhiều hình thức để tham gia. Mình sẽ dừng tình nguyện khi nào hết nhiệt huyết, nhưng e rằng sẽ lâu đấy”.

Phạm Trường

Đặc sản canh đắng xứ Thanh - đắng mà ngọt

Lá đắng, một loại đặc sản ở các huyện miền núi xứ Thanh không chỉ là loại rau dùng để chế biến các món ăn ngon, mà nó còn là loại cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh đường ruột, đầy hơi, giải rượu, bia.... Nếu có dịp ghé thăm miền núi xứ Thanh, bạn sẽ được chủ nhà thiết đãi món đặc sản đậm chất núi là canh lá đắng. Ai đã từng ăn canh lá đắng sẽ rất ấn tượng với vị đắng đậm đà, sau đó là vị ngọt thanh của nó.

Lá đắng, đặc sản của người miền núi Thanh Hóa

Như chính tên gọi của nó, lá có vị đắng đặc trưng nên có nơi còn gọi là lá mật vịt. Cây là đắng chỉ có ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, là đặc sản của người Mường, người Thái. Cây đắng vốn là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng, khi trở thành thứ rau ngon, người dân đem về trồng trong vườn. Cây lá đắng gần như cho lá xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa.

Lá đắng có 2 loại chính, một loại xanh thẫm, dày lá và không có răng cưa ở viền, loại thứ 2 lá mỏng hơn, xanh nhạt và có răng cưa xung quang viền lá. Theo những người sành ăn, loại lá đắng có răng cưa, mỏng lá ăn ngon hơn vì lá không đắng chát mà lại có vị ngòn ngọt nơi cổ họng sau khi ăn và chỉ những lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu thành bát canh ngon.

Và vì lá của rừng, nên món ăn sẽ trở nên ngon nhất là nấu với thịt thú rừng, chuẩn nhất là khi nấu cùng với thịt gà, lòng gà rừng.  Nhưng đó là ngày xưa, giờ đây thì lá đắng có thể nấu cùng lòng lợn, lòng bò, sang hơn thì nấu với thịt gà băm nhỏ. Nhưng dù nấu với thức gì thì cũng phải có một bát tiết, thiếu nó, canh đắng sẽ mất hết hương vị đặc trưng vốn có của nó.

Nấu canh lá đắng rất đơn giản. Băm nhỏ thịt rồi tẩm ướp gia vị bao gồm mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt chừng mười lăm phút. Bắc nồi lên bếp củi, cho hành tỏi vào phi thơm và đảo nhanh tay hỗn hợp trên cho ngấm gia vị. Lửa vừa bén vào, mùi thơm của mắm tôm, sả ớt đã dậy lên đầy mời gọi. Rồi cho thêm bát tiết, cứ để cho nồi canh sôi liu riu thật ngấm gia vị, chừng vài phút sau đổ vào thêm vài bát nước. Nồi canh sôi lên thì cho lá đắng đã rửa sạch và thái chỉ vào, chờ cho sôi lại chừng ba phút thì bắc ra thưởng thức ngay khi còn đang nóng. Lúc này mùi thơm của mắm tôm, mùi sả, mùi ngầy ngậy của mỡ thịt… hòa quyện vào nhau khiến món ăn vô cùng hấp dẫn. Canh đắng nấu sao cho bát canh sền sệt mới đạt tiêu chuẩn.

Canh đắng không chỉ chữa bệnh đường ruột, đầy hơi mà còn có tác dụng giải rượu bia

Những người thưởng thức lần đầu sẽ có cảm giác đắng ngắt tê tê nơi cổ họng, nhiều người còn nhắm mắt, rùng mình vì chưa bao giờ ăn phải một thức nào đắng chao đảo đến như vậy. Nhưng chính vị đắng đó lại khiến chúng ta ấn tượng và rất dễ “nghiện”.

Hiếm ai từng nếm thử một lần vị canh đắng mà lại không tiếp tục thưởng thức thêm lần nữa, bởi vị đắng của lá rau tan rất nhanh và biến mất. Thay vào đó là thứ vị thanh thanh rất mát, béo đậm đà của nước canh, vị ngọt bùi của thịt và tiết, và dậy mùi đặc trưng của rau lá đắng cùng các loại gia vị đi kèm. 

Lá đắng này không chỉ dùng để chế biến các món ăn mà nó còn dùng để ăn sống. Lá đắng mà ăn sống kèm với thịt ba chỉ luộc, chấm với mắm tôm cũng rất ngon. Ngoài ra nó còn được đem phơi khô, cho vào túi nylon để nơi khô ráo, đến lúc nào cần dùng thì đem ra rửa sạch rồi nấu như mọi thứ canh rau khác. 

Theo những người làm nghề thuốc Nam thì lá đắng không chỉ là thứ rau dùng để chế biến món ăn lạ miệng mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh đường ruột, chống đầy hơi, tiêu mỡ và giải rượu, bia.

Trong tiết trời se se lạnh, ngồi quây quần bên mâm cơm chiều muộn, nhâm nhi chút rượu cay nồng và thưởng thức canh lá đắng, với đủ vị đắng, cay, ngọt, bùi… bạn sẽ thấy cuộc sống vùng cao xứ Thanh thật thi vị biết bao.

Trấn Nam

3 món lươn ngon ở Thanh Hóa

Cháo lươn, lươn om và miến lươn là những biến tấu hấp dẫn, độc đáo làm từ lươn ở xứ Thanh. Nhiều khách du lịch khi đến đây có cảm giác ngậm ngùi tiếc nuối vì chỉ được thưởng thức “tại trận” mà không thể mang về.

Vào mùa mưa tháng 8, khi những cơn mưa rào mùa hạ rơi xuống cánh đồng lúa xanh đang thì con gái cũng là lúc lươn vào mùa phát triển mạnh. Những con lươn đồng nhờ nước cả tìm mồi nên béo vàng óng mượt, thường to bằng ngón chân cái, lẩn mình trong hang. Thật khó để phân biệt đâu là hốc lươn, đâu là hốc rắn và đâu là lỗ cua, nhưng nếu là những “thợ” săn lươn chuyên nghiệp thì chỉ loáng nhìn sẽ nhận ra ngay.

Chỉ những chú lươn đồng với hai màu vàng đen săn chắc mới có thể làm nên sức hút kỳ lạ cho các biến tấu hấp dẫn được chế biến từ lươn như gỏi, nướng, chiên, xào, làm chả, hấp, nấu canh… Nhưng xếp vào hàng thương hiệu, đặc sản thì phải kể đến 3 món lươn sau:

Cháo lươn

Nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy bát cháo lươn của người Thanh Hóa, bởi nó giống như bát canh nấu loãng, nước cháo trong leo lẻo, gạo còn nguyên hạt, và thường rất nhiều lươn.

Cháo lươn bổ dưỡng, ăn nóng mới ngon, người mới ốm dậy ăn cùng ớt tươi cho toát mồ hôi sẽ nhanh lại người.

Người Thanh Hóa tâm niệm rằng, bát cháo càng trong, càng nhiều nước càng ngon, bởi cốt cháo lươn là ăn lấy nước, ngon bổ tập trung hết trong nước cháo. Một bát cháo lươn ngon bao gồm thật nhiều lươn xào mềm, đậm đà hương vị, gạo phải còn nguyên hạt, nở xòe, bát cháo khi được bưng ra thơm mùi hành phi, đẹp mắt với màu hành, ngổ xanh và đậu phụ xắt miếng vuông nhỏ, rán vàng.

Cháo lươn Thanh Hóa ăn cùng bánh đa vừng, giống như người Hà Nội ăn cháo với quẩy chiên giòn. Bạn có thể thưởng thức những quán cháo lươn gia truyền ở đường Nguyễn Chích, Trường Thi, phố Bà Triệu, Lê Hoàn và dọc đường Đình Hương.

Lươn bung chuối xanh

Món ăn này đòi hỏi người làm phải thật khéo trong việc chọn nguyên liệu và cầu kỳ trong khâu chế biến. Lươn được chọn phải là loại to vàng, độ lớn vừa phải và có hai màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen. Sau khi tuốt hết nhớt bằng tro bếp, lươn được sơ chế và cắt khúc dài 3 - 5 cm, cuộn bên trong nhân thịt bằm mộc nhĩ. Chuối xanh tước vỏ ngoài, ngâm muối cho hết mủ rồi xắt lát, bóp mẻ cùng với lươn, nêm gia vị, vỏ quýt, mắm tôm, hành, ớt, ướp khoảng 20 phút rồi bắc lên bếp đun.

Lươn bung nóng hổi ăn vào ngày mưa rét đưa cơm không gì bằng.

Các bà nội trợ ở quê thường truyền tai nhau câu ca dao xưa “Cá rô quyện với nồi rang/ Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau”. Hẳn vì thế, lươn bung củ chuối phải ninh thật lâu, nhỏ lửa để hương vị được quyện hòa vào nhau. Khi chuối mềm nhừ, nước sánh sền sệt là có thể bắc ra, rắc rau ngổ lên trên và đem dùng nóng.

Vị béo của lươn vàng hòa với vị ngọt bùi của chuối, thêm vị chua của mẻ, nhấn nhá chút cay của vỏ quýt và ớt, dậy mùi của mắm tôm... tạo thành món ăn đặc sản của miền quê thanh bình. Nếu muốn tìm về thưởng thức lươn om ngon đúng điệu, bạn hãy về Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa vào những tháng mưa, đặc biệt là trong mâm cơm ngày rằm tháng 8.

Miến Lươn

Miến lươn lại là một biến tấu mang phong vị riêng, nổi bật với nước dùng ngọt thanh rất đặc trưng. Nguyên liệu chính làm nên món ăn chỉ bao gồm miến và lươn. Miến rong  của người Bắc đem rửa sạch trần sơ qua nước sôi, rồi nhúng lại vào nồi nước dùng lươn cho miến nở, thấm đượm hương thơm vị đậm đà của nước dùng rồi cho vào bát. Thịt lươn sau khi lọc kỹ xương đem ướp tiêu, muối rồi xào nhanh trong lửa to để thịt lươn săn lại mà vẫn phô màu vàng óng của da lươn.

Chỉ từ 25.000 đến 35.000 đồng, bạn có thể tìm ăn ở Phố Hàng Đồng, Tịch Điền, Nguyễn Trãi.

Bí quyết làm nên thương hiệu riêng cho miến lươn Thanh Hóa lại nằm ở nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ xương lợn, gà và xương lươn, tất cả được ninh thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên.

Khi thưởng thức, bạn có thể ăn cùng đậu rán hoặc một chút giá sống, rất mát và bổ. Sợi miến dai, thịt lươn giòn bùi, nước dùng đậm đà cùng vị thơm của các loại rau như kinh giới, tía tô, húng thơm... sẽ làm bạn phải nhớ mãi về thức quà quê bình dị mà nghĩa tình này.

Lê Thương

Nam sinh xứ Thanh cùng lúc đỗ thủ khoa và á khoa

Căn nhà của gia đình chị Lê Thị Xuyến, anh Trần Văn Thời nằm cuối con đường bê tông nhỏ ở thôn Hoạch Thôn (xã Định Tăng, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Những ngày này, ngôi nhà lúc nào cũng đông bà con họ hàng, làng xóm đến chúc mừng, chia vui cùng gia đình khi cậu con trai Trần Quốc Tuấn đậu thủ khoa khối B Học viện Quân y hệ Quân sự và á khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Góc học của Tuấn rất đơn giản với chiếc bàn cũ kỹ rách góc.

Thi khối B Học viện Quân y, cậu học sinh Trường THPT Yên Định 1 đạt 28,5 điểm, trong đó môn Toán được 8,75 điểm, Hóa 9,75 điểm, Sinh 10 điểm.

Còn Học viện Kỹ thuật Quân sự, Tuấn cán đích ở vị trí á khoa với 28 điểm khối A, trong đó môn Toán: 9 điểm, Lý 9 điểm và Hóa 10 điểm.

Dù đạt kết quả xuất sắc, nhưng em tỏ ra khá khiêm tốn, Tuấn nói: “Em thấy vui và may mắn, em không nghĩ mình đạt được điểm cao như thế”.

Có được thành tích như thế không phải là yếu tố may mắn như Tuấn chia sẻ mà xuất phát từ nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập. Điều đó được chứng minh bằng kết quả học tập khi suốt những năm học phổ thông, em đều đạt danh hiệu học sinh Tiên tiến và học sinh Giỏi của nhà trường.

Năm học lớp 9, Tuấn đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa cấp huyện, giải Ba môn Hóa cấp tỉnh. Bước vào cấp 3, dù phải đi học xa nhà, nhưng với những nỗ lực của bản thân, Tuấn không ngừng vươn lên và tiếp nối thành tích học tập xuất sắc của mình. Năm học lớp 11, em giành giải Nhì cấp tỉnh môn Hóa trên máy tính cầm tay, giải Khuyến khích môn Tin cấp tỉnh…

Cũng vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên ngay từ nhỏ, Tuấn đã được tôi rèn đức tính chịu khó và một nghị lực vươn lên. Gia đình có ba chị em, chị gái đầu đang học năm thứ 3 ĐH Thương mại, cô em gái út học lớp 3. 

Bố mẹ Tuấn chủ yếu làm ruộng, lúc nông nhàn thì anh Trần Văn Thời - bố Tuấn xuôi ngược trong Nam ngoài Bắc làm thuê, phụ hồ... Còn mẹ Tuấn - chị Lê Thị Xuyến ở nhà chăn nuôi thêm để có tiền nuôi con ăn học.

Những vất vả, cực nhọc của anh Thời chị Xuyến đã được an ủi bằng những thành tích học tập tốt của các con. Riêng Tuấn, ngay từ nhỏ đã có đức tính ham học. Nhiều khi, thấy các bạn con đi học thêm chỗ này, chỗ kia, chị Xuyến cũng động viên con đi học thêm để không thiệt thòi, rồi chị sẽ lo tiền nong, nhưng thương bố mẹ vất vả, Tuấn nhất quyết không đồng ý mà tự cố gắng học tập ở lớp và học thêm ở nhà.

“Nhiều hôm, tôi thức giấc thấy con vẫn còn chong đèn học mà thương con. Tuấn còn chuẩn bị một bịch cát, khi buồn ngủ đứng dậy đấm bình bịch cho tỉnh ngủ, những lúc như thế, tôi thương con lắm mà không biết làm gì hơn cả. Thấy con ham học quá mà cũng lo lắng cho sức khỏe của con”, chị Xuyến xúc động nói. 

Những ngày tháng nỗ lực không biết mệt mỏi của Tuấn cũng bắt đầu có thành quả. Tuấn cho biết, những lúc mệt mỏi em thường rời bàn học xem ti vi, hay đấm bốc. Khi chưa hoàn thành được bài tập nào là em không chịu đi ngủ.

Gia đình Tuấn thuộc diện hộ nghèo. Bố mẹ quanh năm vất vả nên em luôn cố gắng học tập để sau này có thể giúp đỡ, đền đáp công ơn bố mẹ. “Những ngày nghỉ hè, nhiều anh chị được về thăm gia đình còn chị gái em thì ở lại trường làm thêm kiếm tiền mà em thấy thương chị quá”.

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình em, nên các thầy cô giáo cũng đã tư vấn Tuấn nên chọn thi vào trường quân đội. Bản thân thấy các anh chị đi trước thi được điểm cao và bạn bè cùng trang lứa chịu khó học tập nên Tuấn luôn cố gắng. Ở trường, em được các bạn và thầy cô giáo rất yêu quý.

Bí quyết để đạt được điểm cao với Tuấn cũng không có gì đặc biệt mà học kỹ ở sách giáo khoa, làm các đề thi thử và làm nhiều bài tập ở các sách tham khảo để tìm được nhiều bài mới và rèn luyện được kỹ năng làm bài của mình. Trong quá trình học tập, nỗ lực của bản thân là điều rất quan trọng. 

Thầy Lê Văn Hiển - Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Định 1 cho biết: “Em Tuấn là một học sinh nghèo rất chịu khó. Trong quá trình học tập, Tuấn là học sinh thông minh. Vì gia đình em khó khăn nên nhà trường cùng Hội Khuyến học huyện đã nhiều lần trao học bổng cho cá nhân em. Không chỉ học giỏi, em Tuấn rất hòa đồng và tích cực với các hoạt động trong trường, biết chia sẻ khó khăn với mọi người. Nhà trường cũng không quá bất ngờ với kết quả này vì qua các lần kiểm tra và thi thử, Tuấn luôn đạt điểm cao. Nhà trường rất hãnh diện khi em Tuấn đậu thủ khoa khối B Học viện Quân y và á khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự”.

Duy Tuyên

Chàng thủ khoa lớn lên nhờ gánh rau muống của mẹ

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Kim Thoa (làm thợ nề) và chị Đào Thị Hiền (chạy chợ bán rau muống), trú phường Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa, suốt hai ngày qua luôn rộn rã tiếng cười, niềm tự hào, kiêu hãnh khi nhận được tin mừng cậu trai út Nguyễn Kim Anh (học sinh lớp 12C6, Trường THPT Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa) đậu thủ khoa khối B vào Học viên Quân y.

Kim Anh đen nhẻm nhưng học giỏi và ngoan ngoãn

Chàng thủ khoa khiêm tốn

Ngay khi bước chân vào lớp 10 Trường THPT Hàm Rồng, Nguyễn Kim Anh đã định hướng cho bản thân mình là tập trung học khối A để sau này thực hiện ước mơ thi vào Đại học Bách khoa hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân. Nhưng rồi từ chia sẻ, phân tích, động viên của bố mẹ, bước sang lớp 12, em tập trung học thêm môn sinh để thi khối B vào Học viện Quân y. 

Kim Anh không ngờ được chính khối thi “dự phòng” này đã mang lại cho em kết quả tốt đến vậy. “Cách đây hai hôm, cô chủ nhiệm Lê Thị Thủy gọi điện cho cháu nói là Học viện Quân y có điểm rồi. Cháu nhắn tin qua tổng đài họ báo cháu được 29 điểm, gồm: (28,25 điểm thực làm tròn 28,5 điểm cộng 0,5 điểm khu vực) và xếp trên còn có 82 bạn khác nên cháu cũng không nghĩ mình đỗ thủ khoa. Nhưng đến 20 giờ tối 21.7, cô Lê Thị Thủy gọi điện thông báo tin cháu đỗ thủ khoa nên cháu thấy quá bất ngờ”- Kim Anh chia sẻ.

Nói về vị trí thủ khoa của mình, Kim Anh cho rằng yêu tố may mắn đóng vai trò khá quan trọng trong việc thi cử. Bởi ngoài kiến thức cơ bản, sự chăm chỉ, miệt mài ôn luyện, đến khi đi thi, mình trúng được đề tương tự dạng đã từng gặp thì thuận lợi hơn. Hay khi làm đề, các "nhà" ra đề có thể lừa mẹo nếu thí sinh không tỉnh táo dễ bị “sập bẫy”. Hoặc thời điểm làm bài mình nảy sinh được ý tưởng tốt cũng là may mắn, vì ý tưởng không hẳn lúc nào cũng xuất hiện. 

Cũng theo Kim Anh thì ở khối A, em thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân, tuy chưa công bố điểm nhưng theo nhận định của em là rất khả quan với kết quả đạt được từ 28 điểm trở lên. 

Nói về lý do vì sao em lại chọn thi vào hai học viện nêu trên, Kim Anh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cháu đặc biệt khó khăn, mọi chi phí ăn học của ba chị em đều trông chờ vào những đồng tiền do bố quanh năm dãi dầu mưa nắng đi làm đá, làm thợ nề, mẹ chăm bẵm 3 sào ruộng cấy lúa và khoảng 2 sào đất trồng rau muống. Cháu thi đỗ vào Học viện Quân y sẽ bớt đi phần vất vả cho cha mẹ và về tương lai công việc sau này cũng đỡ lo hơn”.

Niềm kiêu hãnh của đôi vợ chồng nông dân

Anh Thoa - bố Kim Anh - sinh năm 1970, còn vợ anh - chị Hiền sinh năm 1971 nhưng nhìn cả hai người như ở tuổi ngấp nghé ngũ tuần. Ánh mắt, khuôn mặt của cả hai vợ chồng nông dân này đều toát lên nét hồn hậu, chịu thương, chịu khó. 

Anh Thoa cho biết, trước đây còn sức khỏe anh đi làm đá, nhưng mấy năm gần đây khi bước qua tứ tuần anh quay về làm thợ xây đỡ nhọc nhằn hơn. Bình quân mỗi ngày anh kiếm được từ 150-200 nghìn tiền công. Mỗi tháng làm được khoảng 20-24 công. Chị Hiền hết độ mùa màng lại quay sang chăm bẵm 2 sào đất trồng rau muống. Chiều chiều chị hái rau, sáng ra đi chợ bán được 70-100 nghìn đồng.

Những mớ rau muống nuôi ba đứa con của vợ chồng anh Thoa - Hiền học hành đỗ đạt

Như vậy, tổng thu nhập của hai vợ chồng đạt khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó, cậu con trai thứ hai Nguyễn Kim Chung vừa hết năm thứ ba Trường Đại học Y Hà Nội đã tiêu hết 4 triệu đồng. Cả nhà 4 miệng ăn đều “nhìn” vào số tiền còn lại. 

Anh Nguyễn Kim Thoa chia sẻ: “Cháu đầu tiên Nguyễn Thị Mai mới tốt nghiệp Đại học Hồng Đức, chuyên ngành tài chính ngân hàng chưa xin được việc làm. Còn thằng thứ hai hôm nọ gọi về nói “giờ con chuẩn bị sang năm tư rồi nên cần có cái máy tính xách tay để chủ động học tập”. Lâu nay cháu toàn học nhờ máy của bạn. Tôi thấy thương con, thấy tủi thân thay cho nó, nhưng khó khăn quá chưa biết mần răng được. Tôi hứa với cháu từ giờ tới cuối năm sẽ thu xếp, nếu không đủ thì cũng phải vay mượn vì tương lai của sắp nhỏ chú ạ. Còn thằng Kim Anh, giờ đỗ thủ khoa tôi lại nhớ ngày đưa anh nó đi thi đại học cũng là hôm cháu thi vào cấp ba. Cháu bảo bố cứ đưa anh đi thi, con tự đi xe đạp (10km) được. Chiếc xe đạp đó là người bạn đồng hành với cả ba đứa con của vợ chồng tôi đó”.

Cô giáo Lê Thị Thủy - Chủ nhiệm lớp 12C6 Trường THPT Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa - cho biết: Kim Anh rất hiền lành, kiên trì và cẩn thận. Khi thầy, cô giao bài tập, em luôn hoàn thành từ bài dễ đến bài khó nhất chứ không chủ quan. 

“Tôi đặc biệt ấn tượng với cậu học trò này ở tinh thần học tập nghiêm túc, không bỏ một buổi học nào. Trong khi các bạn cách nhà 1-2km đều đi học bằng xe đạp điện thì mỗi ngày Kim Anh phải đạp xe hai vòng khoảng 40km đến trường. Kim Anh học rất giỏi nên nhiều bạn trong trường cứ tò mò tìm tới lớp 12C6 để xem mặt “anh chàng đen nhẻm có nụ cười tươi rói” và nhỏ thó, chỉ nặng khoảng 40kg, cao tầm 150cm này. Thấy em học giỏi nên ngoài giao bài trên lớp như các bạn, thầy, cô thường giao thêm bài khó để em mày mò rồi giảng giải sau. Hoàn cảnh nhà Kim Anh lại khó khăn làm tôi càng chú ý nhiều hơn”.

Cô giáo Lê Thị Thủy cho biết thêm: Kim Anh được thầy, cô, bạn bè đánh giá là một trong những “hạt giống” của khối 12 năm học 2013-2014 nên đặt rất nhiều kỳ vọng. Cuối cùng thì em đã đạt được điều em mong muốn, nhà trường trông đợi và cha mẹ mong mỏi. 

Theo: Lao Động

Thanh Hóa - Người dân vây giữ xe công

Sau va quệt giao thông, tài xế chiếc xe biển xanh cầm gậy đuổi đánh anh Tuấn. Người dân xung quanh bất bình đã bao vây chiếc xe không cho đi khiến hàng chục công an phải tới giải quyết.

Hơn 8h sáng 23/7, xe Ford Everest biển xanh đỗ tại trụ sở Khu hội nghị 25B nằm trên đường Quang Trung, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), 4 người đàn ông bước xuống, vào ăn sáng ở quán gần đó.



4 người này khi đi bộ trở lại xe đã va quệt với xe máy do anh Nguyễn Lê Tuấn (30 tuổi, trú phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) điều khiển. Trong lúc to tiếng, một trong 4 người đi về phía ôtô lấy hung khí truy đuổi khiến anh Tuấn phải bỏ chạy tháo thân.

Cả nghìn người dân địa phương sau đó kéo ra đường vây giữ chiếc xe trong nhiều giờ khiến tuyến đường Quang Trung ách tắc cục bộ.

"Bất kể người ngồi trên xe là cán bộ ở cơ quan nào nhưng rõ ràng hành động đuổi đánh người dân trên phố giữa ban ngày là không thể chấp nhận được", một người chứng kiến vụ việc nói. Thấy người dân túa ra mỗi lúc thêm đông, 4 người đã lên xe, đóng cửa. Phía ngoài, nhiều người la ó, hò hét đòi “xử theo luật rừng”.


Công an TP Thanh Hóa sau đó huy động hàng chục cảnh sát cơ động, hình sự, giao thông… đến hiện trường nhằm vãn hồi trật tự. Tuy nhiên người dân không chịu giao xe cho công an mà yêu cầu khám xe tại chỗ, làm rõ nhân thân những người trên xe. Một số người quá khích còn tháo van, xịt lốp ôtô nhằm cản trở cơ quan chức năng di chuyển phương tiện.

Gần 10h, sau nhiều tiếng thuyết phục, cảnh sát mới đưa được chiếc xe cùng 4 người vi phạm về đồn công an. Hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến trụ sở công an phường Ngọc Trạo yêu cầu khám phương tiện công khai.

Người đàn ông được cho là chủ phương tiện dáng nhỏ thó, mặc áo kẻ sọc, quần jean lần lượt mở cửa xe để cảnh sát khám xét. Nhà chức trách không tìm thấy hung khí nào trong xe, tuy nhiên trên xe có máy quay và các thiết bị truyền hình. Trên thân máy quay phim và micro có in logo một cơ quan với màu chữ đỏ. Phía đầu xe có dán tem đăng kiểm do Bộ Công an cấp.


Cơ quan điều tra cho hay, lái xe tên Trần Trung Kiên là người gây gổ truy đuổi anh Tuấn. 4 người được xác định đang làm việc tại một cơ quan truyền hình. Thời điểm xảy ra va chạm, họ đang đi công tác tại Thanh Hóa.

Trưa cùng ngày, Công an TP Thanh Hóa tiếp tục lấy lời khai các đương sự và nhân chứng nhằm điều tra vụ việc. Nạn nhân Tuấn được xác định không có thương tích.

Lê Hoàng