Bánh mật xứ Thanh: vị quê Vĩnh Lộc

Bánh mật xứ thanh không phổ biến như các loại bánh truyền thống khác như: bánh trưng, bánh lá…, bánh mật được người Vĩnh Lộc - Thanh hóa làm trong những ngày lễ, tết lớn hoặc làm quà cho người ở xa về. Bánh có vị ngọt mát của mật, dẻo của gạo nếp, vị thơm của đỗ và đậm đà tình quê.

Bánh mật xứ Thanh: vị quê Vĩnh Lộc
Nhiều người dân xứ Thanh và đặc biệt là đến tôi đây có lẽ cũng chưa thể hiểu và nếm đủ các đặc sản xứ thanh nói chung và món Bánh mật nói riêng này. Thú thật là: "đến khi chạm mắt chạm tay, khi chạm đầu lưỡi thấy ... hay hay tôi mới cười" Quả thật: Bánh mật là một món bánh hợp khoái khẩu của tôi nhất khi đến vùng quê Vĩnh Lộc. Vĩnh Lộc hiện nay đang ngày một đổi mới. Tôi còn nhớ đầu huyện có ngôi chùa Giáng đẹp canh ao sen. Bên hông là một con đường và khúc cảnh ấy thật nhiều Bò (phải hàng trăm con Bò) Giờ đây mọi thứ đã đổi khác.. Tôi ước ao lắm một lần về lại nơi xưa. Ngắm và lang thang một vài nơi ngõ vắng...

Cách làm món bánh mật xứ Thanh
Muốn làm bánh mật ngon trước tiên phải chọn được loại gạo nếp thơm, (bột gạo quyết định đến 50% hương vị của bánh). Gạo nếp được xay khô cho thật mịn (bột càng mịn thì bánh càng dẻo), sau đó đổ mật vào trộn đều với bột, phải chú ý bàn tay nhào bột thật khéo, để bột không quá loãng hoặc quá khô, bánh cũng sẽ ngọt, nhạt không đều.

Tiếp đó là chuẩn bị nhân bánh, đỗ xanh (còn nguyên hạt hay đã tách đôi đều được) ngâm nước đến khí tróc vỏ, rồi mang ra đãi sạch, sau đó cho vào nồi nấu như nấu cơm, thêm ít muối để nhân đậm đà. Nhân chín, đem ra cối tay giã thật nát, cho mật trộn đều, để màu nhân cùng giống với màu bánh.
Lá gói bánh thường phải là lá chuối khô, được xé đều, lau chùi sạch sẽ, và xếp lại thành cặp, để khi gói không mất thời gian xắp lá. Để chiếc bánh giữ được thời gian lâu và có mùi thơm đặc trưng thì lá chuối phải để khô tự nhiên, hạn chế dùng lá chuối hơ lửa, vì sẽ làm bánh dễ hỏng, có mùi khói, mất đi hương vị tự nhiên.
Xong phần nguyên liệu, là đến công đoạn gói bánh, nặn bột thành hình tròn (to nhỏ tùy theo chủ ý người làm), sau đó miết lại để có độ lõm ở phần giữa, dùng thìa cho nhân vào giữa vỏ bánh, gấp lại nhẹ nhàng, sao cho vỏ bánh được hàn kín, hạn chế để hở nhân, nếu không bánh dễ bị thiu. Tiếp đó, đặt bánh vào lá chuối, cuộn tròn và lăn lại để bánh có hình dài như quả chuối ngự, dùng dây buộc hai đầu cho kín, để nước không vào được trong bánh. 
Bánh gói xong bắc lên bếp, đồ cách thủy, chú ý giữ lửa đều hai bên để không bị sống góc.Theo kinh nghiệm đồ bánh dân gian thì, trước khi luộc bánh thắp một nén hương, khi hương cháy hết thì bánh chín.
Bánh mật thường để nguội mới ăn, người ta buộc bánh mật treo lên dây cho ráo nước, đợi bánh nguội hẳn thì bóc ra, cắt từng khoanh như giò. Khi ăn có vị ngọt mát của mật, vị dẻo của gạo nếp, vị thơm của đỗ và đậm đà của hương vị quê hương.
Nếu các bạn có dịp về thăm mảnh đất xứ thanh thì hãy cùng thưởng thức món bánh này nhé .chúc các bạn có những chuyến kì nghỉ ở thanh hóa thật là thú vị .