Hành xử kiểu “xã hội đen” tại các mỏ đá ở Thanh Hóa: “Tích hợp” nhiều hệ lụy

Thành lập từ năm 2002, nhưng cũng từ đó tới nay, Hợp tác xã khai thác - chế biến đá Đồng Thắng (HTX Đồng Thắng) đóng tại xã Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng khai thác thủ công của các thành viên HTX trên vùng mỏ rộng 7,9ha dẫn tới những hệ lụy xấu: Người lao động (NLĐ) không được tập huấn kiến thức về ATLĐ, nên xảy ra không ít vụ tai nạn chết người. Môi trường trong khu vực mỏ và làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. 


Khai thác theo kiểu tàn phá

Nhiều năm qua, hoạt động khai thác đá tại khu vực mỏ Đồng Thắng manh mún, nhỏ lẻ. Hầu hết các thành viên HTX đều sử dụng thiết bị thô sơ, cũ kỹ, lạc hậu. Một bộ phận xã viên vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên chuyên hành nghề xay nghiền đá, đúc thành gạch vồ. Khoảng hơn 10 thành viên HTX khác có nguồn vốn khá hơn thì đầu tư máy, tận dụng những khối đá lành lặn sản xuất đá xẻ xuất khẩu. 

Tuy nhiên, “công nghệ” khai thác đá thô cũng vẫn thô sơ. Họ chủ yếu sử dụng mìn để đánh đá khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị lãng phí và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hầu hết các chủ mỏ đều “bóc” tài nguyên theo kiểu đào hàm ếch từ dưới lên. Hoàn toàn không sử dụng máy móc hiện đại để khoan cắt từ trên xuống như hồ sơ thiết kế mỏ được cơ quan chức năng phê duyệt.

Tình trạng khai thác không đảm bảo các quy định của pháp luật, môi trường ở khu vực mỏ Đồng Thắng bị ô nhiễm trầm trọng. Những vị trí khai thác xong không được hoàn trả mặt bằng như cam kết. Trong làng nghề, gia đình các xã viên dùng máy xẻ, máy nghiền đá hoạt động không có bạt che chắn, nên những ngày nắng bụi đá dày đặc len lỏi vào các ngóc ngách đường làng, ngõ xóm, nhà dân. 

Chất thải từ việc xay, xẻ đá cũng không được thu gom, xử lý mà chảy lênh láng, đóng bánh ở nhiều khu vực. Xã viên Ngô Xuân Hoàng bức xúc nói: “Quyết định số 84/QĐ-CT ngày 8.1.2003 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề chế tác đá xuất khẩu Đồng Thắng có ghi rõ: Mục đích của dự án là nhằm lập lại kỷ cương về quản lý ngành nghề, lao động, khai thác hiệu quả tài nguyên, sản xuất đá ốp lát và đá mỹ nghệ. Song, 12 năm qua, hoạt động khai thác đá ở Đồng Thắng vẫn không chuyển biến tích cực”.

Hành xử kiểu “xã hội đen”

Vùng mỏ Đồng Thắng đã hết hạn khai thác từ tháng 6.2014. Về nguyên tắc, các thành viên HTX Đồng Thắng phải tạm dừng hoạt động nổ mìn, đánh đá. Tuy nhiên, cũng từ đó tới nay, nhiều chủ lò vẫn ngang nhiên đục khoét tài nguyên, bất chấp các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Trọng Thục - Chủ nhiệm HTX Đồng Thắng - không gương mẫu, tổ chức cho các lao động tự do vào đục cống, đào gầm, chuẩn bị nổ mìn đánh đá. Một chủ lò đang khai thác đá tại khu vực mỏ số 2, xã Đồng Thắng cho biết: “Bây giờ Nhà nướac đang cấm, nên rất khó khăn trong việc mua thuốc mìn. Chúng tôi phải mua “chui”, có lúc giá bị đẩy lên đến 100.000 đồng/kg thuốc nổ”.

Việc bất chấp quy định của pháp luật trong khai thác đá tại vùng mỏ Đồng Thắng dẫn tới tình trạng tranh giành, “dằn mặt” chủ lò yếu thế từng xảy ra. Con trai ông Chủ nhiệm HTX Nguyễn Trọng Thục đã nhiều lần gây gổ với các máng đá của các thành viên HTX ở bên cạnh, uy hiếp, đánh lộn lẫn nhau, gây thương tích cho nhiều người và đã có tiền án, tiền sự.

Cụ thể, con trai ông Thục từng tổ chức lực lượng, chặn đường ngay tại mỏ đánh bố con ông Đinh Văn Đô (trú thôn 3, xã Đồng Thắng) dẫn tới trọng thương. Vụ việc được cơ quan công an điều tra. Con trai ông Thục phải lĩnh án tù, nhưng cho hưởng án treo.

Tại vùng mỏ Đồng Thắng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người thương tâm. Tại mỏ của ông Ngô Văn Quyền (trú thôn 2, xã Đồng Thắng) có tới hai lao động là anh em ruột của ông Quyền bị tai nạn. Trong đó, anh Ngô Văn Chiến trở thành người tàn phế, không tự phục vụ được chính bản thân. Về phần anh Ngô Văn Dân thì chết ngay tại mỏ đá của cậu em ruột, để lại vợ trẻ và hai con trai đang tuổi ăn học…


Theo laodong.com.vn

Khai trương đường bay mới Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines chính thức khai trương đường bay thẳng Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột bằng máy bay hiện đại Airbus A320 – 180 chỗ ngồi.


Sáng 3 – 2, Thường trực UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines tổ chức khai trương đường bay mới Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột.

Đúng 9h35, máy bay Airbus A320 chở 165 hành khách từ Buôn Ma Thuột hạ cánh xuống Sân bay Thọ Xuân – đây là tuyến đường hàng không đầu tiên Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột và ngược lại được mở. 

Trong giai đoạn đầu khai thác, Jetstar Pacific thực hiện mỗi tuần 2 chuyến khứ hồi giữa Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột vào các ngày thứ ba và thứ năm. Chuyến bay xuất phát từ Buôn Ma Thuột có số hiệu BL536, cất cánh lúc 8h25, chiều ngược lại từ Sân bay Thọ Xuân có số hiệu BL537 cất cánh lúc 10h45; thời gian bay là 1h30. Được biết, hiện đã có hơn 2.000 hành khách đăng ký mua vé trên các chuyến bay Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột. Việc khai trương đường bay này góp phần giúp cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015.

PV