Thịt trâu nấu lá lồm

Cũng là thịt trâu nhưng mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, sáng tạo ra nhiều món ăn đặc sắc, mang đậm đặc trưng riêng làm say lòng du khách. Đến với xứ Thanh bạn sẽ được thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm hương vị khó quên.


Thịt trâu nấu với lá lồm là món ăn đặc trưng của đồng bào người Mường, và cũng là món ngon không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa. Món ăn tuy đơn giản, nhưng kết hợp hài hòa hai hương vị độc đáo đặc trưng vùng sơn cước nên mang tới cảm nhận cùng hương vị thật sự khó quên. Món ăn là sự kết hợp giữa lá lồm thanh chua xua tan mùi gây của thịt trâu, bỏ vào miệng chỉ thấy miếng thịt no lửa chím mềm cùng vị dịu dàng quyến luyến của các gia vị.

Cách làm cũng tương đối đơn giản. Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi đem thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất. Khi ninh cho lá lồm vào ninh cùng, thêm một ít tấm gạo để tạo độ sánh. Thịt trâu vốn có mùi ngai ngái nhưng khi nấu cùng với lá lồm (một loại lá chua) đã cho ra hương vị hết sức độc đáo, vị thanh chua của lá lồm làm át đi mùi đặc trưng của thịt trâu, khi miếng thịt ninh chín mềm ngấm gia vị sẽ trở nên thơm lừng, béo ngậy.


ST

Làng thuốc lào lâu đời ở xứ Thanh

Cứ đến tháng 4, 5, người dân làng Thượng Đình, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa lại rộn ràng vào vụ thu hoạch lá thuốc lào, sau đó ủ, xén và đem phơi để cho ra những sản phẩm đã tạo thành thương hiệu.


Cây thuốc lào được trồng từ tháng 9 nhưng đến tháng 4 năm sau mới thu hoạch và chủ yếu dùng lá. Ngoài Thượng Đình, Thanh Hóa, loại cây này còn được trồng nhiều ở vùng đồng bằng trung du bắc bộ, trong đó có Hải Phòng.

Người dân Quảng Định cho biết trồng cây thuốc lào khá mất công chăm sóc vì dễ bị nấm, dẫn đến đốm hoặc cháy lá. Do đó, hàng ngày họ phải dọn cỏ, bón phân đầy đủ và cân đối để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh.

Vào thời gian này, làng Thượng Đình đang rộn ràng vào mùa thu hoạch lá thuốc lào. Đây là thời điểm lá thuốc lào dày và cứng nhất. Lúc này, lá các cây thuốc lào cụp xuống như những cái nơm úp trên đồng.

Thuốc lào được chế biến thủ công. Sau khi hái xuống, lá được đem ủ cho hơi se lại, sau đó cuộn thành những cây thuốc to và dài gần 2 m.

Trong môi trường yếm khí, các cây thuốc này tiếp tục được ủ trong khoảng 4-5 ngày sẽ dậy mùi thơm đặc trưng.

Những cây thuốc được thái thành sợi nhỏ. Công đoạn này khá vất vả vì đòi hỏi người làm nghề phải tốn nhiều công sức để sợi thuốc càng nhỏ càng tốt, đồng thời nhanh chóng đem phơi, tránh bị xỉn màu.

Thuốc thái xong bày lên phên và phơi ở chỗ nắng ráo như sân hay bãi đất ngoài đồng ruộng. Gặp trời mưa, không thể phơi, người ta phải làm rạp kê phên thuốc lên, sau đó dùng rơm rạ đốt ở dưới. Đốt đều đến khi sợi thuốc khô mới thôi. Chỉ một chút mưa ẩm cũng có thể làm thuốc dễ dàng bị hỏng, mốc.

Sợi thuốc sau khi khô kiệt, có mùi thơm và được bao gói bảo quản để đem tiêu thụ. Ở một số nơi như Hải Phòng, Thái Bình, người dân phơi thuốc lào trên những nong tròn hoặc hơi vuông thay vì phên dài như ở làng Thượng Đình.

Sợi thuốc lào thành phẩm sau khi phơi khô có màu nâu đậm, thơm. Giá bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng một cân. Ngoài thu hoạch lá, người ta còn chăm cây để cho ra hoa và lấy hạt, phục vụ mùa sau.


Bài và ảnh: Tiến Thành

Cẩm nang du lịch Sầm Sơn

Biển Sầm Sơn với bãi cát vàng thoai thoải, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khỏe con người. Đây là nơi rất lý tưởng để thực hiện các tour du lịch ngắn ngày trong dịp hè.

Hoàng hôn trên biển Sầm Sơn

Để chuyến du lịch được hoàn hảo bạn nên tham khảo những kinh nghiệm sau:

* Khi tắm biển

Quý khách cần tuân thủ những quy định về việc tắm biển.

- Thời gian tắm:

Buổi sáng: 5h30 đến 10h30;

Buổi chiều: 14h đến 18h30.

- Nên có những động tác khởi động cơ thể trước khi xuống nước; Du khách từ xa đến Sầm Sơn nên nghỉ 1-2 tiếng trước khi tắm biển.

- Không được tắm trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, say bia, rượu; Khi thời tiết xấu.

- Nên tắm trong khu vực được giới hạn bởi phao tiêu, tắm theo nhóm, tắm chỗ đông người để có thể được hỗ trợ khi cần thiết.

- Trẻ em dưới 16 tuổi và người già yếu phải có người lớn tắm cùng.

Dù là một bãi biển có độ dốc vừa phải, sóng không cao nhưng bạn cũng nên cẩn thận khi tắm, nên sử dụng áo phao hoặc phao bõi, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi; Không nên tắm quá lâu.

Quý khách có thể nghỉ ngõi thoải mái trên bãi cát hoặc sử dụng dịch vụ ghế lưới của các Ki - ốt, nên xem kỹ bảng niêm yết giá và yêu cầu có hóa đơn hoặc phiếu thanh toán khi sử dụng dịch vụ, hàng hóa của các Ki-ốt. Không nên sử dụng đồ ăn và hàng hóa của những người bán hàng rong.

* Khi thuê khách sạn

Quý khách có thể đặt phòng khách sạn Sầm Sơn trực tuyến qua trang web: http://datphongsamson.com. Quý khách nên kiểm tra phòng, xem Bảng giá niêm yết ở phòng Lễ tân để thỏa thuận, cam kết hoặc ký hợp đồng về loại phòng, giá phòng, các dịch vụ có phí và miễn phí; Thỏa thuận về việc ăn uống, số bữa ăn, giá suất ăn, món ăn, đồ uống… Khi có thay đổi lịch, nên báo trước cho khách sạn.

Ghi địa chỉ và số điện thoại của Lễ tân khách sạn.

* Khi sử dụng dịch vụ xe điện hoặc xích lô

Quý khách có thể đề nghị nhân viên khách sạn giúp gọi xe hoặc lựa chọn các xe điện, xích lô có biển số, người lái có đeo thẻ, mặc đồng phục. Trước khi lên xe nên đọc biển số xe. Nên yêu cầu lái xe sử dụng đồng hồ tính cước vì giá cước đã được thị xã quy định, cài đặt vào đồng hồ tính cước và đồng hồ đã được kiểm định, kẹp chì. Nếu không sử dụng đồng hồ thì nên thỏa thuận giá trước.

* Khi ăn uống bên ngoài khách sạn

Ðể đảm bảo về giá cả, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Quý khách nên ăn uống tại các nhà hàng lớn, có biển hiệu rõ ràng; nên xem bảng giá và thỏa thuận giá trước khi đặt ăn. Khi thanh toán lấy hóa đơn hoặc phiếu thanh toán.

Không nên ăn uống tại các hàng ăn vỉa hè, của những người bán rong vì phần lớn hàng hóa không đảm chất lượng và số lượng và mất mỹ quan đô thị lại dễ xảy ra tranh chấp.

* Khi sử dụng dịch vụ chụp ảnh

Quý khách chỉ nên sử dụng dịch vụ chụp ảnh của những người có đeo thẻ, mặc đồng phục; nên xem giá chụp ảnh và các dịch vụ kèm theo như cỡi ngựa, đà điểu, lâu đài cát… đã được niêm yết tại các bảng giá trên bãi biển và các địa điểm tham quan, hoặc yêu cầu người chụp ảnh cho xem bảng giá mang theo. Nên thỏa thuận về số kiểu chụp, số lượng ảnh và yêu cầu người chụp ảnh ghi giấy biên nhận.

* Khi mua hải sản

Khi mua hải sản và các ðặc sản biển, Quý khách nên tìm đến các khu chợ truyền thống như:

- Chợ Cột Đỏ: Đường Lê Lợi - Phường Trường Sơn

- Chợ Mới: Ðường Lê Thánh Tông - Phường Trung Sơn

- Chợ Chùa: Ðường Trần Hưng Ðạo - Phường Quảng Tiến

Các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng chuyên bán hải sản nhý: Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Lợi,...Hoặc có thể đề nghị các chủ khách sạn giới thiệu, mua giúp để hàng hóa được đảm bảo về chất lượng, số lượng và giá cả.

Không nên mua hải sản của những người bán hàng rong trên các tuyến đường và trên bãi biển.

* Khi muốn đi tham quan các điểm du lịch khác ở trong tỉnh

Quý khách có thể đề nghị các chủ khách sạn liên hệ giúp hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Văn hoá - du lịch Sầm Sơn theo số điện thoại 0373. 704. 855 để được tư vấn, giúp đỡ.

* Khi xảy ra tranh chấp, lạc người thân, mất đồ đạc hoặc cần khiếu nại, góp ý

Quý khách vui lòng thông báo trực tiếp cho các Đội An ninh trật tự trên bãi biển hoặc gọi đến các số điện thoại sau:

- Chủ tịch UBND thị xã (Đường dây nóng): 0946.353.000;

- Trưởng Công an thị xã: 0123.467.9999;

- Cảnh sát 113 Sầm Sơn: 0373.823.700 (Số DĐ Ðội trưởng: 0982 422 586)

- Ðội Cấp cứu biển: 0373.821.424; 0988.595.763

- Bệnh viện Ða khoa Sầm Sơn: 0373.823.879

- Ðài Truyền thanh Sầm Sơn: 037.3821.474

- Ðội quản lý thị trường: 0373.821.638

- Trung tâm Vãn hóa - Du lịch: 0988 148 300

TH

Du lịch văn hóa tâm linh – sản phẩm mới của du lịch thành phố Thanh Hóa

Thành phố (TP) Thanh Hóa có trên 100 di tích lịch sử văn hóa, trong đó trên 30 di tích cấp quốc gia, phần lớn là di tích văn hóa, lịch sử, đây chính là những điều kiện thuận lợi để TP khai thác tiềm năng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh (VHTL). Trong những năm gần đây, bám sát định hướng phát triển du lịch của tỉnh, TP đã chủ động thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch VHTL.


Nét nổi bật đó là cùng với công tác quy hoạch, việc quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, nhất là theo Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 5-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, hầu hết các khu di tích, điểm du lịch quan trọng trên địa bàn TP đã được quy hoạch, quản lý, để có sự phân kỳ đầu tư, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và TP. Trong đó, một trong những trọng điểm du lịch của TP nói riêng, của tỉnh nói chung là Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. Nếu du khách muốn được thưởng lãm, khám phá vẻ đẹp của danh thắng hay tìm hiểu về truyền thống lịch sử của xứ Thanh, sẽ có trong chặng hành trình của tour du lịch này. Hiện, tại khu vực này cùng với cảnh quan kiến trúc, tự nhiên như làng cổ Đông Sơn, núi Ngọc, động Tiên Sơn, đồi Quyết Thắng... đã có một số  công trình VHTL được tỉnh và TP quan tâm đầu tư xây dựng nhằm tạo điểm nhấn cho khu vực Hàm Rồng như: Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng. Công trình đã hoàn thành khoảng 98,4% tổng khối lượng. Cùng với đó, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng được xây dựng trên đồi C4, bên bờ sông Mã, được bao bọc bởi rừng thông xanh ngút ngàn. Đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành. Ngoài một số hạng mục chính như: Cổng Tam quan, Lầu chuông, Lầu trống, Chính điện... còn có pho tượng đức Bổn sư cao 6,5m, nặng 52 tấn bằng đá sa thạch nguyên khối được tôn trí tại Chính điện.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho các công trình lịch sử VHTL, tại khu vực Hàm Rồng, TP còn được đầu tư xây dựng Khu trung tâm hội nghị Hàm Rồng với các hạng mục như: Nhà trung tâm hội nghị; một số nhà nghỉ theo kiểu biệt thự 2 tầng với đầy đủ tiện nghi; sân thể thao... đã hoàn thành từ tháng 11-2014, thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện, hội nghị, nghỉ ngơi của tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, để tạo cảnh quan cho du lịch khu vực Hàm Rồng, đoạn đê sông Mã được Nhà nước đầu tư xây dựng, kè bảo vệ an toàn tuyến đê kết hợp với khuôn viên cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng được thiết kế hiện đại, đồng bộ, tạo cảnh quan môi trường trong lành cho du khách. Với phương châm đẩy mạnh xã hội hóa công tác du lịch nhằm huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển du lịch, trong những năm qua, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Đáng chú ý, từ năm 2003, Công ty CP Du lịch Kim Quy đã đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Kim Quy và các công trình quanh hồ và đã có một số công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, tạo thành một quần thể du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi của du khách. Đến nay tổng nguồn vốn đầu tư cho Khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng lên tới trên 100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước trên 50 tỷ đồng. Cùng với Công ty CP Du lịch Kim Quy còn có hàng chục nhà đầu tư thứ cấp đăng ký tham gia trực tiếp xây dựng các công trình trong các khu chức năng.

Phát triển du lịch văn minh, hiện đại nhưng không làm mất bản sắc văn hóa, không nghiêng về hướng khai thác tận thu, hay thương mại hóa, là hướng đi được TP Thanh Hóa xác định và tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo ra sắc thái mới trong chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch VHTL và đã thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là vào dịp lễ, tết, đầu xuân năm mới đến khu vực này. Thanh Hóa đã hoàn tất công tác để chuẩn bị cho lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa, trong đó có một số hoạt động của tuần lễ khai mạc sẽ diễn ra tại khu vực Hàm Rồng. Hy vọng, thông qua các hoạt động này sẽ đem đến cho du khách một thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng mới của TP Thanh Hóa, đó là du lịch VHTL.


Theo THO

Thanh Hóa - Điểm hẹn của tháng 4

Bên cạnh nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc, Thanh Hóa còn tổ chức đường hoa Lê Lợi và triển lãm ảnh nghệ thuật trong tuần khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015.


Tháng 4 là thời điểm Thanh Hóa tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch trong khuôn khổ Tuần Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015. Mở đầu là sự kiện đường hoa Lê Lợi diễn ra các ngày 1-8/4. Đoạn đại lộ từ khu vực Tượng đài đến điểm giao với đường Hạc Thành sẽ là nơi trang trí cây và hoa tạo dựng hình ảnh tiêu biểu các di sản vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Du khách ngoài thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm, còn có thể tham gia các hoạt động hấp dẫn khác tại đây như trà đạo, chợ hoa, chợ quê, trưng bày đá quý... Cùng thời gian đó, hàng trăm bức ảnh với chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt" và "Non nước Ninh Bình” cũng được triển lãm tại sảnh Thư viện tỉnh.

Những du khách đam mê các làn điệu dân ca, dân vũ có thể tham gia Liên hoan "Câu hò nối những dòng sông Bắc miền Trung mở rộng" để được thưởng thức các điệu hò sông Mã, sông Lam, sông La, sông Hiếu, sông Hương.... Liên hoan được tổ chức các ngày 4-6/4 tại nhà hát Lam Sơn.

Ngoài ra, một số lễ hội đặc sắc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng sẽ diễn ra trong dịp này như Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, Lễ hội đền thờ Mai An Tiêm, Lễ hội đền thờ Bà Triệu.

Các hoạt động khác:

- Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa, ngày 3/4, tại Quảng trường Lam Sơn. (Bắn pháo hoa)

- Lễ Cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ và Giáo sinh Trường Y, ngày 2/4, tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng và Bia tưởng niệm các Giáo sinh trường Y.

- Lễ Kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Trưng bày tranh cổ động tấm lớn chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3 - 3/5, tại Quảng trường Lam Sơn.

- Lễ Công bố tour du lịch "Ngược xuôi sông Mã", ngày 4/4, tại Bến thuyền Hàm Rồng.

- Lễ hội, Lễ đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và kiến trúc Khu di tích Bà Triệu, ngày 8 -11/4, tại Đền thờ Bà Triệu, huyện Hậu Lộc.

- Hội chợ Công nghiệp - Thương mại 2015, ngày 10 - 16/4, tại Quảng trường Lam Sơn.


Theo VnExpess

Đến với xứ Thanh, những điều du khách không nên bỏ lỡ

Càng đi sâu khám phá con người và vùng đất xứ Thanh, du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ của một “Việt Nam thu nhỏ” - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống vẫn bền bỉ chảy.


Là một trong những người có thâm niên gắn bó với hoạt động du lịch tỉnh nhà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa Lê Văn Luyện cho rằng: “Không ít du khách đã bỏ lỡ quá nhiều thứ khi đến với Thanh Hóa. Một phần do sự thiếu chuyên nghiệp của du khách, phần khác do đội ngũ nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên trên địa bàn còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách. Bởi nếu chỉ tham quan mà không tìm hiểu, nghiên cứu về điểm đến thì biển nơi nào cũng giống nhau, đền, chùa nơi nào cũng có tượng”…

Để chuyến đi thật sự ý nghĩa và thêm phần thú vị, sau đây là một vài gợi ý cho hành trình của bạn.

Nếu bạn là người yêu thích du lịch biển, chắc hẳn Sầm Sơn là điểm dừng chân đầu tiên và đừng quên chọn cho mình một hướng dẫn viên đồng hành để hiểu thêm về những vẻ đẹp huyền thoại từ cụm di tích văn hóa độc đáo của thị xã biển này với rất nhiều câu chuyện truyền thuyết nối quá khứ và hiện tại.

Hãy theo bước chân của hướng dẫn viên đến thăm núi Trường Lệ, nằm ven biển Sầm Sơn. Cái tên của dãy núi này mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà có thể bạn chưa biết đó là “giọt nước mắt dài”. Dãy núi khi uốn lượn như làn sóng, hòn cao, hòn thấp, nhấp nhô giống như một người phụ nữ với những nét cong mềm mại nằm ngửa mặt lên vòm trời cao xanh lộng gió.

Dãy núi Trường Lệ chứa đựng trong mình cả một quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng, độc đáo như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái, hòn Cổ Giải… Mỗi ngọn núi, mỗi điểm đến lại kể cho chúng ta nghe về một di tích, một huyền thoại hay ít nhất với một dáng hình cũng sẽ gợi mở, đem đến cho du khách trí tưởng tượng bay bổng.

Đặc biệt, du khách không nên bỏ qua những món ăn được chế biến từ các loại hải sản tươi ngon tại đây. Nếu bạn “hiểu” Sầm Sơn, Sầm Sơn sẽ mang đến cho bạn một kỳ nghỉ lãng mạn, thoải mái, đậm dư vị biển của xứ Thanh.

Ngoài ra, hãy tìm hiểu thêm về các dự án lớn đang được triển khai tại đây, đặc biệt là dự án Sam Son Golf Link. Bạn sẽ tưởng tượng được trong tương lai Sầm Sơn phát triển ra sao.

Xứ Thanh với lợi thế nổi bật về vốn lịch sử - văn hóa, vì vậy loại hình du lịch này là một trong những loại hình được đông đảo du khách lựa chọn khi dừng chân tại mảnh đất này.

Và với loại hình du lịch chuyên đề này, điểm đến hấp dẫn dành cho du khách đó là Khu du lịch Văn hóa Hàm Rồng, đền Bà Triệu, khu di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh và Thành Nhà Hồ. Những điểm đến này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, còn đặc biệt bởi sự “độc nhất” của từng di tích. Để chuyến đi thực sự ý nghĩa, du khách hãy một lần tự khám phá, tìm hiểu những điều đặc biệt đó.

Để hiểu thêm về chiếc “nôi vàng” của lịch sử, hãy cùng hướng dẫn viên đến với một số điểm khác như Núi Đọ, làng cổ Đông Sơn… và tìm hiểu sâu hơn về trống đồng Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn.

Tiếp đến là loại hình du lịch sinh thái. Đây là loại hình đang được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây.

Với các điểm đến như vườn quốc gia Bến En, khu BTTN Xuân Liên, Pù Luông, Pù Hu, hồ Cửa Đạt… là sự lựa chọn của bạn, thì chắc chắn xứ Thanh sẽ không làm bạn thất vọng với nhiều hoạt động như câu cá, bắt cua đá, dựng lều ngủ qua đêm trong những cánh rừng, trên các đảo, du ngoạn trên khắp lòng hồ bằng thuyền hoặc xuồng máy, tham quan, khám phá hang động… Và gợi ý nhỏ dành cho du khách khi đến khám phá vườn quốc gia Bến En đó là không nên bỏ qua món cá mè sông Mực. Bởi cá mè nơi đây có vị hấp dẫn riêng, béo, thịt thơm ngậy được chế biến thành nhiều món ăn. Đặc biệt, người dân nơi đây đã chế biến ra món cá mè luộc ăn kèm các loại rau ghém, sung, chuối, khế, giá… và được chấm với nước mắm cốt xứ Thanh.

Sau một vòng tham quan, thì du lịch ở khu vực trung tâm sẽ khiến du khách cảm thấy thoải mái, thư giãn. Hãy hòa mình với không khí tưng bừng chào đón Năm Du lịch quốc gia 2015 của người dân Thanh Hóa trên các công trình trọng điểm như: Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Thư viện tỉnh, đền thờ mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng, liệt sỹ.

Và để thưởng thức những món đặc sản xứ Thanh, nhà hàng Dạ Lan (T.P Thanh Hóa) là gợi ý dành cho du khách. Tại đây du khách có thể mua một số món ăn đặc sản của xứ Thanh về làm quà.

Hãy sắm thêm vào giỏ quà của mình món nem chua tại quán Cây Đa, mua hải sản tại chợ Điện Biên, tham quan và mua sắm tại chợ Tây Thành (T.P Thanh Hóa)…

Trên đây là một vài gợi ý cho du khách. Để không bỏ qua những điều thú vị khi đến với Thanh Hóa, lời khuyên dành cho du khách đó là nên chọn cho mình một hướng dẫn viên giỏi và một công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp.


Theo VH&ĐS

Lễ hội Trò Chiềng Yên Ninh

Cứ vào 12 tháng Giêng người dân và du khách lại về xã Yên Ninh (Yên Định) để hoà mình vào Lễ hội Trò Chiềng.


Trò Chiềng có từ thời Lý, là trò diễn mô phỏng các trận đánh của đội tượng binh bằng tre nứa do Tam công Trịnh Quốc Bảo chế tạo đã đánh tan đội tượng binh thật của đội quân Chiêm Thành.

Trò Chiềng bắt đầu từ trò voi trận - chọi voi và được nâng dần lên thành lễ hội với hệ thống tương đối hoàn chỉnh gồm 12 trò diễn, trong đó có 4 phần rước, gồm rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và rước phụng hoàn.

Ban đầu lễ hội được dành để biểu diễn cho vua Lý và các đại thần trong dịp lễ hội đầu xuân, về sau Trịnh Quốc Bảo đã tổ chức cho con cháu ở quê nhà Trịnh Xá diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời tiếp thu thêm các trò diễn từ đất Thăng Long về truyền lại cho dân làng. Từ đó lễ hội được tổ chức hàng năm trong ngày hội làng với nhiều trò diễn phong phú và sinh động.

Lễ hội năm nay mở đầu với phần rước voi từ đình làng Trịnh Xá đưa về sân vận động của xã để báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và những ước nguỵên của năm mới. Tiết mục đặc sắc và độc đáo nhất của lễ hội là trò chọi voi.

Phần hội được tổ chức sôi nổi với các phần thi làm bánh nhãn, bánh răng bừa. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tới dâng hương, hoà mình vào các trò chơi, trò diễn cũng như thưởng thức đặc sản của quê hương.

Khai hội Đình Cơm Thi, làng Thanh Đớn, xã Hà Thanh, Hà Trung

Hòa chung không khí vui tươi phấn khởi của năm mới Ất Mùi và lễ hội mùa xuân, hưởng ứng năm Du lịch quốc gia 2015, - Thanh Hóa sáng ngày 2-3 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Mùi), tại làng Thanh Đớn, UBND xã Hà Thanh (huyện Hà Trung) đã tưng bừng khai hội Đình Cơm Thi năm 2015.


Lễ hội Đình Cơm Thi năm nay đươc tổ chức đã thu hút hàng ngàn người dân trong huyện Hà Trung và cùng con em xa quê của xã Hà Thanh và đông đảo du khách thập phương. Đình Cơm thi ở Thanh Đớn gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Tây Nhạc, người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông tang từ thủa vua Hùng. Về sau, Đình Cơm thi làng Thanh Đớn rước Tô Hiến Thành – viên quan văn võ toàn tài thời Lý, cai quản miền đất Thanh Hoá vào đình phối thờ. Tri ân công đức của Phan Tây Nhạc Ðại Vương và các vị tiền nhân có công với dân với nước, đặc biệt là Tô Hiến Thành, đến hẹn lại về vào dịp mùa xuân nhân dân xã Hà Thanh đã tổ chức nấu cơm thi, sau đó dần dần trở thành lễ hội đặc sắc của địa phương vào các ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng giêng (xưa kia) và từ mùng 10 đến 12 tháng giêng (ngày nay).

Lễ hội bắt đầu bằng phần lễ rước kiệu, múa lân từ Nghè Ngoài về Đình Cơm Thi với sự tham gia của đông đảo nhân dân trên địa bàn, các bản hội trong xã dâng cỗ cúng và cùng rước kiệu về đình làng để báo cáo những kết quả làm ăn trong năm qua và ước vọng trong năm mới. Sau đó là cử hành lễ chính với các phần Tế Tam Sanh, múa mộc, múa trống cơm. Sau phần lễ, là phần nấu cơm thi của các bản hội, do các đôi nam nữ đảm nhiệm từ khâu giã gạo, sàng gạo, vo gạo và kéo lửa nấu cơm. Đôi nam nữ nào nấu cơm trong thời gian nhanh nhất, ngon nhất giành giải nhất của lễ hội.

Trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức, đêm giao lưu văn nghệ, tổ chức thi đấu thể thao như bóng chuyền, kéo co, chạy thẻ, cờ tướng, đấu vật, các trò chơi dân gian như chơi đu, chọi gà… thu hút sự tham gia sôi nổi của nhân dân và du khách.


Tin, ảnh: Mạnh Cường

Hành xử kiểu “xã hội đen” tại các mỏ đá ở Thanh Hóa: “Tích hợp” nhiều hệ lụy

Thành lập từ năm 2002, nhưng cũng từ đó tới nay, Hợp tác xã khai thác - chế biến đá Đồng Thắng (HTX Đồng Thắng) đóng tại xã Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng khai thác thủ công của các thành viên HTX trên vùng mỏ rộng 7,9ha dẫn tới những hệ lụy xấu: Người lao động (NLĐ) không được tập huấn kiến thức về ATLĐ, nên xảy ra không ít vụ tai nạn chết người. Môi trường trong khu vực mỏ và làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. 


Khai thác theo kiểu tàn phá

Nhiều năm qua, hoạt động khai thác đá tại khu vực mỏ Đồng Thắng manh mún, nhỏ lẻ. Hầu hết các thành viên HTX đều sử dụng thiết bị thô sơ, cũ kỹ, lạc hậu. Một bộ phận xã viên vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên chuyên hành nghề xay nghiền đá, đúc thành gạch vồ. Khoảng hơn 10 thành viên HTX khác có nguồn vốn khá hơn thì đầu tư máy, tận dụng những khối đá lành lặn sản xuất đá xẻ xuất khẩu. 

Tuy nhiên, “công nghệ” khai thác đá thô cũng vẫn thô sơ. Họ chủ yếu sử dụng mìn để đánh đá khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị lãng phí và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hầu hết các chủ mỏ đều “bóc” tài nguyên theo kiểu đào hàm ếch từ dưới lên. Hoàn toàn không sử dụng máy móc hiện đại để khoan cắt từ trên xuống như hồ sơ thiết kế mỏ được cơ quan chức năng phê duyệt.

Tình trạng khai thác không đảm bảo các quy định của pháp luật, môi trường ở khu vực mỏ Đồng Thắng bị ô nhiễm trầm trọng. Những vị trí khai thác xong không được hoàn trả mặt bằng như cam kết. Trong làng nghề, gia đình các xã viên dùng máy xẻ, máy nghiền đá hoạt động không có bạt che chắn, nên những ngày nắng bụi đá dày đặc len lỏi vào các ngóc ngách đường làng, ngõ xóm, nhà dân. 

Chất thải từ việc xay, xẻ đá cũng không được thu gom, xử lý mà chảy lênh láng, đóng bánh ở nhiều khu vực. Xã viên Ngô Xuân Hoàng bức xúc nói: “Quyết định số 84/QĐ-CT ngày 8.1.2003 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề chế tác đá xuất khẩu Đồng Thắng có ghi rõ: Mục đích của dự án là nhằm lập lại kỷ cương về quản lý ngành nghề, lao động, khai thác hiệu quả tài nguyên, sản xuất đá ốp lát và đá mỹ nghệ. Song, 12 năm qua, hoạt động khai thác đá ở Đồng Thắng vẫn không chuyển biến tích cực”.

Hành xử kiểu “xã hội đen”

Vùng mỏ Đồng Thắng đã hết hạn khai thác từ tháng 6.2014. Về nguyên tắc, các thành viên HTX Đồng Thắng phải tạm dừng hoạt động nổ mìn, đánh đá. Tuy nhiên, cũng từ đó tới nay, nhiều chủ lò vẫn ngang nhiên đục khoét tài nguyên, bất chấp các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Trọng Thục - Chủ nhiệm HTX Đồng Thắng - không gương mẫu, tổ chức cho các lao động tự do vào đục cống, đào gầm, chuẩn bị nổ mìn đánh đá. Một chủ lò đang khai thác đá tại khu vực mỏ số 2, xã Đồng Thắng cho biết: “Bây giờ Nhà nướac đang cấm, nên rất khó khăn trong việc mua thuốc mìn. Chúng tôi phải mua “chui”, có lúc giá bị đẩy lên đến 100.000 đồng/kg thuốc nổ”.

Việc bất chấp quy định của pháp luật trong khai thác đá tại vùng mỏ Đồng Thắng dẫn tới tình trạng tranh giành, “dằn mặt” chủ lò yếu thế từng xảy ra. Con trai ông Chủ nhiệm HTX Nguyễn Trọng Thục đã nhiều lần gây gổ với các máng đá của các thành viên HTX ở bên cạnh, uy hiếp, đánh lộn lẫn nhau, gây thương tích cho nhiều người và đã có tiền án, tiền sự.

Cụ thể, con trai ông Thục từng tổ chức lực lượng, chặn đường ngay tại mỏ đánh bố con ông Đinh Văn Đô (trú thôn 3, xã Đồng Thắng) dẫn tới trọng thương. Vụ việc được cơ quan công an điều tra. Con trai ông Thục phải lĩnh án tù, nhưng cho hưởng án treo.

Tại vùng mỏ Đồng Thắng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người thương tâm. Tại mỏ của ông Ngô Văn Quyền (trú thôn 2, xã Đồng Thắng) có tới hai lao động là anh em ruột của ông Quyền bị tai nạn. Trong đó, anh Ngô Văn Chiến trở thành người tàn phế, không tự phục vụ được chính bản thân. Về phần anh Ngô Văn Dân thì chết ngay tại mỏ đá của cậu em ruột, để lại vợ trẻ và hai con trai đang tuổi ăn học…


Theo laodong.com.vn

Khai trương đường bay mới Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines chính thức khai trương đường bay thẳng Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột bằng máy bay hiện đại Airbus A320 – 180 chỗ ngồi.


Sáng 3 – 2, Thường trực UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines tổ chức khai trương đường bay mới Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột.

Đúng 9h35, máy bay Airbus A320 chở 165 hành khách từ Buôn Ma Thuột hạ cánh xuống Sân bay Thọ Xuân – đây là tuyến đường hàng không đầu tiên Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột và ngược lại được mở. 

Trong giai đoạn đầu khai thác, Jetstar Pacific thực hiện mỗi tuần 2 chuyến khứ hồi giữa Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột vào các ngày thứ ba và thứ năm. Chuyến bay xuất phát từ Buôn Ma Thuột có số hiệu BL536, cất cánh lúc 8h25, chiều ngược lại từ Sân bay Thọ Xuân có số hiệu BL537 cất cánh lúc 10h45; thời gian bay là 1h30. Được biết, hiện đã có hơn 2.000 hành khách đăng ký mua vé trên các chuyến bay Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột. Việc khai trương đường bay này góp phần giúp cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015.

PV

Đêm nhạc từ thiện "Góp yêu thương - Mang yêu thương về với bản làng"

Dưới sự bảo trợ của Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên, được sự cho phép của Sở VH, TT&DL Thanh Hoá; tiếp nối thành công của đêm nhạc từ thiện năm 2012 và 2013, BTC chương trình "Đông ấm xứ Thanh" đầu cầu Thanh Hoá sẽ tổ chức đêm ca nhạc từ thiện "Góp yêu thương - Mang yêu thương về với bản làng".


 Đêm nhạc là một trong những hoạt động nằm trong chương trình “Đông ấm xứ Thanh” 2014 do ban liên lạc SV Thanh Hóa toàn quốc tổ chức hưởng ứng đợt phát động chương trình tình nguyện "Đông ấm xứ Thanh" của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; triển khai hướng dẫn của Hội Liên hiệp Thanh niên Thanh Hoá về việc tổ chức chương trình tình nguyện mùa đông đến với các xã khó khăn của huyện miền núi Bá Thước.

Thông qua đêm nhạc BTC hy vọng sẽ kêu gọi được sự tham gia, đóng góp, ủng hộ chia sẻ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hoá, các nhà hảo tâm, HS, SV và các bạn trẻ trên địa bàn Thanh Hóa cũng như các địa phương khác tham gia ủng hộ chương trình.

Đêm nhạc sẽ có sự tham gia diễn xuất ủng hộ của NSƯT Thu Hài, ca sỹ Lương Huy, ca sỹ Minh Tuyền, ca sỹ nhí Quang Anh (Giải nhất giọng hát Việt nhí 2013), Hồ Văn Phong, Quốc Thái (Giải nhất Đồ rê mí 2013), Khánh Ngọc, Hoàng Sơn, nhóm nhảy Uyên - Kiên - Cương (HCV Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII nội dung khiêu vũ thể thao) và ảo thuật gia Tân Vũ. Ngoài ra còn có sự góp mặt của hoạ sỹ Cầm Bá Tôn, Lê Thị Như Huyền và Trần Văn Hiệu. Những bức tranh do các hoạ sỹ sáng tác tặng, ủng hộ chương trình sẽ được BTC bán đầu giá ngay trong đêm nhạc.

Đêm nhạc diễn ra vào lúc 19h30 ngày 17/1/2015 tại trung tâm hội nghị 25B, số 133 Quang Trung, T.P Thanh Hoá.

BTC phát hành 2 loại vé có mệnh giá 40.000 đồng và 70.000 đồng, vé bán tại cổng vào trung tâm hội nghị 25B.

CLB Thanh Hóa tuyển tiền đạo người Brazil

Vừa sa thải "bò mộng" Timothy, Thanh Hóa ngay lập tức có bản hợp đồng mới với tiền đạo Da Silva người Brazil trước trận đấu gặp HAGL trên sân Pleiku.


Do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, Thanh Hóa đã sa thải ngoại binh Timothy để đưa về bản hợp đồng mới ngay trước chuyến làm khách trên SVĐ Pleiku. Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch CLB Thanh Hóa xác nhận thông tin này: "CLB ký hợp đồng có thời hạn 1 năm với tiền đạo Da Silva người Brazil để thay thế Timothy, Thanh Hóa có thể sẽ sử dụng tân binh này ngay trong trận đấu với HAGL ở vòng 3 V.League 2015". 

Tiền đạo Da Silva người Brazil từng thi đấu tại giải hạng Nhất Thái Lan mùa giải 2014 trước khi chuyển về khoác áo Thanh Hóa. Tuy nhiên hạn chế của ngoại binh này ở vấn đề thể lực khi năm nay anh đã 30 tuổi. Thời đỉnh cao phong độ, Da Silva khoác áo CLB Sydney trong mùa giải 2008. Anh ra sân 15 trận và ghi 7 bàn thắng cho CLB của Australia.

Như vậy sau bản hợp đồng mới, Thanh Hóa sẽ sử dụng 2 ngoại binh ở vị trí trung vệ là Danny van Bakel (Hà Lan) và tiền đạo Da Silva (Brazil). 

Hôm nay (15/1), CLB Thanh Hóa sẽ di chuyển đến Pleiku để tập luyện và làm quen sân bãi chuẩn bị cho trận đấu gặp HAGL vào lúc 17h ngày 17/1. 

PV

Thanh Hóa: Bán đất "vàng" giá "bèo" cho doanh nghiệp

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành khung giá đất, nhưng cũng chính UBND tỉnh Thanh Hóa đã tự “vượt rào” khi bán đất “vàng” cho doanh nghiệp với giá “bèo”, dưới khung giá đã ban hành, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.


Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hóa, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500, có tổng diện tích 2,911ha (QĐ số 988/QĐ-UBND ngày 28.3.2013). Khi UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án, đã có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào dự án này.

Ngày 27.8.2013, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ký QĐ 3013/QĐ-UBND: “Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hóa”.

Theo QĐ 3013, Liên doanh Cty CP TMĐT bất động sản An Phát và Cty CP Xây dựng và TM Đại Long được lựa chọn đầu tư dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án hơn 460 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 7 tỉ đồng. Đặc biệt, QĐ 3013 của UBND tỉnh Thanh Hóa ghi rõ, tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước là 28,854 tỉ đồng.

Trên trang web của Cty CP xây dựng và TM Đại Long, Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 giờ mang tên “An Phát GARDEN” và được hứa hẹn sẽ trở thành “nơi ước đến, chốn mong về” của nhiều người.

Thời điểm cuối năm 2012 - đầu năm 2013, khu đất của dự án có giá thị trường vào khoảng 25 - 35 triệu đồng/m2. Và ngay tại Quyết định số 4194/2012-QĐ-UBND ngày 13.12.2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2013, đất tại khu vực từ đường Lê Hữu Lập đến cầu Đông Hương có giá từ 11,2 - 28 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Đất dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hóa nằm trong khung giá này.

Thế nhưng bằng QĐ số 3013 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký, toàn bộ dự án 2,911ha đất, doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền sử dụng đất gần 29 tỉ đồng. Đây là cái giá quá “bèo” cho khu đất “vàng”.

Chỉ tính riêng khu nhà ở của dự án có diện tích trên 10.000m2 (bao gồm khu biệt thự song lập, đơn lập, nhà phố), áp vào với khung giá đất tại QĐ số 4194 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành khung giá đất năm 2013 thì với khu đất ở trên, ngân sách phải thu về từ trên 110 - 291 tỉ đồng (giá theo khung đã ban hành 11,2 triệu đồng/m2 nếu ở vị trí 4 đến 28 triệu đồng/m2 nếu ở vị trí 1). Có thể hiểu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã “bán” đất “vàng” cho doanh nghiệp chỉ với giá trên 2,8 triệu đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với khung giá UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành.

Bằng một quyết định hành chính ưu ái doanh nghiệp, ngân sách thất thu số tiền quá lớn, trách nhiệm thuộc về ai? Những vấn đề này cần được làm rõ một cách công khai, minh bạch.