Pù Luông - “Sa Pa của xứ Thanh”.

Pù Luông ở điểm cực bắc của huyện Bá Thước. Danh sơn này nằm giữa hai xã Thành Sơn huyện Bá Thước và Phú Xuân, huyện Quan Hóa, trong không gian tự nhiên của vùng giáp ranh ba tỉnh Thanh Hóa  - Sơn La - Hòa Bình. Phía Đông, Đông - Bắc Pù Luông giáp với tỉnh Hòa Bình, gần kề với không gian của Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Phía Bắc, Tây - Bắc Pù Luông giáp với huyện Quan Hóa. Phía Nam Pù Luông giáp với vùng đồi Lai Li Lai Láng. Đây cũng là phía Bắc của thị trấn Cành Nàng, huyện lỵ Bá Thước.



Pù Luông cách TP Thanh Hóa hơn 180 km. Từ thành phố Thanh Hóa ngược lên phía Tây Bắc, theo đường 217 qua thành Tây Đô (huyện Vĩnh Lộc); Cửa Hà (huyện Cẩm Thủy), phố huyện Bá Thước (thị trấn Cành Nàng) hơn 10 km là đến chân núi Pù Luông.

Dãy Pù Luông theo tiếng Thái nghĩa là núi cao. Dãy núi cao này nằm trong hệ thống núi vùng Tây Bắc Việt Nam - từ Sơn La, Hòa Bình tới Thanh Hóa và ra biển mà khu trung tâm là vùng đất thuộc tỉnh Thanh Hóa tiếp giáp với hai tỉnh: Sơn La, Hòa Bình.

Pù Luông là nơi hội tụ các núi đá vôi đồ sộ nhất xứ Thanh với nhiều đỉnh cao trung bình từ 800 đến trên 1.000m. Pù Luông là một trong những nơi cao nhất Bắc Trung Bộ. Khí hậu ở đây mát mẻ về mùa hè, lạnh giá về mùa đông. Cảnh quan thiên nhiên ở Pù Luông ngoạn mục, có phần huyền ảo. Không khí trong lành, mát mẻ vào mùa hè.

Địa bàn Pù Luông nằm trên “hành lang” của người Thái từ đất Mường Then (Điện Biên Phủ) vào xứ Thanh, xứ Nghệ và con đường giao lưu văn hóa của người Mường Trong và Mường Ngoài. Đối với người Thái xứ Thanh, một phần vùng đất phía Tây đồi Lai Li Lai Láng thuộc đất mường KaDa - một mường lớn, nổi tiếng của người Thái ở châu Quan Hóa xưa. Đây là điểm đến đầu tiên của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam dừng chân trong cuộc thiên di về phương Nam, khai phá đất đai, lập mường dựng bản dẫn đến sự có mặt của tộc người Thái và vùng văn hóa Thái trên đất Thanh. Với người Mường Thanh Hóa, vùng đất Lai Li Lai Láng là địa bàn của những mường gốc có lịch sử lâu đời, trong đó mường Ống bên bờ sông Mã là địa danh nổi tiếng.

Đến với Pù Luông bạn sẽ có dịp được tiếp cận với những thành tố của văn hóa Thái, văn hóa Mường với các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc; được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản của người Mường, người Thái như rượu cần, rượu nếp cẩm, cơm lam và các món canh đắng, canh loỏng, canh rau sắng, cá nướng, thịt khô, xôi đồ với trứng kiến, hó moọc, chẻo trám, măng mu nướng, gỏi các loại cá, bánh trứng kiến, bánh ít, bánh lá, bánh sờn, chè củ mài nấu với mật ong rừng... Những món ăn, thức uống mang hương núi hoa rừng đã thành đặc sản, để lại dư vị khó quên.

Ngoài ra, bạn sẽ được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của người Mường, người Thái như khua luống, khặp Thái, múa sạp, xem các trò diễn dân gian Thái như: Kin chiêng boóc mạy, lễ hội Căm Mương. Đến với các bản Mường trong dịp xuân, bạn có thể tham dự lễ hội Pôồn Pôông vào mùa hoa bông trăng nở, thưởng thức các làn điệu dân ca, tham dự các đêm “đánh xường” thâu đêm suốt sáng với nhiều cung bậc, nghe kể huyền thoại mường về “Cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc” trên đồi Lai Li Lai Láng; nghe truyện thơ Mường để cùng trai gái Mường đi tìm “bùa yêu” trên núi Làn Ai và đến với hội ném còn mùa xuân. Những đêm hội mùa xuân vùng cao trong âm thanh trầm bổng của cồng chiêng và các làn điệu dân ca Mường, dân ca Thái thường níu chân bạn.


Một địa điểm bạn không thể bỏ qua khi đến Pù Luông đó là Kho Mường.  Bản Kho Mường nằm trong một thung lũng khá rộng và được bao quanh bởi các dãy núi như giăng thành. Những mái nhà sàn của người Thái lợp cọ đơn sơ nằm rải rác hai bên lòng suối, đi dọc theo con suối là sẽ tới cánh đồng Kho Mường, nơi khi lúa chín vàng rộm, bà con sẽ lại tíu tít ra đồng đi gặt và gánh gồng. Cuối lối mòn căng ngang qua cánh đồng lúa là Hang Dơi, một địa điểm khám phá còn khá hoang sơ với nhiều du khách. Từ Hang Dơi có thể phóng tầm mắt bao quát cả cánh đồng Kho Mường bát ngát giữa màu xanh trập trùng của núi non. Nếu bạn có ý định thám hiểm Hang Dơi hãy chuẩn bị thật kỹ các đồ đạc chuyên dụng. Theo thông tin từ Ban Quản Lý rừng Pù Luông, Hang Dơi được hình thành bởi các khối đá vôi có tuổi đời phát triển từ 250 triệu năm về trước, trong hang có ít nhất 4 loài Dơi đã từng cư ngụ.

Với nhiều du khách nước ngoài, Kho Mường là điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến trekking xuyên Pù Luông. 


Pù Luông – tên gọi đã trở nên thân quen trong ký ức của dân “phượt”, với hình ảnh bình yên của bản làng, đồng ruộng và những cung đường “offroad” khét tiếng sau cơn mưa.