Festival sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy TP Thanh Hóa lần 2 năm 2014

Từ ngày 30-10 đến 10-11, tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hoá diễn ra Festival sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy lần thứ 2- năm 2014.


Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 thành lập thành phố Thanh Hoá; chuẩn bị lễ công bố quyết định TP Thanh Hóa lên đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Festival sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy lần này nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tạo sự giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa các nghệ nhân, các hội trong và ngoài tỉnh góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp.

Tham gia Festival lần này có 22 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và 28 huyện, thị xã, thành phố, câu lạc bộ trong tỉnh với hơn 2.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, 5.000 tác phẩm đá quý, đá phong thủy, gỗ lũa. Trong đó, có nhiều tác phẩm đặc sắc, dáng thế độc đáo, tính thẩm mỹ cao.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hồi biểu dương TP Thanh Hóa đã tổ chức Festival này, đồng thời đề nghị Ban tổ chức Festival cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn tham dự tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, thưởng ngoạn; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày diễn ra Festival; các Hội sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy đẩy mạnh công tác truyền, dạy nghề sinh vật cảnh cho các hội viên và nhân dân, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, đá cảnh nghệ thuật để sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thủy thực sự phát triển thành “ngành kinh tế sinh thái” của tỉnh. Tích cực đấu mối với Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Hội sinh vật cảnh các tỉnh bạn để học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề sinh vật cảnh; đồng thời thường xuyên tham gia các festival sinh vật cảnh do Trung ương, các tỉnh bạn tổ chức để duy trì và phát triển “thương hiệu” sinh vật cảnh Thanh Hoá...

T.H

Thanh Hóa "Phá băng " thị trường bất động sản.

Qua nhiều năm lao đao, thị trường bất động sản (BĐS) Thanh Hóa đang có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiêu, theo  nhiều chuyên gia cho rằng để BĐS phục hồi cần phải tính bằng năm trong tương lai.


Cũng như cả nước, lâu nay thị trường BĐS Thanh Hóa đang chịu cảnh "đóng băng", khiến không ít chung cư, mặt bằng nhà ở không có khả năng thanh khoản nên phải nằm đắp chiếu. Trong cơn bĩ cực, nhiều DN đã cầu cạnh ngân hàng cho người dân vay vốn ưu đãi để mua. Tuy nhiên, tình hình cũng chẳng được cải thiện hơn là bao.

BĐS Thanh Hóa “vắng khách” trong thời gian qua còn có một nguyên nhân không nhỏ đó là tâm lý e dè của người dân. Trong lúc cả nước phải thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát, nhiều người dân cũng không còn hứng thú với đất đai, nhà cửa. Thêm vào đó, trong lúc nhiều mặt hàng giảm do phải cạnh tranh trong thời buổi khó khăn, thì BĐS Thanh Hóa vẫn giữ giá. Cộng với việc lãi suất ngân hàng cao đã làm thêm một gánh nặng cho thị trường này.

Sang năm 2013 thị trường BĐS có khá hơn khi Ngân hàng Nhà nước đã không còn hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất (BĐS, chứng khoán, tiêu dùng) như thời gian trước. Cụ thể các tổ chức, cá nhân sẽ được vay vốn để đầu tư, kinh doanh, mua bán BĐS với lãi suất không quá 15% năm. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) xuống thấp. Đây được cho là thông tin tích cực nhất mà thị trường BĐS có được để phục hồi. Thêm vào đó 2 kênh đầu tư khác là thị trường vàng và chứng khoán cũng không có khả năng thu hút nhà đầu tư.

Thế nhưng trên thực tế thì sau gần 3 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách nới rộng nguồn tiền cung, thị trường BĐS Thanh Hóa vẫn dẫm chân tại chỗ. Nhiều người cho rằng thị trường này đang “chạy đà” để bứt phá trong quãng thời gian tiếp theo.

Cũng trong năm 2013 Để góp phần phục hồi thị trường BĐS trên địa bàn T.P Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3409 thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thanh Hóa. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động thì trung tâm này lại “vướng” vào quy chế, nên chuyện lại chưa được như nhiều người mong đợi.

Sang năm 2014 một tín hiệu vui cho thị trường BĐS Thanh Hóa khi có hàng loạt dự án BĐS lớn lần lượt được triển khai như: Dự án Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn của tập đoàn Magnum (Dubai). Đây là cơ hội rất lớn thị trường bất động sản sầm sơn phát triển; Dự án khu nhà ở hỗn hợp FLC Thanh Hóa tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa; Dự án khu dân cư đô thị Phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa,.... 

Cùng với việc tỉnh bố trí nguồn vốn để GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngân hàng hạ lãi suất sẵn sàng cho vay với các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, mua sử dụng BĐS. Hi vọng đây là những dấu hiệu tốt để Thanh Hóa có thể "phá băng" thị trường BĐS tỉnh nhà trong tương lai không xa.


Thanh Hóa sẽ có thêm cảng hàng không 1.000 tỷ đồng

Phát biểu tại tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và du lịch vào tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo: “Một thông tin đáng mừng cho nhà đầu tư là, bên cạnh Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa sẽ có thêm một cảng hàng không nữa. Cảng hàng không này đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng”.

 
Cũng theo ông Chiến, Khu kinh tế Nghi Sơn, một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, được Chính phủ dành cho cơ chế ưu đãi đặc biệt, đang được mở rộng quy mô từ 18.000 ha lên 66.000 ha.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8/2014, tỉnh thu hút thêm 50 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, trong đó 90% là dự án của nhà đầu tư Nhật Bản.

“Các nhà đầu tư Nhật Bản rất khó tính, nhưng họ đã đến Thanh Hóa, đã đầu tư, đã ‘chơi’ được với Thanh Hóa, thì các nhà đầu tư khác hoàn toàn có thể đến Thanh Hóa đầu tư và gặt hái thành công”, ông Chiến phân tích.

Ông Nakano Takashi, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Thanh Hóa, bởi tỉnh này có nguồn nhân lực dồi dào, có cảng biển, nên thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Tỉnh cũng có 3 nhà máy nhiệt điện, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các doanh nghiệp hoạt động.

Theo ông Nakano Takashi, với những thế mạnh sẵn có, tỉnh Thanh Hóa nên tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp có quy mô lớn, thâm dụng lao động để giải quyết việc làm cho người lao động, như sản xuất tơ sợi, may mặc, điện tử.

Tại Hội nghị, tỉnh Thanh hóa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án, đồng thời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã công bố Dự án Nhà máy sản xuất soda chất lượng cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với quy mô 100.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 39 triệu USD. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn hóa chất CIECH (Ba Lan).

Trong số 13 dự án được cấp phép, một số dự án FDI có thể giúp Thanh Hóa giải bài toán lao động, như góp ý của ông Nakano Takashi. Cụ thể, Dự án sản xuất giày dép xuất khẩu của Công ty TNHH Giày Sun Jade Việt Nam. Dự án này có quy mô 24 triệu đôi/năm, tổng mức đầu tư 60,5 triệu USD. Dự án đầu tư mở rộng này dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9/2015.

Hay dự án khác là Nhà máy May Việt Pan-Pacific Thanh Hoá, do Công ty TNHH Việt Pan-Pacific Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 1,9 triệu sản phẩm/năm, có tổng mức đầu tư 8,6 triệu USD. Dự án khởi công tháng 10/2014 và dự kiến đến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động.

Ở góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Đặng Tất Thắng, Trưởng ban Dự án đầu tư của Tập đoàn FLC cho biết, hiện FLC đã và đang đầu tư lớn vào Thanh Hóa, như Dự án FLC Samson Beach & Golf Resoft (5.500 tỷ đồng), FLC multi-complex Building Thanh Hóa (1.200 tỷ đồng)…

“Thanh Hóa tạo cơ chế thoáng cho các nhà đầu tư. Không những vậy, tỉnh còn có ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư lớn”, ông Thắng cho biết và tỏ ra không ngạc nhiên khi năm 2013, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa xếp thứ 8.

Theo: Baodautu.vn

'Hố tử thần' khổng lồ xuất hiện ở Thanh Hóa

Nhiều hộ dân địa phương đã phải di chuyển tài sản để đảm bảo an toàn, sau khi "hố tử thần" rộng khoảng 15 m, sâu hơn 25 m xuất hiện ở xã Quý Lộc (huyện Yên Định, Thanh Hóa).

Miệng hố tử thần rộng hơn 15 m, sâu khoảng 25 m. Ảnh: Lê Hoàng.

Khoảng hơn 4h sáng nay, "hố tử thần" bất ngờ xuất hiện ở con đường liên thôn 2, xã Quý Lộc (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ban đầu miệng hố chỉ rộng chừng 1,5 m nhưng ít giờ sau, miệng hố liên tục mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Tôi đang ngủ trong nhà thì nghe một tiếng "ầm" lớn phát ra. Vơ vội cây đèn pin tôi lao ra sân thì phát hiện một hố sâu phía con mương sát bức tường của gia đình. Miệng hố cứ thế khoét sâu. Nhiều khối đất đá, cây cối cũng bị kéo xuống lòng đất”, ông Dương Đức Hiền (58 tuổi), ở gần hiện trường kể .

Người dân sau đó báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương. Hiện các phương tiện cơ giới đã bị cấm đi vào khu vực, điện lưới cũng bị cắt.

Hố tử thần ăn sát vào nhà ông Trịnh Đình Nghị. Ảnh: Lê Hoàng.

Miệng “hố tử thần” đã rộng hơn 15 m, sâu hơn 25 m và đang tiếp tục sụt lún. Một nửa con đường liên thôn cũng bị ngoạm mất. Rất may chưa có thương vong về người.

Theo người dân địa phương, khu vực xuất hiện hố tử thần vốn là mảnh đất nguyên thổ từ xa xưa. "Mấy chục năm sinh sống, chưa bao giờ bà con chứng kiến hiện tượng kỳ lạ như vậy nên nhiều người rất hoang mang lo lắng", một cụ ông ở hiện trường cho hay.

Gần trưa cùng ngày, chính quyền xã Quý Lộc đã yêu cầu các hộ dân sinh sống quanh khu vực di dời tài sản. Dân quân, công an địa phương đang túc trực gác miệng hố để đảm bảo an toàn.

Hàng trăm người dân địa phương vẫn tiếp tục kéo về thôn 2 để tận mắt quan sát hố tử thần.

Hàng trăm người dân địa phương theo dõi vụ việc. Ảnh: Lê Hoàng.

Chiều 28/10,  Ông Lê Vũ Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, UBND huyện đang yêu cầu các ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sớm nhất.

"Trước mắt, chính quyền đã cho di dời người già, trẻ em và tài sản đến nơi an toàn, sau đó sẽ lên phương án giải quyết sự cố bất thường này", ông Lâm nói.

Nguồn: Vnexpress

Nước mắm Thanh Hương


Để có được loại nước mắm thơm ngon, quy trình chế biến cũng như chọn nguyên liệu rất chặt chẽ. Trước tiên, phải chọn loại cá nhiều đạm (chủ yếu là cá cơm, nục và trích). Tiếp đó, nguyên liệu phải được phơi, trộn muối cẩn thận, sau đó chuyển về chượp chín đúng thời gian. Thời gian ngâm ủ, chượp rất quan trọng, nếu quá chín sẽ sẫm màu, dẫn đến nước đen, khê khét; nếu dùng sớm thì đạm ít, có mùi tanh và hương kém, chính vì thế phải duy trì đúng thời gian, nhiệt và phải ướp cá theo tỷ lệ 4 cá/1 muối (tức 4kg cá/kg muối) và 1kg cá chỉ lấy tối đa 0,7 lít nước mắm. 

Điều đặc biệt và bí quyết thành công là nước mắm Thanh Hương không sử dụng chất điều vị mà tận dụng sự tinh khiết của nguyên liệu cá. ông Nguyễn Bá Thang, Giám đốc Công ty khẳng định: “Nước mắm Thanh Hương không bao giờ sử dụng chất điều vị vì sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của sản phẩm. Chính điều này đã giúp Công ty luôn giữ vững thương hiệu”. Ông Thang cho biết thêm: “Nước mắm Thanh Hương được kết hợp giữa công nghệ truyền thống và hiện đại. Cá được mua từ các vùng biển như Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), đặc biệt là Ninh Thuận, nơi có cá ngon, nhiều đạm, tuy mua với giá cao gần 3 lần nhưng vì chất lượng sản phẩm, chúng tôi vẫn nhập. Một năm Công ty sử dụng 5.000-6.000 tấn cá nguyên liệu”.

Hiện, nước mắm Thanh Hương đã có mặt ở khắp các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung. Đối với người tiêu dùng Thanh Hoá, nước mắm Thanh Hương đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. 

Nhiều người cho rằng, trước đây nước mắm Thanh Hương chỉ đến được bếp ăn chứ chưa lên được bàn ăn vì mẫu mã không bắt mắt, nhưng theo quan sát của chúng tôi thì nhiều nhà hàng, khách sạn tại Thanh Hoá đều đang sử dụng nước mắm Thanh Hương cho cả nấu và chấm.

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay Công ty Thanh Hương có địa chỉ mới tại Cầu Ghép (huyện Tĩnh Gia) và là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần hoá. Hàng năm, Công ty đều nhận được cờ thi đua, bằng khen của tỉnh, các bộ ngành và Chính phủ. Cụ thể, năm 2002, 2007 Công ty đã được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Hai; năm 2003 nhận Cúp vàng giải thưởng chất lượng Việt của Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2007, thương hiệu nước mắm Thanh Hương chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký độc quyền . Những giải thưởng này sẽ là nguồn động viên để cán bộ, công nhân viên Công ty Nước mắm Thanh Hương ngày càng giữ vững uy tín, sản xuất loại nước chấm thơm ngon, mãi mãi gần gũi trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng Việt.

Họp báo “Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa kết nối các di sản thế giới”

Ngày 24-10-2014, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo về Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 tại Thanh Hóa.


Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các thành viên Ban Tổ chức và tiểu Ban Tuyên truyền Năm du lịch Quốc gia 2015- Thanh Hóa cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa nhấn mạnh: Năm du lịch Quốc gia - sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là cơ hội tốt để tuyên truyền quảng bá tiềm năng và thế mạnh du lịch Việt Nam nói chung, và địa phương đăng cai tổ chức nói riêng. Để tranh thủ “cơ hội vàng” , tạo “cú hích” cho du lịch Thanh Hóa, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh đang tập trung cao độ chuẩn bị cho việc tổ chức Năm du lịch Quốc gia. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, tích cực, chủ động và tư vấn cho tỉnh Thanh Hóa trong công tác tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau dịp tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa để giúp du lịch Thanh Hóa nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung, phát triển lên tầm cao mới.

Với chủ đề “Kết nối các Di sản Thế giới”, Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa là cơ hội để giới thiệu và quảng bá với du khách trong nước và quốc tế những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh đặc sắc; mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các địa phương trong và ngoài nước; đặc biệt là những tỉnh, thành phố có di sản thế giới, nhằm phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng. Thông qua sự kiện của Năm Du lịch quốc gia để xây dựng các sản phẩm du lịch có tính liên kết, độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế; góp phần mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, khai thác các nguồn lực tự nhiên, xã hội cho phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

 Điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia 2015 là Lễ Khai mạc tổ chức vào tháng 3 năm 2015 được truyền tải thông qua chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Thanh Hóa - một vùng di sản - hội tụ và tỏa sáng”. Tiếp đến là các sự kiện độc đáo, hấp dẫn như: Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa; Lễ kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng; Liên hoan “câu hò nối những dòng sông”; Trại sáng tác điêu khắc đá quốc tế; Lễ hội Du lịch biển; Công bố tuyến du lịch "Ngược xuôi sông Mã"; Liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh, thành phố có di sản thế giới; Hành trình kết nối di sản thế giới; các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Mai An Tiêm; các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế… tại Thanh Hóa và 20 sự kiện tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới trong cả nước sẽ được diễn ra liên tục trong suốt năm 2015.

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt nhấn mạnh: Việc tổ chức năm du lịch quốc gia 2015 – Thanh Hoá là thời cơ, vận hội để quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt với du khách, bạn bè nước ngoài. Do vậy, tỉnh Thanh Hoá mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo quan tâm, tích cực và chủ động tuyên truyền có hiệu quả sự kiện ý nghĩa này.

T.H

Tìm kiếm đại sứ năm du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa


Năm Du lịch Quốc gia 2015 được tổ chức với quy mô cả nước diễn ra ở các tỉnh, thành phố có Kinh đô cổ và di sản văn hoá thế giới với chủ đề “Hành trình về Kinh đô cổ Việt Nam”, gồm năm tỉnh thành phố đã từng là Kinh đô cổ như: Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Thanh Hóa vinh dự được Nhà nước chọn làm nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Việt Nam năm 2015.

Cuộc thi “Người đẹp xứ Thanh” không những là tôn vinh vẻ đẹp con người xứ Thanh Hóa, mà còn là “ Kết nối Di sản Thế giới”, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm nhằm kết nối các Kinh đô cổ là Di sản Thế giới; đồng thời gắn các hoạt động du lịch với tuyên truyền quảng bá Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần V - ASIAN Beach Games - 2016; tạo sự liên kết giữa các hoạt động du lịch với các điểm đến du lịch trọng điểm, thu hút lượng khách du lịch lớn trong nước và Quốc tế.

Phát huy những mặt tích cực và tốt đẹp của cuộc thi đối với cộng đồng xã hội về vẻ đẹp nhân văn của Đất và Người Thanh Hóa, tìm kiếm những gương mặt xuất sắc, đại diện cho nhan sắc của tỉnh Thanh Hóa, tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2015, qua đó đặt mục tiêu quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Đất và Người Thanh Hóa đến với bạn bè cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (chủ trì), Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (phối hợp), Công ty cổ phần Lam Đa Việt Nam (thực hiện) cùng các cơ quan liên quan, tổ chức cuộc thi “Người đẹp xứ Thanh” năm 2014.’

Mục đích cuộc thi

1.  Cuộc thi “Người đẹp xứ Thanh” năm 2014 là một trong những hoạt động khởi động cho Năm Du lịch Quốc gia tổ chức tại Thanh Hóa năm 2015.

2. Cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ xứ Thanh nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Vẻ đẹp về tâm hồn, tài năng, trí tuệ. Đề cao cái đẹp của người phụ nữ truyền thống và cái đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ CNH – HĐH. Để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức vấn đề thật sâu sắc và ý nghĩa

3. Cuộc thi là dịp giao lưu, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa của vùng đất “Địa linh – Nhân kiệt” với những nét văn hóa đa dạng và riêng có. Từ đó, giới thiệu với bạn bè trong nước và Quốc tế đến với vùng đất Thanh Hóa anh hùng.

4. Qua cuộc thi, thể hiện lòng tự hào là con cháu của Bà Triệu. Người phụ nữ anh hùng, kiên trinh bất khuất đã đi vào huyền thoại. Tiếp nối những trang sử hào hùng, những truyền thống tốt đẹp vun đúc nên con người “xứ Thanh” từ hàng trăm năm nay, hướng đến những giá trị mới vừa hiện đại vừa truyền thống.

5.  Cuộc thi là dịp tìm kiếm gương mặt xuất sắc trở thành hình ảnh đại diện giới thiệu các danh lam, thắng cảnh của Thanh Hóa cho Năm Du lịch Quốc gia 2015.

Điều kiện tham gia và Thể lệ cuộc thi

1. Đối tượng tham dự cuộc thi

- Nữ thanh niên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hóa, đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thanh Hóa và các tỉnh thành khác trên toàn quốc.
- Nữ thanh niên có hộ khẩu tại các tỉnh thành khác nhưng đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (có thời gian tối thiểu tạm trú tại Thanh Hoá 06 tháng trở lên).
- Có độ tuổi từ 18 đến 27.

2. Tiêu chuẩn tham dự

- Nữ thanh niên có ngoại hình khá, sức khỏe tốt (chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và chuyển đổi giới tính).
- Chưa lập gia đình, chưa sinh con.
- Chiều cao từ 1m60 trở lên.
- Yêu thích các công tác Xã hội và các hoạt động Đoàn thể.
- Có phẩm chất và tư cách đạo đức tốt.
- Hoàn thành tốt các chương trình học tập tại trường học và các chính sách quy định của nhà nước và địa phương.
- Không có tiền án, tiền sự. Không vi phạm các quy định, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Chưa từng quay phim, chụp ảnh phản cảm hoặc những hành động tương đương, trái với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam.

Yêu cầu trình độ:
+ Đối với nữ thanh niên đang học tập tại các trường PTTH: Yêu cầu phải là học sinh lớp 12 (có xác nhận của nhà trường nơi đang theo học).
+ Đối với các đối tượng khác: Yêu cầu tối thiểu phải có bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH hoặc Bổ túc Văn hóa.
+ Các thí sinh có trình độ cao hơn: Yêu cầu phải nộp bản sao văn bằng chứng chỉ (có công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Hồ sơ, thủ tục đăng ký

Nhận hồ sơ:

- Đơn đăng ký dự thi (theo mẫu).
- Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị nơi thí sinh đang học tập, công tác).
- Bằng tốt nghiệp hoặc giấy xác nhận của nhà trường đã tốt nghiệp trung học phổ thông (bản sao có công chứng).
- 3 ảnh 15cm x 20cm gồm: 1 ảnh chân dung, 1 ảnh toàn thân  và 1 ảnh trang phục tự chọn của thí sinh.
- Hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân của thí sinh tham gia dự thi (có công chứng).
- Thời gian đăng ký dự thi: chậm nhất ngày 17/11/2014.

LƯU Ý: Hồ sơ nếu gửi qua đường bưu điện thì phong bì phải dán tem và ghi rõ “Hồ sơ đăng ký dự thi
Người đẹp xứ Thanh năm 2014”

NƠI NHẬN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI

Mọi thông tin liên hệ về cuộc thi:

1. Mr. Huy – ĐT: 0935.600.399;  Email: Huydangpvc@gmail.com
2. Ms. Thảo – ĐT: 0904.740.682; Email: Thaokieu.p@gmail.com
3. Nơi nhận hồ sơ:
- Công ty CP Lam Đa Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 7, số 34 Hoàng Cầu mới, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Số điện thoại: 043. 2008. 399     Fax: 043. 2008. 399
- Chi nhánh Lam Đa Việt Nam tại Thanh Hóa
Địa chỉ: 47 Lê Hữu Lập, Phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa
Hotline: 0904.740.682
Email: Nguoidepxuthanh2014@gmail.com

4. Địa chỉ Website:
Lamdavietnam.com.vn
Nguoidepxuthanh.com.vn

Theo: nguoidepxuthanh.com.vn

Khởi công xây dựng dự án khu dân cư đô thị phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa


Ngày 19 – 10, Công ty CP Xây dựng Trường Thọ (chủ đầu tư) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. 

Dự án khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa có diện tích 24.752 m2, trong đó diện tích xây dựng 15.950 m2. Khu dân cư được xây dựng khu biệt thự, khu nhà liền kề, khu nhà thương mại kết hợp nhà ở, khu công viên cây xanh và nhà văn hóa. Đường giao thông được thảm bê tông nhựa, vỉa hè lát đá và trồng cây xanh... Đây là khu dân cư với các mẫu nhà thiết kế đẹp, tiện nghi, hiện đại kết hợp phong cách Việt cho nhà biệt thự. Khu nhà liền kề theo các cụm nhà với cùng chiều cao, số tầng theo đúng qui hoạch phê duyệt xây dựng, nhưng khác nhau về mặt tiền nhà và màu sắc. Nội thất căn nhà do khách hàng tự thiết kế, để khách hàng có quyền tự chọn và cam kết trên hợp đồng phải xây dựng nhà đúng như mẫu thiết kế mặt tiền của chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án đến năm 2015, vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho khách hàng mua nhà, mua đất của dự án, Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt cam kết cho khách hàng vay tiền đến 70% tổng giá trị mua nhà, đất và với mức lãi suất ưu đãi nhất, thời hạn vay lên đến 15 năm.

Tại lễ khởi công ngân hàng Thương mại CP Bưu điện Liên Việt cam kết cho khách hàng vay tiền đến 70% tổng giá trị mua nhà, đất và với mức lãi suất ưu đãi nhất, thời hạn vay 15 năm.

Các đồng chí Hoàng Văn Hoằng, Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Ngọc Hồi và các đại biểu khởi công xây dựng dự án khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa.

T.H

UBND tỉnh tổ chức họp báo 09 tháng đầu năm 2014 và một số nội dung về Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa.

Chiều 15/10/2014, UBND tỉnh đã tổ chức họp báo thông báo tình hình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 09 tháng đầu năm 2014, ước thực hiện cả năm 2014 và một số nội dung về Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa. Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Vương Văn Việt - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi họp.

Tại buổi họp báo, UBND tỉnh đã thông báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế 09 tháng đầu năm 2014 của tỉnh đạt 10,4%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước (năm 2012 là 9,2%, năm 2013 là 9,8%); về đầu tư phát triển, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 131 dự án (3 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.468 tỷ đồng và 22,3 triệu USD, so với cùng kỳ, gấp 2,9 lần về số dự án và 2 lần về vốn đầu tư đăng ký. Văn hóa - Xã hội, Y tế, Giáo dục và giải quyết việc làm có sự chuyển biến đáng kể. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững,...

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác chỉ đạo, điều hành ở một số ngành, địa phương thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sâu sát; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số ngành, địa phương còn chưa nghiêm, chưa chủ động trong giải quyết và thực thi công việc...

Đồng chí Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Trong 3 tháng cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực do mình quản lý để tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2014 theo Chương trình công tác của UBND tỉnh.

Tiếp đó, đồng chí Phạm Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giới thiệu về Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa. Theo đó, điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia 2015 là Lễ khai mạc tổ chức vào tháng 3/2015 với chủ đề "Thanh Hóa - một vùng di sản - hội tụ và tỏa sáng". Tiếp đến là các sự kiện độc đáo, hấp dẫn như: Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng chiến thắng; Trại sáng tác điêu khắc đá quốc tế... và 20 sự kiện tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới trong cả nước, liên tục diễn ra trong năm 2015.

Tại cuộc họp báo, đồng chí Đỗ Hữu Quyết - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã thông báo về tình hình hoạt động báo chí 09 tháng đầu năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo, nhiều phóng viên, nhà báo đã tham gia đóng góp các ý kiến giúp UBND tỉnh giải quyết tốt hơn các vấn đề được báo chí nêu. Một số ý kiến cũng thẳng thắn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm và công khai thông tin các vấn đề xảy ra trong thời gian qua mà báo chí đề cập. Nhiều ý kiến trong buổi họp báo cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 09 tháng đầu năm 2014. Đồng thời bày tỏ niềm tin về các giải pháp, nhiệm vụ của tỉnh, cũng như ủng hộ, đồng hành vào các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt đã ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của các cơ quan báo chí trong tỉnh, cơ quan báo chí đại diện, các phóng viên thường trú trên địa bàn đã đóng góp nhiều tin, bài cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục vươn lên hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương phải công khai minh bạch thông tin cho báo chí, để phục vụ tốt hơn nữa trong công tác truyền bá thông tin trong tỉnh, đặc biệt là hướng tới Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa.


Nguồn: thanhhoa.gov.vn


Món nhái hấp của người Mường xứ Thanh

Nhắc đến những món ăn dân dã mang hương vị đồng quê, nhiều người không thể bỏ qua các món ăn được chế biến từ thịt nhái. Từ thịt nhái, người Mường xứ Thanh cũng có một món ăn đặc sản: “nhái đồ”.


Đối với những ai từng một thời gắn bó với ruộng đồng thì những kỉ niệm ấu thơ gắn liền với con cua, con ốc, con nhái… sẽ không thể nào quên. Đó là những buổi sớm tinh mơ hay những chiều tối theo chân các ông, các bố ra đồng bắt nhái, hay hình ảnh lũ bạn đùa nhau ríu rít cùng bắt nhái... Với một dụng cụ đơn giản là chiếc giỏ đựng nhái, hay đôi khi thêm chiếc đèn pin lúc trời tối là có thể bắt đầu việc bắt nhái.

Âm thanh đồng quê cứ rộn ràng náo nức với tiếng gió vi vu, tiếng côn trùng kêu, tiếng ếch, tiếng nhái. Một bản hòa ca của ruộng đồng lúc trầm lúc bổng mà nếu không tập trung, bạn khó lòng phát hiện đâu là tiếng nhái. Phải tập trung lắng nghe, định hướng chính xác và nhanh như cắt, dùng tay chụp mạnh là chú nhái sẽ nằm gọn trong tay. Từng con, từng con một sẽ bị thu phục vào trong chiếc giỏ. Và với một giỏ nhái mới bắt được hứa hẹn sẽ là những món ăn vô cùng hấp dẫn.

Thịt nhái có thể được chế biến làm nhiều món ăn hấp dẫn như chả nhái, nhái chiên giòn, cháo nhái, nhái nướng… Đây là những món ăn đã trở nên quen thuộc với người dân Việt. Nhưng có lẽ ít người được thưởng thức món “nhái đồ” – món ăn độc đáo của người Mường xứ Thanh. Bởi lẽ chỉ khi tiếp đãi khách quý thì đồng bào nơi đây mới dùng món này.


Những đặc sản của người Mường Thanh Hóa

Ngoài món thịt thú rừng nướng được ưa dùng ở các vùng miền núi, khi đến bản Mường Thanh Hóa du khách còn được thết đãi bánh trứng kiến hoặc thịt lợn muối chua.

Gắn bó mật thiết với rừng núi, sông suối, đồng ruộng. Người Mường thường tận dụng các sản vật tự nhiên sẵn có để làm đa dạng cũng như luôn cải thiện mới bữa ăn gia đình. Tuy không có các loại quà bánh phong phú như miền xuôi nhưng họ sử dụng mọi nguồn sản vật tự nhiên sẵn có để tạo ra nhiều món ngon, đặc sản mà nếu có dịp thưởng thức một lần chắc chắn du khách sẽ không thể nào quên được.

Bột nếp trộn cùng nhân trứng kiến béo ngậy, gói trong lá vả tạo nên món bánh thơm ngon đặc biệt. Nguồn: tieudungviet.

Bánh trứng kiến

Để làm loại bánh này người Mường thường vào rừng tìm cây xoan, tre hay cây luồng nào có những tổ kiến to. Kiếm được trứng kiến tùy vào số lượng ít hay nhiều mà lựa chọn gạo cho phù hợp. Gạo sau khi ngâm, xay thành bột thì đem trộn đều với trứng kiến. Kế đó rưới nước vào bột cho thật dẻo và nặn thành từng viên, lấy lá vả non gói lại rồi cho vào nồi chưng lên. Khoảng nửa tiếng là bánh đã chín, mang ra xếp vào rổ để nguội là có thể thưởng thức. Mùi thơm của bột nếp và mùi béo ngậy của trứng kiến tạo nên hương vị đặc biệt của núi rừng mà khi về miền xuôi khó tìm lại được.

Loại bánh này dùng để cúng ma vào rằm tháng ba hàng năm, làm quà biếu hoặc mời người thân và xóm giềng tới ăn. Ngoài ra, từ trứng kiến người Mường còn có thể nấu cùng cơm nếp, xào với rau, nhưng ngon và được nhiều người ưa làm nhất vẫn là món bánh trứng kiến.

Canh nhái măng chua

Nhái và măng chua là hai thực phẩm sẵn có ở vùng núi, người ta có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn khác nhau, tuy nhiên món canh nhái măng chua lại hấp dẫn hơn cả. Nhái được bắt ở ruộng, ven suối, ao hồ đem vào nhốt khoảng một ngày, để chúng dẫm đạp lên nhau tiết ra hết chất nhớt. Sau đó mới mổ bụng, bỏ ruột, đầu và chân. Đem băm nhỏ, trộn gia vị và xào lên cho săn lại. Măng chua sẵn có trong vại lấy ra rửa sạch và nấu chung với thịt nhái xào.

Đây là món canh trong bữa cơm thường ngày của người Mường và cũng được dùng để đãi khách trong các dịp lễ. Xưa kia, các lang đạo Mường tiếp đón quan trên cũng hay dùng đến món này.

Xôi nếp với màu tím cây ngom trông đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Mocchauxanh.

Người Mường thường trồng cây ngom để dùng làm màu khi đồ xôi. Một bụi ngom có ba màu đỏ, xanh, tím. Để tạo màu người ta nấu ba nồi nước màu riêng bằng lá ngom, sau đó cho gạo nếp vào ngâm, đến khi có màu ưng ý thì vớt ra. Đồ xôi ba màu nhưng chỉ đồ một lần, khi cho gạo vào nồi để tránh ba màu trộn lẫn vào nhau ở giữa người ta để lá chuối ngăn gạo thành ba ngăn riêng. Khi chín, đổ ra dĩa, sắp xếp thành các màu khác nhau.

Thịt hoẵng nướng

Khi săn được hoẵng, người ta dùng lá cây khô thui cho cháy hết lông, dùng dao cạo sạch rồi mới lột da, mổ bụng. Thịt hoẵng được thái thành từng miếng khoảng bàn tay rồi xiên vào que tre đem nướng trực tiếp trên ngọn lửa đang bốc mạnh làm cho thịt se lại chứ không chín kỹ. Sau đó, thái thành từng miếng nhỏ theo chiều ngang đem bóp chung với riềng, muối trắng cùng các gia vị khác. Khi bày ra ăn thì cho thêm lá chanh thái nhỏ. Đây là món tái nướng, ăn vừa ngọt, vừa thơm, nhắm rượu thì ngon hết ý.

Thịt lợn muối chua trước khi ăn sẽ được rắc lên một ít thính và ăn kèm với lá sung hoặc lá mơ. Ảnh: ttdl.

Người Mường ở vùng núi, nhiều khi săn được chim thú ăn tươi không hết người ta nghĩ ra cách ủ chua để ăn dần quanh năm. Thịt trước khi đem ủ sẽ bóp với muối, thính và rượu. Sau đó thịt được gói trong lá dong, lá chuối, dùng lạt xâu các gói thịt lại rồi treo lên giàn bếp. Để khoảng 10 -15 ngày đem ra ăn liền, thịt có vị chua, ngọt, thớ thịt săn dai, nhai kỹ hương vị thấm vào miệng tạo cảm giác rất ngon.

Không chỉ có thịt người ta còn ủ cả cá các loại như cá chép, cá trôi, cá rô, các thia thia, cá tép... Cá sau khi làm sạch, bỏ lòng, cắt miếng ướp với muối, thính và quả cà đắng thái nhỏ để tăng vị chua. Mỗi loại cá cho một hũ riêng, dùng lá chuối khô nút chặt miệng hũ, bên ngoài bao thêm lớp tro bếp. Đặt hũ cá cạnh bếp nấu, hàng ngày cứ phủ thêm lớp tro ấm mới vào. Sau sáu tháng, mở hũ ra là đã có được món cá ngấu ăn rất ngon.

Lan Thoa - Vnexpress

Bắn pháo hoa kỷ niệm 20 năm thành lập TP Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý cho UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp nhân sự kiện kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP Thanh Hóa.




Tỉnh Thanh Hóa sẽ bắn pháo hoa trong 15 phút vào tối ngày 16/11/2014 tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức bắn pháo hoa phải thực hiện theo đúng Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; bảo đảm an ninh trật tự và tuyệt đối an toàn; không dùng ngân sách nhà nước.

Thành phố Thanh Hóa được xác định là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa, là một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao của vùng phía Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; là đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp sạch công nghệ cao.

Nguồn: Phương Nhi (Chinhphu.vn)

Mía Kim Tân

Kim Tân là thị trấn - trung tâm trao đổi mua bán sầm uất của huyện Thạch Thành. Nơi đây nổi tiếng với những đồi mía trải dài bất tận, vào mùa thu hoạch mía người dân thường tập trung về thị trấn mua bán từ đó cái tên mía Kim Tân ra đời.



Mía Kim Tân thật lạ! Cũng giống mía này, đem trồng ở bất cứ nơi nào cũng không có được vị ngọt độc đáo, mùi thơm quyến rũ như mía Kim Tân xứ Thanh, vừa tròn đều, vàng óng, vừa lấm tấm sắc mật đủ để cho bao du khách gần xa phải say lòng và khoái khẩu...

Xưa kia là của ngon vật lạ để tiến vua, vì thế mà giống mía Kim Tân được người nơi đây truyền qua nhiều thế hệ. Chất đất đỏ màu mỡ trên đồi giúp cây mía sinh trưởng tốt và tích tụ mật ngọt thơm. Thân mía không cao như mía dưới xuôi, ước chừng đến đầu người; mình tròn lẳn như cổ tay người con gái ở tuổi đương xuân; dóng mía thưa mắt, mía ăn thật giòn, mềm và ngọt; mặt ngoài dóng mía có màu tím biếc nhìn đã thấy ưa.

Mía Kim Tân bổ dưỡng và rất lành nên còn gọi là mía thuốc. Một ly nước mía ướp lạnh có thể làm dịu ngay cơn khát trưa hè; vào mùa đông bên bếp than hồng được ngồi nhâm nhi túi mía Kim Tân hấp nóng ngào ngạt hương bưởi thì thật thú vị.

Mùa gió heo may cũng là mùa mía Kim Tân vào độ ngọt nhất. Trên dọc hành trình về chiến khu Ngọc Trạo xưa, những khi mỏi bước hãy dừng chân thưởng thức Mía Kim Tân. Tước dóng mía tròn lẳn, vàng óng, mềm ngọt trên miệng sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của sản vật nổi tiếng này - đó cũng là tinh hoa của đất trời và tình người quê Thanh!

Thanh Hóa: Nắn cong đường để qua nhà nguyên phó chủ tịch tỉnh

Ở Thanh Hoá, người ta đang cố gò ép bằng mọi lý do dù là vô lý nhất để nắn cong con đường đã được phê duyệt chỉ để cho nhà nguyên phó chủ tịch tỉnh mở ngõ ra phố. Trong khi đó, nhiều hộ dân “khóc dở, mếu dở” vì chuyện nắn đường này.

Hiện trạng ngõ rộng 8m đi vào cổng nhà ông Nguyễn Văn Thát. Ảnh: XUÂN HÙNG

Đường Dương Đình Nghệ kéo dài (đoạn từ nút giao với đường Lý Nhân Tông đến nút giao với QL1A cũ - đường Bà Triệu thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá) đang thi công theo phương án đã được phê duyệt thì phải dừng lại do có đơn xin… nắn cong đường của ông Nguyễn Văn Thát - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - để nhà ông ra mặt phố. Công trình đình trệ chỉ vì cái đơn vô lý này.

Kiến nghị nắn đường để "ông" mở ngõ

Ngày 7.7.2005, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt mặt bằng quy hoạch thi công đường Dương Đình Nghệ kéo dài số 87/XD-UB. Theo đó, đường có chiều rộng 32m và “phù hợp quy hoạch chi tiết khu Nam Ngạn - Cầu Hạc - TP.Thanh Hoá”. Bình đồ tuyến thi công tỉ lệ1/500 đã được ông Lê Thế Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt. Theo thiết kế thi công này thì lô đất nhà ông Nguyễn Văn Thát - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nằm trong quy hoạch đường, ông có thể mở cổng thẳng ra đường 32m này.

Do điều chỉnh lại kinh phí, ngày 29.6.2010, ông Nguyễn Xuân Phi - Chủ tịch UBND TP.Thanh Hoá - đã ký duyệt điều chỉnh lại bình đồ tuyến 1/500 trên cơ sở bình đồ 87/XD-UB nói trên. Theo đó, mặt cắt ngang sẽ rút xuống 26m, tim đường giữ nguyên, thu hẹp mỗi bên 3m. Bình đồ tuyến thi công này được điều chỉnh dựa trên Quyết định (QĐ) số 1700/QĐ-UBND ngày 20.5.2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Ngay sau đó, UBND TP.Thanh Hoá đã ra các QĐ phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng làm đường. Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành, UBND tỉnh, Sở Xây dựng, UBND TP.Thanh Hoá cũng có nhiều văn bản chỉ đạo nhanh chóng đẩy mạnh thi công theo bình đồ và các QĐ trên.

Tuy nhiên, với bình đồ thi công mới này, lô đất nhà ông Thát chỉ còn có lối ra đường Dương Đình Nghệ kéo dài là 2,5m, không thoả mãn ý định mở ngõ rộng ít nhất 6m của ông. Do vậy, ngày 30.9.2013, ông đã có đơn “kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường Dương Đình Nghệ kéo dài...”. Theo đó, ông Thát kiến nghị “chủ tịch tỉnh cho xem xét điều chỉnh chi tiết đoạn này để tôi có cổng ra đường Dương Đình Nghệ ít nhất 6m”.

Mọi quan điểm đều sụp đổ vì đơn “nắn cong đường”

Mọi việc bắt đầu rối tung từ ngày có đơn xin “nắn đường” nói trên của ông phó chủ tịch tỉnh về hưu. Ngày 4.10.2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - ông Nguyễn Ngọc Hồi - có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 8177/UBND-CN giao UBND TP.Thanh Hoá “nghiên cứu, giải quyết đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thát”.

Ngay sau đó là hàng loạt cuộc họp, hội nghị nhằm nắn cong đường theo đề nghị của ông Thát. Ngày 31.12.2013, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND TP.Thanh Hoá - ký duyệt báo cáo chủ tịch tỉnh với nội dung thống nhất với đề nghị nắn đường vô lý nói trên.Theo tinh thần của văn bản báo cáo này thì mọi QĐ trước kia của chủ tịch UBND tỉnh cũng như các cơ quan tham mưu, trong đó có hồ sơ quy hoạch chi tiết đã được các cấp phê duyệt tại mặt bằng số87/XD-UB của UBND tỉnh và mặt bằng số1070XD-UBTH của UBND TP.Thanh Hoá đều... xếp xó.

Mọi quan điểm chỉ đạo, tinh thần khách quan trước đó đều bị đổ sụp trước lá đơn vô lý của nguyên phó chủ tịch tỉnh. Các cơ quan tham mưu như Sở Xây dựng, UBND TP.Thanh Hoá, Sở KHĐT, Sở GTVT, Viện Quy hoạch xây dựng Thanh Hoá đều mâu thuẫn với những gì đã ký duyệt trước ngày có đơn kiến nghị “nắn” cong đường của ông Thát.

Gần đây nhất, ngày 21.8.2014, ông Nguyễn Đức Công - Phó Chủ tịch UBND TP.Thanh Hoá - có văn bản số2649/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng về việc thoả thuận duyệt bình đồ tuyến điều chỉnh theo ý đồ của ông Nguyễn Văn Thát. Ngày 2.10, Phó GĐ Sở Xây dựng Đào Vũ Việt đã ký thống nhất với đề xuất trên.

Vậy nhưng, ngày 24.9.2014, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND TP.Thanh Hoá - vẫn ký QĐ số 8593/QĐ-UBND phê duyệt phương án bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất tại phường Đông Thọ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường Dương Đình Nghệ kéo dài. QĐ này vẫn giữ nguyên căn cứ từ mặt bằng quy hoạch 1070 trước kia. Ông Lê Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Đông Thọ - cho biết, phường không đồng ý với đơn của ông Thát do đó không đồng ý chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt chỉ vì cá nhân hộ gia đình ông Thát.

Theo: laodong.com.vn

Tập đoàn Dubai sẽ đầu tư 'siêu dự án' du lịch tại Thanh Hoá

Magnum Group, tập đoàn hàng đầu của Dubai đang lên kế hoạch xây dựng một khu du lịch biển đẳng cấp thế giới tại khu vực núi Trường Lệ, Sầm Sơn, Thanh Hóa. 


Nguồn tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tập đoàn Magnum (Dubai) vừa công bố đang lên kế hoạch đầu tư phát triển dự án Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn. 

Theo đó, vừa qua tại tỉnh Thanh Hóa, ông Sam Rehani, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Magnum Group và các thành viên trong đoàn đến Thanh Hóa để ký kết hợp tác đầu tư với tổng công ty bất động sản Đông Á về Dự án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn.  

Chủ tịch Magnum Group cho biết, đơn vị này sẽ cử các chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới đến Thanh Hóa để nghiên cứu và quy hoạch dự án, nhằm xây dựng khu núi Trường Lệ thành khu du lịch biển đẳng cấp thế giới. Đồng thời, ông Sam Rehani mong muốn, trong thời gian triển khai dự án, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để dự án hoàn thành đúng tiến độ đặt ra. Hai bên đều cho rằng, dự án này được coi là bước khởi đầu quan trọng để Tập đoàn Magnum Group nghiên cứu và đầu tư vào các dự án khác của tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với dự án phức hợp sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế quy mô 5.500 tỷ đồng do tập đoàn FLC đầu tư tại Sầm Sơn, dự án mà tập đoàn Magnum Group đang dự định đầu tư sẽ góp phần xây dựng Sầm Sơn trở thành khu du lịch biển đẳng cấp quốc tế.

Đánh giá cao tiềm năng của dự án cũng như tiềm lực của Magnum, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đề nghị, hai bên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai nhanh nhất dự án. Đồng thời, ông Chiến yêu cầu các ngành chức năng trong tỉnh, đặc biệt là lãnh đạo thị xã Sầm Sơn tạo điều kiện tốt nhất để Magnum Group triển khai dự án đúng tiến độ. Cũng theo nguồn tin này, do dự án hiện đang trong quá trình xây dựng quy hoạch nên thông tin chi tiết về quy mô diện tích xây dựng và tổng vốn đầu tư cụ thể của dự án chưa được tiết lộ.

Trước đó, theo Quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hoá - sinh thái núi Trường Lệ đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ - CT ngày 10/05/2002, quy mô diện tích khu du lịch này vào khoảng 230ha. Khu vực núi Trường Lệ sẽ được xây dựng thành một khu du lịch văn hoá - sinh thái hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần đưa Sầm Sơn phát triển thành một đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc tế.

Núi Trường Lệ nằm ngay sát bờ biển, phía Nam TX. Sầm Sơn, cách thành phố Thanh hoá 16km. Đây là dãy núi Granit trong quá trình phong hoá, nhiều nơi còn xuất hiện đá gốc, đặc biệt là phần nhô ra biển, tạo nên những vách đá cheo leo ngoạn mục. Theo bản Quy hoạch trước đây, khu du lịch này được chia thành các khu chức năng như khu giao lưu văn hoá dân tộc diện tích 11,2ha; khu du lịch sinh thái nhân văn ( khu công viên đá) diện tích 124,8ha; khu du lịch sinh thái tự nhiên (khu “công viên bò sát”) với diện tích 62,2 ha; làng du lịch truyền thống diện tích 31,8ha. 

Theo: Zing

Ốc bươu hấp lá gừng Hà Trung

Món ốc được xem là món ăn dân dã của nhiều vùng quê Việt Nam. Nếu có dịp về xứ Thanh thưởng thức món ăn này thì phải kể đến đặc sản ốc bươu hấp lá gừng Hà Trung - một món ăn hấp dẫn, ngon và bổ dưỡng.


Ốc bươu sống chủ yếu ở ao hồ, ruộng nước, sông đầm; thức ăn chủ yếu là lá rau và khi mùa mưa đến là thời điểm ốc phát triển mạnh. Cũng là ốc bươu nhưng ốc Hà Trung béo và ngon khác lạ.

Ốc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như ốc om, ốc hấp, ốc xào... nhưng với  ốc bươu hấp lá gừng không chỉ đơn giản trong cách chế biến mà còn khá độc đáo bởi hương vị ấm nồng của lá gừng tươi. Là món ăn dễ chế biến, rẻ và bổ dưỡng nhưng để có một đĩa ốc ngon, hấp dẫn và vệ sinh thì đòi hỏi người làm có một chút cầu kỳ trong việc ngâm và rửa sạch. Nếu muốn ăn ngay chúng ta cho thêm vào chậu nước ngâm một vài trái ớt đập dập thì khoảng 2-3 giờ sau có thể chế biến được. Ốc luộc cho thêm một ít nước, không được quên các loại gia vị như muối hột, lá gừng tươi, xắt một vài lát ớt; đun sôi từ 3-5 phút khi gia vị thấm vào ốc là được. Vậy là đã có một đĩa ốc nóng hổi, có mùi thơm đặc trưng của ốc với lá gừng, thịt ốc thơm, giòn sần sật. Để món ăn thêm phần hấp dẫn thì việc chế biến nước chấm với các gia vị nước mắm, dấm, đường, tiêu, ớt tươi, mì chính, gừng là không thể thiếu để món ăn trở nên trọn vẹn.

Về quê Thanh đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn dân dã này, một món ăn nghe rất quen thuộc nhưng vẫn là món khoái khẩu, cứ ngon và mới lạ với nhiều thực khách. Để rồi nhớ mãi câu ca:

“Bao giờ em về quê Thanh. Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa

Vĩ nhân và các đời vua. Cũng từ rau má, ốc, cua nên người”.

T.H

Đại hội Hiệp hội doanh nhân nữ Thanh Hóa lần thứ III ( nhiệm kỳ 2014 – 2019) thành công tốt đẹp

Ngày 6/10, Đại hội hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hoá lần thứ III, nhiệm kỳ 2014 – 2019 đã diễn ra long trọng và thành công tốt đẹp.


Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hiệp hội doanh nhân nữ đã có nhiều đổi mới, thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Đến nay, Hiệp hội đã tập hợp được trên 200 giám đốc doanh nghiệp và gần 600 hội viên thuộc các câu lạc bộ nữ doanh nhân. Hiệp hội đã tổ chức được nhiều hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên; qua đó kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho hội viên, đồng thời chia sẻ thêm thông tin, đồng hành cùng phát triển. Do đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, ngành nghề kinh doanh được mở rộng, hàng năm đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, trực tiếp tạo việc làm cho trên 10.000 lao động.

Không những làm tốt nhiệm vụ quản lý, doanh nhân nữ trong tỉnh còn thể hiện là những người có văn hoá, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, thực hiện tốt thiên chức của người phụ nữ Việt Nam, có trách nhiệm với người tiêu dùng và cộng đồng xã hội.

Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội doanh nhân nữ tiếp tục vận động các nữ doanh nhân tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân trong sản xuất, kinh doanh; Tăng cường đoàn kết, phát triển hội viên mới; Lựa chọn những doanh nhân nữ có tâm và có tầm, đi đầu trong xây dựng văn hóa doanh nhân, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đồng thời hỗ trợ và giải quyết việc làm cho thêm nhiều lao động nữ trên địa bàn.

Thay mặt Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao tặng Hiệp hội doanh nhân nữ bức trướng mang dòng chữ: Đoàn kết – sáng tạo – hội nhập và phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã trao bằng khen của UBND tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và trong công tác hội.

Đại hội đã bầu 37 đồng chí vào Ban chấp hành Hiệp hội doanh nhân nữ khoá III nhiệm kỳ 2014 – 2019./.

Nguồn: TTV

Thanh Hóa phát hiện động vật tưởng tuyệt chủng 85 năm

Hàng chục loài động, thực vật quý hiếm có trong sách đỏ thế giới, trong đó có những loài được coi đã tuyệt chủng hơn 85 năm trước, đã được phát hiện ở một số khu bảo tồn và vườn quốc gia ở Thanh Hóa.

Loài Mang Rooseveltorum có trong sách đỏ được cho đã tuyệt chủng 85 năm trước 
được tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Ngày 5-10, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau 2 năm triển khai Dự án “Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng tại Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân), Pù Hu (huyện Mường Lát và Quan Hóa), Pù Luông (huyện Bá Thước và Quan Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện thêm gần 1.000 loài động, thực vật quý hiếm.

Trong đó có hàng chục loài động, thực vật thuộc danh lục sách đỏ thế giới như loài mang Rooseveltorum (đây là loài động vật được coi đã tuyệt chủng từ năm 1929), tắc kè chân vịt, rắn hổ đất nâu, thằn lằn tai lõm, dẻ tùng sọc trắng...

Đây là loài động, thực vật được các nhà khoa học triển khai điều tra từ tháng 9-2012 đến tháng 9-2014. Qua điều tra, tại Vườn quốc gia Bến En ghi nhận thêm 90 loài thực vật, 30 loài lớp cá, 215 loài côn trùng, 16 loài chim, 11 loài thú, 16 loài lưỡng cư và 13 loài bò sát…

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các nhà khoa học ghi nhận thêm thông tin của 402 loài thực vật, 25 loài thú, 56 loài chim, 14 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư… Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ghi nhận thêm 20 loài cá, 98 loài côn trùng, 13 loài thú… Tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu ghi nhận thêm 18 loài lưỡng cư, 25 loài bò sát, 25 loài chim, 14 loài thú…

Loài động vật này được cho đã tuyệt chủng vào năm 1929, được các nhà khoa học 
phát hiện vào năm 2013

Sau 2 năm, các nhà khoa học đã xác định được tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên có gần 8.000 loài động, thực vật sinh sống; trong đó, có 1.211 loài động, thực vật nằm trong danh lục sách đỏ thế giới và 324 loài nằm trong danh lục sách đỏ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra có trên 900 loài động, thực vật từng được ghi nhận tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên lại không được tìm thấy.

Theo: nld.com.vn