Bánh lá răng bừa - Đặc sản xứ Thanh

Nhắc đến Thanh Hoá, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản bánh lá răng bừa. Vào những dịp lễ tết, hầu như gia đình nào ở làng quê xứ Thanh cũng làm bánh lá răng bừa để cúng tổ tiên và cho con cháu xa gần thưởng thức. Trên mâm cỗ ngày tết cổ truyền hay những ngày lễ trong năm, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh lá răng bừa

Bánh lá răng bừa - Đặc sản xứ Thanh
(chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá dong thật hấp dẫn.

Để có những đĩa bánh lá răng bừa thơm ngon, nóng hổi kịp cúng tổ tiên vào sáng sớm hôm sau, các bà, các mẹ, các chị quê Thanh phải thức khuya để làm từ đêm hôm trước. Để làm bánh lá răng bừa, gạo tẻ phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2 – 3 giờ rồi đem xay thành bột, thường là xay cùng với nước, bằng chiếc xay bột quay tay thủ công cho bột dẻo. Còn nếu xay bột khô bằng máy thì phải pha nước cho vừa đủ. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, tay khuấy đôi đũa trong nồi liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để nguội bớt và bắt đầu gói bánh.

Lá để gói loại bánh này thường là lá dong, hoặc lá chuối tươi cắt ở vườn nhà đã được hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách.

Nhân bánh lá răng bừa gồm hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Nếu làm bánh lá răng bừa để lễ chay hoặc đi lễ chùa thì nhân bánh được làm bằng lạc hoặc đậu.

Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá răng bừa bằng ngón tay trỏ hoặc như những chiếc răng bừa xinh xắn được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi vào nồi và luộc chín.

Mỗi mâm cỗ quê Thanh vào những dịp lễ tết không thể thiếu hai đĩa bánh lá răng bừa nghi ngút khói, thơm ngon. Ngồi giữa quê nhà bình yên, được thưởng thức món bánh lá răng bừa thơm mùi gạo, ngầy ngậy mùi nhân bánh thì thật là thú vị.

Thanh Hóa mảnh đất vua chúa!

Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Vùng Ái Châu, tức Thanh Hóa được xem là nơi phát tích của hầu hết các dòng họ vua, chúa Việt xưa. 
Thanh Hóa mảnh đất vua chúa!

Nếu tính từ khi nước Nam ta có Nhà nước đầu tiên cho đến khi kết thúc triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn, thì điểm lại hầu hết các dòng họ vua, chúa đa phần đều phát tích từ đất Thanh Hóa (Ái Châu) mà ra. Đây được xem là vùng đất có nhiều dòng vua, chúa nhất nước.

Hình thể và con người
Đất Thanh Hóa, trải qua các đời có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa thuộc bộ Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Triệu là quận Cửu Chân… Tên gọi Ái Châu quen thuộc được biết đến vào thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý được đổi làm phủ Thanh Hóa, tên gọi Thanh Hóa từ đó mà được biết đến.

Về hình thể, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VI, phần Thanh Hóa tỉnh chí cho biết: “Mặt đông trông ra biển lớn, mặt tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt”. Lại xét, Ái Châu là vùng đất mà như ngày nay nói là “khu IV đẩy ra, khu III đẩy vào”, tức là nơi giao nhau giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có thể xem như là yết hầu của nước Nam nơi cõi Bắc vậy. Nhờ có địa thế tự nhiên với biển, núi, sông che chở, nên vùng đất này có được cái thế hiểm yếu hiếm có trong quân sự. Chẳng thế mà sau này quân Tây Sơn lại chọn lui về Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội giao nhau giữa Ninh Bình, Thanh Hóa) và Biện Sơn để ngăn bước tiến quân Thanh.

Hình thế đắc địa như một vương quốc riêng như vậy, cũng từ đó mà hình thành nên tính cách, phong tục của người dân nơi đây được An Nam chí lược của Lê Tắc trong phần Phong tục khen là: “Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí”. Còn trong Đại Nam nhất thống chí thì bình rằng: “Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có người đẽo đá là sở trường hơn cả, ít người buôn bán”. Chính từ địa lợi, nhân hòa ấy, góp phần cho vùng đất Ái châu trở thành nơi thiên thời cho việc xưng vương, dựng nước.

Cũng vì là đất đế vương, cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhà Trần đã từng phải cho người đục núi, lấp sông ở nơi đây để trấn yểm các huyệt mạch đế vương. Điều này được chứng thực bởi Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, nguyên văn như sau: “Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Lấp các khe kênh, mở đường ngang lối dọc không kể xiết”. Núi Chiêu Bạc chính là núi Chiếu Sơn thuộc huyện Nga Sơn. Sông Bà thuộc địa giới huyện Đông Sơn, còn sông Lễ chính là sông Mã. Nhưng việc làm ấy cũng chỉ như muối bỏ biển, bởi ngay sau nhà Trần thì nhà Hồ đã phát ra từ xứ Thanh rồi. Thế nên lời của sử thần Ngô Sĩ Liên quả chẳng sai chút nào: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương Đông Nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu”.

Liên tiếp các triều đại vua, chúa phát tích từ đất Ái Châu mà ra, nên trong dân gian đời xưa có câu ngạn ngữ truyền đời: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”, ý nói Thanh Hóa là nơi phát tích của các triều đại đế vương. Còn xứ Nghệ An là nơi có các tôi thần giỏi giang giúp vua trị nước. Theo thống kê của tác giả, kể từ khi nước ta có vua thời Văn Lang cho đến khi kết thúc chế độ phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn vào năm 1945 với vua Bảo Đại, thì Thanh Hóa chính là nơi khởi nguồn của nhiều dòng vua, chúa nhất nước. Vậy nên, nói Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt từ ngàn xưa đến nay quả chẳng ngoa chút nào.

Đất của vua
Năm Mậu Thìn (248), Lệ Hải bà vương Triệu Thị Trinh đánh quân Ngô tại núi Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa làm quân giặc khiếp đảm tôn phục với câu cửa miệng “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ. Đối mặt vua bà khó). Dù chưa lập triều nghi, nhưng ngay quân Ngô đã tôn xưng người con gái của chiến tuyến bên kia làm vua rồi.

Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ quê làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết Độ sứ, nhưng thực ra đã là một “vua không ngai” khi tiếp nối được nền độc lập, tự chủ do dòng họ Khúc dựng nên từ năm Ất Sửu (905).

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo mời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để thống nhất lòng dân chống quân xâm lược Tống, từ đó mở ra nhà Tiền Lê (980 - 1009). Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành vốn quê xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhà Tiền Lê trải ba đời gồm Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngọa Triều (1005 - 1009).

520 năm sau, cũng năm Canh Thìn (1400), ngoại thích Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu, kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Tổ tiên ông vốn ở Chiết Giang, Trung Quốc, sau di cư sang sống ở Diễn Châu, Nghệ An rồi chuyển ra hương Đại Lại, Thanh Hóa lập nghiệp. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua trong 7 năm (1400 - 1407).

Thời gian 1428 – 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê gồm giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Người sáng nghiệp nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (1416 - 1428). Ông quê ở xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giai đoạn Lê sơ trải qua 10 vị vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, được xem là thời thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt với đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Giai đoạn Lê Trung hưng đánh dấu sự phục hồi của nhà Lê sau khi bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi với vị vua đầu tiên Lê Trang Tông (1533 - 1548), và kết thúc với vua thứ 16 Lê Chiêu Thống (1786 - 1789).

Triều đại cuối cùng của Việt Nam là nhà Nguyễn (1802 - 1945) do Nguyễn Ánh Gia Long hưng khởi, tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn (xã Hà Long, huyện Hà Trung nay), đất Thanh Hóa. Nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).

“Nhà” của chúa
Trong lịch sử nước Nam ta, ghi nhận chính thức có hai dòng chúa là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Cả hai dòng chúa đều phát tích từ xứ Thanh.

Chúa Trịnh thời vua Lê – chúa Trịnh thế kỷ XVI  - XVIII do Trịnh Kiểm lập nên. Ông vốn xuất thân nghèo nàn từ làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tuy tiếng là phò giúp nhà Lê, nhưng quyền lực thực tế của các chúa Trịnh lại át cả vua Lê, có cung vua thì có phủ chúa. Vua Lê có Lục Bộ thì chúa Trịnh có Lục phiên. Vua Lê dạo Trung hưng chỉ có hư vị mà thôi. Thế nên dân gian mới có câu: “Phi đế phi bá, quyền nghiêng thiên hạ” để chỉ thế lực của chúa Trịnh. Dòng dõi chúa Trịnh bắt đầu từ chúa Trịnh Kiểm (1545 - 1570) cho đến thời chúa Trịnh Bồng (1786 - 1787) bị Bắc Bình vương Nguyễn Huệ dẹp thì dứt hẳn.

Chín đời chúa Nguyễn được lập nên sau thời chúa Trịnh. Vào năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên “Hoành Sơn nhất đại, khả dĩ dung thân” đã vào trấn trị đất Thuận Hóa. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là con trai thứ của An Thành hầu Nguyễn Kim người Gia Miêu ngoại trang được nói tới ở trên. Dòng dõi chúa Nguyễn trải qua 9 đời từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) cho tới Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), có công lập nên và khai phá đất Đàng Trong, mở rộng dần về phía Nam đất nước cho tới tận Mũi Đất, Cà Mau.

Không chỉ là nơi phát vua, phát chúa, Ái Châu – Thanh Hóa còn nhiều lần đóng vai trò trung tâm của đất nước khi từng giữ vị trí là đất Thần Kinh. Cụ thể là Tây Đô thời Hồ với thành An Tôn, hay Tây Giai (1400 - 1407).

Khi vua Lê Trang Tông phục quốc bên Ai Lao năm Quý Tỵ (1533), đến năm Quý Mão (1543) cũng chọn xứ Thanh để đóng làm nơi phát binh Bắc tiến đánh Thăng Long diệt Mạc. Năm Bính Ngọ (1546) thì lập điện để ở tại sách Vạn Lại, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa tạo nên Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc ở Thăng Long.
Ngày nay, Thanh Hóa là một trong 63 tỉnh, thành phố của đất nước, được xếp theo vị trí địa lý là tỉnh mở đầu vùng Bắc Trung Bộ.

Bí ẩn chờ giải mã


Với sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá thần Cẩm Thủy





Nằm khép mình bên chân núi Trường Sinh hùng vĩ, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá; "suối cá thần" từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của suối cá…Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá.


Bí ẩn chờ giải mã
 
Tạo hóa bí ẩn
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân ở đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn: Xưa có vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng quá hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả, kì lạ thay cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn. Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Sau đó dân làng được thần linh báo mộng cho biết, chàng Rắn đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc.
 
Bí ẩn chờ giải mã
Cửa hang cá ra vào.

Có rất nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc của suối cá, các bậc cao niên trong làng lại giải thích rằng vào thế kỷ 19 có một trận lụt lịch sử đã đưa loài cá Dốc từ Sông Mã về sống tại suối Ngọc (con suối này nằm cách sông Mã chưa đầy 2km), gặp nguồn nước ấm chúng đã không quay trở về sông Mã nữa...?

Đến "Suối cá thần" chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện của hàng nghìn con cá. Hình thù của những con cá ở đây trông cũng rất khác lạ: mình giống mình cá trắm, bụng căng tròn, vẩy giống vẩy cá chép, môi màu phớt hồng, vây và đuôi màu đỏ rất bóng, có những con vây và môi đều phớt hồng trông rất đẹp.

Cá ở đây có nhiều kích cỡ, có những con chỉ bằng chuôi dao, nhưng cũng có những con khối lượng lên tới 7- 8kg. Người dân nơi đây cho biết, cá Chúa còn có khối lượng lên tới 30kg. Cứ mỗi buổi sáng, đàn cá lại từ trong hang chui ra như đã có hẹn từ trước. Đây là thời gian lý tưởng để khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dòng suối bên chân núi Ngọc. Chiều tối, đàn cá lại rủ nhau về hang trú ẩn. "Suối cá thần" được bắt nguồn từ chân của dãy núi đá. Các loài cá ở đây thân thiện, gần gũi với con người và rất phàm ăn. Cá sống và sinh sản chủ yếu bằng thức ăn rong, rêu và các loại lá cây hai bên bờ suối rụng xuống như: lá dâu da xoan, lá cây long lạnh, lá bưởi, lá lim... (một loại lá rất độc).

Theo lời kể của người dân thì vào năm 1958 đã từng có người trong làng chui vào trong hang thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có rất nhiều suối ngầm nông, sâu khác nhau, nước trong suốt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng- lạnh. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý tưởng nhất mà chúng tìm được là quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ dòng suối. Điều kỳ lạ dù là nơi thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi, khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại.
Từ khi phát hiện ra "Suối cá thần" người dân trong bản đã lập ban thờ bên cạnh khu vực hang động nằm cách suối cá 10m để thờ Thần Cá.

Chuyện về cá mẹ :
Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí được người dân kể lại: Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá (?!).

Lại có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh niên từ thành phố Thanh Hóa lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đã gặp tai nạn và tử vong. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng"? 
 
Những câu chuyện kiểu như thế xung quanh suối cá thần chưa được kiểm chứng nhưng chuyện người dân trong bản luôn xem loài cá này là cá thần và không dám ăn cá là có thật. Ông Nguyễn Văn Mạnh, người dân địa phương cho biết: Trên đầu nguồn suối Ngọc có một con cá mẹ nặng hàng trăm kg, là thủy tổ của cá suối Ngọc. Trước kia cá Mẹ thường hay xuống dạo chơi cùng các con nhưng bây giờ già yếu rồi nên không xuống nữa. Có người kể lại rằng cá Mẹ chỉ nằm một chỗ, ít khi di chuyển ra ngoài thung, khoảng 5 năm mới ra ngoài một lần và năm nào cá Mẹ xuất hiện thì dân quanh vùng đều được mùa, làm ăn phát đạt. Người dân địa phương cho rằng: Không phải cá ở đây không chết mà chúng có thể chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu lắm mới thấy một vài con chết bên bờ suối.

Bà Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi- người hay chôn cất cá cho biết: "Khi cá chết chúng tôi phải tế lễ để xin phép thần Rắn rồi mới được phép đem chôn, mộ của cá cũng phải được đánh dấu đàng hoàng". Trước đây, khi suối cá chưa trở thành khu du lịch người dân vẫn đến suối lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình bởi nước suối không hề có mùi tanh và luôn trong vắt, có thể nhìn thấy đá ở đáy suối.

Tiềm năng  du lịch cần đánh thức
Để vào được suối cá người ta phải đi qua một chiếc cầu treo bắc qua sông Mã. "Suối cá thần" đã làm cho phong cảnh bản Ngọc trở nên "sơn thủy hữu tình".
Bí ẩn chờ giải mã
Người dân đang xem và cho cá ăn.

Cá ở đây rất hiền, bơi một cách chậm chạp dưới dòng suối tĩnh lặng và trong vắt. Du khách sẽ luôn cảm thấy thoải mái trước nhịp sống rất chậm ở nơi đây, họ có thể cho cá ăn bỏng ngô, bim bim, các loại rau...Một số người hiếu kỳ còn lội xuống dòng suối vuốt ve sống lưng "cá thần". Thỉnh thoảng người ta còn đựợc chiêm ngưỡng hình ảnh những con cá to lớn nhảy lên khỏi mặt nước trông rất thích mắt. Đến bản Ngọc du khách không chỉ được tham quan "suối cá thần", mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản miền sơn cước như cơm lam, ngô nướng.

Tuy " Suối cá thần" được đánh giá là có tiềm năng du lịch nhưng trên thực tế vẫn chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ như những điểm du lịch khác trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng còn đơn giản, đội ngũ hướng dẫn viên, nhiếp ảnh chưa được đào tạo bài bản, các nhà nghỉ, nhà trọ rất ít, chất lượng còn rất thấp.

Ngoài " Suối cá thần" (Mó Ngọc)  Cẩm Lương, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy còn có " suối cá thần" (Mó Đóng) thuộc bản Rùng, xã Cẩm Liên cách thị trấn Cẩm Thủy 15km về phía Tây. Hai suối cá này ở hai bờ khác nhau của sông Mã. Gần đây nhất người dân đã phát hiện thêm một "suối cá thần" ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước - đây là "suối cá thần" thứ 3 được phát hiện ở Thanh Hóa.

Eureka Linh Trường Resort là điểm hẹn của những buổi giải trí cuối tuần

Với Eureka Linh Trường đc ít người biết đến vì trong chúng ta ai cũng biết về Sầm Sơn – 1 bãi biển được khai thác ngay từ đầu thế kỷ 20, nhưng mấy ai biết rằng Thanh Hóa vẫn còn một bãi biển, nơi mà không gian hoang sơ của trời đất, hòa quyện với không gian văn hóa làng chài của bà con ngư dân đã tạo ra một địa điểm du lịch mới vô cùng hấp dẫn, thú vị, đó là biển Hải Tiến & Eureka Linh Trường Resort



Biển Eureka – Linh Trường cách Hà Nội 160km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 20km về phía Bắc, Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Eureka – Linh Trường trải dài trên gần 2km bờ biển Hải Tiến hoang sơ chưa từng được khai thác là một khám phá đầy thú vị cho du khách muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới. Nơi đây còn tự hào sở hữu môi trường sinh thái tự nhiên lý tưởng với rừng phi lao nhiệt đới và bãi cát trải dài mênh mông, nguyên sơ chưa từng được khai thác. Đây được xem là bãi biển tự nhiên dài đẹp nhất miền Bắc và còn được ví như Trà cổ thứ hai của Việt Nam.

Điều để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho du khách khi đến với Eureka - Linh Trường Resort là một hệ thống các biệt thự, các khách sạn hiện đại, cùng hệ thống các dịch vụ nghỉ dưỡng liên hoàn đa dạng, đã và đang được đưa vào sử dụng. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2011, Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Eureka - Linh Trường đang dần khẳng định mình và vươn tới khát vọng trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách bốn phương.



Được xây dựng trên diện tích hơn 6ha trong tổng khu du lịch hơn 40ha, bao gồm 72 biệt thự song lập sang trọng, và hơn 90 căn hộ hiện đại với đầy đủ tiện nghi. Tất cả công trình kiến trúc ở đây đều hướng ra biển. Với phong cách sống thời thượng, mỗi biệt thự tại Eureka Linh Trường resort đều được tối đa hóa giá trị sử dụng bởi cách xử lý khéo léo phần không gian, ánh sáng, cảnh quan và sự đồng bộ của nội thất. Những căn biệt thự nằm san sát nhau hướng ra biển được thiết kế theo không gian mở với những ô cửa kính lớn chạy dài và ban công rộng rãi nhằm kết nối con người với biển, trời, cây, cỏ. Cảm giác như chỉ cần mở cánh cửa kia ra thôi, bạn đã có thể chân trần bước trên mặt cát mịn dài.


Eureka – Linh Trường không chỉ là khu nghỉ dưỡng mà còn là ngôi nhà hạnh phúc thứ hai, là nơi các gia đình sum họp, quây quần, là địa chỉ của những đôi uyên ương muốn tìm đến sự lãng mạn và là nơi tụ họp, chia sẽ niềm vui cùng những người thân và bạn bè thân thiết.

Đến với Eureka – Linh Trường Resort, du khách không chỉ được ngắm bình minh rạng rỡ của biển ngay trong biệt thự hoặc căn hộ của mình, mà còn được tận hưởng các dịch vụ hoàn hảo với tiêu chuẩn 3 sao trong khu du lịch như: Bể bơi nước biển nóng, bể bơi đại dương cách bờ 1km, khu chăm sóc sức khỏe, dưỡng bệnh bằng đông y, khu Spa, luyện tập thể thao, khu nhà hàng ẩm thực, khu tiệc BBQ bãi biển, khu café, quầy VIP bar, khu vui chơi cho trẻ em trong nhà và ngoài trời, phòng hát karaoke, khu hội nghị, hội thảo và các khu giải trí hấp dẫn khác.


Với khách du lịch yêu thích sự vận động, Eureka – Linh Trường cũng sẽ không làm bạn thất vọng.Du khách có thể tham gia vào các trò chơi trên bãi biển, thi đấu bóng bàn, bia-a, ngồi bè dạo biển hay đạp xe băng qua những cánh đồng muối, chòi nuôi ngao, khám phá đời sống của ngư dân làng chài và tìm hiểu nghề dệt chiếu thủ công nổi tiếng tại Nga Sơn... Ngoài ra, trong mùa đông, du khách vẫn có thể tận hưởng hương vị của biển cả trong bể bơi nước mặn bán mái che ấm nóng tại khuôn viên khu nghỉ dưỡng ngay giữa tiết trời giá lạnh.

Với vị trí nằm sát chân núi Linh Trường, có đảo hòn Nẹ gần các danh lam thắng cảnh và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng của xứ Thanh như đền thờ Long Vương, đền thờ Trạng Quỳnh, chùa Thiên Nhiên, chùa Vĩnh Gia, cảng cá Lạch Trường, chùa Hồi Long, di sản Unesco Việt Nam đền thờ Tướng Công Đại Vương Lê Trung Giang, đây là khu du lịch nghỉ dưỡng biển tiêu chuẩn cao cấp với qui mô lớn nhất miền Bắc và gần Hà Nội nhất.

Những chuyện ly kỳ quanh ngôi đền giải oan cho thiếu nữ

Từ bao đời nay truyền lại, người dân xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa vẫn truyền tai nhau về những sự tích kỳ bí mang sắc màu huyền thoại xung quanh ngôi đền Ngọc Lan.
  
Đền giải oan cho thiếu nữ?
Đền Ngọc Lan thuộc quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh (căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn) cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía Tây Bắc. Khu di tích được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1962.

Những chuyện ly kỳ quanh ngôi đền giải oan cho thiếu nữ

Theo những ghi chép về đền Ngọc Lan, thì ngôi đền nằm ở một vị trí đắc địa, hài hòa âm dương. Phía trước cửa đền là dòng sông Đào có từ thời nhà Hậu Lê hiền hòa uốn lượn chảy qua. Phía sau lưng đền là dãy núi Mục, nơi có những trạm tiền tiêu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thủa trước, thoạt nhìn như thế rồng uốn lượn.
Sau khi lấy lại sự trong sạch, cô gái (đã được thần linh giải tỏa nỗi oan thất tiết) xin với gia đình cho mình được vào đền quét dọn, chăm sóc để tỏ lòng biết ơn. Cũng từ truyền thuyết này, mà đã có rất nhiều cặp uyên ương trước ngày cưới thường đến đền thắp hương, để Thánh Mẫu chứng giám lòng chung thủy của hai người. Họ mang hy vọng sẽ được Thánh Mẫu phù hộ cho một cuộc sống hạnh phúc lâu bền.
Ngôi đền vốn đã nhỏ, nay lại càng khiêm nhường hơn dưới bóng cây Ngọc Lan uy nghi cổ thụ. Cây cao gần 30m, phủ bóng rợp mát một vùng, tuổi thọ ước tính hàng trăm năm. Rất nhiều vị cao niên trong vùng cũng không biết rõ tuổi thật của cây, chỉ biết khi họ lớn lên, cây đã cao sừng sững và tỏa hương ngào ngạt.
Đền Ngọc Lan được người dân xem như một ngôi đền thờ Thánh mẫu thiêng liêng. Theo phong tục truyền thống, cứ vào những ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, người dân đều nô nức kéo đến xem lễ hội đèn lồng. Họ cầu may mắn, an lành và mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi theo họ, đền thờ Mẫu rất thiêng, có thể thấu hiểu những lời cầu nguyện của con người. Từ xa xưa, xung quanh ngôi đền đã có những câu chuyện huyền bí hư thực được dân gian lưu truyền bao đời nay.
Nhiều giai thoại kể lại rằng, xưa kia có một thiếu nữ nhà nghèo xinh đẹp, nết na đươc nhiều chàng trai trong vùng thầm yêu trộm mến. Thế nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, thiếu nữ đành chấp nhận làm dâu một gia đình phú hộ giàu có.
Ngày “vu quy” đã đến thì bỗng nhiên bên nhà phú hộ rêu rao tin đồn, nàng thiếu nữ không còn trong trắng, đã thất tiết, nên bắt cô gái phải chịu tội “bắt vạ” của tộc làng. Oan ức, gia đình thiếu nữ tìm đến cửa quan khiếu kiện, nhưng quan xét xử đã “đổi trắng thay đen” xử phạt gia đình cô gái phải bồi thường 200 quan tiền. Hoàn cảnh nghèo khó đến một bộ quần áo lành lặn để mặc cũng không có, thì lấy đâu ra số tiền lớn để nộp phạt.
Không thể chịu được nỗi oan ức, thiếu nữ đã gieo mình xuống dòng sông tự vẫn, nhưng may mắn được một sư thầy cứu giúp. Sau đó sư thầy đã lập một đàn tế và mời nhân dân trong vùng đến chứng kiến, thiếu nữ đứng trên đàn tế để chứng tỏ sự trong sạch của mình.
Thế là bầu trời ngày hạ đang trong xanh bỗng nổi cơn giông ban ngày, những tia chớp xanh lóe lên khiến những người chứng kiến phải giật mình kinh sợ. Theo lý giải của vị sư thầy, sự trùng hợp này chứng tỏ thần linh đang nổi giận bởi những người lòng dạ hiểm ác đã kết tội nàng. Và như để chứng minh cô gái vô tội, một quầng sáng nhiều màu sắc bất chợt hiện ra và bao xung quanh thiếu nữ. Người dân chứng kiến cảnh ấy vội quỳ sụp xuống để tạ lỗi với thánh Mẫu.
Tiếp đó dân làng kéo đến nhà tên phú hộ đòi họ phải trả lại sự trong sạch cho cô gái. Trước sức ép, gia đình phú hộ buộc phải thú nhận tội lỗi của mình. Sau khi lấy lại sự trong sạch, cô gái xin với gia đình cho mình được vào đền quét dọn, chăm sóc để tỏ lòng biết ơn.
Cũng từ truyền thuyết này, mà đã có rất nhiều cặp uyên ương trước ngày cưới thường đến đền thắp hương, để Thánh Mẫu chứng giám lòng chung thủy của hai người. Họ mang hy vọng sẽ được Thánh Mẫu phù hộ cho một cuộc sống hạnh phúc lâu bền.
Đền Ngọc Lan vào những dịp rằm hay lễ tết, khách tới thăm đền rất đông, nhưng kỳ lạ là dù hoa Ngọc Lan đẹp, hương hoa say đắm lòng người mà không ai dám tơ tưởng sẽ ngắt một chùm hoa hay hái một chiếc lá Ngọc Lan đem về.
Kể cả trong đêm giao thừa hàng năm, người dân đến lễ đền, đón năm mới đông đúc, nhưng tuyệt nhiên một chiếc lá xanh cũng không bị mất dấu. Ông giáo Cần, ở khu 1 thị trấn Lam Sơn, người trông coi ngôi đền nhiều năm tâm sự: “Đừng tham của trời, kẻo các cụ trách phạt nặng đấy”.
Rồi ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đáng thương về người phụ nữ đã vô tình “vi phạm” quy tắc của Thần. Số là 20 năm trước, có người phụ nữ vùng khác đi qua khu vực đền thiêng thì bị mùi hoa ngọc lan thơm ngào ngạt làm cho ngây ngất.
Thế là dù đã được nhiều người cảnh báo, nhưng người phụ nữ không cầm lòng được hái trộm một cành hoa lan về nhà. Một tuần sau, sự tình đau lòng xảy ra, người phụ nữ ấy bỗng dưng bị điên. Người cứ bần thẩn, bỏ nhà đi lang thang, nhưng đặc biệt dù ban ngày người phụ nữ này đi khắp nơi, nhưng cứ tối đến là trở về bên đền Ngọc Lan nằm ngủ.
Cũng từ ngày có “người điên” về trú ngụ, mà an ninh ở khu vực đền tốt hơn. Bọn nghiện trước đây thường lui tới chỗ vắng vẻ của ngôi đền để hút chích, nhưng khi có người ở đây “làm phiền”, thì tuyệt nhiên chúng không còn đến nữa.
Rồi còn những câu chuyện huyền bí khác xoay quanh khu đền thiêng, như chuyện về một cậu bé xã bên. Do hiếu kỳ nên trèo lên cây bắt tổ chim, sau khi lấy được tổ chim thì không thể leo xuống được. Và đột nhiên cơn gió mạnh ở đâu thổi đến làm nghiêng ngã cả cây cối. Và do quá sợ hãi cậu bé đã “bay” từ trên ngọn cây xuống đất.
Cậu bé bị gãy tay và xây xước khắp người, nhưng kỳ lạ thay, tổ chim non lại không bị ảnh hưởng, nó mắc lại trên một cành cây to. Còn rất nhiều những câu chuyện xung quanh đền Ngọc Lan linh thiêng. Đối với người dân sống nơi đây, những câu chuyện ấy mang tính linh thiêng huyền bí đặc trưng, nó được người dân lưu giữ và truyền lại cho bao thế hệ con cháu.

Đậm màu sắc huyền thoại

Những chuyện ly kỳ quanh ngôi đền giải oan cho thiếu nữ


Đền Ngọc Lan dù người đời đồn thổi những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn khiến nhiều người nghe phải rợn tóc gáy, nhưng người dân địa phương lại coi ngôi đền là nơi thanh tịnh yên bình nhất. Trong những đợt thi cử căng thẳng, có rất nhiều học sinh lên đây tự ôn thi, chuyên tâm học hành mong muốn Thánh Mẫu phù hộ để con cháu được đỗ đặt bằng người.
Theo ông Lương Văn Đậu, người sống gần đền Ngọc Lan kể lại, có rất nhiều truyền thuyết về ngôi đền, nhưng trong dân gian ở đây vẫn thường hay kể cho nhau nghe về 3 nguồn gốc ra đời của đền Ngọc Lan.
Theo tâm linh, đền có tên là đền Trình.Vì ngày xưa, đây là con đường duy nhất để thông thương giữa miền xuôi lên miền ngược của huyện. Tỉnh Thanh Hóa thuở ấy còn nhiều rừng rậm và thú dữ, đường đi cách sông trở núi nên rất gian nan, nguy hiểm.
Đền Ngọc Lan được người dân xem như một ngôi đền thờ Thánh mẫu thiêng liêng. Theo phong tục truyền thống, cứ vào những ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, người dân đều nô nức kéo đến xem lễ hội đèn lồng. Họ cầu may mắn, an lành và mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi theo họ, đền thờ Mẫu rất thiêng, có thể thấu hiểu những lời cầu nguyện của con người. Từ xa xưa, xung quanh ngôi đền đã có những câu chuyện huyền bí hư thực được dân gian lưu truyền bao đời nay.
Đền Ngọc Lan nằm chính giữa ranh giới của mảnh đất nối liền miền xuôi và miền ngược. Để hành trình được an lành, vạn sự thành công, khách bộ hành thường tạt vào đền thắp hương, cầu xin thánh thần bảo hộ cho mình. Đền Trình có nghĩa là trình diện, mong các bậc thánh thần nhận mặt để chở che cho họ tránh gặp thú giữ, và đạo tặc trên đường đi.
Ngược dòng lịch sử, thời Lê Lợi khởi binh thì đây chính là một trạm canh gác đa năng. Trạm canh được chủ tướng Lê Lợi giao cho một thôn nữ tài trí mưu lược, sắc nước hương trời, giả mở quán bán hàng nước dưới gốc cây Ngọc Lan để che mắt quân Minh. Đây đồng thời là trạm đưa tin, dò la các hoạt động của giặc để kịp báo cho nghĩa quân Lam Sơn.
Quán nước cũng là một cơ sở bí mật lựa chọn tuyển mộ binh lính trong vùng cho chủ tướng Lê Lợi. Thanh niên trai tráng muốn đầu quân thì tới đây đăng ký tên tuổi để trình lên các tướng lĩnh, sau đó mới được vào vòng trong huấn luyện để gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Với những công trạng của mình, sơn nữ ấy đã giúp Lê Lợi có những người tôi trung, làm nên chiến thắng giòn giã trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khi qua đời, cô được sắc phong là Công chúa Ngọc Lan, được nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng nhớ ơn. Nơi đây vua Lê cũng đặt bàn thờ bảy vị Công thần của nhà Lê: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí…
Có một truyền thuyết khác kể rằng trong thời Pháp thuộc, bọn thống trị bắt phu phen ở đây đào một con sông dẫn nước từ đập Bái Thượng xuống các xã dưới xuôi để tưới tiêu, nhưng thực chất là để phục vụ mục đích bóc lột nông nghiệp. Khi đào tới gốc cây Ngọc Lan thì không thể nào đào tiếp được nữa, vì cứ sau một đêm những phiến đá to lạ xuất hiện cản lối.
Điều này khiến cho nhiều kỹ sư Pháp đau đầu, nhưng không sao lý giải và tìm ra cách khắc phục được. Một hôm ông kỹ sư người Pháp trở ra Hà Nội xin ý kiến của cấp trên, trong khi ngủ ông mơ thấy giữa dòng sông đang đào, nổi lên một con trâu trắng và một cô gái mặc quần áo trắng cứ dập dềnh trên mặt nước.
Cho là điềm linh thiêng nên ông đã quay trở lại, đi đến xã Thọ Lâm thì ông bị lạc ở rừng Lim. Đang đêm tối om, ông nhìn thấy một vệt ánh sáng le lói phía trước, nhìn kỹ thì hóa ra đó là một cái am nhỏ đang được ánh trăng phản chiếu. Hôm sau ông quay trở lại, thắp hương rồi nhờ thầy địa lý di chuyển am về gốc cây Ngọc Lan. Kể từ đó dòng sông được đào trôi chảy không gặp sự cố gì nữa.
Cây Ngọc Lan cổ thụ đã có từ bao đời nay, nó là một vật chứng lịch sử và cũng là biểu tượng tín ngưỡng dân gian của nhân dân. Xung quanh nó, có biết bao câu chuyện kỳ bí huyền thoại, có thể tin có thể không, nhưng vẫn được các thế hệ lưu truyền, gìn giữ bền bỉ đến ngày nay.

Cẩm Thủy Lung Linh Thơ Mộng

Từ Hà Nội về Cẩm Thủy Thanh Hóa , bạn chỉ mất chưa đầy 3 giờ đi xe khách là có thể đến với huyện Cẩm Thủy - Thanh Hóa. Với địa hình dạng lòng chảo và thấp dần từ phía Tây Nam, Cẩm Thủy như cô gái duyên dáng sánh đôi cùng dòng sông Mã kiêu hùng vĩ.

Cẩm Thủy nằm trên con đường huyết mạch là quốc lộ 217 nối liền vùng Thượng Lào với biển Đông. Quốc lộ 217 lại giao cắt với đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện nên đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân Cẩm Thủy giao thương với bên ngoài.

Vùng đất địa linh nhân kiệt
Từ Thành phố Thanh Hóa, ngược sang phía Tây Bắc chừng 60km để đến với xã Cẩm Vân. Cẩm Vân chào đón du khách bằng một ngọn núi có hình dáng rất lạ mắt. Núi có hình giống như một con cóc khổng lồ đang nhô ra uống nước, hay rình mồi từ dòng sông Mã. Có lẽ, từ vẻ đẹp kỳ thú ấy mà người dân Cẩm Thủy gọi ngọn núi này là Diệu Sơn (ngọn núi diệu kỳ). Diệu Sơn cũng đã đi vào Đại Nam nhất thống chí: “Núi Diệu Sơn cách trung tâm huyện Cẩm Thủy ba dặm, trước núi trông ra sông Mã, trên núi có động, trong động có hai chữ lớn là: “Cẩm Vân”, cửa động có hai chữ lớn: “Diệu Trí” khắc vào đá, nay vẫn còn”.

Ông Lê Quang Cừ (Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân), giới thiệu thêm: “Núi non ở đây hùng vĩ lắm. Đến Cẩm Thủy, lên thăm động Cửa Hà trên núi Gấm ở xã Cẩm Phong, cảnh ở đó rất đẹp. Cẩm Phong, Cẩm Thành … cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú của quê hương Cẩm Thủy”.

Tạo hóa hữu ý đã vẽ ra cho Cẩm Thủy một khung cảnh hữu tình, núi in sông, sông lồng bóng núi, cây cối tươi xanh, mây trời lồng lộng. Phong cảnh ấy đã làm say lòng cả nhà thơ Tố Hữu để ông viết được những vần thơ da diết thế này: “Nắng vờn núi Gấm chênh chênh/ Sóng rờn sông Mã lượn quanh hàng đồi/ Thuyền chài thôi kiếp dạt trôi/ Thong dong bè nứa, quẫy đuôi cá lồng/ Đôi bờ xanh nõn ngô đông/ Chè nương lạc bãi, lúa đồng xum xuê/ Áo mầu vui mắt chợ quê/ Ai xa Cẩm Thủy, có về lại lên!”.

Cẩm Thủy Lung Linh Thơ Mộng
Thưởng thức món ăn dân dã

Đến Cẩm Thủy, bạn hãy lên bản làng để được mời uống rượu cần bên bếp lửa bập bùng và nghe những điệu Xường ngân nga, mê hoặc. Người Cẩm Thủy còn thết đãi bạn những món ăn rất ngon như: cá trắm sông Mã hấp đu đủ, ếch hấp củ chuối và nhất là món bánh lá.

Cụ Ninh Thị Tam (thôn Vân Trai, xã Cẩm Vân), năm nay đã 82 tuổi, vừa bóc chiếc bánh lá mời tôi, vừa kể: “Bánh lá là đặc sản vùng này, thường được làm để cúng giỗ, lễ Tết hoặc thết đãi khách đường xa. Ngày xưa, dân vùng này còn nghèo, khi vua Lê Lợi đi qua họ chưa biết chọn thứ gì quý giá nhất để tiến Vua. Thế rồi, họ nghĩ ra cách chọn thứ gạo ngon nhất vùng quê này, phải là gạo tẻ, giã nhuyễn rồi gói với mộc nhĩ, nhân thịt và cuộn trong lá dong sau đó đem hấp lên. Không ngờ, thứ bánh này được nhà Vua rất thích”.

Ban đầu, dân ở đây chưa biết gọi tên bánh là gì đành gọi một cách chung chung là … bánh lá. Nó chung chung ở chỗ, ngày xưa, các cụ nhà ta gói bánh có thứ bánh nào mà không dùng lá để bọc ngoài đâu! Thế rồi, mấy ông thợ cày đi làm đồng về, vừa mệt vừa đói, được vợ đưa cho chiếc bánh liền bóc ra ăn ngay. Ăn vào ấm lòng lắm, cơn đói qua nhanh, họ có thời gian để nhìn chiếc bánh. Chiếc bánh vừa dài, vừa mảnh y như răng của chiếc bừa mà mình vừa vác về. Thế là, họ gọi ngay loại bánh này bằng cái tên không có gì quê kiểng hơn: bánh răng bừa.

Nó quê kiểng và giản đơn từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Bánh phải làm từ gạo tẻ có độ dẻo thơm cùng với thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hành khô và một ít gia vị. Tất cả các công đoạn làm bánh từ xay bột đến hấp bánh phải được thực hiện thủ công thì mới ngon. Quê kiểng vậy thôi, chứ bánh lá hữu dụng lắm. Người ta có thể dùng bánh lá để ăn chơi như một thứ quà quê, để thết đãi khách và cũng có thể ăn thay cơm vì đã có chất của gạo tẻ quyện với thịt lợn rồi.

Dù có từ chối thế nào gia đình cụ Tam vẫn làm sẵn 100 chiếc bánh lá để gửi tôi mang về làm quà. Cầm túi bánh trên tay mà sao thấy tình người rất nặng. Hương thơm của bánh lá như nói với tôi về vùng quê Cẩm Thủy: nghèo khó vậy đấy, đơn sơ vậy đấy, nhưng hiếu khách lắm thay!

Chia tay Cẩm Thủy trong một buổi chiều đã muộn, lòng tôi đầy lưu luyến. Cô bạn thân tiễn tôi một đoạn rất xa. Chúng tôi đi bên nhau trên con đê dài ven theo dòng sông Mã, mải miết đi sang đến tận huyện Yên Định lúc nào không hay. Ngoái nhìn dòng sông lững lờ trôi xuôi, tôi nhớ đến Quang Dũng và đoàn quân Tây Tiến, lòng chợt thương cho câu “Sông Mã xa rồi…”.

Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn

Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng với vùng đất địa linh nhân kiệt, mà còn được biết đến với một mảnh đất có nhiều câu chuyện đầy sự bí ẩn, gây tò mò cho du khách thập phương khi đến với mảnh đất này. Hang Ma không nằm ngoài danh sách đó.


Đường vào trong động rất nên thơ và hữu tìn
Đường vào trong động rất nên thơ và hữu tình .
Lâu nay, người ta đã từng nghĩ nhiều đến những bí ẩn về hang quan tài nằm ở thị trấn Hồi Xuân, huyện miền núi cao Quan Hóa. Và cách đó không xa, còn có một hang Ma. Hang Ma (theo tiếng Thái gọi là hang Phi) có những câu chuyện còn ẩn chứa xung quang nó những sự tích đầy bí ẩn.

Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn
Động nằm cheo leo trên vách núi đá (chỗ khoanh đỏ).

Từ thành phố Thanh Hóa, chạy ngược về phía Tây chừng theo quốc lộ 45 và quốc lộ 15A khoảng 150km, chúng ta đi đến thị trấn Hồi Xuân của huyện miền núi Quan Hóa. Từ thị trấn Hồi Xuân, tiếp tục đi ngược dòng sông Luồng gần 10km đường nhựa là tới hang Ma.
Con đường vắt vẻo chạy men theo các sườn núi, giữa một bên là dòng sông Luồng thơ mộng, một bên là những ngọn núi cao nối tiếp nhau chạy dài được phủ một màu xanh mướt như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Hang Ma nằm trên địa bàn của bản Cốc, cách trung tâm xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa khoảng 3km về phía Bắc. Hang Ma nằm giữa hai ngọn núi hùng vĩ là núi Pha Phưng và núi Pha Hang.

Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn
Những cỗ quan tài nằm ngổn ngang ngay cửa động.

Với chiều dài hơn 500m, chạy dọc theo dòng sông Luồng, hang Ma nằm trên địa thế hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo đi qua nên về mặt quân sự có thể coi đây là "Ải Chi Lăng" của miền tây Thanh Hóa. Xưa kia, cũng chính nơi mảnh đất này, đã có biết bao nhiêu trận đánh diễn ra ở đây.
Theo các cụ cao niên trong bản Cốc kể lại, sở dĩ có tên hang Ma, theo cách gọi như ngày nay, là bởi nơi đây, ngày trước đã có không ít binh lính nằm lại tại đây.
Từ con đường nhựa chạy qua địa bàn xã Nam Xuân ngược lên phía Tây, rẽ về phía tay phải qua con đường bê tông chừng 300m, hiện lên trước mắt là một bãi cát rộng. Từ bãi cát nhìn qua dòng sông Luồng là một ngọn núi đá vôi với những nhũ đá nhô ra uốn lượn trông rất bắt mắt. Dưới ngọn núi là một dải hang chạy dài theo chân núi sâu tới gần 10m, mùa nước cạn du khách có thể lội qua dòng sông vào khám phá nét đẹp bí ẩn bên trong hang.

Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn
Bên trong đã không còn nguyên vẹn. Những kẻ đi tìm của đã bới tung tất cả.

Đi tiếp là cây cầu treo, du khách đứng nhìn từ trên xuống là một màu xanh của dòng nước sông Luồng thơ mộng. Khi tới hang Ma - một nơi chúng ta không thể không tới đó là ngôi đền nơi hương khói cho các binh sĩ vô danh. Ngôi đền khang trang nằm ngay dưới chân núi.
Ông Hà Đình Tạ, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: “Theo các cụ cao niên trong vùng truyền lại, hang Ma có thể là nơi chôn cất những binh sĩ đã tử trận từ thời quân Lam Sơn khởi nghĩa chống giặc Minh. Chưa có tài liệu nào thống kê có bao nhiêu trận đánh đã diễn ra ở mảnh đất này, đồng bào nơi đây vẫn thường xuyên đến đây thắp hương cầu nguyện. Khoảng năm 1946 - 1947, đoàn quân Tây Tiến cũng từng mai phục, tiêu diệt rất nhiều giặc Pháp tại đây”.
Năm 2007, UBND xã Nam Xuân đã làm tờ trình về việc bảo vệ cũng như đầu tư nâng cấp hang Ma thành điểm du lịch. Đến năm 2008, được UBND huyện Quan Hóa đầu tư, xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách thập phương.
Cho đến nay, nhiều hạng mục đã được xây xong như: Hệ thống cầu treo, đường giao thông, đền thờ và các hạng mục phụ khác sẽ được hoàn thành để sớm đưa khu du lịch sinh thái vào hoạt động phục vụ cho du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm quan./.

Chuyện ở huyệt đạo thiêng

Buổi sơ khai, Cổ Định - Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) nằm nép mình dọc chân núi Nưa, nơi nữ tướng Triệu Thị Trinh dựa vào địa thế hiểm yếu làm căn cứ chiêu mộ nghĩa quân chống giặc Ngô. Về sau, người dân nơi đây tiến dần về hai bên bãi bồi sông Lưỡng Giang mà làm ăn, sinh sống. Cổ Định có nền văn hóa lâu đời, được xem là vùng đất thiêng, địa linh nhân kiệt…

Di tích Am Tiên (xã Tân Ninh, Triệu Sơn) nằm trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Nưa (núi Na hay còn gọi là Na Sơn). Nơi đây trở thành một trong những trung tâm du lịch tâm linh của quốc gia. Đền thờ Bà Triệu, huyệt đạo thiêng cùng những câu chuyện huyền bí, những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trên đỉnh Ngàn Nưa đang ngày ngày thu hút hàng vạn du khách thập phương tìm về.

Huyệt đạo thiêng
Núi Nưa thuộc 3 huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh (Thanh Hóa), được xếp liền kề nhau bởi 7 phiến núi tạo nên Ngàn Nưa trùng điệp, uốn mình như thế rồng lượn. Am Tiên là đỉnh cao nhất của Ngàn Nưa. Năm 248, Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, cho dựng trên núi một ngôi chùa công đức lấy tên “Bích Vân Cung Tự”, tục gọi là chùa Am Tiên.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhân dân trong vùng Cổ Định - Tân Ninh tưởng nhớ công ơn của Vua Bà và các tướng lĩnh, đã lập đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Nưa, đồng thời xây dựng, khôi phục Am Tiên trên đỉnh núi.
Cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm, địa phương tổ chức khai hội Đền Nưa - Am Tiên, đồng thời tổ chức lễ mở “cổng trời” trên đỉnh núi Nưa lồng lộng gió. Nơi mở “cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, cao so với mặt nước biển hơn 500 m, là vị trí huyệt đạo của nước ta.
Chuyện ở huyệt đạo thiêng
Đường lên Am Tiên cheo leo, hiểm trở trước kia
Ngàn Nưa - Am Tiên có sức hút kỳ lạ đối với không chỉ người dân quanh vùng mà với cả du khách thập phương. Từ những ngày đầu năm mới, hàng nghìn du khách rồng rắn lên Am Tiên. Đường lên núi dài gần 4 km, cheo leo, vòng vèo, hiểm trở, nhiều đoạn dốc cao trên 15 độ và những khúc cua tay áo, chỉ sơ sẩy là rơi xuống vực sâu, nếu đi bộ phải mất hơn 2 giờ, đi xe máy khoảng hơn 30 phút.
Huyệt đạo thiêng ở giữa một bãi đất bằng phẳng, bốn mùa mây la đà bao phủ. Ngày trời quang mây tạnh, từ đây có thể trông thấy làng mạc trù phú, những cánh buồm thong dong ngoài biển đông, đưa tay lên tưởng như chạm vào bồng bềnh mây.
Ông Lê Bật Thắng, một trong những người trông coi Am Tiên, giới thiệu: "Đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức Đền Am Tiên). Đây được xem là nơi năng lượng vũ trụ của trời và đất giao hòa, chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước ta.
Theo sự chỉ dẫn của ông Thắng, hàng trăm du khách được trải nghiệm và cảm nhận hiện tượng kỳ lạ. Mọi người đứng vào giữa huyệt đạo, thả lỏng cơ thể, mắt nhắm lại, tập trung mọi suy nghĩ lên đôi mắt. Khoảng 2 - 3 phút sau, từ màu tối, dần dần sẽ cảm nhận mắt chuyển thành màu đỏ rực. Chị Hoa, một du khách ở tỉnh Ninh Bình, sau khi mở mắt ra, vừa lấy tay dụi mắt vừa xuýt xoa: Kỳ lạ thật, không tin được nếu mình không trải nghiệm…
Du khách sau khi thành kính thắp hương, đứng giữa trời đất vái 4 phương, họ ngồi xuống đặt tay lên 3 phiến đá xếp giữa huyệt đạo, nhắm mắt lại và lầm rầm cầu xin. Được biết, họ làm như vậy với mong muốn được tiếp thêm một chút năng lượng, sinh khí từ trời đất vào cơ thể.
Du khách sờ tay vào phiến đá giữa huyệt đạo thiêng

Du khách sờ tay vào phiến đá giữa huyệt đạo với mong muốn được truyền 
năng lượng từ trời đất

Chuyện giếng tiên, rắn thần
Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa, đó là xuất hiện giếng nước trên núi, thường được gọi là giếng tiên. Trên độ cao hơn 500 m không suối, không khe lại có thủy tụ. Không ai xác định được giếng này có từ khi nào. Dân gian vẫn tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên đá, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng. Nơi đây được cho là giếng mà Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hàng ngày. Cũng có truyền thuyết cứ tối tối lại thấy các tiên nữ tắm nên gọi là giếng tiên?!
Nơi được xem là huyệt đạo quan trọng nhất của đất nước
Nơi được xem là huyệt đạo quan trọng nhất của đất nước.

Trước kia, giếng chỉ là một hố sâu chừng 3 - 4 m, rộng hơn 1 m. Do du khách ngày một đông, ai lên Ngàn Nưa - Am Tiên cũng ghé thăm và múc nước giếng đem về; để giữ vệ sinh cho nước giếng nên những người trông coi đền đã kè giếng bằng đá. Lòng giếng rất cạn, từ trên nhìn xuống đã thấy đáy, nhưng nước giếng cứ trong veo, đầy ăm ắp, không bao giờ vơi cạn dù cho hạn hán kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Nhung (TP Thanh Hóa) năm nào cũng lên Am Tiên, cho hay: "Nước giếng tiên không phải nấu, cứ thế múc lên mà uống, không lo đau bụng. Chúng tôi còn xin về, dùng nước này để dành dâng lên tổ tiên, ông bà ngày rằm, mùng một hàng tháng”.
Ông Lê Bật Sơn, người trông coi đền Am Tiên, kể cho chúng tôi nghe chuyện có thật ở Am Tiên. Đó là việc xung quanh đền thường xuyên xuất hiện rắn. Nhiều khách thập phương cũng đã tận mắt chứng kiến con rắn nằm ở đền Bà Triệu.
Ông Sơn kể: Đêm mùng 1 Tết Kỷ Sửu (2010), “ông rắn” to bằng cổ tay, dài hơn 1 m bò vào mép bức tường hoa ngay trước sân đền thờ Bà Triệu và nằm cuộn tròn tại đây. Sau đó “ông rắn” bò vào ban thờ, đến ngày mùng 3 Tết thì bò lên mái đền, phía trên bệ thờ và nằm vắt vẻo trên đó.
Lạ là hơn 1 năm, “ông rắn” chỉ nằm ở một tư thế, không thấy “ông rắn” bò đi kiếm ăn, cũng không gây hại và cắn ai bao giờ. Vào một ngày giữa tháng 3/2012, ông Sơn vào đền thắp hương thì thấy “ông rắn” đã “đi” từ lúc nào không biết.
Phiến đá nặng hàng tấn hình voi phục tại Am Tiên
Phiến đá nặng hàng tấn hình voi phục tại Am Tiên.


Những chuyện khó tin
Dưới chân núi Nưa, cả một vùng đất rộng lớn thuộc 3 huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh chính là mỏ quặng crome khổng lồ (một loại kim loại màu quý), từ những năm đầu thế kỷ 20 được người Pháp đánh giá có trữ lượng khoảng 20 - 30 triệu tấn. Chuyện có thật xảy ra với cán bộ, công nhân một Cty chuyên khai thác quặng crome khiến họ hoang mang, sợ hãi.
Kể về tai nạn kinh hoàng xảy ra đã hơn 1 năm, anh D, cán bộ kỹ thuật của Cty, vẫn không hết bàng hoàng và đượm buồn. Vào một ngày giữa năm 2011, anh D phát hiện dưới hố khai thác quặng (độ sâu khoảng 10 m) có một vật lạ. Sau khi anh D gột rửa hết bùn đất thì thấy đấy là một khúc gỗ hình thù giống con chó đang chạy, màu nâu bóng nhoáng. Thấy đẹp, anh D đem vật đó về phòng mình ở khu tập thể Cty, định đem về nhà. Cũng không nhớ vì lý do gì anh D để vật đó lại nhà người bạn thân trên đường về quê.
Được ít hôm, hơn 10 người trong Cty cứ hết người này đến người khác bị tai nạn. Người tự đâm vào đống đất, đá, kẻ tự va vào cột điện bên đường rồi ngã. Người nhẹ thì gãy chân, tay, nặng thì chấn thương sọ não. Người bạn thân của anh D bị ngã khi đang trên đường đi làm về.
Anh D bị nặng nhất. Đang trên đường chở bạn gái đi chơi Sầm Sơn về, xe máy của anh D bị chiếc xe 7 chỗ từ phía sau chồm tới. Bạn gái anh D thiệt mạng tại chỗ. Anh D bị chấn thương sọ não, sau mấy tháng điều trị từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa chuyển ra Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), may mắn thoát chết. Cả Cty lúc đó cứ nháo nhào lên. Người ta xôn xao việc Cty khai thác quặng, động đến đất thiêng, hoặc có ai lấy vật gì của đền, phủ… nên bị phạt?!
Tình cờ, có người phát hiện và nói cho biết vật bằng gỗ chính là vật thờ cúng của Đền Nưa - Am Tiên bị thất lạc. Giữa lúc anh D và một số người đang còn nằm điều trị tại các bệnh viện thì người của Cty đã phải đem vật đó làm lễ và xin đưa “ngài” lên Am Tiên… Lạ kỳ thay, từ ngày “ngài” được trả về đền, mọi người trong Cty lại “tai qua nạn khỏi”.
Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có chuyện thánh thần quở phạt như mọi người suy luận?!