Thực hư chuyện núi thiêng xứ Mường

Thời gian gần đây, dư luận Thanh Hoá xôn xao về chuyện ở ngôi làng kỳ lạ xứ Mường (Thôn Đồng Hội, xã Thành Công, Thạch Thành - Thanh Hóa) rằng, cứ người dân mặc áo, đội mũ màu trắng đều bị đau ốm, bệnh tật và gặp tai ương…, thậm chí  đàn cò trắng bay ngang qua hang núi cũng bị rơi xuống đất… 

Ngôi miếu thờ “Nàng Áo Trắng” ở làng Đồng Hội

Truyền thuyết núi Bạc 

Hang núi Bạc nằm ngay dưới chân núi Đá Bạch thuộc thôn Đồng Hội, xã Thành Công. Những bí ẩn về hang núi Bạc được gắn với truyền thuyết về mối tình giữa sơn nữ “Nàng Áo Trắng” và vị thần Cao Sơn ở thời Hùng Vương thứ 18.

Cụ Quách Thế Thanh (80 tuổi) ở Đồng Hội cho biết: Theo cha ông kể lại, ngày xưa ở làng này có một sơn nữ áo trắng sống một mình trong hang núi. Đến lúc loạn lạc, xuất hiện một tướng quân tên Cao Sơn đem quân đến đây dẹp giặc nên hai người đã gặp và nảy sinh tình cảm với nhau. Sau đó, họ kết duyên vợ chồng.

Họ sống với nhau chưa được bao lâu thì quân giặc tấn công bất ngờ. Cao Sơn và đoàn quân đã hi sinh để bảo vệ dân làng, duy có “Nàng Áo Trắng” sống sót bởi có sắc đẹp như tiên nữ. Tướng giặc tìm mọi cách để chinh phục trái tim nàng, kể cả những thủ đoạn hèn hạ nhất, nhưng tất cả đều vô ích, “Nàng Áo Trắng” dành trọn tình yêu cho người chồng đã mất. Về sau, vì quá đau buồn, người phụ nữ này trốn vào rừng tự vẫn hóa thành núi Đá Bạch.

Người dân nơi đây chứng kiến nhiều chuyện lạ xuất hiện xung quanh hang núi Đá Bạch, từ chuyện đàn cò trắng bay ngang qua cửa hang bị rơi xuống đất, đến chuyện người dân mặc áo, đội mũ màu trắng đều bị đau ốm, bệnh tật và gặp tai ương… Người dân nơi đây cho rằng những điều này nhất định liên quan đến “Nàng Áo Trắng”. Vì vậy, họ lập miếu ngay dưới chân núi Đá Bạch để thờ cúng nàng và thần Cao Sơn. Cũng từ đó, dân làng không ai dám mang bất kỳ thứ gì màu trắng theo người khi đến quanh hang núi trồng trọt, lấy củi.
Không những thế, khi đến quanh miếu, người dân còn kiêng nhắc đến từ “trắng” và thay đổi thành từ “bạc” hay “bạch”. Ngày xưa, ngọn núi này gọi là núi Đá Trắng nhưng từ khi những câu chuyện kỳ lạ này xuất hiện người dân mới đổi thành núi Đá Bạch.

Những câu chuyện lạ

Cụ Thanh cho biết từng chứng kiến điều lạ lùng ở hang núi Đá Bạch hồi những năm 1950 khi cụ còn là một thanh niên trai tráng. Cụ Thanh kể: “Hang núi Bạc nằm ngay phía sau làng, đường lên rất khó khăn, dốc tiếp dốc, vực nối vực. Hôm tôi cùng mấy cụ cao niên trong làng khai phá đường lên hang núi để chọn hướng dựng miếu thì xảy ra chuyện lạ. Trong khi mọi người leo vào đến cửa hang một cách dễ dàng, tôi lại không tài nào đi lên được. Cố gắng bám chắc từng khối đá dây rừng mà đi mãi vẫn quay trở lại vị trí cũ. Khi đó, mọi người mới nhận ra tôi mặc cái áo màu trắng trên người”.

Một câu chuyện cũng mang màu sắc không kém phần liêu trai nữa được người dân kể lại rằng: Ngày xưa, có người phụ nữ vào rừng tìm hái cây thuốc ở quanh miếu, bà nhìn thấy một hòn đá nhẵn, nhỏ gọn nên đã bê về nhà làm đá mài. Không ngờ, ngay đêm hôm đó người phụ nữ đột nhiên ốm nặng. Mọi người đều cho rằng, nguyên nhân chính từ hòn đá nên khuyên đem đặt chỗ cũ rồi tạ tội với thần linh. Lập tức, gia đình người phụ nữ này bê hòn đá đến đặt chỗ cũ và thắp hương vái lạy. Không ngờ, người phụ nữ bỗng chốc khỏi bệnh.

Theo một cao niên trong làng, hòn đá ở gốc cây si chính là hòn đá mài năm xưa tướng Cao Sơn và quân lính dùng để mài gươm đánh giặc. Bên trên hòn đá mài có nguồn nước trong mát chảy ra chưa bao giờ cạn.

Bà Bùi Thị Đạo (55 tuổi) ở Đồng Hội, kể: “Hòn đá này còn dự báo được người chết ở làng thông qua hiện tượng tự tiết ra những giọt nước màu đen sẫm. Nếu thấy hiện tượng này, nhất định vài ngày sau trong làng sẽ có đám tang”.

Anh Quách Văn Thượng, Phó Chủ tịch xã Thành Công  cho biết: “Chuyện người làng Đồng Hội thờ cúng “Nàng Áo Trắng” và thần Cao Sơn là có thật. Sự tích về câu chuyện này tôi cũng đã được nghe, chỉ là truyền miệng qua các đời mà thôi”.

Ông Quách Công Đạm (56 tuổi) người phụ trách trông coi hai ngôi miếu của làng cho biết: “Đồng Hội là một vùng đất gắn với truyền thuyết. Các câu chuyện tâm linh cứ thế được truyền từ người này sang người khác. Còn chuyện về đàn cò bay ngang qua cửa hang “bạc” bị rơi rụng xuống đất chỉ là câu chuyện xa xưa, không rõ nguồn gốc và cũng cũng chẳng ai chứng kiến. Và chuyện những ai mặc đồ trắng không thể bước đến cửa hang chỉ là tin đồn. Vẫn có những người mặc áo trắng đi qua mà có sao đâu?”.