Đồng chí Trịnh Văn Chiến giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Ngày 27-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 triển khai Quyết định của Trung ương về điều động cán bộ và thông báo ý kiến chỉ đạo giới thiệu nhân sự bầu Bí thư Tỉnh ủy.


Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo một số vụ thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Thay mặt Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy của  đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa để điều động và phân công nhiệm vụ giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương; Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị, đồng ý giới thiệu đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa,  nhiệm kỳ 2010-2015.

Bám sát quy chế bầu cử trong Đảng, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh đã triển khai các nội dung công việc theo đúng quy định. Kết quả, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã được hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh bỏ phiếu bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 với số phiếu tán thành 100% (56/56 đại biểu có mặt).

Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng tặng hoa, chúc mừng đồng chí Trịnh Văn Chiến.

T.H

Dàn người đẹp xứ Thanh diện bikini khoe dáng trên bãi biển

Trong khuôn khổ vòng chung kết Người đẹp xứ Thanh năm 2014, sáng 25/11 các thí sinh đã có buổi chụp ảnh và ghi hình trên bãi biển sầm sơn. Trong trang phục bikini màu hồng tươi các người đẹp đã khoe những đường cong gợi cảm.

Đêm chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào 30/11 tại Thanh Hóa, ngồi ghế nóng cuộc thi sắc đẹp này là Hoa hậu Ngọc Hân, nhà thiết kế Anh Thư, ca sĩ Trọng Tấn…

Một số hình ảnh của các thí sinh:














Trước đó, từ sáng sớm 30 thí sinh đã đến dâng hương tại tượng đài Lê Lợi và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Sau đó các thí sinh bắt đầu hoạt động đạp xe qua các tuyến phố chính tại Thành phố Thanh Hóa. 














Tổng hợp

Trước vòng chung kết "Người đẹp xứ Thanh" năm 2014

Ngày 20/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã diễn ra vòng chung khảo cuộc thi "Người đẹp xứ Thanh" năm 2014 với 47 thì sinh tham dự.  Các thí sinh đã trải qua các nội dung thi: Trình diễn trang phục áo dài và tự giới thiệu về bản thân; Trình diễn trang phục áo tắm.

 Trong vòng thi này các thí sinh đã thể hiện sự mong muốn được giao lưu, học hỏi để hoàn thiện bản thân. Đồng thời qua các phần thi ứng xử và chào màn giới thiệu bản thân, các thí sinh đã thể hiện tình yêu quê hương Thanh Hóa và mong muốn được góp một phần nhỏ bé để quảng bá hình ảnh quê hương và con người xứ Thanh.

Kết thúc các phần thi, BTC đã chọn ra 30 thí sinh tiêu biểu nhất cho vòng chung kết, dự kiến diễn ra từ 23 đến 30/11/2014.

Trước đó vào ngày 18/11 vòng sơ khảo đã diễn ra với sự có mặt của Ban chỉ đạo : Ông Nguyễn Duy Ngọc – Phó phòng Văn hoá, Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá; Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá; Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – TRưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá; Ông Lê Ngọc Châu – Đại diện từ phía Tỉnh Đoàn Thanh Hóa; Đại diện của sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá... 

Về phía Ban Tổ chức: Ông Nghuyễn Thành Chung – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Lam Đa Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức; Ông Phạm Hoàng Giang - Giám đốc Sản xuất; Bà Minh Hạnh - Phó Giám đốc dự án,... Và trưởng Ban Giám khảo – Tiến sĩ Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp.

Một số hình ảnh ghi lại tại vòng sơ khảo và chung khảo của cuộc thi:







T.H

Làng Đông Sơn - Ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam

Làng cổ Đông Sơn được liệt vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn của một nền văn minh huy hoàng của dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn.


Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Mã huyền thoại, cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước có cánh đồng rộng màu mỡ, có bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, ba phía của làng được bao bọc bởi những quả đồi đất, núi đá xen kẽ nhau. Huyền thoại dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ vùng Đông Sơn đã nhắc đến 99 ngọn núi này một cách đầy tự hào:

Chín mươi chín ngọn bên đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
Chín mươi chín ngọn đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông

Phía đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.

Phía nam của làng là hệ thống đồi đất cao có nhiều ngọn trong đó tiêu biểu nhất là núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế.

Phía bắc của làng là hệ thống núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Hệ thống di tích: đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh bình dị giếng nước mái đình rất đỗi thân thương.

Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống nhiều phần no đủ, trù phú và yên bình.

Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một ''niên biểu'' về sự phát triển liên tục từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh.

Tài liệu khảo cổ học cho biết từ thời các vua Hùng dựng nước trên đất Đông Sơn đã hình thành một làng nông nghiệp. Những chứng cứ văn hoá vật chất được phát triển từ lòng đất làng cổ Đông Sơn từ những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc đến những chiếc trống đồng hoa văn tinh sảo... Đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành, và phát triển lâu dài và có vị thế trong khu vực. Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên. Từ đầu thế kỷ XX Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hoá Đông Sơn. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.

Làng Đông Sơn tưởng như nằm giữa thung lũng, tứ bề là rừng núi. Nhưng nhờ bởi ông cha từ xưa đã có cách bố trí, sắp đặt, quy hoạch hết sức thông thái, khoa học giữa các cụm dân cư, đường ngõ và hệ thống thoát nước; lại thêm thế đất liền mạch theo chiều thoai thoải của núi Rồng nên dù có mưa gió, bão lụt thì làng vẫn được bảo vệ. Chưa hết, nơi dựng làng là vị trí đắc địa cho phòng thủ và tác chiến nên mọi sự xâm nhập từ bên ngoài có thể được phát giác và ngăn chặn. Cũng vì địa thế ấy nên làng Đông Sơn đã được triều đình phong kiến nhà Lê chọn làm nơi xung yếu. Đồng thời, qua hai cuộc kháng chiến, nhất là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa quân và dân ta với những thần sấm, con ma của đế quốc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cái tên làng Đông Sơn một lần nữa được xướng lên như biểu tượng của sự can trường, anh dũng. 

Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến. Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với 120 – 130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ... Làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh. Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...  Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Hiện tại làng Đông Sơn nằm trong khu du lịch Hàm Rồng - điểm xuất phát của hành trình du lịch xứ Thanh. Các di tích vãn hoá cũng như dấu tích văn hoá Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang đã trở thành những địa điểm du lịch thú vị. 

Đ.S

Lễ kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP Thanh Hóa, công bố Quyết định Đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Tối 16/11, tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lế kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ; 20 năm thành lập TP Thanh Hóa; công bố Quyết định Đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Về dự lễ kỷ niệm  về phía Trung ương có các đồng chí: Dự lễ kỷ niệm về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, cùng nhiều  tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương  gửi lẵng hoa chúc mừng.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh, cùng các tầng lớp nhân dân TP Thanh Hóa.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy đã điểm lại chặng đường lịch sử hình thành, phát triển của TP Thanh Hóa từ hàng trăm năm trước cho đến nay.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa; thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận TP Thanh Hóa là Đô thị loại I.

Trong niềm vui mừng, phấn khởi của nhân dân thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ  Hoàng Trung Hải phát biểu chúc mừng, biểu dương tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu và những thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa đã đạt được. Đồng chí khẳng định: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TP Thanh Hóa luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa; cùng với cả tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho đất nước. Thời kỳ đổi mới, đã không ngừng bứt phá, với tốc độ phát triển nhanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ đã tạo cho TP Thanh Hóa một diện mạo mới, một sức mạnh mới và một nội lực mới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài phát biểu cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ để TP Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung không ngừng phát huy truyền thống, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa đã đoàn kết, chung sức đồng lòng phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Ngay sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng “Hát về đất và người nơi đây”  với sự kết hợp giữa hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình led đã mô tả sinh động về vùng đất Thanh Hóa anh hùng qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 


Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung... 

Lễ kỷ niệm đã khép lại với màn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu  để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

T.H

Khởi công Dự án đường vành đai phía Tây Thành phố Thanh Hóa

Sáng 16/11 tại địa phận xã Đông Tân – TP Thanh Hóa, Sở GTVT phối hợp với  UBND tỉnh Thanh Hóa và liên danh các nhà đầu tư, tổ chức lễ khởi công Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với chiều dài 14,6 km với tổng mức đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng.


Đến dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai văn Ninh, Ủy viên BCH TW Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; Trịnh Văn Chiến , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư tỉnh ủy – Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Nguyễn Thị Xuân Thu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thìn – Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải; các đồng chí thường trực UBND Tỉnh; Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, Thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, các địa phương liên quan và đông đảo nhân dân.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A, lưu lượng xe khu vực phía Tây của tỉnh qua trung tâm thành phố; đồng thời, sẽ tạo thành một trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển thành phố về phía Tây, hòa nhập các khu vực đô thị, ven đô và vùng phụ cận đang thiếu mạng lưới giao thông, các dịch vụ đô thị cơ bản.


Tuyến đường vành đai phía Tây thành phố đi qua địa bàn TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, có chiều dài 14,632 km. Điểm đầu tại Km 0+00 (trùng với điểm đầu của Quốc lộ 1A – đoạn tránh TP Thanh Hóa), điểm cuối tại Km 14+632 (trùng với điểm cuối của Quốc lộ 1A – đoạn tránh TP Thanh Hóa). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h, chỉ giới xây dựng 82 m, mặt cắt ngang 76 m. Trong đó, bao gồm hai luồng chính 2x10,5 m, phân cách giữa hai luồng chính 5 m; hai luồng đường gom 2x10 m; giữa đường chính và đường gom là giải phân cách 2x9 m, phía trong hai bên đường gom là vỉa hè 2x6 m. Với tổng mức đầu tư hơn 6.963 tỷ đồng, dự án được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư từ Km 6+00 đến Km 14+632 với qui mô đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m, tổng mức đầu tư hơn 789 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; đoạn từ Km 0+00 đến Km 6+00, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, do Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và hoàn thành vào đầu năm 2017. Giai đoạn 2 được đầu tư theo qui mô bốn làn xe, mặt cắt ngang 26 m, tổng mức đầu tư hơn 3.077 tỷ đồng. Giai đoạn 3, đầu tư phần còn lại của dự án, bảo đảm hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 76 m và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa trong việc kêu gọi, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền Thanh Hóa thực hiện tốt công tác chính sách, vận động nhân dân GPMB đúng thời hạn, bàn giao đúng thời hạn cho nhà thầu thi công. Các đơn vị thi công dự án phải đảm bảo được chất lượng công trình và đúng tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Cũng trong tại buổi lễ,, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thời gian qua đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thanh Hóa nói chung và xây dựng đường vành đai phía Tây thành phố nói riêng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải tập trung chỉ đạo các đơn vị huy động nhân lực, thiết bị, xe, máy thi công xây dựng đường vành đai phía Tây thành phố bảo đảm chất lượng đúng tiến độ; phấn đấu đầu năm 2017 đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn 1 của tuyến đường. Trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thi công; đồng thời, làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của dự án, các chính sách về bồi thường GPMB của Nhà nước để nhân dân, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng chia sẻ, ủng hộ và sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

T.H

Xuất hiện rắn lục đuôi đỏ tại Thanh Hóa

Sau Nghệ An và nhiều tỉnh phía Nam, Thanh Hóa đã xuất hiện rắn lục đuôi đỏ. Đã có nạn nhân bị rắn cắn phải nằm viện cấp cứu 9 ngày mới qua khỏi. Nhiều người dân hiện rất hoang mang, lo lắng…

Vị trí người dân thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh đánh được rắn lục đuôi đỏ ngay sát đường đi.

Khoảng nửa tháng nay, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều tại thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) và thôn Lương Xá, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) khiến người dân lo lắng. Hàng chục cá thể rắn lục đuôi đỏ đã bị người dân đánh chết, một người đã bị rắn cắn.

Nạn nhân bị rắn cắn là anh Lê Thiện Quân, 40 tuổi, trú tại thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh. Theo lời kể của anh Quân, cách đây hơn 10 ngày, khi dắt xe máy vào nhà, do dẫm phải rắn nên anh bị cắn vào ngón chân trái. Mọi người nhanh chóng sơ cứu và gọi taxi đưa anh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi bị rắn cắn, người anh tím tái, nôn nao, khó thở, chân trái sưng to và chuyển sang màu thâm tím. Trong những ngày đầu điều trị tại bệnh viện, anh Quân bị liệt chân trái không cử động được. “Các bác sĩ nói, may mà gia đình đưa đến viện kịp thời (chỉ sau khoảng gần 20 phút), nếu để lâu có thể nguy hiểm đến tính mạng” – anh Quân cho biết.

Những người chứng kiến kể lại, con rắn bị đánh chết sau khi cắn anh Quân có chiều dài khoảng 40 cm, to bằng ngón tay, màu xanh, khoảng 7 – 8 cm phía đuôi có màu đỏ. Những ngày sau đó, số lượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều. Gần đó, các anh: Nguyễn Thế Uân, Hoàng Sỹ Thiện, Hoàng Văn Sơn… cũng phát hiện và đánh chết nhiều con rắn loại này. Theo thống kê sơ bộ của bà con, khoảng nửa tháng nay, người dân trong thôn đã tiêu diệt khoảng 8 con rắn lục đuôi đỏ.

Tại thôn Lương Xá, xã Triệu Lộc – cách đó 1 triền núi cũng xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ. Người dân trong thôn cũng đã đánh được khoảng 14 con rắn loại này, riêng nhà anh Lâm cũng tiêu diệt 10 con trú ngụ trong giàn hoa thiên lý rậm rạp. Nhiều người khẳng định lâu nay không thấy loại rắn này xuất hiện tại địa phương nên nghi ngờ có người mang từ nơi khác đến, khiến dư luận hoang mang.

Bà Trần Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Trinh cho biết: Khi có thông tin, xã đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp để bàn bạc cách tiêu diệt. Xã sẽ báo cáo huyện Hoằng Hóa, đồng thời chỉ đạo cán bộ trạm y tế xã  vào cuộc, sẵn sàng các phương án cấp cứu. Rất mong các cơ quan chức năng của hai huyện nói trên, của tỉnh vào cuộc, tránh hoang mang, lo lắng trong nhân dân.


( THO)

Đặc sản nòng nọc om măng của người Mường xứ Thanh

Những chú nòng nọc bụng trắng tinh, béo mẫm và mềm mại nằm ngon lành trên bát măng om nghi ngút khói là thứ đặc sản làm không ít người phải ngại ngần khi lần đầu thưởng thức.

Măng rừng tươi quyết định nhiều đến hương vị của món ăn. Ảnh: 24h.

Người Mường ở miền Tây Thanh Hóa từ lâu đã có thói quen ăn nòng nọc (theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu). Vào các tháng 6 đến 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Lúc này nước ở các con suối mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ.

Những con nòng nọc do loài ếch đá trong rừng đẻ vào các tháng mùa mưa thường béo tròn, to bằng ngón tay, khác hẳn nòng nọc dưới xuôi. Nòng nọc bắt về được chế biến thành nhiều món khác nhau như chả, chiên, xào, nấu, nướng, kho… nhưng được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.

Nhiều người dưới xuôi khi đến thăm gia chủ người Mường được mời thưởng thức món đặc sản này đánh giá rằng, ăn nòng nọc còn mát và ngon hơn canh cá khoai nhiều lần.

Người làm phải rửa qua nòng nọc, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài, rửa sạch, để ráo. Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun cho sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.

Những vị khách ở xa thường có cảm giác hơi ghê khi được mời ăn lần đầu. Nhưng nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc đang nghi ngút khói cho vào miệng, bạn sẽ thấy vị thơm mùi đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.

Nếu có dịp đến với bản Mường ở Thanh Hóa mùa nòng nọc, bạn đừng ngại ngần thưởng thức món ăn đậm chất núi rừng bên ly rượu cay cùng chủ nhà. Bạn cũng có thể mua mang về tại chợ họp ở khu vực huyện Thạch Thành, suối Vó Ấm chảy từ Vườn quốc gia Cúc Phương hoặc chợ phiên cửa khẩu quốc tế Na Mèo với giá từ 40.000 đến 50.000 nghìn đồng một kg. Tuy nhiên khi về nấu dưới xuôi thì hương vị không sao sánh bằng.

Bên cạnh đó, khi đến với các bản làng miền Tây xứ Thanh, bạn còn có cơ hội được thưởng thức những đặc sản khác của miền sơn cước như sâu măng sào, chuột đồng nướng trui, canh đắng, nem măng đắng, nhái rừng...

Nguồn: Vnexpress

CLB Thanh Hóa trước thềm V-League 2015: Tân trang cả công và thủ

Sau khi lập được kỳ tích lần đầu tiên lọt vào Top 3 tại V-League 2014, Thanh Hóa đang tích cực chuẩn bị lực lượng để bước vào mùa giải 2015.

Đào Văn Phong (trái) đã cập bến Thanh Hóa

Ngoài việc mời HLV Vũ Quang Bảo ngồi vào ghế HLV trưởng, đội bóng xứ Thanh đã rất chăm chút trong việc tân trang cả hàng thủ lẫn hàng công. Theo đó, ngoài việc đưa trung vệ Lục Xuân Hưng của U19 Việt Nam lên đội 1, đồng thời gọi lại trung vệ Lê Xuân Anh (mùa giải 2014 cho XSKT.CT mượn), đội bóng xứ Thanh đã mua hậu vệ Đào Văn Phong từ Hải Phòng và mới nhất là Trương Huỳnh Phú, người cũ của B.BD. Đây là những sự bổ sung sau sự ra đi của Nguyễn Xuân Luân và Nguyễn Xuân Thành. 

Không chỉ củng cố hàng thủ, Thanh Hóa còn tân trang cho tuyến trên bằng việc ký hợp đồng với các tiền đạo Đình Tùng, Văn Thanh, Timothy và các tiền vệ Quý Sửu, Văn Vinh. Đây là những cầu thủ đã khẳng định được thương hiệu của mình, đặc biệt cựu “Vua phá lưới V-League” Timothy và “Vua phá lưới hạng Nhất 2014” Văn Thanh. Sở hữu những “sát thủ” lợi hại, Thanh Hóa kỳ vọng sức mạnh của họ sẽ tăng lên đáng kể, chứ không còn cảnh phụ thuộc quá lớn vào Nastja Ceh như ở mùa giải 2014. 

Thanh Hóa đang dự định sẽ tổ chức giải Thanh Hóa mở rộng 2014 và mời 5 đội bóng nữa cùng tham gia. Dự kiến, giải đấu này sẽ khai mạc vào ngày 5/11 tới và đội chủ nhà Thanh Hóa đang gấp rút chốt danh sách các đội tham dự giải. Đây là cơ hội quý giá để Thanh Hóa được cọ xát và lắp ghép các mảng miếng trong lối chơi để từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải 2015. Do chỉ có 1 cầu thủ đang khoác áo ĐT Việt Nam là thủ môn Vĩnh Lợi nên Thanh Hóa sẽ lên bộ khung đội hình để sớm hoàn chỉnh cách tổ chức lối chơi. Rõ ràng sau cú hích đoạt HCĐ mùa vừa rồi, Thanh Hóa đang rất háo hức cho mùa giải mới 2015.

Thanh Hóa chốt suất ngoại binh
Sau khi chia tay tiền vệ Nastja Ceh, Thanh Hóa đã chính thức ký hợp đồng với tiền đạo Timothy Anjembe đồng thời gia hạn hợp đồng với trung vệ Van Bakel. Đây sẽ là 2 ngoại binh của Thanh Hóa ở mùa giải 2015. Bên cạnh đó, sau khi biết việc VFF quy định các CLB chỉ được đăng ký 1 cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt Nam nên Thanh Hóa chỉ giữ lại tiền đạo Lê Văn Tân.

Nguồn: BÓNG ĐÁ +

Hợp long cầu Nguyệt Viên

Cầu Nguyệt Viên là điểm nhấn quan trọng của tiểu dự án 2, được Bộ Giao thông – Vận tải(GTVT) và tỉnh Thanh Hóa chọn làm công trình chào mừng 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và TP Thanh Hóa được công nhận đô thị loại I.


Ngày 9 – 11, Bộ Giao thông – Vận tải, UBND tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ hợp long cầu Nguyệt Viên - tiểu dự án 2 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn dốc Xây – TP Thanh Hóa. Dự lễ có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và các đồng chí lãnh đạo lãnh đạo của tỉnh, các ban ngành, các cục, vụ thuộc Bộ GTVT, đại diện lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa.

Tiểu dự án 2 có chiều dài 11km đi qua địa phận huyện Hoằng Hóa và TP.Thanh Hóa. Điểm đầu tuyến từ Km0 giao với QL 1A tại Km 315+492 ( phía nam cầu Ba Gian) thuộc địa phận xã Hoằng Qùy, huyện Hoằng Hóa. Điểm cuối Km11+014 tại nút giao tuyến tránh TP.Thanh Hóa với Đại Lộ Lê Lợi.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.403 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng. Số hộ bị ảnh hưởng GPMB 325 hộ. Quy mô tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 20,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, giải phân cách giữa, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trên tuyến có 3 cây cầu chính được thế kế vĩnh cữu bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu Nguyệt Viên bắc qua Sông Mã có kết cấu nhịp chính bằng bê tông cốt thép dự ứng lực giản đơn với chiều dài 1.045m. được khởi công từ tháng 11/2013 và sẽ thông tuyến  vào ngày 3/2/2015.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: “Bộ GTVT đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban QLDA 1 (thuộc Sở GTVT Thanh Hóa - chủ đầu tư) cùng với hai nhà thầu Cenco 1 và Cenco4 đã nỗ lực đưa dự án sớm về đích. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh, các nhà thầu và các đơn vị liên quan tập trung tốt hơn nữa, giải quyết các vướng mắc để dự án có thể đưa vào sử dụng đúng thời hạn.

Cũng trong tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cnhấn mạnh: Cầu Nguyệt Viên là công trình quan trọng của tiểu dự án 2, đồng thời biểu dương các nhà thầu, chủ đầu tư (Sở Giao thông – Vận tải), tư vấn giám sát đã có nhiều hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án; các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Theo kế hoạch chỉ còn hơn 3 tháng, tiểu dự án 2 sẽ hoàn thành, vì vậy các đồng chí đề nghị nhà thầu cần tập trung lực lượng, phương tiện để thi công bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Tỉnh Thanh Hóa cam kết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thầu trong quá trình thi công.

T.H

Vietjet Air khai trương đường bay TP.HCM – Thanh Hóa

Vào ngày 25/11, Hãng hàng không Vietjet Air sẽ chính thức khai trương đường bay Thanh Hóa - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. 


Đây là hãng hàng không thứ 3 khai thác đường bay đến Thanh Hóa. Qua đó mở ra triển vọng phát triển của sân bay dân dụng Thọ Xuân – Thanh Hóa trong giai đoạn tới đây.

Nhằm chào mừng đường bay mới TP .Hồ Chí Minh – Thanh Hóa cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng của người dân và du khách đến với Xứ Thanh, Hãng hàng không Vietjet Air tổ chức khuyến mãi 2000 vé giá chỉ từ 0 đồng trong 3 ngày vàng 6, 7 & 8/11/2014. Vé siêu tiết kiệm này được bán theo chương trình khuyến mãi mỗi ngày trên website của Hãng. Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên của Vietjet Air sẽ cất cánh vào ngày 25/11/2014. Thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 55 phút, khởi hành từ TP.HCM lúc 9h00 và đến Thanh Hóa lúc 10h55. Chiều ngược lại khởi hành lúc 11h30 từ Thanh Hóa và đến TP.HCM lúc 13h25. 

Hiện tại, đang có hai hãng hàng không khai thác tuyến bay TP.Hồ Chí Minh – Thanh Hóa là VietNam Airline và Jetstar với tần xuất 14 chuyến/ tuần. Sau khi VietJet Air vào khai thác đường bay TP. Hồ Chí Minh – Thanh Hóa, sẽ nâng tần xuất lên 21 chuyến / tuần .

Tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không tham gia khai thác tại thị trường Thanh Hóa. Tuy nhiên, Tỉnh khuyến khích các hãng hàng không khai thác thêm các đường bay mới từ Thanh Hóa đi Đà Nẵng; Buôn Mê Thuột, bởi đây là những địa phương có nhiều người Thanh Hóa sinh sống làm việc, đồng thời có nhiều cơ hội để khai thác trong lĩnh vực Du lịch. Đặc biệt đón đầu cơ hội phục vụ năm Du lịch Quốc gia- Thanh Hóa  2015 với chủ đề “ Kết nối các di sản thế giới ”

T.H

Trường chuyên Lam Sơn có hiệu trưởng mới

Ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn với thời hạn 5 năm.


Ngày 5/11, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn. Ông Hoa đảm nhiệm chức vụ thời hạn 5 năm kể từ tháng 11/2004.

Trước đó từ ngày 1/1, ông Kim Ngọc Chính, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lam Sơn nghỉ hưu theo quy định. Để chuẩn bị người thay thế, đầu tháng 12/2013, giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa Phạm Thị Hằng có văn bản báo cáo Chủ tịch tỉnh về những phương án tìm hiệu trưởng trường này. Có 3 người được đề xuất là: ông Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng THPT Quảng Xương 1; ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng trường THPT Lam Sơn và ông Mai Công Mãn, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa).

Tuy nhiên, trước dư luận trái chiều về phương án nhân sự mới, ngày 31/12/2013, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định tạm thời giao ông Lê Văn Vinh, Phó hiệu trưởng trường THPT Lam Sơn phụ trách quản lý và điều hành hoạt động của trường này mà không bổ nhiệm nhân sự theo dự kiến ban đầu.

Trung tuần tháng 8, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề án thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn. Thời gian thi tuyển dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, sau khi hết hạn nhận hồ sơ, chỉ có một ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển nên phương án này không thực hiện được.

Như vậy, sau hơn 10 tháng trống ghế, trường THPT Lam Sơn đã có người tiếp quản.

Chuyện kể kinh hãi về ‘thần hổ xám’ báo thù ở Thanh Hoá

Trong lỗ tai hổ xám có hơn 100 vết đỏ như nốt ruồi son, chứng tỏ nó đã ăn thịt hơn 100 người.

Ông Đinh Văn Trinh

Ông Đinh Văn Trinh, 81 tuổi, ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) kể rằng, trong truyền thuyết của người Mường vùng Thạch Thành, xưa kia, trong đại ngàn Thành Yên có vô số hổ, nhưng con hổ thành tinh, hay còn gọi là hổ thần, là chúa tể của loài hổ. Nó là vị chỉ huy tối cao, là thủ lĩnh, gây ra những vụ tàn sát người ghê gớm.

Ông Trinh không được tận mắt con hổ khổng lồ này, nhưng theo bố ông và các cụ kể lại, thì nó to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi hổ đồng loại. Thân nó dài khoảng 4 mét, mình to như con trâu, nó có bộ da vằn nhưng màu xám hơn, chứ không vàng như hổ bình thường.

Hai mắt hổ thần đỏ lòm như cục than nóng rẫy lúc ban đêm, vuốt dài và sắc như dao chọc tiết lợn. Con hổ này vả một cái, nửa thân cây cổ thụ toác ra, nên nếu con người trúng cú tát của nó, chỉ có nước rơi đầu mất mạng. Tiếng kêu của nó trầm, đục, sâu, lại vọng cả trăm dặm, khiến ai nghe thấy cũng bủn rủn tay chân, mất hết sinh lực.

Cũng theo lời kể của các cụ, thì đôi tai của nó rất to, lúc nào cũng vểnh lên để lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó. Đặc biệt, trong lỗ tai ấy có hơn 100 vết đỏ như nốt ruồi son, chứng tỏ nó đã ăn thịt hơn 100 người.

Truyền thuyết của người Mường kể rằng, loài hổ hễ ăn thịt một người, thì trên tai sẽ có một vết đỏ. Mỗi vết đỏ tượng trưng cho một linh hồn. Những linh hồn bị con hổ ăn thịt sẽ đi theo nó, chịu sự sai khiến của nó. Khi trên tai loài hổ đã có 100 vết đỏ, thì con hổ đó đã thành tinh.

Khi hổ đã thành tinh, thì màu lông vàng sặc sỡ đặc trưng của loài hổ sẽ biến thành màu xám xịt, nhìn rất hung dữ, ghê rợn. Đó cũng chính là lúc nó trở thành chúa các loài hổ trong rừng.

Cũng theo truyền thuyết ở xứ Mường nơi miền tây Thanh Hóa này, hổ thành tinh có thể sống vài trăm tuổi. Nó ăn hết con trâu một lúc, nhưng cũng có thể ẩn trong hang đá vài năm không cần ăn.

Không biết từ đời nào, nhưng cha ông họ tộc nhà ông Trinh truyền lại rằng, tổ tiên có mối thâm thù với con hổ xám thành tinh trong rừng Thạch Thành.

Ông cố đời trước là một thợ săn thiện xạ. Ngày bé, ông nội thường kể lại những chuyến đi săn, giết vô số hổ của cụ. Người Mường có tục gọi tên theo tên con, có con thì gọi theo cháu, có chắt thì gọi theo tên chắt đích tôn. Tên cụ thay đổi xoành xoạch, nên đến giờ ông Trinh chẳng còn nhớ được tên cụ nữa. Chỉ biết rằng, ngoài tội giết hàng chục hổ, thì cụ đã bắn trọng thương con hổ xám, chính là hổ thành tinh, chúa của bầy hổ trong rừng Thạch Thành.

Ngày đó, con hổ này ăn thịt không biết bao nhiêu người mà kể. Thậm chí, nó còn cả gan ăn thịt cả người nhà của quan huyện Thạch Thành. Quan huyện ức con hổ này lắm, nên trao giải thưởng rất cao cho ai giết được con hổ, vừa để báo thù cho quan, vừa giữ tính mạng cho con dân của ngài.

Rất nhiều thợ săn ở các vùng kéo đến. Quan Pháp có ham thú săn bắn cũng kéo đến Thạch Thành trổ tài, những mong hạ sát được con hổ, vang danh thiên hạ. Tuy nhiên, cả trăm thợ săn vào rừng đều thất bại. May chăng chỉ giết được vài con hổ nhỏ. Nhiều thợ săn thậm chí mất mạng khi giáp mặt hổ thành tinh.

Biết bị săn bắt, con hổ thành tinh này càng lồng lộn tức giận, phá phách cuộc sống xứ Mường, giết hại trâu, bò nhiều vô kể. Nó điên cuồng đến mức cứ cắn cổ trâu bò đến chết rồi bỏ đi, không thèm ăn.

Ngay như gia đình nhà ông Đinh Văn Nhật (hiện 89 tuổi, vẫn đang sống ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên), sau này tai bay vạ gió, cũng bị con hổ thành tinh xông vào đàn bò, cắn chết một lúc 20 con, xác chồng chất, máu me đen xỉn cả một cánh rừng.

Chuyện con hổ cắn chết 20 con bò trong đàn bò 100 con của bố ông Nhật cùng một lúc là có thật, được ông Nhật và dân làng xác nhận, chứ không phải chuyện huyền thoại, huyễn hoặc.

Không chỉ phá phách cuộc sống, giết hại trâu bò, mà nó càng điên cuồng cắn giết người. Trong hoàn cảnh đó, ông cố trong họ tộc nhà ông Trinh, dù rất tôn trọng con hổ, nhưng đã không chịu nổi sự tàn ác của nó, mà cùng hai người con vác súng hỏa mai, nỏ, bẫy vào rừng quyết giết con hổ thành tinh này.

Làng Bưng khi đó ở sát núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà, có mấy gia đình sinh sống. Nhà nào cũng lâm vào cảnh khốn khó vì bị hổ bắt sạch vật nuôi, quấy phá không kiếm ăn được.

Giữa núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà có một cái khe. Cứ chiều xuống, con hổ thành tinh thường cùng bầy đàn của nó từ rừng già ra, đi theo khe núi, rồi lần mò đến các bản làng bắt người, bắt vật nuôi.

Ông cố nhà ông Trinh thường đặt bẫy hoặc phục kích ở khe núi này, bắt được cả chục con hổ, nhưng toàn là hổ thường. Riêng hổ thành tinh, ông mới chỉ được nghe tiếng gầm, chứ chưa bao giờ được giáp mặt mãnh thú.

Lần ấy, con hổ thành tinh thường xuyên xuất hiện ở khu vực làng Bưng, nên ngay buổi chiều đầu tiên ông cố đã giáp mặt nó. Hôm ấy, ông cùng 2 người con trai bế một con dê vào rừng. Ông cột con dê vào gốc cây, ngay lối mòn, nơi chi chít dấu chân hổ vừa mới đi từ lúc sáng sớm.

Hai người con trai cầm nỏ, hông đeo dao găm, ông cố đeo khẩu súng hỏa mai vào rừng. Họ chọn một tảng đá to và núp sau tảng đá đó, chờ con hổ đến ăn mồi.

Mặt trời vừa lặn khỏi đỉnh núi, tiếng khỉ hót, gà rừng gáy bỗng im bặt. Cả cánh rừng chìm trong không khí thâm u, tĩnh mịch. Là thợ săn thiệt nghệ, hiểu rõ tập tính loài hổ, nên ông biết rằng, khi cả cánh rừng đang náo nhiệt bởi tiếng kêu hót của các loài, mà bỗng im bặt, thì hổ đã xuất hiện. Oai linh của loài vật này khiến các loài phải kinh sợ, khiếp đảm, mà im re.

Con hổ xuất hiện thật. Trong đời săn bắn, giết hổ của ông cố, ông chưa từng sợ hãi một con hổ nào khi đối mặt, thế nhưng, ông đã dựng tóc gáy khi nhìn thấy con hổ này. Mặt ông cắt không còn giọt máu nào.

Con hổ có màu lông xám xịt, to lớn, dữ dằn. Nó há miệng ngáp một cái, mà miệng rộng tưởng như đến ngót một mét. Thân nó to lớn bằng con bò, mà dài bằng cả cây sào. Mùi hôi từ cái ngáp của nó xộc ra, khiến cha con ông cố ở cách 20 mét, núp sau tảng đá mà như muốn ói. Nó bình thản tiến đến chỗ con dê, đớp một cái con dê mất hút trong miệng. Chỉ còn lại cái chân dê còn dính với dây thừng.

Ngày đó, mới có súng hỏa mai. Để nổ súng, phải châm lửa đốt và bắn từng viên một. Nếu bắn một phát, không trúng đầu, mà trúng phần mềm, thì con hổ không chết được. Khi bị thương, nó xông lên thì ba bố con ông cố chỉ có nước tan xác. Chờ cho con hổ bỏ đi, ông cố và hai người con trở về làng.

Nguồn: VTC news