Khuyến học ở “đất trạng” xứ Thanh

 “Làm khuyến học ở đây rất khó nhưng cũng rất dễ. Cái khó là làm sao để kéo mọi người ngày một đông về với công tác khuyến học. Còn cái dễ là hầu hết người dân trong xã đều có dân trí cao, có truyền thống hiếu học từ xa xưa…”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trường Thành - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - nơi được mệnh danh là “đất trạng” của xứ Thanh.

Di tích Bảng Môn Đình là nơi quy tụ, vinh danh những con người đỗ đạt thành tài của Hoằng Lộc.

Chúng tôi về thăm xã Hoằng Lộc đúng vào dịp chính quyền địa phương đang phấn khởi chuẩn bị khai giảng lớp học tại Trung tâm học tập cộng đồng năm 2014. Mới đây xã Hoằng Lộc được xem là một trong những địa phương xây dựng thành công mô hình “xã hội học tập” của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Để xây dựng được mô hình xã hội học tập đạt kết quả cao như ngày hôm nay ở Hoằng Lộc đã có sự đóng góp không nhỏ của Hội Khuyến học xã. Trong đó, việc xây dựng phong trào khuyến học trong mỗi gia đình (gia đình học tập), khuyến học trong mỗi dòng họ (dòng họ học tập), khuyến học ở mỗi khu dân cư (khu dân cư học tập) và khuyến học trong các đơn vị (Đơn vị học tập) luôn được Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc đặt làm nòng cốt và có sự quan tâm đặc biệt.

Phong trào gia đình học tập, từ lâu ở Hoằng Lộc đã có truyền thống hiếu học tại mỗi gia đình. Con trẻ ngay từ khi mới sinh ra đã thấm nhuần câu ca về cách học làm người qua lời hát ru của mẹ: “Trai thời chiếm bảng đề danh. Gái thời dệt vải vừa lanh vừa tài”. Trong những câu ca này ẩn chứa sự giáo dục nhân cách cho con trẻ, để khi lớn lên ảnh hưởng từ lời ru đó và gắng thành người có ích cho xã hội.

 "Bảng vàng" ghi danh những người đỗ đạt cao.

Xưa kia, người dân Hoằng Lộc sống chủ yếu bằng nghề thương nghiệp và dệt vải. Trong gia đình, người phụ nữ được coi là lao động chính, còn người chồng lại là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình vì thế phải gắng học hành đỗ đạt.

Ông Thành cho biết: “Hoằng Lộc đã hoàn thành phổ cập bậc THCS từ những năm 1990 của thế kỷ 20. Hiện nay, hơn 70% dân số ở Hoằng Lộc đã phổ cập THPT, trong vòng 10 năm trở lại đây ở Hoằng Lộc không có khái niệm học sinh bỏ học ở các cấp học”.

Trong gia đình không chỉ mình con cái mà cả bố mẹ cũng phải học tập. Các bậc phụ huynh ở Hoằng Lộc dù có làm nghề gì thì tính tự học để vươn lên không bao giờ dừng lại. Cả xã hiện có 1.600 hộ thì có tới 300 hộ làm công chức, viên chức nhà nước. Áp lực công việc luôn khiến những phụ huynh này phải tự học để vươn lên.

Tấm bia cổ ghi danh những Trạng Nguyên, Khoa bảng, Tiến sỹ của xã Hoằng Lộc từ thời xưa.

Quê hương Hoằng Lộc đang đổi thay.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh làm nghề buôn bán, thợ nghề cũng luôn tạo cho mình một động lực là phải học để làm nghề, kinh doanh thì mới thành công và không bị tụt hậu. Vệc xây dựng gia đình học tập ở Hoằng Lộc đã có trong tiềm thức của mỗi gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Khánh Toàn (50 tuổi) có hai người con gái, con gái đầu đang học năm 3 Đại học Luật Hà Nội, cháu gái thứ hai là Nguyễn Thị Khánh Huyền học sinh lớp 7, nhiều năm liền là học sinh giỏi tại trường THCS Tố Như (xã Hoằng Lộc). Nói về sự học của gia đình mình, ông Toàn chia sẻ: “Gia đình cũng không có phương pháp gì đặc biệt để dạy dỗ con, chủ yếu là tạo cho con niềm đam mê trong học tập. Cả gia đình đều phải học tập, từ đó các con mới tính tự giác trong việc học”.

Tại xã Hoằng Lộc hiện có 12 khu dân cư (KDC) đạt chuẩn KDC hiếu học của xã. Trong đó có 4 KDC đạt hiếu học cấp huyện và một KDC đạt hiếu học cấp tỉnh là thôn Đông Phú.

“Trong câu chuyện xã giao của người Hoằng Lộc, việc quan tâm đầu tiên và hơn cả là sự học hành và đỗ đạt của con cái trong gia đình. Điều này đã tạo nên một thói quen cho mỗi người khi nghĩ đến sự thành công cho thế hệ tương lại mà cộng đồng là “cú hích” chính cho mỗi gia đình”, ông Thành nói.

Trường THCS Tố Như, nơi thực hiện tốt phong trào đơn vị học tập, ươm mầm tài năng tại xã Hoằng Lộc.

Thôn Đông Phú là điển hình về xây dựng KDC học tập ở xã Hoằng Lộc. Đây là thôn có dân cư đông nhất cả xã với 185 hộ/625 nhân khẩu. Trong thôn có nhiều gia đình có 3 - 5 người có trình độ Đại học trở lên, nhiều người có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ, 70% số hộ của thôn đã phổ cập THPT, 100% hộ phổ cập THCS… Công tác khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học tại thôn luôn được quan tâm sát sao theo phong trào: Nhà nhà làm khuyến học, người người làm khuyến học. Toàn thể cán bộ, Đảng viên, nhân dân trong thôn thi đua làm khuyến học…

Hiện nay trên toàn xã Hoằng Lộc có 72 dòng họ lớn nhỏ. Trong đó, một số dòng họ có tiếng hiếu học và có nhiều người đỗ đạt lớn nổi tiếng từ xưa đến nay như: dòng họ Bùi, dòng họ Nguyễn, dòng họ Lê Huy… Chiếm tỷ lệ đông trong dân số của xã Hoằng Lộc là dòng họ Nguyễn Hầu, đây cũng là dòng họ có nhiều ngươi đỗ đạt cao trong làng.

Ông Nguyễn Danh Khiển, trưởng ban khuyến học dòng họ Nguyễn Quỳnh cho hay: “Dòng họ chúng tôi luôn đặt vấn đề học tập của thế hệ trẻ lên hàng đầu. Vì thế, dòng họ luôn tổ chức họp, theo dõi, cập nhập thông tin của từng cháu để nắm bắt rõ học lực của từng cháu sau đó sẽ có phương pháp. Phối hợp với hội khuyến học của xã để giải quyết những khó khăn mà các cháu đang gặp phải để học hành ngày càng tiến bộ hơn”.

Cũng theo ông Khiển, dòng Nguyễn Quỳnh là hậu duệ của Trạng Quỳnh và có tiếng là hiếu học trong làng từ thời Hậu Lê. Trong hai triều Hậu Lê và Nguyễn dòng họ ông có 6 người đỗ Tú tài, 1 Tiến sỹ và 19 cử nhân. Từ năm 1945 đến nay, dòng họ Nguyễn Quỳnh có 177 người trình độ Đại học trở lên, trong đó có 1 Giáo Sư, 3 Tiến sỹ, 12 Thạc sỹ còn lại là trình độ cử nhân. Riêng trong năm 2014 này, dòng họ có 5 em đi thi đại học và đều đỗ cả 5.

Hàng năm, Hội đều dành quỹ để tổ chức tuyên dương và phát thưởng hai lần cho các em học sinh đoạt giải cao, thi đỗ đại học. Ngoài ra, tại chi hội khuyến học ở các thôn, các dòng họ cũng có quỹ khuyến học riêng của mình và cũng hoạt động theo phương thức như Hội Khuyến học của xã. Tại các hộ gia đình cũng có một nguồn vốn kinh tế nhất định để đầu tư cho sự học của con cái. Gia đình nào dù nghèo, bố mẹ cũng nỗ lực hết mình cho con em học tập, không để cho bỏ học giữa chừng.

Ở các gia đình trong xã Hoằng Lộc, sự nghiệp học hành của con cái luôn có sự quan tâm đặc biệt của bố mẹ.

Theo thống kê của Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc, trong 5 năm trở lại đây, năm nào xã cũng có từ 55 - 60 em học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Cụ thể năm 2012, toàn xã có 57 em, năm 2013 có 56 em. Năm 2014 số lượng học sinh thi đỗ đại học tăng lên 61 em…

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc về những người con của của xã đỗ đạt cao thì hiện cả xã có: 4 Giáo Sư, 11 Phó Giáo sư, 30 Tiến sỹ, 10 Nhà giáo ưu tú và 1 Thầy thuốc ưu tú, chưa kể các tướng lĩnh, sỹ quan trong quân đội và công an. Một học sinh của xã đạt Huy chương bạc Toán quốc tế năm 2000. Học sinh đạt giải Quốc gia hầu như năm nào cũng học sinh…

Theo: Dân Trí