Bé 3 tuổi có nguy cơ câm điếc mãi mãi vì bố mẹ nuôi quá nghèo

Cưới nhau sau 20 năm nhưng vẫn không có con, vợ chồng anh Đinh Trọng Hợp đã nhận một đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ về làm con nuôi. Nhưng số phận không may mắn khiến cháu bé bất hạnh này bị khuyết tật bẩm sinh…

Bệnh tật đã cướp đi thiên chức được làm cha, làm mẹ của vợ chồng anh Đinh Trọng Hợp (SN 1968) và chị Đoàn Thị Luyến (SN 1972) ở thôn 3, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

 Vợ chồng anh Hợp chị Luyến cùng cháu Giáp.

Hơn 20 năm qua là cả một quãng thời gian dài đầy nỗi gian truân đối với đôi vợ chồng nghèo. Có lúc, cả hai vợ chồng như sức cùng lực kiệt, chỉ muốn buông xuôi nhưng cái hi vọng một ngày nào đó sẽ có được con vẫn không bao giờ tắt.

Nghe ai mách bảo ở đâu có thầy chữa trị tốt là vợ chồng anh Hợp lại tìm đến. Khắp các bệnh viện từ trong Nam, ngoài Bắc vợ chồng anh đều đặt chân đến một lần nhưng bệnh vẫn không khỏi.

Năm 2011, sau khi đã mất quá nhiều thời gian và số tiền lớn cho mỗi lần chữa bệnh để mong có được đứa con nhưng không có được. Một lần nghe tin có người báo ở bệnh viện Phụ Sản Thanh Hóa có một đứa trẻ mới sinh ra bị bỏ rơi, vợ chồng anh Hợp đã từ quê lên bệnh viện để mong được nhận làm con nuôi.

Giây phút gặp gỡ đứa trẻ bị bỏ rơi đó đến bây giờ anh Hợp vẫn không sao quên được: “Khi tôi vào trong khoa sơ sinh của bệnh viện để nhìn cháu, tôi thấy cháu nhìn mình với ánh mặt trìu mến như có điều gì đó níu kéo rất xúc động. Cháu với tôi như có duyên trời định, bỏ qua tất cả những căn bệnh và sự sống với cháu lúc đó rất mong manh, vợ chồng tôi đã quyết định làm thủ tục để được nhận cháu về làm con nuôi”.

Chị Luyến bên đứa con nuôi có số phận bất hạnh của mình.

Từ đó, vợ chồng anh Hợp có được đứa con nuôi và đặt tên là Đinh Trọng Giáp. Nhưng do sinh non nên thể trạng của cháu Giáp rất yếu, phải nằm ấp trong lồng kính của bệnh viện 20 ngày.

Đưa con về nhà nuôi được ít ngày thì đủ thứ bệnh tật trong người của cháu Giáp lại phát lên. Một lần nữa, vợ chồng anh Hợp lại khăn gói đưa con ra bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám và điều trị.

Dù là đứa con nuôi, nhưng chưa bao giờ vợ chồng anh Hợp nghĩ vì con bệnh tật mà buông xuôi. Từng giây, từng phút cháu Giáp nằm ở bệnh viện điều trị cũng là từng ấy quãng thời gian vợ chồng anh phải túc trực trong bệnh viện.

Bế cháu Giáp trên tay, chị Luyến nhớ lại: “Thời gian cháu bị nhiễm trùng máu rất nặng, vợ chồng tôi cứ lo sợ cháu sẽ không qua khỏi rồi buồn lòng rất nhiều. Có lúc sự sống của cháu chỉ còn lại rất thấp nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết phải theo con đến cùng. Vì khi nhận cháu làm con, vợ chồng tôi đã coi cháu như con đẻ của mình, có chuyện gì cũng phải lo cho con hết lòng”.

Dù cuộc sống có khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng cũng như đồng công ít ỏi bằng nghề thợ xây của anh Hợp, nhưng gia đình vẫn thấy vui hơn khi có đứa trẻ con.

Khi cháu Giáp lên 2 tuổi, khuôn mặt ngày càng khôi ngô, nước da trắng, ai cũng quý mến. Tuy nhiên, dù lớn nhưng mãi cháu Giáp vẫn chưa biết nói, biết cười, khi gọi dù to hay nhỏ cũng không thấy có phản ứng gì. Cứ nghĩ con sinh non rồi mắc nhiều bệnh khi mới sinh ra nên phát triển chậm hơn những đứa trẻ bình thường khác nên gia đình anh Hợp cũng không lo lắng là mấy.

Thời gian cứ trôi qua, vợ chồng anh Hợp lại càng lo lắng hơn sau đó mang con đến bệnh viện khám mới biết, cháu Giáp bị bệnh điếc nên không nghe được, vợ chồng anh buồn rầu suy sụp hơn. Chưa tin vào kết quả của bệnh viện tỉnh, vợ chồng anh Hợp lại tiếp tục đưa con ra Hà Nội khám bệnh, lúc này mới biết con bị điếc là chính xác.

Bao nhiêu hi vọng, niềm vui của vợ chồng anh Hợp lại một lần nữa sụp đổ. Qua kết quả thăm khám, các bác sĩ cho biết, cháu Giáp bị điếc hoàn toàn cả hai tai. Phần thanh quản của cháu vẫn còn bình thường, tuy nhiên do cháu không nghe thấy tiếng động từ bên ngoài nên cũng không nói được. Khi bác sĩ lắp vào tai đôi máy trợ thính thì cháu Giáp có thể nghe được bình thường, cháu có thể cảm nhận được những tiếng động bên ngoài và có phản ứng trở lại.

Nhìn khuôn mặt khôi ngô của cháu Giáp, không ai nghĩ cháu bị bệnh câm điếc.

“Thấy con nghe được, cảm nhận được âm thanh bên ngoài rồi có phản xạ lại, vợ chồng tôi như muốn khóc. Nuôi con mãi mà nay nghe tiếng bố mẹ gọi, con quay lại nhìn. Các bác sĩ nói, muốn chữa được bệnh cho cháu chỉ có hai phương pháp. Một là phẫu thuật thay hệ thống tai nghe điện tử vào tai cháu. Hai là mua máy trợ thính lắp vào tai thì cháu vẫn có thể nghe được bình thường. Nếu phẫu thuật thì phải mất hơn 1 tỷ cho cả hai tai, còn mua máy trợ thính chỉ khoảng 80 triệu đồng. Vợ chồng tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền nên đành phải đưa con trở về quê”, anh Hợp nghẹn ngào.

Để phẫu thuật dù có thương con đến mấy, vợ chồng anh Hợp cũng chẳng dám mơ đến phương pháp này vì quá nhiều tiền, bán cả gia sản đi cũng không đủ được. Nhưng còn một hy vọng là mua máy trợ thính cho con, nên đôi vợ chồng nghèo luôn nuôi trong mình ý nghĩ sẽ cố gắng làm thật nhiều để một ngày nào đó sẽ có được số tiền lớn đó mua máy trợ thính cho con, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ.

Cháu Giáp ngày càng lớn lên, đến tuổi đi học nhưng vì chưa có máy trợ thính nên không thể nói và nghe được. “Buồn lắm chú à! Thấy con nhà người ta đến tuổi được đi học mà con nhà mình phải ở nhà vì bệnh tật, vì bố mẹ quá nghèo mà không sao giúp được con. Nhiều lúc cứ nhìn con, tôi lại chẳng làm được việc gì, số phận của con như gắn với cuộc đời của vợ chồng tôi vậy”, chị Luyến nói trong nước mắt.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Đinh Trọng Hợp và chị Đoàn Thị Luyến, thôn 3, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

ĐT: 01669186670

Theo: Dân Trí