Trên hành trình khám phá Pù Luông xanh, nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, du khách sẽ bắt gặp phiên chợ Phố Đòn còn nhiều nét đơn sơ, mang đậm chất vùng cao phía tây Thanh Hóa.
Phố Đòn là tên gọi khu chợ có từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái của các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn... tỉnh Hòa Bình.
Phố Đòn là tên gọi khu chợ có từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái của các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn... tỉnh Hòa Bình.
>> Pù Luông - “Sa Pa của xứ Thanh” / Chả tôm Thanh Hóa - Sức hấp dẫn kỳ lạ / Những thác nước đẹp nhất tỉnh Thanh
Trời tảng sáng, khu chợ trở nên đông đúc hơn.
Điều làm nên sức hút cho khách du lịch khi chơi chợ là nét văn hóa mua bán trao đổi hàng hóa ngang giá trị. Đôi khi, họ không giao dịch bằng tiền, chẳng hạn một con gà có thể đổi lấy hai chục trứng với mớ rau mà hai bên đều thấy thoải mái, vui vẻ. Chỉ cần “ưng cái bụng” là mua ngay, ít khi thấy trả giá, đòi thách.
Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khi tiếng gà gáy canh một vang lên giữa đêm đen tĩnh mịch, dân từ các bản vùng cao đã í ới gọi nhau xuống chợ. Xa nhất phải kể đến người dân 3 bản Son – Bá – Mười, Kịt, Toong Hoong, họ phải vượt hơn 10 km đường rừng núi hiểm trở, gùi hàng hóa xuống họp chợ. Một số bản của Thành Sơn như Pả Pan, Eo Kén cũng phải đi bộ khoảng 3 giờ, hay dân xã Cổ Lũng phải dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ 7 km mới tới nơi.
Quả óc chó ta, ăn rất tốt cho sức khỏe.
Chợ phiên Phố Đòn mang nét đặc trưng của phiên chợ vùng cao với các mặt hàng tự cung tự cấp là chủ yếu. Hàng hóa tuy đơn sơ nhưng khá phong phú về chủng loại với những sản vật như: Thổ cẩm, rượu cần, các loại rau rừng, côn trùng, hoa quả tươi…
Xuôi theo con dốc là những mặt hàng đặc trưng của đồng bào vùng cao. Đôi khi chỉ vài con chuột đồng, bó cải xoong nhà trồng được, con gà đồi, nải chuối xanh, mớ hạt cọ, vài thứ quả hái trong vườn hay tấm thổ cẩm mới dệt họ cũng không quản ngại đường xa mang đi họp chợ. Không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ bản cao gùi trên lưng cả yến su su, bí đỏ, mướp đắng, ngô, cải bắp hay nếp gạo nương... băng suối vượt rừng để cõng hàng xuống chợ.
Những "món" hàng đơn sơ nhà trồng được.
Với người dân ở đây, việc đi chợ không phải chỉ để mua, bán hàng hóa mà còn là dịp giao lưu văn hóa, gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Bên cạnh đó, còn có nhiều người Kinh từ dưới xuôi lên mua các loại nông sản vùng cao và bán các mặt hàng thiết yếu như quần áo, cuốc xẻng, dụng cụ kim khí, xô chậu, chăn màn... phục vụ nhu cầu cho người dân bản địa.
Chợ phiên Phố Đòn góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của người dân rẻo cao phía Tây tỉnh Thanh. Đồng thời, giúp lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Theo: Vnexpress