“Con gà gáy năm huyện cùng nghe” - đấy là nơi dòng
sông Mã chia làm đôi dòng, trước khi đổ về biển cả. Bởi vậy, dân gian
mới đặt tên là Ngã Ba Bông. Nơi đây là vùng đất cổ có bề dày lịch sử lâu
đời, được Nhà nước công nhận là một quần thể Di tích thắng cảnh với tên
gọi Hàn Sơn, thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Xem thêm:
>> Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn
>> Hang Ma (Thanh Hóa) – Đểm du lịch li kỳ hấp dẫn
Hàn
Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa, chạy dọc
phía tả sông Mã (Sông Lèn) với diện tích tự nhiên 1500ha, dân số gần
5000 người. Là một mảnh đất có vị trí địa lý rất đặc biệt, nơi con sông
Mã tách làm 2 nhánh tạo thành một ngã ba sông giáp với 5 huyện: Hà
Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Định với nhiều truyền thuyết
lịch sử “Đất Thanh kê ngũ huyện”, tức là chỉ một tiếng gà gáy là nhân
dân cả 5 huyện đều nghe.
Đền với
Hàn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), Đền Ba
Bông (Hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích
lịch sử Văn hóa được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua biến cố
thăng trầm của thời gian, di tích Đền Hàn và Đền Ba Bông đã có những
giai đoạn bị phá bỏ hồn tồn, mà theo đó Lễ rước kiệu, Lễ rước bóng Cô Bơ
nơi “Quốc mẫu dân cầu” cũng bị mai một lãng quên. Tuy vậy, mảnh đất
“Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn
tạo, trùng tu, sửa đổi. Cùng với thời gian, nhân dân thập phương, các
thanh đồng bản hội vẫn nô nức viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước
lành cho cuộc đời bình an, mùa màng tươi tốt, có thể nói đây là nơi
“Quốc mẫu dân cầu” có một không hai (Những nơi khác thờ Mẫu thoải, thờ
Cô Ba chỉ là phối thờ hoặc chỉ là thờ vọng mà thôi). Cả hai đền này đã
được Nhà nước cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992.
Theo
huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông
(1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được
vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng
Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “Rừng thiêng nước độc”. Trong
một trận giao tranh ác liệt kéo dài, không phân thắng bại mà tình thế
rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một người con gái mặc
xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu
võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi
Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân
xuôi về Chí Thủy (Thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân
binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy
thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước
thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào
bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp,
quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy
nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay).
Thác
Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời.
Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm
hôm ấy chính là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa) mà nay
gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế
để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch
Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ
Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Để đáp lại ân đức của thánh
thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ
bãi bồi Ba Bông hiện nay. Đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn
thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận
lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân
dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách
rời bởi sân Đại Bái (Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp đó).
Lễ
hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là
ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức
là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi
thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo
đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả
một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời,
kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.
Trong
những năm qua được sự quan tâm của các Cấp ủy Đảng, chính quyền và sự
đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã, nhân dân thập
phương xa gần đã quan tâm đóng góp công sức, tiền của để đầu tư xây dựng
và tôn tạo Đền phủ, chùa chiền, các Di tích lích sử văn hóa tâm linh
ngày càng khang trang, bề thế. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và du
khách gần xa, năm 2012 xã Hà Sơn đã khởi công san lấp mặt bằng, xây dựng
và trùng tu lại Đền Mẫu Hàn Sơn. Đây là một việc làm có ý nghĩa đối với
đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đông đảo nhân dân xã Hà Sơn
nói riêng và du khách thập phương nói chung và nơi “Quốc Mẫu dân cầu”,
sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi tầng lớp nhân dân trong hệ thống
danh - thắng hiện có trên địa bàn huyện Hà Trung