Tại
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), có những cây ổi quái
dị, bởi hễ cứ gãi vào là “cười”. Nhưng, ở địa danh đặc biệt này còn nhiều loại
cây quái lạ khác.
Trong
rừng cây cổ kính có rất nhiều điều thú vị. Cây Đa Thị, nằm ngay phía Tây Nam
sân rồng của di tích Lam Kinh. Cây đa này cao chừng 50m, cành gốc xum xuê, phủ
bóng rợp một góc sân. Cây Đa Thị đặc biệt ở chỗ gốc đa ôm lấy gốc thị. Tuy là
hai cây cho hai loại quả nhưng chỉ có chung một gốc, cùng bạc phếch màu như đã
lẫn thân vào thành một khối.
Cây đa thị
Những
năm trước đây, cây thị vẫn cho nhiều quả, tuy nhỏ và có vị chát nhưng rất thơm.
Căn cứ theo những biến cố thăng trầm của Lam Kinh, cây đa được ước tính chừng
300 tuổi.
Cây
thị được cho là có trước, già hơn cây đa, đã chết năm 2007, chỉ còn lại thân gỗ
khô. Người xưa cho rằng, chim chóc thường về đậu trên cây thị, có mang theo quả
đa về ăn nên rơi hạt mà mọc lên cây đa. Đa lớn nhanh, ôm lấy gốc thị.
Có
lẽ cây thị đã quá già và cây đa thì ôm quá chặt nên thị không chịu nổi. Hay như
cây sui cao nhất vùng, hơn 60m, chừng 600-700 năm tuổi,
Người
xưa, nhất là đồng bào vùng cao coi trọng cây sui vì vỏ cây bóc ra làm chăn giữ ấm
mùa đông (“Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”– Tố
Hữu).
Cây sui
Dường
như cây Sui là một cột thu lôi sống. Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có
ghi chép nhiều chuyện sét đánh ở Lam Kinh làm chết cây, cháy nhà. Hàng năm, tại
đây sét thường đánh chết những cây xung quang cây sui. Nhưng điều đặc biệt cây
sui không hề hấn gì. Mọi người cho rằng: Cây sui như một cột thu lôi hút linh
khí vần vũ giao hòa của trời đất nên đã được bảo vệ!? Có ý kiến lại cho rằng:
Cây sui được trồng để đánh dấu một vị trí đặc biệt quan trọng của khu tông miếu
nhà Hậu Lê, rất có thể là ngôi mộ thực táng Hoàng đế Lê Lợi...?!.
Đặc
biệt, cây lim cổ thụ, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi
là cây "Lim cò" vì trước đây cò về đậu trắng cây. Điều lạ lùng hay sự
trùng khớp ngẫu nhiên, cây lim đang xanh tốt bỗng nhiên vào tháng 2/2010 cây
trút lá hàng loạt rồi chết khô, trong khi đó vào tháng 10 năm 2010 cung điện sẽ
được khởi công xây dựng.
Gốc cây lim vừa khít với tiết diện tảng kê chân cột này.
Ông
Vũ Đình Sỹ- Phó trưởng Ban quản lý Lam Kinh kể về sự ngạc nhiên: Điều trùng hợp
là thời điểm cây lim chết trùng với thời điểm Dự án phục hồi phỏng dựng Chính
điện Lam Kinh được phê duyệt. Khi cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn
thành. Khi cây được hạ xuống, thông thường
lim rất hay bị rỗng ruột, nhưng đằng này cây lại hoàn toàn đặc, rất thuận lợi
cho việc làm trụ cột Chính điện với quy mô 9 tòa gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Chỉ
một cây lim nhưng thân và cành đủ để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc
và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/ 2010.
Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần
ngọn khoảng 0,65cm, vừa với gương tảng cột quân. Lý giải cho "sự ra
đi" bất thường của cây lim, các cụ cao niên xung quanh khu di tích cho rằng:Dường
như cây Lim cò 600 năm tuổi này sinh ra để phục vụ cho việc phỏng dựng Chính điện!.
Trên
tấm bia Vĩnh Lăng đẹp nhất nhì Việt Nam được làm bằng đá trầm tích nguyên khối
còn đặt tại Lam Kinh do quan Vinh Lộc đại phu Nhập nội hành khiển Tri tam quản
sự Nguyễn Trãi phụng soạn, có đoạn chép về cụ tổ Lê Hối của Thái tổ Lê Lợi:
“…
Một ngày kia đi chơi Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn ở dưới núi Lam như vẻ
đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt liền dời nhà đến đây, được ba
năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng
nước mở đất thực gây nền từ đấy”.
Lam
Kinh hiện nay có 97ha rừng trên tổng diện tích 200ha, với rất nhiều rừng cổ,
cây cổ thụ, chim chóc, rắn, thú, mỗi năm đón hàng trăm ngàn du khách về khói
nhang, vãn cảnh.
Rắn
hiện ở Lam Kinh có rất nhiều, đủ loại lớn nhỏ khác nhau. Những ngày đẹp trời, rắn
thường bò ra thảnh thơi phơi nắng khắp sân Chính điện, nhưng tuyệt nhiên chưa cắn
ai bao giờ.
Những
chuyện kỳ lạ về cây xung quanh khu tông miếu Lam Kinh, để thấy, không phải người
dân muốn tô vẽ chuyện hoang đường, mà như sự kính ngưỡng với người xưa và chốn
thâm nghiêm mà gần gũi của một vương triều hiển hách trong lịch sử nước Nam.