Những ngày qua, khu phố Định Hòa (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đâu đâu cũng nghe câu chuyện về cậu học sinh Lê Đình Khánh (học sinh Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đậu thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Lê Đình Khánh bên mẹ
Ai cũng dành cho chàng thủ khoa có nụ cười hiền hậu này những lời khen ngợi. Hàng ngày Khánh vẫn đi lấy bèo về băm cho gà ăn, nhưng không ai nghĩ cậu học trò nghèo, cần cù ở mảnh đất này lại có thể đỗ thủ khoa của một trường đại học danh tiếng.
Khánh được sinh ra trong ra đình nông dân, Bố Khánh trước kia là bồ đội thời chiến tranh biên giới, sau đó xuất ngũ về quê làm ruộng. Mẹ Khánh từ năm 1992 phát hiện bị suy thận nhưng vì lúc đó gia đình khó khăn không có tiền đi chữa trị nên đành để vậy. Đến năm 2012, bệnh tái phát lại khi đi bệnh viện phát hiện đã bị suy thận giai đoạn cuối, thường xuyên phải đi bệnh viện lọc máu.
Là con út trong gia đình có bốn anh chị em, ngay từ nhỏ cậu bé Khánh đã có tính cần cù chăm chỉ, siêng năng. Khi bố mẹ cùng các chị làm việc gì thì em cũng xắn tay vào làm. Vì gia đình không có điều kiện nên hai chị đầu của Khánh chỉ được học xong cấp 2 là phải nghỉ học. Riêng Khánh cùng với người chị thứ ba được học hành đến nơi đến chốn.
Những ngày cuối cấp 3 là những ngày mà Khánh phải trải qua thời gian cực khổ nhất khi mẹ ốm nặng, bố em phải đưa mẹ ra Hà Nội điều trị dài ngày. Cả ba chị gái đều đi làm và đi học xa nên chỉ có mình Khánh ở nhà. Cuộc sống ở nhà một mình Khánh phải tự lập hoàn toàn lo cho mình từ việc nấu ăn, giặt giũ quần áo, nuôi gà, làm cỏ ruộng lúa, ruộng hoa…
Vất vả là vậy nhưng kết quả mà Khánh đạt được lại ngoài sự mong đợi của bố mẹ và gia đình. Năm lớp 12, Khánh đạt giải Nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra em còn đạt giải Khuyến khích môn thi giải Toán trên máy tính cầm tay. Cuối năm lớp 12, Khánh giành danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của trường. Khi thi tốt nghiệp THPT, Khánh cũng đạt điểm cao trong các môn thi.
Hoàn thành lớp 12, Khánh làm hồ sơ dự thi vào hai trường đều thuộc khối Quân sự. Trường thứ nhất là Học viện Kỹ thuật Quân sự dự thi khối A, trường thứ hai là Học viện Quân y dự thi khối B. Kết quả sau kỳ thi cả hai trường Khánh đều đạt điểm cao, là thủ khoa của Học viện Kỹ thuật Quân sự và đạt 25,5 điểm ở Học viện Quân y.
Lý giải vì sao chọn thi cả hai trường đều thuộc khối Quân sự, Khánh cho biết: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ làm nông nên cũng rất khó khăn, từ khi mẹ phát bệnh, gia đình lại càng khó khăn hơn. Em dự thi vào trường quân đội để bố mẹ bớt lo lắng khi đi học cũng như khi ra trường. Mẹ em mang trong mình bệnh nặng nên không làm được gì, mình bố vừa phải làm ruộng vừa đảm đương việc nhà, hai chị đi làm công nhân kiếm tiền nuôi em ăn học. Nếu em được học trường Quân đội, gia đình sẽ đỡ tốn chi phí lo cho em. Số tiền các chị làm được đó sẽ dành cho mẹ chữa bệnh”.
Một lý do nữa làm cho cậu học trò nghèo càng quyết tâm thi đỗ vào trường Quân đội hơn đó là sự “truyền lửa” của bố. Khánh tâm sự: “Những lúc hai bố con đi làm đồng cùng nhau, khi nghỉ ngơi em được nghe bố kể về “đời lính” của bố thời gian còn phục vụ trong quân ngũ. Vì thế em càng thấy yêu quý người chiến sĩ quân đội hơn. Em thi ngành Kỹ thuật vì ước mơ được làm một kỹ sư”.
Khi biết tin đậu thủ khoa nhưng Khánh vẫn không quên công việc hàng ngày của mình. Sáng thức dậy em bắt tay ngay vào việc thái chuối, băm bèo cho gà ăn. Sau đó lại ra đồng làm cỏ ruộng hoa giúp bố. Khi về, em không quên lại xuống ao lấy bèo về để làm thức ăn buổi chiều cho đàn gà.
Công việc hàng ngày của Khánh
Chia sẻ về cách học tập để đạt kết quả cao của mình, Khánh khiêm tốn nói: “Em chẳng có phương pháp gì là đặc biệt cả. Khi đi học trên lớp thì chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài, khi về nhà em tìm các đề thi và mượn của các anh chị học trước để làm. Ngoài ra em còn tìm các sách tham khảo để tìm phương pháp và cách giải và làm bài hay rồi áp dụng cho mình. Sau đó đem bài trao đổi cùng các bạn trong lớp để tìm ý hay”.
Chuẩn bị cho những ngày tháng trong quân ngũ sắp đến, Bố Khánh hàng ngày luôn nhắc nhở cho người con trai mình biết về những “kỷ luật thép” trong quân đội. Đó chính là “10 điều chức trách quân nhân”, “10 điều chức trách chiến sĩ” và “12 lời thề danh dự của người chiến sĩ”.
Phạm Trường