Độc đáo hang Con Moong

Từ khi được phát hiện đến nay, mỗi năm hang Con Moong ở bản Thành Trung, xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Không chỉ là di tích lịch sử Quốc gia, hang Con Moong còn là tiềm năng du lịch sinh thái đang ngày một phát triển.



Di tích cổ học có giá trị

Hang dài khoảng 40m thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m. Theo các cụ cao niên kể lại, hang Con Moong được phát hiện từ trước năm 1975. Trong hang chứa đựng nhiều vết tích văn hóa của nhiều thời đại, kể cả kỷ nguyên thời đá cũ. Điểm nổi bật của hang Con Moong là các địa tầng đều có dấu vết quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử, từ thời đồ đá cũ đến đồ đá mới, từ săn bắn, hái lượm đến trồng trọt.

Năm 1976, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Thanh Hoá và Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật lần thứ nhất. Kết quả thu được từ việc khai quật di chỉ hang Con Moong cho thấy, những yếu tố chủ đạo của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn - ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á đều hội tụ về đây. Và cũng từ đây lại có sự lan tỏa ra các hang động trong và ngoài khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Qua những đợt nghiên cứu khảo cổ học ở độ sâu 3,6m, đã phát hiện di cốt của 4 cá thể, thuộc nhiều mộ. Trong số đó, có 1 mộ khá nguyên vẹn, cá thể được chôn theo tư thế nằm co, bó gối, có đồ tuỳ táng là công cụ lao động bằng đá.

Như vậy, hang Con Moong chính là "ngôi nhà lớn" mà người tiền sử đã cư trú suốt hơn 10.000 năm liên tục. Nó rất có ý nghĩa cho việc tìm hiểu về thời tiền sử Việt Nam và khu vực. Di tích khảo cổ hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT đưa vào danh mục dự kiến đăng ký Di sản văn hóa thế giới.

Vùng đất thiêng

Các xã Thành Yên, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Minh thuộc huyện Thạch Thành ngày nay trước đây thuộc tổng xứ Mõ Sơn (có sách ghi là Mọ), còn gọi là xứ Mường Mõ. Nhiều người kể rằng, xưa vùng này có nhiều thú dữ. Trong đó, hổ được coi là vị chúa sơn lâm, cai quản cả một vùng rộng lớn, trong đó có cả nơi họ đang sinh sống. Ở thung Lòi có dãy núi Làn In có những phiến đá rất to. Ngày nay, vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhiều người nhìn thấy những tấm đá đỏ rực lửa trên dãy núi này.

Thuộc địa phận hành chính của xã Thành Yên, nhưng hang Con Moong và các hang khác ở đây lại nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chẳng biết có phải ở một cánh rừng đặc biệt không mà nơi đây có những địa danh kỳ bí đến tận bây giờ người dân vẫn chưa lý giải được. Như ở làng Lống Đá (tiếng Mường gọi là Lống Thụ) thuộc thôn Yên Sơn 2, gần núi đá, cách quèn (nghĩa là dốc hoặc đèo) Dấu Trâu chừng 500 mét, trên đường đi vào thung Lắm, người dân gọi đây là nơi có những ngôi mộ lạ.

Cách hang Con Moong không xa, ở thôn Thành Trung, xã Thành Yên có hang Tình Yêu được nhiều người dân vẫn thường lui tới bởi vào mùa lạnh thì nước trong hang rất ấm, mùa hè thì nước lại mát. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, ở đây còn có những món ăn ngon mà thiên nhiên ban tặng đó là ốc đá tròn, ốc suối dài, con chấu chôm, cá niếc (loài cá làm tổ dưới đất sâu, mùa mưa mới chui ra khỏi tổ), con pu pu...

Điểm du lịch hấp dẫn

Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, với sự bảo vệ nghiêm ngặt, đến nay hang Con Moong còn giữ được nét hoang sơ, với hệ thống động, thực vật khá phong phú. Trong hang còn in rõ dấu tích của người tiền sử, các vết tích của những đợt khai quật. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: khỉ, gấu, hoẵng, nai... Trong bán kính khoảng 3 km còn có suối nước nóng, hồ Vũng Sú, hồ Bỉnh Công rộng lớn, với hệ sinh thái nguyên sơ, phong phú, rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa-lịch sử. 

Để đến hang Con Moong, bạn có thể đi bằng nhiều tuyến đường khác nhau. Những người yêu thích khám phá rừng Quốc gia Cúc Phương thì có thể băng qua đường rừng này trên dãy núi đá hùng vĩ, nên thơ, pha chút mạo hiểm để vào hang. Nếu đi đường bộ, du khách xuất phát từ TP Thanh Hóa lên thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) dọc theo đường quốc lộ 1A, 217, rồi tiếp tục vào xã Thành Yên để đến với hang này.

Nếu đã đến thăm di tích hang Con Moong, bạn có thể khám phá thêm về nhưng loài động thực vật rừng quanh hang. Bạn cũng đừng sợ hãi nếu gặp phải nhiều loài động vật kỳ lạ, hay âm thanh kỳ bí của chim muông… Chính điều đó sẽ cho bạn cảm giác như đang lạc vào một cuộc khám phá đầy mạo hiểm.

Trấn Nam