Về miền gái đẹp ở xứ Thanh

Mường Lè (huyện vùng cao Quan Hóa, Thanh Hóa) là nơi sinh ra những cô gái Thái đẹp hút hồn, hấp dẫn lạ thường. Cái đẹp của cô gái Thái Mường Lè từ đôi mắt biết cười, nước da trắng như trứng gà bóc, giọng nói nhẹ nhàng như mật rót vào tai... 


Người dân tộc Thái ở Mường Lè khai thiên, lập địa ở mảnh đất mạch rồng cuộn, nước dồi dào, sản vật núi rừng nhiều vô kể, nên đời sống đồng bào nơi đây luôn ấm no, hạnh phúc.

Đất mạch rồng, hổ rình gái đẹp? 

Trung Sơn, Trung Thành, Thành Sơn là ba xã vùng cao, xa nhất của huyện Quan Hóa được chia tách từ một xã lớn trước đây - xã Trung Thành. Trong đời sống tinh thần đồng bào người Thái nơi đây còn lưu truyền câu chuyện: Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em người dân tộc Thái từ Mường Ca Da lặn lội khắp nơi tìm mảnh đất tốt lành để khai thiên, lập địa. Qua nhiều con sông, con suối; trèo nhiều ngọn đồi núi tìm kiếm đến mỏi đầu gối, hai anh em tên Biện và Mầu mới dừng lại ở chốn này. Lúc bấy giờ, đây là vùng đất không người ở, hoang vu, tiếng hổ và thú rừng ngày đêm gầm gừ, kêu rú. Hai anh em người dân tộc Thái này dựng lều làm nơi ở, xuống con suối Quýt, sông Mã lấy nước ăn, khai hoang piềng bãi dọc ven sông, suối, đồi thấp trồng cây lương thực. Sau những buổi đầu khó khăn khai khẩn đất đai, hai anh em có cái ăn, cái để dành. Trải qua hàng trăm năm, sự phồn thịnh, ấm no ở nơi này khiến ngày càng có nhiều dòng họ như: họ Phạm, Họ Hà, họ Lương từ nơi khác theo về đây sinh sống, lập bản mường cho đến tận bây giờ...


Cụ Phạm Bá Ngoằng (68 tuổi) ở bản Phai, xã Trung Thành kể lại: “Vùng đất nhìn ngang thấy núi, nhìn xuống thấy sông này có nhiều điều mà dân bản chưa lý giải được. Những điều cấm kỵ từ những vật linh thiêng từ hòn đá Han dưới dòng suối Quýt ở bản Chiềng; hòn đá bốn chân (ma ngao) được coi là thủy thần... đều được dân bản gìn giữ như những gì mà tổ tiên khai hoang ban đầu để lại. Thời điểm bị giặc ngoại xâm chiếm đóng, nghe nói vùng đất Mường Lè này rất phát, ai đến định cư cũng ấm no nên đây là một trong những vùng nằm trong tầm để ý của giặc ngoại xâm phương Bắc. Đồng bào nơi đây tin rằng, ngọn núi Khò Hùng ở bản Cá ngày nay có hình dáng rồng cuộn được coi là mạch phát của cư dân cả vùng. Biết vậy, quân giặc đã tìm cách đào đứt ngọn núi có dáng rồng cuộn thành ba mạch nhằm phá sự ổn định và niềm tin của dân trong vùng”.

Đã thành bản làng rồi, nhưng ngày trước nơi này thú dữ luôn rình rập khắp gầm nhà sàn, đặc biệt là hổ. Gặp người là hổ vồ ăn thịt. Nhiều người còn cho rằng, từ khi lập địa, con gái nơi này có vẻ đẹp lạ kỳ, đến nỗi hổ luôn rình rập để ăn thịt?! Ông Ngoằng nhớ lại: “Cách đây hàng chục năm về trước, một buổi sáng, một người con gái có vẻ đẹp mặn mà đang ngồi dưới chân nhà sàn chải tóc, bỗng từ đâu con hổ dữ tiến nhanh lại, vồ lấy kéo người con gái ấy chạy vào rừng sâu. Cả bản kéo nhau chạy theo vết chân hổ, nhưng chỉ tìm được một phần thi thể người xấu số”. Người con gái ấy chính là bà cô ruột của ông Ngoằng.

Những lý giải về miền gái đẹp

Cũng từ những câu chuyện truyền khẩu của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lè kể rằng: Gia đình nọ ở bản Pu, xã Thành Sơn ngày nay sinh được một người con gái rất đẹp, lại ngoan hiền. Một hôm, cô gái đi chăn vịt bên suối, Long Vương nhìn thấy cô gái đẹp hút hồn, nên bắt đi. Người mẹ mất con cứ khóc mãi. Thương tình nên Long Vương mới đền cho người mẹ và cả vùng đất này những mỏ tôm, cá ở vũng nước đầy; có nhiều hươu, nai dừng chân nơi thung lũng và vùng đồi đá có nhiều ong mật làm tổ. Dân bản tha hồ mà khai thác tôm, cá, ong, hươu, nai... để dùng quanh năm. Có sản vật của núi rừng, có cá tôm dưới suối Quýt, sông Mã, có lúa ngô nơi piễng bãi, cộng với mạch nước mát lành quanh năm, con người sống hài hòa với thiên nhiên là những điều kiện giúp cho con trai vùng này thì khỏe mạnh, con gái thì đẹp về hình thể lẫn tâm hồn. Ngày nay, ở bản Pu, xã Thành Sơn vẫn còn những dấu vết như vũng nước trên đồi Cánh Cại. Từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm ở núi Pha Bươu thuộc Mường Lè, người dân địa phương vẫn đi khai thác mật ong về sử dụng, hoặc đem bán. Trong khi đó, cá, tôm ngoài suối vẫn nhiều.


Khi đến Mường Lè, hỏi người dân nơi đây vì sao vùng đất này sinh ra nhiều cô gái dân tộc Thái đẹp mê hồn, đằm thắm, có nét đẹp rất đặc trưng của cô gái Thái xứ Thanh, nhiều già làng, trưởng bản lý giải rằng: Tổ tiên của họ lập làng bản ở đây từng là thổ ty, lang đạo nên lấy vợ đều lựa chọn những cô gái rất đẹp ở khắp vùng. Đã có tiếng là vùng đất sản sinh ra nhiều cô gái đẹp nên thời điểm vùng bị giặc ngoại xâm tạm chiếm, thỉnh thoảng bọn giặc lại vào vùng bắt những cô gái đẹp đi. Thế nên, cứ mỗi lần nghe tin giặc vào bản bắt gái đẹp đi, người dân trong bản lại dẫn con, em của mình chốn vào trong rừng cho đến khi chúng rời khỏi bản. Ông Ngoằng cũng từng phải giấu hai người chị của mình là Phạm Thị Nguyềnh và Phạm Thị Nhờ vào rừng. 

Một cách lý giải khác được bà Hà Thị Thoán - Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành phân tích: “Những cô gái Thái giữ được vẻ đẹp mặn mà của mình ngay cả khi đã về làm vợ, làm mẹ bởi những tập tục như hơ người vào lửa sau khi sinh, uống nước sôi đun trong ống nứa... Có tiếng đẹp người, khéo và ngoan hiền, bởi ngay từ nhỏ các cô gái Thái được cha mẹ chỉ dạy rất cẩn thận từng việc làm, ăn uống, đi đứng, nói năng, đối nhân xử thế hiền dịu, không để mất lòng người. Các cô gái Thái ở Mường Lè sống gần gũi với thiên nhiên. Con gái Thái 15 - 17 tuổi phải thạo việc se tơ, dệt thổ cẩm, biết làm cái chăn, cái gối, cái đêm, khăn piêu từ đồ thổ cẩm trước khi về nhà chồng”.

Lại có ý kiến cho rằng vùng đất này điều kiện tự nhiên tốt lành, độ dốc nhiều con suối và sông Mã cao. Nước ở đây được hấp thụ bởi luồng khí trong lành từ những cánh rừng, ngọn núi nên khác những vùng khác. Vậy nên, ăn uống nước và hít thở không khí trong lành này tạo nên dánh vẻ cân đối và làn da mịn, săn sáng ở những cô gái dân tộc Thái ở Mường Lè. 

Những ngày tết đến, xuân về, được du xuân trên đất Mường Lè, được vít cần rượu cần bên bếp lửa nhà sàn, được nghe điệu Khặp du dương của các già làng, được xem những điệu múa uyển chuyển của các cô gái Thái nơi đây thì còn gì thú vị hơn.

Sông Mã