Thành nhà Hồ - Vén bức màn bí ẩn

Cách đây hơn 600 năm, công trình Thành nhà Hồ đã được xây dựng dựng vững chắc với nhiều phiến đá nặng trăm tấn trên vùng đất Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Công trình đá đồ sộ, độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.


Vén bức màn bí ẩn của thời gian, cũng như Kim Tự Tháp của Ai Cập hay Vạn Lí Trường Thành của người Trung Hoa. Người ta không biết giải thích thế nào về cách xây dựng công trình đá đồ sộ này chỉ trong vòng 3 tháng. Đó còn là chưa nói đến cách vận chuyển thế nào về 1 khối lượng đá khổng lồ khoảng hơn 25.000m3, trọng lượng trung bình mỗi khối đá khoảng 10-20 tấn mà chỉ trong vòng một thời gian ngắn ngủi.

Xây thành trong 3 tháng…

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi về sự kiện nhà Hồ cho xây dựng kinh đô Tây Đô như sau: “Mùa xuân, tháng Giêng 1397 Quý Ly sai thượng thư bộ Lại kiêm Thái Sử Lệnh Đỗ Tỉnh về xem xét đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hoá đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, mở đường phố, dựng đàn Xã Tắc có ý muốn dời kinh đô về đó, tháng ba thì công việc hoàn tất” (Nxb. KHXH, Hà Nội 1993, trang 290). Còn sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của triều Nguyễn thì ghi rằng: “Động Yên Tôn - nay là xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, nền cũ của thành vẫn còn, bên tả bên hữu đều sát với núi…” (Nxb GD – HN, 1998, trang 316 quyển IV).

Dù tồn tại trong thời gian ngắn ngủi chỉ có 7 năm và chỉ kịp xây dựng thành quách trong thời gian vẻn vẹn có 3 tháng (từ tháng giêng năm 1397 đến hết tháng 3 năm đó thì hoàn thành) nhưng triều Hồ đã kịp để lại một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng kiệt xuất về công trình thành đá cổ. Thành được xây dựng trên nền diện tích 155ha (vùng lõi) còn quần thể di tích thành rộng 5.000 ha. Thành gồm 3 bộ phận: La Thành, Hào Thành và Hoàng Thành, bên ngoài xây đá, bên trong chủ yếu đắp bằng đất. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, chiều Bắc-Nam dài 870,5m; chiều Đông-Tây dài 883,5m; độ cao trung bình 7-8m, có nơi của nam cao hơn 10m. Bốn cổng được xây theo 4 hướng Nam – Bắc – Đông – Tây. Kiến trúc cổng được họa theo mái vòm, những phiến đá trên vòm cửa được đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau. Với 2 cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây bằng những phiến đá dài khoảng 1,5m, có tấm dài 6m, trọng lượng trung bình mỗi khối nặng từ 10-20 tấn, cá biệt tường thành phía Tây có khối đá khổng lồ 26,7 tấn, với tổng khối lượng khoảng 25.000m3 đá và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu. Qua hơn 600 năm, hệ thống tường thành gần như vẫn còn khá nguyên vẹn, mặc dù những phiến đá nặng hàng chục tấn chỉ xếp chồng lên, không có chất kết dính. Điều làm đau đầu các nhà nghiên cứu là công trình vĩ đại đó hoàn thành trong vòng chỉ có 3 tháng vừa thiết kế lẫn thi công, điều đó thể hiện trình độ xây dựng độc đáo, bàn tay tài hoa, sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các “nghệ nhân” thời bấy giờ.
Hé lộ những bí mật

Tháng 7/2011, chỉ sau 1 tháng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện một trong những công trường khai thác đá cổ chính để xây thành, những ẩn số cùng những huyền tích kỳ bí đang dần hé lộ. Qua công tác nghiên cứu, khảo sát vùng đệm cảnh quan của di sản thành nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ đã phát hiện công trường khai thác đá cổ, ở núi Phù Lưu thuộc hệ thống dãy núi An Tôn, thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, cách cổng phía Bắc thành khoảng 2 km.

Núi An Tôn, thuộc thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc là nơi phát hiện công trường khai thác đá cổ xây thành nhà Hồ

Các viên đá phát hiện được phân bố trên một phạm vi rất rộng, chạy dọc chân và sườn Đông-Nam của dãy núi Phù Lưu, bắt đầu từ kênh Nam (kênh tưới tiêu), đến tận đầu làng Phù Lưu, song song với con đường chống bão lụt của làng. Đây là 1 núi đá vôi, được chia thành những vỉa, theo kiểu đoạn tầng từng lớp, từng lớp rất thuận lợi cho việc bóc tách. Theo Giáo sư Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia Việt Nam “Những phiến đá có trọng lượng lớn, bề mặt có nhiều vết xước, vết dăm do chế tác thủ công, bước đầu cho thấy, nhà Hồ đã khai thác đá ở đây để xây thành. Đây là phát hiện mới đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản thành nhà Hồ”. Cho đến thời điểm hiện nay, đã phát hiện hơn 20 phiến đá lớn, các phiến đá này do những phần lỗi kỹ thuật như vỡ cạnh, góc nên đã bị bỏ lại và không sử dụng. Qua khảo sát ở bề mặt sườn và chân núi, phát hiện được rất nhiều mảnh dăm đá, ken dày đặc lẩn với đất, chìm sâu trong lòng đất. Điều này chứng tỏ sau khi được bóc tách khỏi núi, nhà Hồ đã cho chế tác tại chỗ sau đó mới vận chuyển về xây thành. Một số viên đá được phát hiện có hình dạng, kích thước rất vuông vắn, kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại thành nhà Hồ. Các viên đá này được ghè, đẽo hết sức công phu, được chế tác từ 3-4 mặt phẳng, dấu vết đục đá vẫn còn khá rõ. Khu vực phát hiện nhiều các phiến đá cổ tại thung lũng có tên gọi dân gian là Thung Chẹt, Đản Hót hay Thung Án Ngựa với 10 phiến đá lớn. Bằng quan sát trực quan, có thể nhận thấy tại thung lũng này, nhà Hồ đã cho khai thác rất nhiều đá tại đây. Các phiến đá đã được lấy đi còn để lại dấu vết bóc tách trên các vách núi, với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau, trong đó có nhiều viên được sơ chế, tu chỉnh với hình dạng tương đối vuông vắn. Tiến sĩ Tống Trung Tín, viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết: Phát hiện này đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh tính xác thực của kỹ thuật xây dựng đá lớn rất khéo léo và kỳ công. Bên cạnh đó, đã trả lời được câu hỏi “đá xây thành được lấy ở đâu” mà từ nhiều năm nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Mặc dù hiện nay, chưa có căn cứ khoa học hay thực nghiệm để khẳng định nhà Hồ sử dụng con đường giao thông nào đường bộ, đường thuỷ hay kết hợp cả 2. Tuy nhiên, căn cứ vào những tư liệu dân gian như truyền thuyết con đường Cống Đá, Bí đá, con lăn, Bến đá tại sông Mã nơi tập kết đá… và đặc biệt là vị trí thuận lợi của khu vực núi An Tôn so với sông Mã và núi An Tôn so với thành nhà Hồ, các nhà khoa học tạm thời đưa ra 2 giả thuyết về việc vận chuyển đá về xây thành: Đá được vận chuyển từ núi An Tôn xuống sông Mã đưa lên bè và chở xuôi dòng xuống khu vực Bến Đá, từ đây đá được vận chuyển theo đường Cống Đá để xây thành. Giả thuyết thứ 2, rất có thể nhà Hồ đã vận chuyển đá trực tiếp từ núi An Tôn bằng đường thuỷ, theo như truyền thuyết thì trước đây khu vực phía Bắc của Hoàng thành là một vùng đầm lầy. Phải chăng ý tưởng nhà Hồ cho đào Mau An Tôn, ngoài mục đích là muốn nối thành tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng giữa khu vực Hoàng thành với sông Mã, còn có ý tưởng cho việc phục vụ vận chuyển đá xây thành bằng đường thuỷ?

Với kết quả của việc khảo sát và phát hiện công trường khai thác đá, bước đầu giải mã được huyền thoại xây thành.

Bí mật về đôi rồng đá mất đầu 

Từ cổng phía Nam, đi sang cổng phía Bắc của tòa thành, mọi người rất dễ dàng nhận ra ở ngay trung tâm tòa thành có đôi rồng đá được đặt song song nhưng đã bị mất đầu. Thế nhưng theo tài liệu ghi lại tại trung tâm di sản thành nhà Hồ thì sau khi nhà Hồ thất thế, đôi rồng đá cũng biến mất. Mãi đến năm 1938, một người nông dân trong lúc cày ruộng trong nội thành đã phát hiện tượng rồng đầu tiên. Nghĩ là rồng trong cung vua thì phải có cặp nên dân làng đã đào bới khắp vùng mới thấy được tượng rồng thứ hai.


Đôi rồng này làm bằng chất liệu đá, được khắc rất tỷ mỉ, thân rồng thon nhỏ, uốn bảy khúc, vây và lưng đều, nhỏ, trông rất đẹp. Rồng có 4 chân, mỗi chân có 3 móng với các vân mây mềm mại. Phần đầu của đôi rồng đá này đã bị mất, giờ chỉ còn bờm uốn lượn chín nếp. Dưới phần bụng được trạm trỗ những ô tam giác nhỏ có để hình hoa cúc và móc hoa ghép nhau tạo thành bậc.

Điều khó hiểu là tại sao rồng lại không có đầu? đầu rồng bị ai chặt? nhưng vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Xung quanh về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, xưa kia nhà Minh sang sâm lược đã chặt đầu rồng - biểu tượng của nhà Hồ đã đi vào giai thời diệt vong, chấm dứt vương triều Hồ. Có người lại bảo do chính những người bất đồng với chính sách nhà Hồ gây ra. Ý kiến khác cho rằng, vào thời thực dân pháp đô hộ, người Pháp bắt nhân dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa từ cổng thành đến đôi rồng đá. Quá bức xúc về việc này nên dân làng đã chặt đầu rồng? Nhưng theo câu truyện dân gian, thì ngày xưa ở làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc ( nằm cạnh ngay cổng thành phía Nam) thường hay xảy ra các vụ cháy nhà, người dân nghi là rồng quay đầu về làng phun lửa nên đã chặt đầu rồng đi. Tất cả muôn vàn câu hỏi về việc này khiến dư luận xôn xao bàn tán. Ai ai cũng rỉ tai nhau về nhiều điều huyễn hoặc xung quanh đôi rồng bị mất đầu này.

Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng – trưởng ban quản lý di tích thành nhà Hồ cho hay: “ hiện nay vẫn chưa rõ tại sao đôi rồng đá lại bị mất đầu, và cũng không biết giờ tìm đầu rồng ở đâu”.

Như vậy, bí ẩn về đôi rồng mất đầu vẫn chưa ai trả lời được. Tại sao rồng lại mất đầu, ai chặt đầu rồng, hiện đầu rồng đang ở đâu thì đó vẫn đang còn là một điều bí ẩn.

Thành nhà Hồ dẫu chỉ giữ vai trò là trung tâm quyền lực trong một thời gian ngắn (1400-1407) nhưng đây là một công trình kiến trúc độc đáo, một di sản quý báu trong số những công trình thành cổ ở Việt Nam.                              

Trấn Nam