Đền Bà Triệu: Điểm đến của du lịch tâm linh

Đền Bà Triệu thuộc làng Phú Điền xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa 18 km về phía nam và cách Hà Nội 137 km về phía bắc. Nơi đây thờ tự vị nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, một người con của huyện Quan Yên, quận Cửu Chân nay thuộc huyện Yên Định. Người đã có công đánh đuổi quân Đông Ngô vào thế kỷ thứ III sau công nguyên. 
Cổng ngoại đền Bà Triệu – được làm bằng chất liệu bằng đá khối

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Triệu, nhân dân đã xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng – nơi người nữ anh hùng dân tộc họ Triệu đã ngã xuống tại vùng đất lịch sử này. Đền thờ dựa lưng vào sườn núi, nằm sát lề phía Đông đường Quốc lộ 1A bên trái đường theo hướng từ Hà Nội vào. Ở phía Bắc cách đền Bà Triệu khoảng gần 1km là làng xóm trù mật, đông vui trong đó có ngôi đình làng Phú Điền cũng thờ Bà Triệu với danh nghĩa Thành hoàng làng. Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hồ nước hình chữ nhật trong khuôn viên đền

Đền thờ Bà Triệu có lịch sử đã lâu đời, lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian gỗ lợp bằng tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến thời tiền Lý (549 – 602) vua Lý Nam Đế trong một lần kéo quân vào Nam tiễu trừ phong kiến Lâm Ấp đã nghỉ tại làng Bình Lâm (thuộc xã Hà Lân, huyện Hà Trung bây giờ). Vua Lý Nam Đế đã đến thăm đền và cầu xin giúp đánh thắng giặc. Khi chiến thắng trở về, Lý Nam Đế đã phong cho Bà làm thần và cấp tiền cho dân làng sửa sang ngôi đền…

Cổng tam quan

Sau rất nhiều lần trùng tu qua các thời kỳ, đến nay đền Bà Triệu được xây dựng theo hình thức kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ trên diện tích gần 4ha với cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Trong đó, hậu cung có chiều cao ưu thế hơn cả.

Ở di tích đền Bà Triệu cũng theo quy luật thờ nhân vật anh hùng dân tộc của một quốc gia. Hậu cung ở giữa thờ Bà Triệu, bên tả thờ thân phụ Vua Bà, bên hữu thờ thân mẫu Vua  Bà. Trung đường ở giữa thờ tướng quân Triệu Quốc Đạt, bên tả là bàn thờ hội đồng quan võ và 3 tướng họ Lý, bên hữu là bàn thờ hội đồng quan văn. Tiền đường thờ thánh tổ và bách gia trăm họ.

Cụ thể ở cổng ngoại, được xây dựng theo lối kiến trúc cổng tứ trụ chất liệu bằng đá khối, tường chạm nổi hình voi ở hai bên. Các ô hộc ở trụ cổng và tứ trụ chạm hình long, ly quy, phượng, bốn mặt liền khối đá thân trụ, các đầu trụ được trang trí bằng phượng và nghê. 

Nghê đá cổ uy nghiêm trước cổng tam quan

Sau khi bước qua cổng ngoại, chúng ta sẽ bắt gặp hồ nước rộng lớn, được biết hồ nước được tôn tạo trên cơ sở hồ cũ chỉ xây dựng thêm lan can và bậc lên xuống hồ. Tiếp tục tiến vào khuôn viên đền Bà Triệu, qua bình phong bằng đá khối, miếu thờ trước cổng nội chúng ta bước qua cổng tam quan. Được xây bằng gạch, hai tầng cửa giữa, một tần ở hai cửa bên, hai tầng mái - trước cổng nội được đặt 2 tượng nghê đá cổ uy nghiêm.

Sau khi dâng hương tại nơi thờ, chúng ta có thể đến nhà tả, hữu Mạc uống nước thả tâm hồn dạo chơi quanh sân Thiên Tĩnh và phóng tầm mắt ngắm cảnh phía trước cổng nội. Nhìn ra xa là một vùng cây cối xanh tươi, phía dưới là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam chạy ngang qua trước đền. Núi Tùng với lăng Bà Triệu trên đỉnh ẩn hiện trong áng mây vờn, làng Phú Điền nổi lên giữa biển lúa mênh mông…

Từ trên núi Tùng chúng ta có thể bao quát được toàn bộ không gian

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là chốn linh thiêng với các quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn là nơi có phong cảnh đẹp để du khách tưởng niệm và thăm quan vãn cảnh. Bên cạnh những  vẻ đẹp giản dị cổ kính ngôi đền còn có những nét kiến trúc độc đáo. Đến với đền Bà Triệu chúng tôi còn được biết nơi đây còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm và một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ…Nhiều cổ vật được lưu giữ từ những thời đại.

Người dân đến Đền thắp hương với tấm lòng thành kính

Không chỉ riêng dịp đầu xuân năm mới, những ngày lễ khách thập phương ở khắp nơi lại tụ tập về đền Bà Triệu để lễ bái mà ngay cả những ngày bình thường vẫn có rất nhiều du khách đến để đi lễ chùa bà như một nét văn hóa tâm linh.

Ngoài ra ở xã Định Công, huyện Yên Định quê bà cũng có một đền thờ và trên An Tiêm nơi bà khởi nghĩa cũng có ngôi đền thờ Bà.

Trấn Nam