Lịch sử hành chính Thanh Hóa

Lịch sử hành chính Thanh Hóa phản ánh quá trình thay đổi địa danh và địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa từ thời kỳ dựng nước cho tới hiện đại.



Thời kỳ dựng nước
Địa phận Thanh Hóa vào thời Văn Lang gồm bộ Quân Ninh và phần lớn bộ Cửu Chân. Bộ Quân Ninh chính là khu vực huyện Yên Định ngày nay và vùng phụ cận, còn bộ Cửu Chân gồm phía nam Thanh Hóa và bắc Nghệ An.

Thời Bắc thuộc
Nhà Hán
Thời kì thuộc nhà Hán, Thanh Hóa thuộc quận Cửu Chân. Quận Cửu Chân vào đầu thời kì thuộc Hán gồm có bảy huyện là Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên. Thời Hậu Hán, quận Cửu Chân gồm năm huyện là Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Công (Vô Thiết), Vô Biên. Trong đó, huyện Hàm Hoan tương ứng với Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay còn huyện Vô Công hay Vô Thiết tương ứng với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh, nói cách khác là gần như toàn bộ tỉnh Ninh Bình ngày nay (trừ huyện Kim Sơn).
Quận trị của quận Cửu Chân là thành Tư Phố, thuộc huyện Tư Phố ở hữu ngạn sông Mã, nay là khu vực làng Ràng, xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa.
Huyện Dư Phát nằm ở khu vực Lạch Trường, thời đó là cửa chính của sông Mã, ở về phía tả ngạn, nay là các huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Huyện Vô Biên nay là các huyện Vĩnh Lộc Thạch Thành và Bỉm Sơn, Hà Trung, trị sở nằm ở khu vực thành nhà Hồ.
Huyện Đô Lung nằm ở thượng lưu sông Mã, nay là khu vực từ huyện Cẩm Thủy ngược lên phía tây bắc
Huyện Tư Phố nằm ở tả ngạn sông Bồn Giang (sông Nhà Lê), nay thuộc các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa và phía bắc huyện Đông Sơn, phía bắc huyện Quảng Xương, phần lớn thành phố Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn.
Huyện Cư Phong nằm ở hữu ngạn sông nhà Lê, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, phần lớn các huyện Đông Sơn và Quảng Xương. Huyện trị Cư Phong có thể ở khu vực Bất Căng Trung Vực thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay.

Thời Tam quốc và Lưỡng Tấn
Thời Tam quốc, nhà Đông Ngô trực tiếp cai trị, tách quận Cửu Chân thành hai quận: Cửu Chân và Cửu Đức. Quận Cửu Chân lúc này gồm đất Thanh Hóa ngày nay và một phần phía nam Ninh Bình. Cửu Chân được chia làm 6 huyện: Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Phù Lạc (hay Phú Lạc), Thường Lạc. Sang thời nhà Tấn, lập thêm huyện Tùng Nguyên, nâng lên tổng số 7 huyện.
Huyện Tư Phố vẫn giữ như thời Hán.
Huyện Di Phong là huyện Cư Phong đời Hán.
Huyện Kiến Sơ và huyện Phú Lạc ngày nay có thể là khu vực Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn, tức là tương ứng với huyện Vô Biên thời Hán.
Huyện Thường Lạc ngày nay là khu vực huyện Tĩnh Gia, có thể bao gồm cả khu vực phía nam huyện Nông Cống ngày nay, vốn được chuyển về từ huyện Tĩnh Gia vào năm 1964.
Huyện Tùng Nguyên được tách ra từ huyện Kiến Sơ vào thời nhà Tấn, ngày nay có thể là khu vực Nông Cống, Như Xuân, Như Thanh.
Huyện Trạm Ngô chưa rõ vị trí.

Thời Nam Bắc triều
Thời nhà Tống, đất Thanh Hóa cùng với phía nam Ninh Bình vẫn là quận Cửu Chân, gồm các huyện cũ thời Tấn (Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Phù Lạc, Thường Lạc, Tùng Nguyên) và thêm các huyện: Cao An, Quân An, Vũ Ninh, Ninh Di, trong đó huyện Cao An được tách ra từ huyện Thường Lạc.
Thời nhà Tề, huyện Ninh Di bị giải thể, huyện Đô Lung (có từ thời Hán) đổi làm huyện Cát Lung.
Thời nhà Lương, các quận được đổi hoặc chia thành các châu, quận Cửu Chân được Lương Võ đế đổi thành Ái Châu.

Thời kì Lý Bôn và Triệu Quang Phục
Nhà Tùy
Thời nhà Tùy, Ái Châu được đổi lại là quận Cửu Chân, gồm các huyện: Tư Phố, Long An, Quân An, An Thuận và Nhật Nam.
Huyện Tư Phố vẫn là huyện cũ từ thời nhà Hán, Tam quốc, Lưỡng Tấn và Nam Bắc triều.
Huyện Nhật Nam ở phía đông bắc quận Cửu Chân, như vậy không chỉ bao gồm khu vực Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung như Đào Duy Anh nhận định[17], mà còn gồm cả các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và phía nam Ninh Bình.
Huyện Quân An: ngày nay là khu vực Yên Định, Thiệu Hóa.
Huyện Long An: có thể ở khu vực Hoằng Hóa, Quảng Xương (và cả thị xã Sầm Sơn, một phần thành phố Thanh Hóa) ngày nay.
Huyện An Thuận: vốn là huyện Thường Lạc thời Tấn, nay là khu vực huyện Tĩnh Gia và có thể cả phía nam Nông Cống.

Nhà Đường
Năm Vũ Đức thứ 5 (622), nhà Đường đổi quận Cửu Chân thành Ái Châu Cửu Chân quận, thường gọi là Ái Châu, thuộc Giao Châu đại tổng quản phủ.
Nhà Đường tách phần đất của Cửu Chân thuộc Ninh Bình ngày nay để lập Trường Châu Văn Dương quận, năm 758 đổi thành Trường Châu.
Ái Châu gồm bốn huyện là Cửu Chân, Tùng Nguyên, Dương Sơn, An Thuận, tại biên giới của Ái Châu lại đặt 7 châu: Tích, Thuận, Vĩnh, Tư, Tiền, Chân và Sơn. Sau đó đổi Vĩnh Châu làm Đô Châu, Tích Châu thành châu Nam Lăng, rồi lại gộp Đô Châu vào Tiền Châu, gộp Chân Châu và Tư Châu vào châu Nam Lăng, tiếp đó đổi An Châu thành huyện Long An, đổi Sơn Châu thành huyện Kiến Sơ.
Năm Thiên Bảo thứ 1 (742), đổi Ái Châu Thành quận Cửu Chân như cũ, năm Càn Nguyên thứ 1 (758) lại đổi về Ái Châu.
Huyện Cửu Chân có thể tương ứng với huyện Tư Phố của các đời trước.
Huyện An Thuận vốn có từ đời Tùy, năm 622 đặt là Thuận Chân, gồm cả các huyện Đông Hà, Kiến Xương, Biên Hà, năm 627 gộp lại thành An Thuận, ngày nay là khu vực huyện Tĩnh Gia[20].
Huyện Sùng Bình vốn là huyện Long An đời Tùy, năm 622 chia thành An Châu và Sơn Châu, năm 627 đổi tương ứng thành Long An và Kiến Sơ. Năm 712, đổi Long An thành Sùng An và năm 757 lại đổi thành Sùng Bình, ngày nay là khu vực huyện Quảng Xương (và thị xã Sầm Sơn).
Huyện Quân Ninh vốn là huyện Quân An đời Tùy, năm 622 đặt thêm huyện Vĩnh Châu, năm 624 đổi Vĩnh Châu thành Đô Châu, năm 627 nhập vào châu Nam Lăng. Phần còn lại của huyện Quân An được đổi thành Quân Ninh vào năm 757, nay là khu vực huyện Yên Định.
Huyện Nhật Nam giữ như thời Tùy.
Huyện Trường Lâm vốn là khu vực huyện Vô Biên đời Hán.

Thời Đinh, Tiền Lê, Lý
Nhà Đinh và Tiền Lê gọi là đạo Ái Châu.
Nhà Lý thời kỳ đầu gọi là trại Ái Châu. Lý Công Uẩn chia cả nước thành 24 lộ, trong đó có Thanh Hóa lộ, (Thanh: trong sạch; Hoá: biến hoá). Tên gọi Thanh Hoá bắt đầu có từ đây. Năm 1029, nhà Lý đổi làm phủ Thanh Hoá, dời lỵ sở từ Ðông Phố đến Duy Tinh (vùng đất các xã Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc huyện Hậu Lộc ngày nay). Ruộng đất Thanh Hoá bắt đầu bị nhà vua lấy ban cho các đại thần dưới dạng phong ấp. Ðó chính là chế độ phong kiến hình thành ở nước ta.

Thời Trần, Hồ
Năm 1242, vua Trần Thái Tông đổi 24 lộ đời Lý thành 12 lộ, trong đó có Thanh Hóa phủ lộ.
Năm 1397 (năm Quang Thái thứ 10, đời vua Trần Thuận Tông), Lê Quý Ly làm phụ chính thái sư, cho đổi Thanh Hóa phủ lộ làm trấn Thanh Ðô. Trấn Thanh Ðô lúc này gồm 7 huyện và 3 châu (mỗi châu có 4 huyện):
Trong đó, 7 huyện là:
Huyện Cổ Ðằng: ngày nay là một phần đất huyện Hoằng Hóa.
Huyện Cổ Hoằng: ngày nay là một phần đất huyện Hoằng Hóa.
Huyện Ðông Sơn: ngày nay là huyện Ðông Sơn, phần lớn thành phố Thanh Hóa (trừ các xã Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Hưng) và phía nam, đông nam của huyện Thiệu Hóa (8 xã thuộc hữu ngạn sông Chu, từ xã Thiệu Viên đến xã Thiệu Giao). Tên huyện Đông Sơn bắt đầu có từ đây.
Huyện Cổ Lôi: ngày nay là huyện Thọ Xuân, một phần đất huyện Thường Xuân, phía bắc cùng với phía tây của huyện Triệu Sơn (trước năm 1964 thuộc về huyện Thọ Xuân) và 5 xã phía tây nam huyện Thiệu Hóa (từ xã Thiệu Tâm đến Thiệu Toán).
Huyện Vĩnh Ninh: ngày nay là huyện Vĩnh Lộc.
Huyện Yên Ðịnh: ngày nay vẫn là huyện Yên Ðịnh.
Huyện Lương Giang: ngày nay là phía bắc huyện Thiệu Hóa (tả ngạn sông Chu) cùng một phần đất của huyện Thọ Xuân thuộc tả ngạn sông Chu.
Ba châu bao gồm:
Châu Thanh Hóa gồm: huyện Nga Lạc (là huyện Ngọc Lặc và một phần đất huyện Thọ Xuân ngày nay); huyện Tế Giang (là vùng đất phía Tây huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Yên Lạc (là phía Ðông huyện Thạch Thành ngày nay); huyện Lỗi Giang (là huyện Cẩm Thủy và Bá Thước ngày nay).
Châu Ái gồm: huyện Hà Trung (phần lớn huyện Hà Trung và phía Tây thị xã Bỉm Sơn ngày nay); huyện Thống Bình (tương đương với huyện Hậu Lộc ngày nay); huyện Tống Giang (tương đương phía Bắc huyện Nga Sơn, Ðông Bắc huyện Hà Trung và phía Ðông thị xã Bỉm Sơn ngày nay); huyện Chi Nga (tương đương phía Nam huyện Nga Sơn ngày nay).
Châu Cửu Chân gồm: huyện Cổ Chiến (tương đương huyện Tĩnh Gia ngày nay, ngoại trừ phía bắc huyện, và một số xã phía nam huyện Nông Cống được sáp nhập từ huyện Tĩnh Gia năm 1964); huyện Kết Thuế (tương đương phía Bắc huyện Tĩnh Gia và phía Nam huyện Quảng Xương ngày nay); huyện Duyên Giác (tương đương phía Bắc huyện Quảng Xương ngày nay và các xã Quảng Hưng, Quảng Thành, Quảng Thắng của thành phố Thanh Hóa); huyện Nông Cống (bao gồm các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân và một phần huyện Triệu Sơn ngày nay).
Năm 1430, Hồ Hán Thương đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Phủ này (tức phủ Thiên Xương) cùng Cửu Chân và Ái Châu làm "tam phủ" gọi là "Tây Ðô".

Thuộc Minh
Năm 1407, nhà Minh đổi phủ Thiên Xương trở lại làm phủ Thanh Hóa như cũ, đặt thêm hai huyện: Lôi Dương, Thụy Nguyên. Về địa giới vẫn không đổi. Sách "Ðại Nam nhất thống chí" cũng ghi: "Thời thuộc Minh lại làm phủ Thanh Hóa, lãnh 4 châu là Cửu Chân, ái Châu, Thanh Hóa, Quỳ Châu và 11 huyện". Trong đó, 11 huyện là Yên Ðịnh, Nông Cống, Vĩnh Ninh, Tống Giang, Cổ Ðằng, Nga Lạc, Lương Giang, Lỗi Giang, Ðông Sơn, Yên Lạc, Cổ Lôi.
Cùng với việc đổi tên phủ vào năm 1407, một số huyện cũng được đổi tên: huyện Cổ Chiến đổi làm huyện Cổ Bình, huyện Thống Bình đổi làm huyện Thống Ninh.
Năm 1415, nhà Minh sáp nhập huyện Cổ Hoằng vào huyện Cổ Đằng, sáp nhập huyện Hà Trung với huyện Thống Ninh của châu Ái, huyện Duyên Giác với huyện Kết Duyệt (sửa lại là Kết Thuế) của châu Cửu Chân.
Năm 1417, sáp nhập châu Quy của phủ Diễn Châu (mới giải thể năm 1415) vào phủ Thanh Hóa[31].
Năm 1419, sáp nhập huyện Yên Định vào huyện Vĩnh Ninh, huyện Lương Giang vào huyện Cổ Lôi, huyện Đông Sơn vào huyện Cổ Đằng, sáp nhập huyện Yên Lạc của châu Thanh Hóa vào bản châu (trực thuộc châu này), sáp nhập huyện Lỗi Giang của châu Thanh Hóa vào huyện Nga Lạc cùng thuộc châu này, sáp nhập huyện Tống Giang của châu Ái vào bản châu, sáp nhập huyện Nông Cống của châu Cửu Chân vào bản châu.

Thời Hậu Lê
Năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1428), Lê Thái Tổ chia cả nước làm 5 đạo, Thanh Hóa thuộc Hải Tây đạo.
Trong niên hiệu Thuận Thiên, Thanh Hóa gồm các huyện: Ứng Thụy, Bình Giang...
Năm Thiệu Bình thứ 2 (năm 1435), đất Thanh Hóa gồm 6 phủ là Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô, Trường Yên, Thiên Quan.
Trong đó phủ Hà Trung kiêm lí huyện Thuần Hựu và thống hạt 3 huyện là Tống Giang, Nga Sơn và Hoằng Hóa.
Năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466), Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo Thừa tuyên, trong đó có Thừa tuyên Thanh Hóa, đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu. Cùng năm, trích 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan sáp nhập vào Sơn Nam. Thừa tuyên Thanh Hóa lúc này gồm 4 phủ, 16 huyện và 4 châu, trong đó có phủ Tĩnh Ninh.
Năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469) đổi làm Thừa Tuyên Thanh Hoa (Hoa: tinh hoa), tên gọi Thanh Hoa có từ đây. Thanh Hoa Thừa Tuyên theo "Thiên Nam dư hạ tập" lãnh 4 phủ, 16 huyện và 4 châu. Cùng năm, lập châu Lang Chánh thuộc phủ Thanh Đô.
Trong niên hiệu Quang Thuận, thừa tuyên Thanh Hoa có huyện Lương Giang (đổi tên từ huyện Ứng Thụy), châu Quan Gia hay Gia Châu...
Năm Hồng Đức thứ 21 (năm 1490), đổi làm xứ Thanh Hoa.
Trong niên hiệu Đoan Khánh (1505-1509) thời Lê Uy Mục, xứ Thanh Hoa gồm các huyện: Thụy Nguyên (đổi tên từ huyện Lương Giang)...
Trong niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), Lê Tương Dực đổi làm trấn Thanh Hoa.
Thời Lê trung hưng, đổi làm nội trấn Thanh Hoa, lại lấy 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan của trấn Sơn Nam, gọi là ngoại trấn Thanh Hoa. Trong thời gian này, nội trấn Thanh Hoa gồm: phủ Tĩnh Giang (đổi từ phủ Tĩnh Ninh do kị húy Lê Duy Ninh, sau lại đổi làm Tĩnh Gia), huyện Quảng Bình (đời Lê Quang Thuận là huyện Bình Giang), Vĩnh Lộc (đổi từ Vĩnh Ninh do kị húy Lê Duy Ninh), huyện Thuần Lộc (đổi từ huyện Thuần Hựu do kị húy Lê Duy Hựu), huyện Tống Sơn (đổi từ huyện Tống Giang)...

Thời Tây Sơn
Huyện Quảng Bình đổi làm huyện Quảng Bằng, nhà Nguyễn đổi lại là Quảng Bình rồi lại đổi làm Quảng Địa.
Châu Lang Chánh đổi thành Lương Chính

Thời Nguyễn
Năm 1802 (năm Gia Long 1), gọi là trấn Thanh Hoa.
Năm Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), đổi đạo Thanh Bình (đã được đổi từ ngoại trấn Thanh Hoa) làm đạo Ninh Bình, năm Minh Mệnh thứ 10 đổi riêng làm trấn Ninh Bình.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), đổi trấn Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hoa, trấn Ninh Bình (lúc này không còn lệ thuộc vào Thanh Hoa) cũng đổi thành tỉnh Ninh Bình.
Năm Thiệu Trị thứ 1 (năm 1841), đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa do kị húy hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa[. Tên Thanh Hóa không đổi từ đó cho tới ngày nay.
Tỉnh Thanh Hóa vào đầu thời Nguyễn gồm các phủ: Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia và Thanh Đô (sau đổi là phủ Thọ Xuân). Sau đó lập thêm phủ Quảng Hóa.
Phủ Thiệu Thiên, năm Gia Long thứ 14 (năm 1815) được đổi làm phủ Thiệu Hóa, kiêm lí 4 huyện Thụy Nguyên, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Tế và quản hạt 4 huyện Đông Sơn, Yên Định, Lôi Dương, Vĩnh Lộc. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), tách các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế để lập phủ Quảng Hóa.
Huyện Thụy Nguyên: vào đầu thời Nguyễn là vùng đất tả ngạn sông Chu mà ngày nay là phía Bắc huyện Thiệu Hóa, phía Bắc huyện Thọ Xuân và gần toàn bộ huyện Ngọc Lặc. Năm Thành Thái thứ 12 (1900), thành lập châu Ngọc Lặc trên cơ sở tổng Ngọc Lặc và các xã Mường của các tổng Yên Trường, Quảng Thi, đồng thời sáp nhập các tổng Vận Quy và Đại Bối của huyện Đông Sơn vào huyện Thụy Nguyên. Như vậy đến năm 1900, huyện Thụy Nguyên gần như tương ứng với huyện Thiệu Hóa ngày nay và có thể gồm cả một phần phía đông huyện Thọ Xuân ở tả ngạn sông Chu.
Huyện Cẩm Thủy: Đầu thời Nguyễn tương ứng với các huyện Cẩm Thủy và Bá Thước. Năm Thành Thái thứ 14 (1902), cắt tổng Cổ Lũng để sáp nhập vào châu Quan Hóa, cắt tổng Thiết Ống sáp nhập vào châu Lang Chánh. Năm Thành Thái thứ 16 (1904), cắt 2 tổng Sa Lung và Điền Lư sáp nhập vào châu Quan Hóa. Như vậy từ năm 1904, địa giới huyện Cẩm Thủy gần như ổn định đến ngày nay. Các phần đất đã cắt đi vào năm 1902 và 1904 nay là huyện Bá Thước.
Huyện Thạch Thành: Đầu thời Nguyễn tương ứng với phần đông nam của huyện Thạch Thành ngày nay. Năm Thành Thái thứ nhất (1889), huyện Thạch Thành kiêm nhiếp huyện Quảng Tế, địa giới Thạch Thành gần như ổn định đến ngày nay.
Huyện Quảng Địa: Tương ứng với phần tây bắc của huyện Thạch Thành ngày nay. Đầu thời Nguyễn gọi là Quảng Bình, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi làm Quảng Địa, sau đổi làm Quảng Tế. Năm Minh Mệnh thứ 16 chuyển vào phủ Quảng Hóa.
Huyện Đông Sơn: Đầu thời Nguyễn địa giới cơ bản như thời Trần. Năm Thành Thái thứ 11 (1889), tách một phần các tổng Bố Đức và Thọ Hạc để thành lập thị xã Thanh Hóa. Năm 1900, tách các tổng Vận Quy và Đại Bối sáp nhập vào huyện Thụy Nguyên. Vào cuối thời Nguyễn, địa giới huyện Đông Sơn tương ứng với huyện Đông Sơn ngày nay cùng với các xã, phường: Đông Cương, Hàm Rồng, Đông Thọ, Nam Ngạn, Trường Thi, Đông Hương, Đông Hải và Đông Vệ của thành phố Thanh Hóa ngày nay.
Huyện Yên Định: gần như tương ứng với huyện Yên Định ngày nay.
Huyện Lôi Dương: Đầu thời Nguyễn tương ứng với phần lớn huyện Thọ Xuân, một phần huyện Triệu Sơn và một phần huyện Thường Xuân ngày nay. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) chuyển sang phủ Thọ Xuân kiêm lí. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), cắt tổng Luận Đạm của huyện Lôi Dương cùng với đất Lang Chánh và đất Nông Cống để lập châu Thường Xuân.
Huyện Vĩnh Lộc: tương ứng với huyện Vĩnh Lộc ngày nay.
Phủ Hà Trung: kiêm lí hai huyện Tống Sơn và Nga Sơn, thống hạt các huyện Phong Lộc và Hoằng Hóa.
Huyện Phong Lộc: đổi tên từ huyện Thuần Lộc vào đầu thời Nguyễn. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi làm huyện Hậu Lộc, địa giới cơ bản giữ đến nay. Đến trước tháng 8 năm 1945, huyện Hậu Lộc gồm 5 tổng: Đại Lý, Du Trường, Đăng Trường (sau đổi là Xuân Trường), Chi Nê, Liên Cừ.
Huyện Tống Sơn: còn được gọi là Quý huyện, phủ Hà Trung kiêm lí từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), nay là huyện Hà Trung. Từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), huyện Tống Sơn gồm 4 tổng: Thượng Bạn, Trung Bạn, Đông Bạn, Nam Bạn, huyện lị đóng ở Bình Lâm (Đò Lèn). Đến trước tháng 8 năm 1945, huyện Tống Sơn có 7 tổng, gồm 4 tổng cũ và tổng Phi Lai chuyển từ huyện Nga Sơn, tổng Thanh Xá, Ngọ Xá chuyển từ huyện Vĩnh Lộc.
Huyện Hoằng Hóa: tương ứng với huyện Hoằng Hóa ngày nay. Đến trước tháng 8 năm 1945, huyện Hoằng Hóa gồm các tổng: Ngọc Chuế (nay gồm các xã: Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông), Bút Sơn (nay gồm các xã: Hoằng Đạt, Hoằng Hà, Hoằng Phúc, Hoằng Đức, Hoằng Đạo và thị trấn Bút Sơn), Bái Trạch (nay gồm các xã: Hoằng Lưu, Hoằng Phong, Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Trạch, Hoằng Thành, Hoằng Đại), Hành Vĩ (nay gồm các xã: Hoằng Lộc, Hoằng Đồng, Hoằng Vinh, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh, Hoằng Thắng), Từ Minh (nay gồm các xã: Hoằng Anh, Hoằng Minh, Hoằng Quang, Hoằng Long và một phần thị trấn Tào Xuyên), Dương Thủy (nay gồm các xã: Hoằng Xuyên, Hoằng Khê, Hoằng Cát, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Hoằng Phú, Hoằng Quý và một phần thị trấn Tào Xuyên), Lỗ Hương (nay gồm các xã: Hoằng Hợp, Hoằng Khánh, Hoằng Xuân, Hoằng Phượng, Hoằng Giang), Dương Sơn (nay gồm các xã: Hoằng Lương, Hoằng Sơn, Hoằng Trinh, Hoằng Trung, Hoằng Kim).
Huyện Nga Sơn: tương ứng với huyện Nga Sơn ngày nay.
Huyện Mỹ Hóa: thành lập năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) từ một phần các huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), huyện Hoằng Hóa kiêm nhiếp huyện Mỹ Hóa.
Phủ Tĩnh Gia: gồm các huyện Ngọc Sơn, Nông Cống, Quảng Xương.
Huyện Ngọc Sơn: do phủ Tĩnh Gia kiêm lí, nay là huyện Tĩnh Gia.
Huyện Nông Cống: tương ứng với các huyện Nông Cống, Như Xuân, Như Thanh và một phần huyện Triệu Sơn (phía đông và phía nam). Năm Thành Thái thứ 5 (1893), tách hai tổng Xuân Du và Lãng Lăng để lập châu Như Xuân. Đầu thế kỉ 20, huyện Nông Cống gồm 9 tổng: Đô Xá, Cổ Định, Cao Xá, Vạn Đồn, La Miệt, Đồng Xá, Lai Triều, Như Lăng, Lãng Lăng và 2 phường thủy cơ: phường Ngã Ba Mộc và phường Ngã Ba Xuyết. Đến đời vua Duy Tân, huyện Nông Cống gồm 10 tổng: Văn Xá, Cao Xá, La Miệt, Vạn Đồn, Lạc Thiện (ở phía bắc) và Đô Xá, Cao Xá, Hữu Định, Lai Triều, Vạn Thiện (ở phía nam).
Huyện Quảng Xương: tương ứng với huyện Quảng Xương và các xã Quảng Thắng, Quảng Hưng, Quảng Thành của thành phố Thanh Hóa ngày nay.
Phủ Thanh Đô: năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi làm phủ Thọ Xuân.
Huyện Thọ Xuân: tương ứng với phần lớn huyện Thường Xuân ngày nay. Cần phân biệt với huyện Thọ Xuân ngày nay, là một phần huyện Lôi Dương thời Nguyễn.
Châu Lang Chánh: hiện nay là huyện Lang Chánh. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), phủ Thọ Xuân kiêm nhiếp châu Lang Chánh
Châu Thường Xuân: thành lập năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), từ một phần châu Lang Chánh (thuộc phủ Thanh Đô), huyện Lôi Dương (thuộc phủ Thiệu Hóa) và huyện Nông Cống (thuộc phủ Tĩnh Gia). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), phủ Thọ Xuân kiêm nhiếp châu Thường Xuân.
Châu Quan Gia: Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) gồm châu Quan Gia với Tầm Châu làm châu Quan Hóa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), châu Quan Hóa do phủ Quảng Hóa kiêm nhiếp. Năm Thành Thái thứ 14 (1902), sáp nhập tổng Cổ Lũng của huyện Cẩm Thủy vào châu Quan Hóa. Năm Thành Thái thứ 16 (1904), sáp nhập tiếp 2 tổng Sa Lung và Điền Lư của huyện Cẩm Thủy vào châu Quan Hóa. Châu Quan Hóa lúc này tương ứng với các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát và phần lớn huyện Bá Thước ngày nay.
Châu Tân Hóa: Năm Khải Định thứ 10 (1925), thành lập châu Tân Hóa từ các tổng Cổ Lũng, Sa Lung, Điền Lư của châu Quan Hóa và tổng Thiết Ống của châu Lang Chánh. Năm 1943, lại tách Điền Lư và Sa Lung nhập vào Cẩm Thủy, còn Cổ Lũng và Thiết Ống nhập thành một bang thuộc châu Quan Hóa. Châu Tân Hóa tương ứng với huyện Bá Thước ngày nay.
Tầm Châu: Có thể là huyện Mường Lát và một phần các huyện Quan Hóa, Quan Sơn ngày nay. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sáp nhập Tầm Châu với châu Quan Gia để thành lập châu Quan Hóa.
Sầm Châu: Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), tù trưởng đất này xin nội phụ Việt Nam. Sau đó đổi Sầm Châu làm huyện Sầm Nưa và cho thuộc phủ Trấn Biên, tỉnh Nghệ An. Nay là tỉnh Huaphanh của Lào.

Thời kì hiện đại (sau Cách mạng tháng Tám 1945)
Sau Cách mạng tháng Tám, tỉnh Thanh Hóa gồm:
Huyện Tống Sơn: gồm các xã: Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Chi Lăng, Lê Lai, Thái Lý, Lam Sơn...
Châu Tân Hóa được tái lập và đến tháng 11 năm 1945 thì đổi làm châu Bá Thước.
Từ tháng 3 năm 1948, các cấp hành chính là phủ, châu, quận được bãi bỏ]. Tỉnh Thanh Hóa lúc này gồm thị xã Thanh Hóa và 20 huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước và Quan Hóa.
Huyện Hà Trung: đổi tên từ Tống Sơn theo tên phủ Hà Trung, gồm 10 xã: Tân Tiến, Lĩnh Tráng, Ngọc Âu, Lĩnh Toại, Hoạt Giang, Long Khê, Hòa Bình, Yên Sơn, Thái Lai và Tống Giang.
Huyện Hậu Lộc: gồm 10 xã: Trường Xuân, Vạn Lộc, Liên Cừ, Long Thịnh, Thuần Lộc, Liên Thịnh, Phú Điền, Đại Lý, Uy Thống và Đông Thành.
Huyện Nông Cống: gồm 15 xã: Hợp Tiến, Tứ Dân, Minh Nông, An Nông, Khuyến Nông, Đồng Tiến, Tân Phúc, Tân Minh, Trung Chính, Tế Lợi, Hoàng Sơn, Minh Khôi, Vạn Thiện, Công Chính và Thăng Bình.
Trong năm 1948, châu Bá Thước đổi thành huyện Bá Thước, gồm có 7 xã.
Năm 1950, sáp nhập xã Thanh Quân thuộc huyện Thường Xuân vào huyện Như Xuân.
Năm 1954, chia tách các xã lớn thành các xã nhỏ:
Huyện Hà Trung: chia 10 xã thành 25 xã đều có tên với tiền tố Hà.
Huyện Hậu Lộc: chia 10 xã thành 26 xã với hậu tố (hoặc tiền tố) Lộc.
Huyện Nông Cống: chia 15 thành 44 xã: Hợp Thành, Hợp Thắng, Hợp Tiến, Hợp Lý (chia từ xã Hợp Tiến), Dân Quyền, Dân Lực, Dân Lý (chia từ xã Tứ Dân), Minh Sơn, Minh Nông, Minh Châu (chia từ xã Minh Nông), An Nông, Vân Sơn, Nông Trường (chia từ xã An Nông), Tiến Nông, Khuyến Nông (chia từ xã Khuyến Nông), Đồng Thắng, Đồng Lợi, Đồng Tiến (chia từ xã Đồng Tiến), Tân Phúc, Tân Thọ, Tân Khang (chia từ xã Tân Phúc), Tân Ninh, Thái Hòa (chia từ xã Tân Ninh), Trung Chính, Trung Thành, Trung Ý (chia từ xã Trung Chính), Tế Nông, Tế Lợi, Tế Thắng, Tế Tân (chia từ xã Tế Lợi), Hoàng Sơn, Hoàng Giang (chia từ xã Hoàng Sơn), Minh Khôi, Minh Thọ, Minh Nghĩa (chia từ xã Minh Khôi), Vạn Hòa, Vạn Thiện, Vạn Thắng (chia từ xã Vạn Thiện), Công Liêm, Công Chính, Công Bình (chia từ xã Công Chính), Thăng Bình, Thăng Thọ và Thăng Long (chia từ xã Thăng Bình).
Năm 1956, xã Lũng Vân thuộc huyện Bá Thước được chuyển về huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Năm 1963, sáp nhập xóm Núi của xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa và xã Đông Giang, huyện Đông Sơn vào thị xã Thanh Hóa, đồng thời chia 3 xã Tam Chung, Sơn Thủy và Trung Thành thuộc huyện Quan Hoá thành bảy xã mới. Cùng năm, một số xã thuộc các huyện Thường Xuân, Lang Chánh và Ngọc Lặc cũng được chia tách.
Năm 1964, chia lại địa giới một số xã thuộc huyện Bá Thước[65], huyện Như Xuân và Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy. Cùng năm, thành lập huyện Triệu Sơn trên cơ sở 13 xã của huyện Thọ Xuân và 20 xã của huyện Nông Cống, đồng thời sáp nhập 7 xã của huyện Tĩnh Gia vào huyện Nông Cống.
Năm 1965, thành lập xã Tân Trường thuộc huyện Tĩnh Gia, xã Tân Lập thuộc huyện Bá Thước và thị trấn Thọ Xuân thuộc huyện Thọ Xuân.
Năm 1966, thành lập 2 xã thuộc vùng kinh tế mới ven biển của huyện Nga Sơn. Cùng năm, chia tách một số xã thuộc các huyện Lang Chánh, Quan Hóa.
Năm 1967, thành lập các thị trấn nông trường thuộc các huyện Hà Trung, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Nông Cống, Thạch Thành, Ngọc Lặc. Cùng năm, chia tách một số xã thuộc huyện Thạch Thành.
Năm 1968, thành lập thị trấn nông trường Sông Âm thuộc huyện Ngọc Lặc.
Năm 1969, thành lập thị trấn nông trường Bãi Trành thuộc huyện Như Xuân
Năm 1971, các xã Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải thuộc huyện Đông Sơn và xã Quảng Thắng thuộc huyện Quảng Xương được sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa.
Năm 1973, điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Đông Sơn, Hà Trung và Nga Sơn.
Năm 1977, thành lập thị trấn Bỉm Sơn, sáp nhập huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn thành huyện Trung Sơn, huyện Vĩnh Lộc và huyện Thạch Thành thành huyện Vĩnh Thạch, huyện Lang Chánh và huyện Ngọc Lặc thành huyện Lương Ngọc, huyện Yên Định với phần tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa thành huyện Thiệu Yên, huyện Đông Sơn với phần hữu ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa thành huyện Đông Thiệu.
Năm 1978, sáp nhập một số xã thuộc các huyện Thiệu Yên và Thọ Xuân, đồng thời chuyển thị trấn nông trường Thống Nhất từ huyện Lương Ngọc về huyện Thiệu Yên
Năm 1979, sáp nhập một số xã thuộc huyện Thiệu Yên
Năm 1980, chia tách một số xã thuộc huyện Như Xuân, Hoằng Hóa và huyện Hà Trung.
Năm 1981, chia tách một số xã thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Yên, Lương Ngọc, Như Xuân. Cùng năm, thành lập 2 thị xã Sầm Sơn và Bỉm Sơn.
Năm 1982, tái lập các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc và đổi tên huyện Đông Thiệu thành huyện Đông Sơn.
Năm 1983, thành lập một số phường thuộc thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn và một số xã thuộc huyện Thường Xuân.
Năm 1984, chia tách một số xã thuộc các huyện Quan Hóa, Như Xuân, Bá Thước, Tĩnh Gia, đồng thời thành lập thị trấn huyện lị Tĩnh Gia.
Năm 1987, thành lập thị trấn Quan Hóa thuộc huyện Quan Hóa, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, xã Thọ Thắng thuộc huyện Thọ Xuân, xã Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, sáp nhập xã Hoằng Ngư thuộc huyện Hoằng Hóa vào xã Hoằng Yến cùng huyện và chia tách một số xã thuộc huyện Như Xuân.
Năm 1988, thành lập các thị trấn huyện lị Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Hà Trung và Nga Sơn. Cùng năm, chia tách một số xã thuộc huyện Như Xuân.
Năm 1989, thành lập thị trấn Cẩm Thủy thuộc huyện Cẩm Thủy và Yên Cát thuộc huyện Như Xuân.
Năm 1990, thành lập thị trấn Kim Tân thuộc huyện Thạch Thành.
Năm 1991, thành lập phường Bắc Sơn thuộc thị xã Bỉm Sơn, thị trấn Lam Sơn thuộc huyện Thọ Xuân, thị trấn Quảng Xương thuộc huyện Quảng Xương và thị trấn Lang Chánh thuộc huyện Lang Chánh.
Năm 1992, thành lập thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn và thị trấn Vĩnh Lộc thuộc huyện Vĩnh Lộc.
Năm 1994, thành lập thành phố Thanh Hóa. Cùng năm, thành lập một số phường thuộc thành phố Thanh Hóa, thành lập thị trấn Cành Nàng thuộc huyện Bá Thước và xã Bình Sơn thuộc huyện Triệu Sơn.
Năm 1995, thành lập phường Trung Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn trên cơ sở xã Quảng Tường.
Năm 1996, tái lập các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, tách 16 xã thuộc huyện Đông Sơn về huyện Thiệu Hóa mới tái lập, đồng thời thành lập các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Như Thanh.
Năm 1997, thành lập thị trấn Quan Hóa.
Năm 1999, thành lập một số xã, thị trấn thuộc các huyện Quan Sơn, Mường Lát, Như Xuân và Thọ Xuân.
Năm 2000, thành lập thị trấn Vạn Hà thuộc huyện Thiệu Hóa.
Năm 2002, thành lập phường Tân Sơn thuộc thành phố Thanh Hoá, phường Đông Sơn thuộc thị xã Bỉm Sơn và thị trấn Bến Sung thuộc huyện Như Thanh.
Năm 2003, thành lập các thị trấn huyện lị Mường Lát, Quan Sơn và thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá.
Năm 2004, giải thể các thị trấn nông trường để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Nông Cống.
Năm 2006, thành lập thị trấn Nhồi thuộc huyện Đông Sơn.
Năm 2008, giải thể các xã Xuân Mỹ, Xuân Liên và Xuân Khao (vùng lòng hồ chứa nước Cửa Đặt) thuộc huyện Thường Xuân.
Năm 2009, thành lập thị trấn Thống Nhất thuộc huyện Yên Định và mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bút Sơn thuộc huyện Hoằng Hoá. Cùng năm, thành lập phường Phú Sơn thuộc thị xã Bỉm Sơn và phường Quảng Tiến thuộc thị xã Sầm Sơn.
Năm 2012, thành phố Thanh Hoá được mở rộng thêm 19 xã, thị trấn thuộc huyện Hoằng Hoá (gồm các xã Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại và thị trấn Tào Xuyên); huyện Đông Sơn (gồm các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi); huyện Thiệu Hoá (gồm các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân) và huyện Quảng Xương (gồm các xã Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát). Trong đó thị trấn Tào Xuyên đổi thành phường Tào Xuyên, thị trấn Nhồi đổi thành phường An Hoạch.

Cuối tháng 4 năm 2014 thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại một trực thuộc tỉnh.

PV