Hàm Rồng, địa danh đã đi vào lịch sử như những trang chói lọi nhất trong cuộc kháng chiến chông giặc ngoại xâm của dân tộc. Hàm Rồng cũng là thắng cảnh kỳ thú làm say lòng “tao nhân mặc khách”.
Vùng đất Hàm Rồng từ rất xa xưa đã rất nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và hàm chứa nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và những truyền thuyết còn sống mãi với thời gian. Vùng đất uốn lượn theo dòng sông Mã với 99 ngọn núi đá, núi đất nhấp nhô tạo dáng hình con rồng. Trên núi có động Long Quang (mắt rồng) rất đẹp. Dưới núi có nhiều tảng đá lởm chởm trông như hàm rồng đang hút nước sông Mã. Núi Hàm Rồng là mỏm núi cuối cùng của dãy núi chạy dài bên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá đến cầu Hàm Rồng. là núi đất lẫn đá nhưng mỏm Hàm Rồng thì toàn đá…
Cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái nơi đây đã hình thành ra làng Đông Sơn dưới chân núi rồng có nền văn minh cổ tiêu biểu cho thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ và là pháo đài thép trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Làng Đông Sơn quần tụ dựa vào lưng núi Rồng. Phía trước làng là cánh đồng rộng màu mỡ, xung quanh 3 phía của làng là những núi đá nhỏ, đồi thấp dần nằm xen kẽ lẫn nhau có hình dáng kỳ dị, dân gian đã đặt tên cho từng quả đồi, ngọn núi: Núi Rồng, núi Phượng, núi Voi, núi Cánh Tiên…Làng Đông Sơn ở vào thế đất 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ ở đây đã nhắc đến 99 ngọn núi này với niềm tự hào mãnh liệt:
Chín mươi chín ngọn bên đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
Chín mươi chín ngọn đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông.
Non nước Hàm Rồng được bàn tay của tạo hóa xếp đặt vô cùng kỳ vỹ cùng với nhiều di tích đã tạo ra vùng đất:
Thanh Hóa thắng địa là đây
Rồng vờn hạt Ngọc, Hạc bơi chân thành.
Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1478 vua Lê Thánh Tông sau lần bái yết Sơn lăng, thuyền ngự dừng chèo dưới chân động Long Quang theo lối mòn ngược lên động, trước cảnh trời nước hữu tình của vùng thắng tích nhà vua đã làm bài thơ “ Đề động Long Quang” và cho khắc vào vách động:
Đất này tươi tốt lạ lùng thay
Vũ trụ dồn đong khóe mắt đầy
Bái biệt Sơn lăng thuyền ngự lướt
Vào thăm động biếc thợ trời xây
Mây rơi đầy đất nhờ ai quét
Nhà trống thấu trời mượn đá xây
Đây núi kia rừng…tiên phật quá
Như mời du khách đến cùng say.
Năm 1501, vua Lê Hiến Tông con vua Lê Thánh Tông đến động Long Quang cũng đã làm thơ vịnh:
Động xuyên lưng núi sáng trong ngoài
Sức chứa muôn phương gió thổi hoài
Bát ngát cành xanh xuân gặp khách
Bạt ngàn hoa thắm núi chờ ai…
Xưa kia, khi chưa có cầu, nhân dân hai bờ qua lại bằng đò ngang. Đầu thế kỷ 20, C.A Ra Gông - một chuyên gia về cầu ở Đông Dương, khi khảo sát để bắc cầu, đã nêu ra những cái khó ở đoạn sông Hàm Rồng: đáy sông đầy hang huyệt, nên không thể xây trụ giữa được, lũ lụt hàng năm không cho phép kéo dài thời gian thi công trên mặt nước (trước đó, cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp thuê kỹ sư Đức bắc cầu có trụ ở đây, cầu chưa xong đã bị lũ lớn cuốn mất, ông kỹ sư người Đức đã nhảy xuống sông tự vẫn). Chính vì thế thực dân Pháp phải xây cầu treo, hai kỹ sư người Pháp là Đay - Đê và Pillê thiết kế, chỉ đạo thi công, cầu treo gối lên sườn hai ngọn Châu Phong (bờ Bắc) và Mắt Rồng (bờ Nam). Cầu treo hình cánh cung bán nguyệt thi công trong 4 năm (1904 - 1908). Khẩu độ hẹp ô tô và tàu hoả không thể qua một lúc được. Chiếc cầu cánh cung xưa và cầu thép có trụ hiện nay là điểm trung tâm của toàn cảnh Hàm Rồng.
Thi sĩ Tản Đà có bài cảm tác "Qua cầu Hàm Rồng":
Hôm xưa chơi ở Dương Quỳ
Trắng phau ngựa trắng xanh rì rừng xanh
Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân
Người đâu sương tuyết phong trần
Non xanh nước biếc bao lần vãng lai.
Kháng chiến chống Pháp, năm 1946, quân dân ta phá sập chiếc cầu cánh cung do Pháp xây dựng. Hoà bình lập lại, năm 1961, đội cầu Trần Quốc Bình (Trung Quốc) thiết kế cầu mới có trụ và cán bộ công nhân ta thi công. Cầu vẫn được đặt trên hai hố cũ, nhưng có trụ giữa bằng 12 trụ ống, mỗi trụ đường kính xoáy sâu. Tháng 06 năm 1963, chiếc cầu hữu nghị được thông xe. Cầu mới dài 168 mét, chắc chắn hơn, to đẹp hơn, trọng tải lớn hơn cầu cũ nhiều. Đó là một kỳ công của kỹ sư và công nhân ta.
Kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiếc cầu đó đã làm giảm uy lực của không quân Hoa Kỳ, 117 máy bay tối tân của Mỹ đã bị quân dân ta bắn cháy, vùi xác dưới đáy sông. Sau những ngày mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, nối liền hai bờ Bắc Nam cho đến ngày đất nước toàn thắng, Nghĩa trang liệt sĩ linh thiêng sườn đồi Quyết thắng ngày đêm hương khói tưởng nhớ những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh bảo vệ non nước này. Một chính khách nước ngoài đến thăm Hàm Rồng đã phải thốt lên: "Thật kỳ lạ, trong lịch sử chiến tranh phá hoại bằng không quân trên thế giới, chưa có chiếc cầu nào được bảo vệ lâu đến như vậy". Cây cầu thép hiện nay đang sử dụng đã được các kỹ sư Việt nam sửa lại năm 1974, hàng ngày vẫn soi bóng xuống lòng sông chói ngời dấu ấn chiến thắng.
Còn đó đồi C4 anh hùng một trong những trận địa pháo cao xạ lừng danh nhất trên mãnh đất Hàm Rồng. Còn đó di tích Nhà máy điện Hàm Rồng anh hùng, Đồn công an Hàm Rồng anh hùng. Còn đó sừng sững hai chữ “Quyết Thắng” trên núi Cánh Tiên được xếp bằng hàng ngàn khối đá của quân dân Hàm Rồng sau mỗi trận đánh, lúc không có máy bay địch, đứng cách xa hơn chục cây số vẫn nhìn thấy.
Mảnh đất kiên cường ấy đã ghi nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Có nhà thơ đã nói:
… Đất này là đất Hàm Rồng
Đi qua bom đạn vẫn hồng sắc xuân …
Huy Cận, nhà thơ lớn, đã nói về mảnh đất địa linh nhân kiệt này:
… Cánh chim Lạc Việt bay từ thuở ấy,
Nâng ta lên cánh én ngày nay.
Đánh quỷ Mỹ với bốn ngàn năm dựng nước
Đồng, Đông Sơn là xương cốt núi sông này.
Với những trang sử oai hùng đang được trân trọng gìn giữ; với một vùng núi sông kỳ vĩ, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là vùng thắng tích lung linh trường tồn cùng với chiều dài lịch sử dân tộc.
Trấn Nam