Phi có ở nhiều nơi, nhưng chỉ có Phi cầu Sài – sản vật quý của khúc sông Trà, ranh giới giữa hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa xứ Thanh mới được xem là “sơn hào hải vị’’ để dâng vua, vì thế nó còn có tên Phi tiến vua...
Đất Hạc Thành xưa (tên gọi cũ của Thành phố Thanh Hóa) còn để nhớ cho nhiều du khách rành ẩm thực bởi món canh phi Cầu Sài, được con gái làng Phượng Đình - một làng cổ bên dòng sông Ngu Giang nổi tiếng xinh đẹp, nức tiếng nấu ăn ngon thường nấu và rao bán khắp tỉnh thành.
Phi có thân hình tựa con Trai nước ngọt nhưng vỏ mỏng hơn, ruột trắng có những tua dài trông thật vui mắt. Để có bữa ẩm thực Phi cầu Sài phải tốn công ra trò. Muốn bắt Phi người ta phải xăm dò rồi mới lặn xuống đáy sông bắt Phi lên, người lành nghề bắt Phi là người không làm vỡ lớp vỏ bọc ngoài của nó, có vậy khi nấu mới tươi ngon và đẹp mắt.
Tùy theo sở thích, có thể chế biến Phi cầu Sài thành các món xào, rán, nấu canh hay cháo. Món Phi rán dễ làm, béo thơm đến nhức mũi, ăn ghém với các loại rau thơm chấm nước mắm gừng, tiêu, tỏi, ớt ăn một lại muốn ăn mười; Cháo Phi bổ dưỡng và lành, nhất là đối với người già và trẻ em và công hiệu với người mắc bệnh ra mồ hôi trộm; Canh phi ngon nhất là nấu với rau ngót, thân Phi tao hành mỡ vừa chín tới, lấy phần nước từ thân Phi đun sôi, rửa sạch rau vò mềm cho vào, sau cùng mới đổ ruột Phi, bạn sẽ được món canh bổ dưỡng, ngọt lạ từ đầu môi, chót lưỡi đến tận cổ họng.
Miếng ngon nhớ lâu, ai từng một lần được thưởng thức Phi cầu Sài do chính người ven sông Trà chế biến thì sẽ nhớ đến hết đời. Phi cầu Sài xứng danh là tinh hoa ẩm thực của đất trời và con người xứ Thanh.