Thanh Hóa vùng đất của cá thần với ba suối cá tự nhiên kỳ lạ, suối cá thứ nhất nằm ở thôn Lương Ngọc, Cẩm Lương, Cẩm Thủy; suối cá thứ hai nằm ở thôn Dùng, Cẩm Liên, Cẩm Thủy; suối cá thần thứ ba nằm ở thôn Chiềng Ban, Văn Nho, Bá Thước.
Toàn cảnh suối cá thần thứ ba
Cá ở suối cá thần thứ nhất và thứ hai được người dân trong vùng coi là thần nên không ai dám đánh bắt hay giết hại nó, riêng cá ở suối cá thứ ba thì không chỉ người dân địa phương mà chính quân đội Pháp cũng coi cá ở đó là thần.
Theo người dân ở thôn Chiềng Ban thì suối cá thần này có từ thời Pháp thuộc, quân đội Pháp đóng quân ở vùng đất này để cai trị địa phương, Không biết vì lý do gì mà họ lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại họ còn đối đãi rất tốt với cá, chăm sóc cho cá, họ còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 mét để thờ chúng.
Thời gian này trong vùng có hai ông là Hà Văn Nho và Hà Công Bộ là thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương, hai người này lãnh đạo quân dân địa phương chống lại thực dân Pháp và bị pháp bắt hai ông đều bị chém đầu tại động thờ cá thần.
Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp người dân nơi đây cũng không ai dám đánh bắt cá, họ ra sức bảo vệ vì họ coi đó là cá thần, hằng ngày người dân thay phiên nhau mang thức ăn ra suối cho cá. Hang thờ cá mà quân đội Pháp lập bàn thờ nay được người dân tôn tạo lại để vừa thờ thần cá vừa thờ hai vị thủ lĩnh của địa phương Hà Văn Nho và Hà Công Bộ.
Tên của xã Văn Nho bây giờ được đặt theo tên của ông Hà Văn Nho một trong hai thủ lĩnh của địa phương.
Bàn thờ thần cá trên hang động do quân đội Pháp lập ra, nay còn là nơi thờ hai vị thủ lĩnh của địa phương.
Đến nay suối cá thần thứ ba trở thành địa điểm thăm quan thú vị cho du khách gần xa, mỗi ngày có hàng trăm du khách đến để xem cá thần và lên hang thắp hương cho thần cá và hai vị thủ lĩnh của địa phương thời Pháp thuộc.
Đường đi lên hang cá thần
Suối cá thần này là nơi duy nhất cung cấp nguồn nước để người dân thôn Chiềng Ban sản xuất nông nghiệp do đó người dân đã xây đập để dự trữ nguồn nước, do đó mà nước ở đây khá sâu, trung bình khoảng 5 mét, vào mùa lũ thì nước sâu hơn. Vì vậy chỉ khi cho cá ăn du khách mới được tận mắt chứng kiến cá thần trong suối. Cá ở đây trung bình mỗi con nặng từ 7 – 8 kg, co to nặng khoảng 10 kg.
Điều đặc biết là cá ở đây không bao giờ ra khỏi suối. Vào mùa mưa nước dâng cao, tràn đập đến hơn 1 mét nhưng cá ở đây vẫn không con nào bơi ra khỏi suối.
Không chỉ vậy ở suối cá này còn có những câu chuyện mang tính tâm linh nhưng hoàn toàn có thật. Ông Hà Văn Thân, người trông coi, bảo vệ suối cá và cũng là người có nhiều hiểu biết về suối cá này cho biết: “Trước đây ở địa phương có một thanh niên đã bắt cá thần trong suối về ăn sau một thời gian anh ta đã bị điên, đi chữa trị đâu cũng không khỏi. Người dân trong vùng cho là anh ta đã bị thần cá 'trả thù', sau đó gia đình anh ta đã mang lễ vật đến để xin thần cá tha tội và chỉ ba ngày sau người thanh niên này đã khỏi bệnh.”
Từ đó người dân địa phương lại càng tin đấy chính là suối cá thần, vì vậy họ không chỉ không đánh bắt nó mà còn ra sức chăm sóc thờ phục thần cá, mong thần cá mang lại sự bình yên, ấm no cho làng xóm, quê hương.
Trấn Nam