Qua nhiều năm lao đao, thị trường bất động sản (BĐS) Thanh Hóa đang có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiêu, theo nhiều chuyên gia cho rằng để BĐS phục hồi cần phải tính bằng năm trong tương lai.
Cũng như cả nước, lâu nay thị trường BĐS Thanh Hóa đang chịu cảnh "đóng băng", khiến không ít chung cư, mặt bằng nhà ở không có khả năng thanh khoản nên phải nằm đắp chiếu. Trong cơn bĩ cực, nhiều DN đã cầu cạnh ngân hàng cho người dân vay vốn ưu đãi để mua. Tuy nhiên, tình hình cũng chẳng được cải thiện hơn là bao.
BĐS Thanh Hóa “vắng khách” trong thời gian qua còn có một nguyên nhân không nhỏ đó là tâm lý e dè của người dân. Trong lúc cả nước phải thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát, nhiều người dân cũng không còn hứng thú với đất đai, nhà cửa. Thêm vào đó, trong lúc nhiều mặt hàng giảm do phải cạnh tranh trong thời buổi khó khăn, thì BĐS Thanh Hóa vẫn giữ giá. Cộng với việc lãi suất ngân hàng cao đã làm thêm một gánh nặng cho thị trường này.
Sang năm 2013 thị trường BĐS có khá hơn khi Ngân hàng Nhà nước đã không còn hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất (BĐS, chứng khoán, tiêu dùng) như thời gian trước. Cụ thể các tổ chức, cá nhân sẽ được vay vốn để đầu tư, kinh doanh, mua bán BĐS với lãi suất không quá 15% năm. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) xuống thấp. Đây được cho là thông tin tích cực nhất mà thị trường BĐS có được để phục hồi. Thêm vào đó 2 kênh đầu tư khác là thị trường vàng và chứng khoán cũng không có khả năng thu hút nhà đầu tư.
Thế nhưng trên thực tế thì sau gần 3 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách nới rộng nguồn tiền cung, thị trường BĐS Thanh Hóa vẫn dẫm chân tại chỗ. Nhiều người cho rằng thị trường này đang “chạy đà” để bứt phá trong quãng thời gian tiếp theo.
Cũng trong năm 2013 Để góp phần phục hồi thị trường BĐS trên địa bàn T.P Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3409 thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thanh Hóa. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động thì trung tâm này lại “vướng” vào quy chế, nên chuyện lại chưa được như nhiều người mong đợi.
Sang năm 2014 một tín hiệu vui cho thị trường BĐS Thanh Hóa khi có hàng loạt dự án BĐS lớn lần lượt được triển khai như: Dự án Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn của tập đoàn Magnum (Dubai). Đây là cơ hội rất lớn thị trường bất động sản sầm sơn phát triển; Dự án khu nhà ở hỗn hợp FLC Thanh Hóa tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa; Dự án khu dân cư đô thị Phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa,....
Cùng với việc tỉnh bố trí nguồn vốn để GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng, các ngân hàng hạ lãi suất sẵn sàng cho vay với các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, mua sử dụng BĐS. Hi vọng đây là những dấu hiệu tốt để Thanh Hóa có thể "phá băng" thị trường BĐS tỉnh nhà trong tương lai không xa.
PĐ