Thanh hóa quê tôi (P2)

Thanh hóa đc các bạn trong và ngoài nước đều được biết đến là nói có nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng và gắn liền với các anh hùng lịch sử và tiếp theo tôi muốn tất cả các bạn sẽ theo chân tôi tiếp tục đến với những danh lam nổi tiểng của Thanh hóa phần 2 

Cầu hàm rồng lịch sử
                                                               Cầu hàm rồng lịch sử




Ai đã từng đi qua cố đô Hoa lư một thời dựng nước và giữ nước- nơi núi non hùng vĩ; qua dốc Xây đến địa phận tỉnh Thanh sẽ gặp Công ty ximăng Bỉm Sơn- công trình hữu nghị Việt Xô với ống khói cao vút, lò nung trái tim nhà máy đang ngày đêm thổn thức trong tiến trình CNH, HĐH quê hương, đất nước; rồi qua nông trường Hà Trung ngắm nhìn đồng lúa, đồi dứa bạt ngàn, đang hứa hẹn những mùa bội thu.
    
Đi về phía Đông gặp vùng biển Nga Sơn một vùng đay, cói xuất khẩu nhắc ta nhớ lại câu ca: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng”. Đây còn là nơi có sự tích Mai An Tiêm và quả dưa đỏ, có chiến khu du kích Ba Đình; có động Từ Thức, cửa biển Thần phù, đồng cói Nga Tân đang ngày đêm lấn biển vươn lên. Cảnh làng quê với nhiều nhà thờ thiên chúa giáo, chiều về tiếng chuông vọng ngân nga như giữ mãi bản sắc vùng biển quê hương nơi đầu sóng.
Chiếu cói nga sơn
                                                               Chiếu cói nga sơn


Đi tiếp dọc biển về phía nam đến Hậu Lộc nhớ câu thơ Tố Hữu:
 “Con đã về đây ơi mẹ Tơm,
Hỡi người mẹ khổ đã giành cơm
Cho con cho Đảng ngày xưa ấy,
Không sợ tù gông, chấp súng gươm....”.

Về đây, đến biển Ngư Lộc: chợ trắng cá cơm, tôm, mực, vùng biển tàu thuyền tấp nập ra khơi đánh cá, tôm, câu mực, mà ngắm nhìn đảo Nẹ như một điểm tựa tiền tiêu của vùng biển, của nghề chài lưới. Nơi các chiến sĩ bộ đội biên phòng noi gương đội nữ du kích Hoa Lộc bắn rơi máy bay Mỹ, đang ngày đêm canh giữ hải phận thiêng liêng của quê hương, Tổ quốc.

Đến xứ Trạng anh hùng Hoằng Hoá, nhớ về anh hùng Lê Phụng Hiểu- vũ vệ tướng quân, dẹp loạn giữ ngôi vua nhà Lý; nối tiếp truyền thống vùng quê đi đầu vùng lên khởi nghĩa giành thắng lợi đầu tiên trong Cách mạng tháng 8/1945; 15 anh hùng đất trạng, đội nữ dân quân Hoằng Long bắn rơi máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng; hàng trăm tiến sĩ đã tiếp tục làm rạng danh quê hương văn hiến anh hùng. Đây cũng là nơi có cửa biển Lạch Trường, nhà máy hải sản đông lạnh; có những nơi nghỉ mát trong lành với nhiều đặc sản sông, biển và hoa trái ngọt lành.
         
Lên phía Tây đến Vĩnh lộc, Thạch Thành ta sẽ được tới chiến khu cách mạng thời chống Pháp: Cẩm Bào, Hang Treo- Ngọc Trạo, Quang Trung, sẽ được nghe kể về những người con anh hùng của Xứ Thanh, Nghệ An, Thái Bình, Hà Nam Ninh, đã anh dũng tranh đấu hy sinh từ những ngày cách mạng còn trứng nước. Và sẽ thấy biết ơn họ biết bao nhiêu khi đi qua những đồng mía ngút ngàn, nhà máy đường Việt- Đài mọc lên sừng sững đang ngày đêm đem lại đường mật cho đời. Thị trấn Vĩnh lộc, Thạch Thành xưa kia heo hút nay nhiều nhà tầng, phố xá mọc lên đông vui, rộn rã và Nông trường 26/3 mía ngọt, cam vàng trĩu quả.
        
Từ Thạch Thành đi sang Cẩm Thuỷ ta sẽ gặp Thành nhà Hồ sừng sững mà xưa kia vua Hồ Quý Ly cho xây để ngăn giặc giữ quê hương.

Thành nhà hồ
                                                                   Thành nhà Hồ

Đi tiếp lên Cẩm Thuỷ qua cầu mới xây bắc qua thượng nguồn sông Mã nước chảy cuồn cuộn, nơi hội thuyền bè cùng những bè cá lồng hai bên bờ sông tô điểm thêm cho một vùng sông nước hữu tình. Đến đây ta sẽ được chiêm ngưỡng một vùng đồi núi trập trùng với nhiều bãi sắn, nương dâu, nương ngô và có những danh lam như hang cá thần Cẩm Lương, động Hang Dơi.
         
Từ TX Bỉm sơn đi về phía nam hơn 30 km ta sẽ gặp cầu Hàm rồng, núi Ngọc, đồi Quyết thắng, đồi C4 anh  hùng ta sẽ nghe kể về những huyền thoại Hàm Rồng, núi Ngọc và những ngày tháng chiến đấu anh hùng của quân và dân Hàm Rồng- Nam Ngạn, Thanh Hoá trong những ngày đầu chống Mỹ, chiêm ngưỡng cầu Hoằng Long- nét khởi sắc của thời kỳ công nghiệp hoá- nối đôi bờ sông Mã tự ngàn xưa trong xanh cuộn sóng mà đôi bờ còn dấu tích ghi tạc những chiến công rất đỗi tự hào, như còn vang vọng mãi với điệu hò sông Mã, với tiếng hò hợp sức “Dô khoan”; Tiếp đó ta sẽ gặp Tượng đài TNXP Chiến thắng Hàm Rồng- biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng CM trong lớp TNXP “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” làm nên những bản anh hùng ca bất diệt trên đường tới chiến trường, băng qua lửa đạn, góp phần quan trọng làm nên những kỳ tích vẻ vang của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và còn tiếp tục phát huy cùng TN tình nguỵện san núi bạt đồi, khai hoang, đắp đập, hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến tạo tương lai, tiếp tục mở những con đường vươn tới hôm nay.
        
Qua thành phố Thanh Hoá đang trăn trở vươn lên trong tiến trình CNH, HĐH, ngắm nhà thờ thiên chúa giáo cao vút, vọng tiếng chuông ngân giúp như nối liền phố xá nhà cao tầng nhộn nhịp hôm nay với bản sắc văn hoá tự ngàn xưa của quê hương ngàn năm văn hiến.

Lên Đông Sơn- nơi quê hương núi Đọ, trống đồng tự ngàn xưa; có Rừng Thông còn ghi đấu ấn nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hoá, lên Yên Trường- Yên Định nơi mà hình bóng Bác Hồ về thăm nói chuyện ân cần với cán bộ, đồng bào, thanh thiếu nhi vẫn còn ghi tạc đến hôm nay.

Vào Triệu Sơn- nơi ngàn xưa Bà Triệu Thị Trinh: “Đầu voi ra trận cứu nguy giống nòi”, trên đỉnh núi Nưa có động Am Tiên trên vùng “vàng đen”- Cromite, rồi qua Nông Cống một vùng đồng chiêm gian khổ “đất nghèo nuôi những anh hùng”- quê hương anh hùng thời đại Lê Mã Lương, đã vượt lên nghèo đói, chiến tranh vươn dậy từ khởi nguồn điện khí hoá, xây dựng hệ thống kênh mương, máy bơm chống lụt, nhà văn hoá huyện vươn lên như biểu thị ý chí của một vùng quê nghèo cần cù, hiếu học.

Từ TP Thanh Hoá đi về phía Đông 17 km đến “Thiên đường mùa hạ Sầm   Sơn”. Nơi có biết bao khách sạn cao tầng, nhà hàng cùng những bãi tắm cát trắng, nước trong xanh đã trọn cả thế kỷ nay ấp ôm bao du khách, có núi Trường Lệ ven biển với đồi thông gió hát vi vu như đang kể về huyền thoại chàng Độc Cước xẻ đôi mình đánh quỷ cứu dân chài, nàng Cô Tiên thuỷ chung tìm chồng từ ngày ấy đến hôm nay; mà Hòn Trống mái là biểu tượng tình ái muôn đời bất tử của lứa đôi ngày ấy.
Đi qua núi Trường Lệ đến các làng du lịch Quảng Vinh; Quảng Hải, Quảng Hùng (Quảng Xương) nơi biển đẹp, làng quê có nhiều đặc sản mực, tôm, cua, ghẹ.

Từ thành phố Thanh Hoá đi lên phía Tây 50km đến Khu di tích Lam Kinh nối liền Thọ Xuân- Ngọc Lạc. Nơi ngày xưa vua Lê Thái Tổ dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn, từ:  “Chốn hoang dã nương mình, Nếm mật nằm gai, há chẳng phải một hai sớm tối” đã làm nên chiến thắng oai hùng với bản anh hùng ca “Cáo bình Ngô” bất hủ.

Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa quê tôi
                                                               Khu di tích Lam Kinh 

Ngược đường dốc lên phía Tây về với vùng núi rừng Ngọc Lạc- quê hương của anh hùng “Lê Lai liều mình cứu Chúa”, đến với các nông trường Lam sơn mà ngắm rừng cao su, đồi dứa lên Lang Chánh, Bá Thước ngắm rừng luồng, đồi quế.

Từ TP Thanh Hoá đi vào phía Tây nam đến vườn Quốc gia Bến En lên canô dạo quanh hồ Bến En mà tha hồ ngắm cả một vùng non thiêng nước biếc Như Thanh.

Vào phía nam 40 km tới Tĩnh Gia có khu công nghiệp Nghi Sơn, khu nhà máy mọc lên sừng sững với cầu cảng vươn cánh tay khổng lồ đưa ximăng ra cảng lên tàu đi khắp mọi miền và xuất khẩu.
Tĩnh Gia còn có nơi nghỉ mát Hải Hoà- một vùng biển sạch- xanh, cát phẳng, có đảo Mê anh hùng- tiền đồn của Tổ quốc:

“Anh đi tắm biển Hải Hoà,
Biển khơi sóng nước nhạt nhoà lòng ta,
Ngắm nhìn nước biếc bao la,
Đảo xa Mê....tít thiết tha níu người”.

Không thể nào kể hết vào đây những danh lam thắng cảnh xứ Thanh, nhưng tôi hy vọng những nét chấm phá trên sẽ là khởi nguồn cảm hứng cho biết bao du khách hè này về đây du ngoạn, thưởng thức và tiếp tục đi tìm hiểu về một vùng quê non xanh nước biếc hữu tình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương ngàn năm văn hiến đã và đang vươn lên trong công cuộc đổi mới hôm nay.