Thanh Hóa mảnh đất vua chúa!

Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Vùng Ái Châu, tức Thanh Hóa được xem là nơi phát tích của hầu hết các dòng họ vua, chúa Việt xưa. 
Thanh Hóa mảnh đất vua chúa!

Nếu tính từ khi nước Nam ta có Nhà nước đầu tiên cho đến khi kết thúc triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn, thì điểm lại hầu hết các dòng họ vua, chúa đa phần đều phát tích từ đất Thanh Hóa (Ái Châu) mà ra. Đây được xem là vùng đất có nhiều dòng vua, chúa nhất nước.

Hình thể và con người
Đất Thanh Hóa, trải qua các đời có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa thuộc bộ Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Triệu là quận Cửu Chân… Tên gọi Ái Châu quen thuộc được biết đến vào thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý được đổi làm phủ Thanh Hóa, tên gọi Thanh Hóa từ đó mà được biết đến.

Về hình thể, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển VI, phần Thanh Hóa tỉnh chí cho biết: “Mặt đông trông ra biển lớn, mặt tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn Châu (hoặc Sơn Thù) chăm hiểm ở phía Nam, (tục gọi là Eo Ống), giáp huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, núi Tam Điệp giăng ngang phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở. Thực là một trọng trấn có hình thế tốt”. Lại xét, Ái Châu là vùng đất mà như ngày nay nói là “khu IV đẩy ra, khu III đẩy vào”, tức là nơi giao nhau giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có thể xem như là yết hầu của nước Nam nơi cõi Bắc vậy. Nhờ có địa thế tự nhiên với biển, núi, sông che chở, nên vùng đất này có được cái thế hiểm yếu hiếm có trong quân sự. Chẳng thế mà sau này quân Tây Sơn lại chọn lui về Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội giao nhau giữa Ninh Bình, Thanh Hóa) và Biện Sơn để ngăn bước tiến quân Thanh.

Hình thế đắc địa như một vương quốc riêng như vậy, cũng từ đó mà hình thành nên tính cách, phong tục của người dân nơi đây được An Nam chí lược của Lê Tắc trong phần Phong tục khen là: “Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí”. Còn trong Đại Nam nhất thống chí thì bình rằng: “Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết, nông dân chăm cày cấy, thợ thì có người đẽo đá là sở trường hơn cả, ít người buôn bán”. Chính từ địa lợi, nhân hòa ấy, góp phần cho vùng đất Ái châu trở thành nơi thiên thời cho việc xưng vương, dựng nước.

Cũng vì là đất đế vương, cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhà Trần đã từng phải cho người đục núi, lấp sông ở nơi đây để trấn yểm các huyệt mạch đế vương. Điều này được chứng thực bởi Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng, nguyên văn như sau: “Trần Thái Tông niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Lấp các khe kênh, mở đường ngang lối dọc không kể xiết”. Núi Chiêu Bạc chính là núi Chiếu Sơn thuộc huyện Nga Sơn. Sông Bà thuộc địa giới huyện Đông Sơn, còn sông Lễ chính là sông Mã. Nhưng việc làm ấy cũng chỉ như muối bỏ biển, bởi ngay sau nhà Trần thì nhà Hồ đã phát ra từ xứ Thanh rồi. Thế nên lời của sử thần Ngô Sĩ Liên quả chẳng sai chút nào: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương Đông Nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu”.

Liên tiếp các triều đại vua, chúa phát tích từ đất Ái Châu mà ra, nên trong dân gian đời xưa có câu ngạn ngữ truyền đời: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”, ý nói Thanh Hóa là nơi phát tích của các triều đại đế vương. Còn xứ Nghệ An là nơi có các tôi thần giỏi giang giúp vua trị nước. Theo thống kê của tác giả, kể từ khi nước ta có vua thời Văn Lang cho đến khi kết thúc chế độ phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn vào năm 1945 với vua Bảo Đại, thì Thanh Hóa chính là nơi khởi nguồn của nhiều dòng vua, chúa nhất nước. Vậy nên, nói Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt từ ngàn xưa đến nay quả chẳng ngoa chút nào.

Đất của vua
Năm Mậu Thìn (248), Lệ Hải bà vương Triệu Thị Trinh đánh quân Ngô tại núi Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa làm quân giặc khiếp đảm tôn phục với câu cửa miệng “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ. Đối mặt vua bà khó). Dù chưa lập triều nghi, nhưng ngay quân Ngô đã tôn xưng người con gái của chiến tuyến bên kia làm vua rồi.

Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ quê làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết Độ sứ, nhưng thực ra đã là một “vua không ngai” khi tiếp nối được nền độc lập, tự chủ do dòng họ Khúc dựng nên từ năm Ất Sửu (905).

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo mời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để thống nhất lòng dân chống quân xâm lược Tống, từ đó mở ra nhà Tiền Lê (980 - 1009). Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành vốn quê xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhà Tiền Lê trải ba đời gồm Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngọa Triều (1005 - 1009).

520 năm sau, cũng năm Canh Thìn (1400), ngoại thích Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu, kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Tổ tiên ông vốn ở Chiết Giang, Trung Quốc, sau di cư sang sống ở Diễn Châu, Nghệ An rồi chuyển ra hương Đại Lại, Thanh Hóa lập nghiệp. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua trong 7 năm (1400 - 1407).

Thời gian 1428 – 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê gồm giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Người sáng nghiệp nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (1416 - 1428). Ông quê ở xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giai đoạn Lê sơ trải qua 10 vị vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, được xem là thời thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt với đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Giai đoạn Lê Trung hưng đánh dấu sự phục hồi của nhà Lê sau khi bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi với vị vua đầu tiên Lê Trang Tông (1533 - 1548), và kết thúc với vua thứ 16 Lê Chiêu Thống (1786 - 1789).

Triều đại cuối cùng của Việt Nam là nhà Nguyễn (1802 - 1945) do Nguyễn Ánh Gia Long hưng khởi, tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn (xã Hà Long, huyện Hà Trung nay), đất Thanh Hóa. Nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).

“Nhà” của chúa
Trong lịch sử nước Nam ta, ghi nhận chính thức có hai dòng chúa là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Cả hai dòng chúa đều phát tích từ xứ Thanh.

Chúa Trịnh thời vua Lê – chúa Trịnh thế kỷ XVI  - XVIII do Trịnh Kiểm lập nên. Ông vốn xuất thân nghèo nàn từ làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tuy tiếng là phò giúp nhà Lê, nhưng quyền lực thực tế của các chúa Trịnh lại át cả vua Lê, có cung vua thì có phủ chúa. Vua Lê có Lục Bộ thì chúa Trịnh có Lục phiên. Vua Lê dạo Trung hưng chỉ có hư vị mà thôi. Thế nên dân gian mới có câu: “Phi đế phi bá, quyền nghiêng thiên hạ” để chỉ thế lực của chúa Trịnh. Dòng dõi chúa Trịnh bắt đầu từ chúa Trịnh Kiểm (1545 - 1570) cho đến thời chúa Trịnh Bồng (1786 - 1787) bị Bắc Bình vương Nguyễn Huệ dẹp thì dứt hẳn.

Chín đời chúa Nguyễn được lập nên sau thời chúa Trịnh. Vào năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên “Hoành Sơn nhất đại, khả dĩ dung thân” đã vào trấn trị đất Thuận Hóa. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là con trai thứ của An Thành hầu Nguyễn Kim người Gia Miêu ngoại trang được nói tới ở trên. Dòng dõi chúa Nguyễn trải qua 9 đời từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) cho tới Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), có công lập nên và khai phá đất Đàng Trong, mở rộng dần về phía Nam đất nước cho tới tận Mũi Đất, Cà Mau.

Không chỉ là nơi phát vua, phát chúa, Ái Châu – Thanh Hóa còn nhiều lần đóng vai trò trung tâm của đất nước khi từng giữ vị trí là đất Thần Kinh. Cụ thể là Tây Đô thời Hồ với thành An Tôn, hay Tây Giai (1400 - 1407).

Khi vua Lê Trang Tông phục quốc bên Ai Lao năm Quý Tỵ (1533), đến năm Quý Mão (1543) cũng chọn xứ Thanh để đóng làm nơi phát binh Bắc tiến đánh Thăng Long diệt Mạc. Năm Bính Ngọ (1546) thì lập điện để ở tại sách Vạn Lại, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa tạo nên Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc ở Thăng Long.
Ngày nay, Thanh Hóa là một trong 63 tỉnh, thành phố của đất nước, được xếp theo vị trí địa lý là tỉnh mở đầu vùng Bắc Trung Bộ.