Thanh Hóa - Điểm hẹn của tháng 4

Bên cạnh nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc, Thanh Hóa còn tổ chức đường hoa Lê Lợi và triển lãm ảnh nghệ thuật trong tuần khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015.


Tháng 4 là thời điểm Thanh Hóa tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch trong khuôn khổ Tuần Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015. Mở đầu là sự kiện đường hoa Lê Lợi diễn ra các ngày 1-8/4. Đoạn đại lộ từ khu vực Tượng đài đến điểm giao với đường Hạc Thành sẽ là nơi trang trí cây và hoa tạo dựng hình ảnh tiêu biểu các di sản vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Du khách ngoài thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm, còn có thể tham gia các hoạt động hấp dẫn khác tại đây như trà đạo, chợ hoa, chợ quê, trưng bày đá quý... Cùng thời gian đó, hàng trăm bức ảnh với chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt" và "Non nước Ninh Bình” cũng được triển lãm tại sảnh Thư viện tỉnh.

Những du khách đam mê các làn điệu dân ca, dân vũ có thể tham gia Liên hoan "Câu hò nối những dòng sông Bắc miền Trung mở rộng" để được thưởng thức các điệu hò sông Mã, sông Lam, sông La, sông Hiếu, sông Hương.... Liên hoan được tổ chức các ngày 4-6/4 tại nhà hát Lam Sơn.

Ngoài ra, một số lễ hội đặc sắc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng sẽ diễn ra trong dịp này như Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, Lễ hội đền thờ Mai An Tiêm, Lễ hội đền thờ Bà Triệu.

Các hoạt động khác:

- Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa, ngày 3/4, tại Quảng trường Lam Sơn. (Bắn pháo hoa)

- Lễ Cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ và Giáo sinh Trường Y, ngày 2/4, tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng và Bia tưởng niệm các Giáo sinh trường Y.

- Lễ Kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh

- Trưng bày tranh cổ động tấm lớn chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3 - 3/5, tại Quảng trường Lam Sơn.

- Lễ Công bố tour du lịch "Ngược xuôi sông Mã", ngày 4/4, tại Bến thuyền Hàm Rồng.

- Lễ hội, Lễ đón bằng công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và kiến trúc Khu di tích Bà Triệu, ngày 8 -11/4, tại Đền thờ Bà Triệu, huyện Hậu Lộc.

- Hội chợ Công nghiệp - Thương mại 2015, ngày 10 - 16/4, tại Quảng trường Lam Sơn.


Theo VnExpess

Đến với xứ Thanh, những điều du khách không nên bỏ lỡ

Càng đi sâu khám phá con người và vùng đất xứ Thanh, du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ của một “Việt Nam thu nhỏ” - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống vẫn bền bỉ chảy.


Là một trong những người có thâm niên gắn bó với hoạt động du lịch tỉnh nhà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa Lê Văn Luyện cho rằng: “Không ít du khách đã bỏ lỡ quá nhiều thứ khi đến với Thanh Hóa. Một phần do sự thiếu chuyên nghiệp của du khách, phần khác do đội ngũ nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên trên địa bàn còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách. Bởi nếu chỉ tham quan mà không tìm hiểu, nghiên cứu về điểm đến thì biển nơi nào cũng giống nhau, đền, chùa nơi nào cũng có tượng”…

Để chuyến đi thật sự ý nghĩa và thêm phần thú vị, sau đây là một vài gợi ý cho hành trình của bạn.

Nếu bạn là người yêu thích du lịch biển, chắc hẳn Sầm Sơn là điểm dừng chân đầu tiên và đừng quên chọn cho mình một hướng dẫn viên đồng hành để hiểu thêm về những vẻ đẹp huyền thoại từ cụm di tích văn hóa độc đáo của thị xã biển này với rất nhiều câu chuyện truyền thuyết nối quá khứ và hiện tại.

Hãy theo bước chân của hướng dẫn viên đến thăm núi Trường Lệ, nằm ven biển Sầm Sơn. Cái tên của dãy núi này mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà có thể bạn chưa biết đó là “giọt nước mắt dài”. Dãy núi khi uốn lượn như làn sóng, hòn cao, hòn thấp, nhấp nhô giống như một người phụ nữ với những nét cong mềm mại nằm ngửa mặt lên vòm trời cao xanh lộng gió.

Dãy núi Trường Lệ chứa đựng trong mình cả một quần thể di tích, danh thắng nổi tiếng, độc đáo như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái, hòn Cổ Giải… Mỗi ngọn núi, mỗi điểm đến lại kể cho chúng ta nghe về một di tích, một huyền thoại hay ít nhất với một dáng hình cũng sẽ gợi mở, đem đến cho du khách trí tưởng tượng bay bổng.

Đặc biệt, du khách không nên bỏ qua những món ăn được chế biến từ các loại hải sản tươi ngon tại đây. Nếu bạn “hiểu” Sầm Sơn, Sầm Sơn sẽ mang đến cho bạn một kỳ nghỉ lãng mạn, thoải mái, đậm dư vị biển của xứ Thanh.

Ngoài ra, hãy tìm hiểu thêm về các dự án lớn đang được triển khai tại đây, đặc biệt là dự án Sam Son Golf Link. Bạn sẽ tưởng tượng được trong tương lai Sầm Sơn phát triển ra sao.

Xứ Thanh với lợi thế nổi bật về vốn lịch sử - văn hóa, vì vậy loại hình du lịch này là một trong những loại hình được đông đảo du khách lựa chọn khi dừng chân tại mảnh đất này.

Và với loại hình du lịch chuyên đề này, điểm đến hấp dẫn dành cho du khách đó là Khu du lịch Văn hóa Hàm Rồng, đền Bà Triệu, khu di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh và Thành Nhà Hồ. Những điểm đến này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, còn đặc biệt bởi sự “độc nhất” của từng di tích. Để chuyến đi thực sự ý nghĩa, du khách hãy một lần tự khám phá, tìm hiểu những điều đặc biệt đó.

Để hiểu thêm về chiếc “nôi vàng” của lịch sử, hãy cùng hướng dẫn viên đến với một số điểm khác như Núi Đọ, làng cổ Đông Sơn… và tìm hiểu sâu hơn về trống đồng Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn.

Tiếp đến là loại hình du lịch sinh thái. Đây là loại hình đang được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây.

Với các điểm đến như vườn quốc gia Bến En, khu BTTN Xuân Liên, Pù Luông, Pù Hu, hồ Cửa Đạt… là sự lựa chọn của bạn, thì chắc chắn xứ Thanh sẽ không làm bạn thất vọng với nhiều hoạt động như câu cá, bắt cua đá, dựng lều ngủ qua đêm trong những cánh rừng, trên các đảo, du ngoạn trên khắp lòng hồ bằng thuyền hoặc xuồng máy, tham quan, khám phá hang động… Và gợi ý nhỏ dành cho du khách khi đến khám phá vườn quốc gia Bến En đó là không nên bỏ qua món cá mè sông Mực. Bởi cá mè nơi đây có vị hấp dẫn riêng, béo, thịt thơm ngậy được chế biến thành nhiều món ăn. Đặc biệt, người dân nơi đây đã chế biến ra món cá mè luộc ăn kèm các loại rau ghém, sung, chuối, khế, giá… và được chấm với nước mắm cốt xứ Thanh.

Sau một vòng tham quan, thì du lịch ở khu vực trung tâm sẽ khiến du khách cảm thấy thoải mái, thư giãn. Hãy hòa mình với không khí tưng bừng chào đón Năm Du lịch quốc gia 2015 của người dân Thanh Hóa trên các công trình trọng điểm như: Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Thư viện tỉnh, đền thờ mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng, liệt sỹ.

Và để thưởng thức những món đặc sản xứ Thanh, nhà hàng Dạ Lan (T.P Thanh Hóa) là gợi ý dành cho du khách. Tại đây du khách có thể mua một số món ăn đặc sản của xứ Thanh về làm quà.

Hãy sắm thêm vào giỏ quà của mình món nem chua tại quán Cây Đa, mua hải sản tại chợ Điện Biên, tham quan và mua sắm tại chợ Tây Thành (T.P Thanh Hóa)…

Trên đây là một vài gợi ý cho du khách. Để không bỏ qua những điều thú vị khi đến với Thanh Hóa, lời khuyên dành cho du khách đó là nên chọn cho mình một hướng dẫn viên giỏi và một công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp.


Theo VH&ĐS

Lễ hội Trò Chiềng Yên Ninh

Cứ vào 12 tháng Giêng người dân và du khách lại về xã Yên Ninh (Yên Định) để hoà mình vào Lễ hội Trò Chiềng.


Trò Chiềng có từ thời Lý, là trò diễn mô phỏng các trận đánh của đội tượng binh bằng tre nứa do Tam công Trịnh Quốc Bảo chế tạo đã đánh tan đội tượng binh thật của đội quân Chiêm Thành.

Trò Chiềng bắt đầu từ trò voi trận - chọi voi và được nâng dần lên thành lễ hội với hệ thống tương đối hoàn chỉnh gồm 12 trò diễn, trong đó có 4 phần rước, gồm rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và rước phụng hoàn.

Ban đầu lễ hội được dành để biểu diễn cho vua Lý và các đại thần trong dịp lễ hội đầu xuân, về sau Trịnh Quốc Bảo đã tổ chức cho con cháu ở quê nhà Trịnh Xá diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời tiếp thu thêm các trò diễn từ đất Thăng Long về truyền lại cho dân làng. Từ đó lễ hội được tổ chức hàng năm trong ngày hội làng với nhiều trò diễn phong phú và sinh động.

Lễ hội năm nay mở đầu với phần rước voi từ đình làng Trịnh Xá đưa về sân vận động của xã để báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và những ước nguỵên của năm mới. Tiết mục đặc sắc và độc đáo nhất của lễ hội là trò chọi voi.

Phần hội được tổ chức sôi nổi với các phần thi làm bánh nhãn, bánh răng bừa. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tới dâng hương, hoà mình vào các trò chơi, trò diễn cũng như thưởng thức đặc sản của quê hương.

Khai hội Đình Cơm Thi, làng Thanh Đớn, xã Hà Thanh, Hà Trung

Hòa chung không khí vui tươi phấn khởi của năm mới Ất Mùi và lễ hội mùa xuân, hưởng ứng năm Du lịch quốc gia 2015, - Thanh Hóa sáng ngày 2-3 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Mùi), tại làng Thanh Đớn, UBND xã Hà Thanh (huyện Hà Trung) đã tưng bừng khai hội Đình Cơm Thi năm 2015.


Lễ hội Đình Cơm Thi năm nay đươc tổ chức đã thu hút hàng ngàn người dân trong huyện Hà Trung và cùng con em xa quê của xã Hà Thanh và đông đảo du khách thập phương. Đình Cơm thi ở Thanh Đớn gắn liền với việc tri ân danh tướng Phan Tây Nhạc, người con của đất Tống Sơn có công chống giặc ngoại xâm, dạy cho dân chăm lo việc nông tang từ thủa vua Hùng. Về sau, Đình Cơm thi làng Thanh Đớn rước Tô Hiến Thành – viên quan văn võ toàn tài thời Lý, cai quản miền đất Thanh Hoá vào đình phối thờ. Tri ân công đức của Phan Tây Nhạc Ðại Vương và các vị tiền nhân có công với dân với nước, đặc biệt là Tô Hiến Thành, đến hẹn lại về vào dịp mùa xuân nhân dân xã Hà Thanh đã tổ chức nấu cơm thi, sau đó dần dần trở thành lễ hội đặc sắc của địa phương vào các ngày từ mùng 8 đến mùng 10 tháng giêng (xưa kia) và từ mùng 10 đến 12 tháng giêng (ngày nay).

Lễ hội bắt đầu bằng phần lễ rước kiệu, múa lân từ Nghè Ngoài về Đình Cơm Thi với sự tham gia của đông đảo nhân dân trên địa bàn, các bản hội trong xã dâng cỗ cúng và cùng rước kiệu về đình làng để báo cáo những kết quả làm ăn trong năm qua và ước vọng trong năm mới. Sau đó là cử hành lễ chính với các phần Tế Tam Sanh, múa mộc, múa trống cơm. Sau phần lễ, là phần nấu cơm thi của các bản hội, do các đôi nam nữ đảm nhiệm từ khâu giã gạo, sàng gạo, vo gạo và kéo lửa nấu cơm. Đôi nam nữ nào nấu cơm trong thời gian nhanh nhất, ngon nhất giành giải nhất của lễ hội.

Trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức, đêm giao lưu văn nghệ, tổ chức thi đấu thể thao như bóng chuyền, kéo co, chạy thẻ, cờ tướng, đấu vật, các trò chơi dân gian như chơi đu, chọi gà… thu hút sự tham gia sôi nổi của nhân dân và du khách.


Tin, ảnh: Mạnh Cường