Tỉnh Thanh Hóa có Chủ tịch mới

Sáng nay, ông Nguyễn Đình Xứng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thay ông Trịnh Văn Chiến.


Tại kỳ họp thứ 12 khai mạc sáng 30/12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 16 đã bầu ông Nguyễn Đình Xứng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Xứng đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu chính quyền tỉnh Thanh Hóa thay ông Trịnh Văn Chiến, người vừa được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đình Xứng sinh năm 1962, nguyên quán xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có trình độ ĐH Kinh tế quốc dân, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp.

Trước khi trở thành Chủ tịch UBND tỉnh, ông Xứng từng kinh qua nhiều chức vụ chủ chốt như Chánh văn phòng UBND huyện Triệu Sơn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó ngày 26/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã bầu ông Nguyễn Đình Xứng giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010-2015.

Phát biểu nhậm chức, ông Xứng cam kết nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao phó.

PV

CLB Thanh Hóa: Mãnh hổ khoe nanh vuốt

Thanh Hóa từng là kẻ ngáng đường khó chịu của những đội đua tới ngôi vô địch, từng tạo nên những trận đấu ấn tượng tại V-League 2014! Sang mùa giải mới, với sự chuẩn bị kỹ càng, đội bóng xứ Thanh hứa hẹn sẽ còn khiến các đối thủ phải ngạc nhiên về sức mạnh của mình.


“THAY MÁU”, TĂNG LỰC
Trong 2 mùa giải gần đây, tiền vệ Nastja Ceh là thủ lĩnh, trái tim của Thanh Hóa. Cầu thủ từng thi đấu tại World Cup 2002 có sự khác biệt với những ngoại binh khác đang chơi bóng tại V-League. Sở hữu cái chân trái ma thuật với những cú dứt điểm hóc hiểm và các đường chuyền sắc sảo, Ceh là trung tâm trong các pha tấn công của Thanh Hóa. Tuy nhiên, do thể lực ngày càng xuống, tiền vệ người Slovenia này đã không được đội bóng xứ Thanh gia hạn hợp đồng. Chia tay Ceh, Thanh Hóa có ngay phương án thay thế. Đó là tiền vệ Sỹ Cường, người được chiêu mộ về từ HN.T&T. Về Thanh Hóa, Sỹ Cường sẽ tái ngộ người đồng đội cũ Duy Nam. Ở HN.T&T trước đây, bộ đôi này đã tạo nên sức mạnh khủng khiếp ở tuyến giữa của đội bóng Thủ đô. Và trong hai chức vô địch của HN.T&T gần đây đều in đậm dấu ấn của Duy Nam – Sỹ Cường. 

Bây giờ, hai viên ngọc quý của HN.T&T đã cùng về Thanh Hóa và đây chính là trái tim của đội bóng xứ Thanh. Bên cạnh đó, những sự tăng cường như Đình Tùng, Văn Thanh, Quý Sửu, Xuân Anh và đặc biệt là tuyển thủ Xuân Hưng của U19 Việt Nam sẽ giúp Thanh Hóa an tâm hơn cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Như vậy, dù chia tay Ceh, Xuân Thành, Xuân Luân… nhưng Thanh Hóa đã ngay lập tức có những sự bổ sung giá trị để tăng sức mạnh cho chính mình!


LẤY THÀNH CÔNG CỦA V-LEAGUE 2014 LÀM ĐỘNG LỰC!
Năm ngoái, lần đầu tiên giành vị trí thứ 3 tại V-League, Thanh Hóa đã tạo nên cột mốc lịch sử cho mình. Họ đã thực sự thay đổi và không còn là ứng viên rớt hạng nữa, thậm chí còn nhanh chóng trở thành đội bóng mạnh, nuôi tham vọng lớn. Tham vọng đưa đội nhà lên tầm cao mới đã được thể hiện rõ nét qua việc đội bóng vừa đưa về thử việc Omar, chân sút từng ghi được 12 bàn tại V-League 2011, để làm… của để dành. Trước đó, Thanh Hóa đã ký hợp đồng với cựu Vua phá lưới Timothy nhưng trong trường hợp Omar (người đã bị FIFA cấm thi đấu trên toàn cầu vì có liên quan đến dàn xếp tỷ số) được giảm án phạt, đủ điều kiện thi đấu thì rất có thể Timothy sẽ phải nhường chỗ cho chân sút người Senegal này. 

Vừa có nhiều sự tăng cường giá trị lại có nguồn lực tài chính mạnh và đặc biệt là sức mạnh từ khán giả mỗi khi thi đấu trên các SVĐ, Thanh Hóa đang hội tụ rất nhiều yếu tố để trở thành đội bóng mạnh. “Chúng tôi xác định chơi đến tận cùng để tiến tới vị trí cao nhất chứ không đặt cột mốc cụ thể vì như vậy sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Thanh Hóa sẽ chơi hết sức để không phụ lòng tin, tình yêu của NHM”, Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của CLB Thanh Hóa khẳng định.

Không lo  bài toán “đầu tiên”
Ở V-League, Thanh Hóa là đội giải ngân tiền lót tay khi ký hợp đồng với cầu thủ nhanh nhất. Bên cạnh đó, cứ 1 ngày sau khi giành chiến thắng, tiền thưởng ngay lập tức được chuyển về tài khoản của từng thành viên trong đội. Việc tiền bạc được giải quyết nhanh chóng đã tạo nên sự hưng phấn lớn đối với cầu thủ và điều đương nhiên, khi ra sân họ luôn thi đấu rất máu lửa.

HLV Vũ Quang Bảo 
“Ẩn số” trên ghế thuyền trưởng
Mới nhận chức HLV trưởng Thanh Hóa trước thềm V-League 2015 nên khả năng thành công của HLV Vũ Quang Bảo ở đội bóng xứ Thanh vẫn đang còn là một ẩn số đối với giới chuyên môn và NHM. Nhìn vào những hợp đồng chuyển nhượng mà Thanh Hóa thực hiện kể từ khi HLV Vũ Quang Bảo được bổ nhiệm thì cũng có thể dự đoán rằng, lối chơi của Thanh Hóa ở V-League 2015 sẽ có rất nhiều thay đổi so với những mùa giải gần đây. Vì thế, HLV Vũ Quang Bảo và dấu ấn của ông tại Thanh Hóa là một trong những nét mới đang được chờ đợi tại V-League 2015.

NGÔI SAO
Danny van Bakel: Lá chắn thép của Thanh Hóa 


Là ngoại binh duy nhất được Thanh Hóa giữ lại sau khi mùa giải 2014 kết thúc, Danny van Bakel cho thấy anh nhận được tín nhiệm từ ban lãnh đạo CLB xứ Thanh lớn thế nào. Với tác phong sinh hoạt chuyên nghiệp, cộng thêm lối chơi thông minh và khả năng chỉ huy hàng thủ rất tốt, Danny Van Bakel sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng bậc nhất trong đội hình Thanh Hóa ở V-League 2015 cho dù đội bóng xứ Thanh đã đưa về thêm khá nhiều tân binh tên tuổi.

THANH HÓA
Năm thành lập: 1954
Sân nhà: Thanh Hóa (14.000 chỗ)
Số mùa tham dự V-League: 8
Thành tích tốt nhất: Hạng 3 V-League 2014
Thành tích năm 2014: Thứ 3 tại V-League
Dự đoán thứ hạng mùa này: 4

DANH SÁCH CHUYỂN NHƯỢNG
Cầu thủ đến: Quý Sửu, Timothy (từ HA.GL), Sỹ Cường (HN.T&T), Đình Tùng, Văn Phong (Hải Phòng).
Cầu thủ đi: Xuân Thành, Xuân Luân (đến B.BD).


DANH SÁCH CẦU THỦ
Thủ môn: Tô Vĩnh Lợi, Khổng Thanh Tú
Hậu vệ: Trương Huỳnh Phú, Lục Xuân Hưng, Danny Van Bakel, Đào Văn Phong, Trần Tấn Đạt, Lê Văn Sáu, Lê Xuân Anh, Lê Đức Tuấn
Tiền vệ: Lê Văn Tân, Cao Sỹ Cường, Võ Duy Nam, Nguyễn Thế Dương, Nguyễn Hữu Dũng, Lê Quốc Phương, Nguyễn Quý Sửu
Tiền đạo: Timothy Anjembe, Hoàng Đình Tùng, Lê Thanh Bình

Nguồn: Bóng Đá+

Cảm động với bình nước uống miễn phí

Nhiều tháng nay người dân trên địa bàn phường Đông Sơn đã quá quen thuộc với bình nước uống miễn phí tại địa chỉ số 135 đường Lê Lai, phường Đông Sơn, T.P Thanh Hoá.


 Ngày nắng cũng như mưa, bình nước uống miễn phí đã giúp ích cho rất nhiều người khi đi qua cung đường này. Với một bình 20 lít, 2 cốc nhựa đặt trên bàn ghi dòng chữ “Nước uống miễn phí”, tất cả những ai đi qua có nhu cầu đều có thể vào uống.

Công việc ý nghĩa này xuất phát từ chữ tâm của bà Cao Thị Khiếu - người dân phường Đông Sơn.

Nước trong bình miễn phí được lấy từ nước máy đun sôi để nguội và được đổ vào bình, hết đến đâu đổ đến đó. Ngoài công việc trên, bà Khiếu còn vận động nhân dân trong phố quyên góp quần áo ủng hộ người nghèo ở miền núi, trẻ em ở làng SOS, Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 2 Thanh Hóa.

Dẻo thơm sợi bún làng nghề

Thôn Ngoại 1 xã Nga Giáp (Nga Sơn) từ xưa nổi tiếng với nghề làm bún. Những sợi bún dẻo, thơm, trắng tinh đã có mặt khắp các nẻo đường, làm nên thương hiệu bún có tiếng vùng đất này.


Từ sợi bún của làng nghề đã góp phần làm nên một thú ẩm thực dân dã được
nhiều người ưa thích. (Ảnh chỉ có tính minh họa, từ Internet).

Không biết nghề làm bún ở đây có tự bao giờ, người làm nghề chỉ biết rằng, từ khi sinh ra thì nghề đã có và cứ nối tiếp nhau, cha truyền con nối, làng nghề bún truyền thống ở đây vẫn tiếp tục phát triển. Không chỉ làm bún, người dân còn làm thêm nghề bánh đúc, đậu phụ, nức tiếng gần xa.

Cụ Mai Thị Luyện (75 tuổi) ở làng Thạch Tuyền (xã Nga Thạch) cho biết: Nghề làm bún Nga Giáp từ lâu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện. Cứ nói đến bún là người ta lại nghĩ ngay đến bún Nga Giáp, bởi không đâu trong huyện biết làm bún dẻo mà ngon như thế.

Làm bún theo phương thức truyền thống khá cầu kỳ, qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian nên nói làm bún cũng là một nghệ thuật quả không ngoa. Sinh ra trong một gia đình đã 3 đời làm nghề bún, ông Mai Văn Tiếp tâm sự: Làm cái nghề này cũng không đơn giản, phải thật sự tâm huyết, trăn trở với nghề, chú ý  từ việc chọn gạo, xát trắng, ngâm bở gạo, xay bột nước, ủ chua, ép thành quả bột, luộc quả bột, giã quả bột, “ra quả” tức là nhào nhuyễn bột, “lượt” bột sao cho nhuyễn, tơi, lọc hết hạt sạn và cuối cùng là công đoạn ép tạo sợi. Để sợi bún trắng, thơm ngon đúng với thương hiệu gia truyền thì khâu chọn gạo quyết định 90% chất lượng bún. Gạo làm bún bây giờ thường là giống Khang Dân, Q5, hạt gạo trắng, đều. Trung bình cứ 20 bò gạo thì làm ra được 6 cân bún. Tùy mục đích sử dụng mà người thợ sẽ khéo léo chụm bún nhỏ vừa lá bún để ăn bún chả, hay chụm quả bún to vừa bát để ăn bún nước, bún riêu cua… Trước khi giao cho khách, để bớt nóng, bún được đặt gọn gàng trên những kệ, người làm bún dùng tay khéo léo đảo lá bún để sợi bún không bị dính vào nhau, tơi và nhanh khô hơn.

Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Chị Đặng Thị Định – thôn Ngoại 1 là một trong những người tiên phong theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2011, chị đã mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng mua máy làm bún liên hoàn từ Nam Định. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu, vừa giảm được 60 đến 70% sức lao động và thời gian làm việc do người thợ giờ đây chỉ cần ủ chua bột đảm bảo, cho vào máy là có sản phẩm nên năng suất tăng lên từ 3 đến 4 lần. Trong làng đã có nhiều hộ theo gia đình chị áp dụng KHKT vào sản xuất, nhờ đó, năng suất không ngừng được nâng lên.

Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu ăn uống của người dân ngày càng đa dạng nên nhiều hộ đã làm thêm cả bánh cuốn, bánh nếp, bánh rán, bánh răng bừa… bán cùng với bún. Ngoài ra, một vài hộ còn làm bún kết hợp với bán bún riêu cua, bún nước buổi sáng, nâng cao thu nhập. Gia đình anh Mai Văn Bình - thôn Ngoại 1 đã đầu tư dây chuyền làm bánh cuốn liên hoàn. Cũng những nguyên liệu làm bún nhưng với công nghệ hiện đại, giờ đây gia đình anh có thể làm nên những chiếc bánh cuốn dẻo thơm, đến khắp các gia đình tại huyện Nga Sơn. Anh cho biết: Mỗi ngày gia đình tôi tiêu thụ được 50 kg bánh, ngày mùa có khi làm được 1 tạ bánh. Đầu tư dây chuyền này chỉ mất hơn 6 triệu đồng nhưng mỗi năm trừ chi phí đi, tôi lãi được gần 20 triệu đồng.

Được biết, thôn Ngoại 1 có hơn 160 hộ thì có đến 60 hộ làm nghề bún, trong đó có hơn 20 hộ vẫn làm bún theo phương pháp truyền thống, gần 10 hộ làm xưởng lớn, 2 hộ có dây chuyền liên hoàn và hàng chục hộ thường lấy bún đi bán ở khắp các chợ quê, chợ thị trấn trong huyện. Có ngày, thôn tiêu thụ được hàng tấn bún. Những hộ có cơ sở sản xuất bún lớn mỗi ngày tiêu thụ tới 3 tạ.

Được biết, nghề làm bún ở đây đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trong đó, lao động chính có 200 người, mỗi ngày thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/người, lao động phụ thu nhập từ 50 đến 70 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, còn có hàng trăm lao động tham gia vào khâu tiêu thụ sản phẩm.

Đến thôn Ngoại 1 hôm nay, diện mạo làng quê đang thay đổi từng ngày nhờ nghề làm bún truyền thống. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, đời sống người dân nâng lên. Chủ tịch UBND xã Nga Giáp Mai Hữu Thận cho biết: “Nhờ có nghề làm bún mà đời sống người dân ở thôn Ngoại 1 trở nên khấm khá nhất trong xã. Nghề này đã góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập của xã trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM”.

Nguồn: VH&ĐS

Thanh Hóa giành vị trí thứ 4 toàn đoàn Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII

Ngày 15/12/2014 các môn thi trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII đã khép lại. Đoàn Thanh Hóa đã xuất sắc cán đích ở vị trí thứ 4 toàn đoàn với 46 HCV, 30 HCBV, 29 HCĐ.


Trong ngày thi đấu cuối cùng của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, các võ sy môn boxing đã đem về thêm 2 HCV, 2 HCĐ. Các VĐV Lê Thị Hiền, Đinh Thị Phương Thanh đã vượt qua các đối thủ của đoàn Quân đội và Thái Nguyên cùng với tỷ số 3-0 trong trận chung kết các hạng cân 60 và 68 kg nữ, đem 2 tấm HCV quý giá cho boxing Thanh Hóa.

Trước đó, ở môn karate, các VĐV Thanh Hóa đã bỏ lỡ tấm HCV ở nội dung đối kháng Kumite đồng đội nữ khi thất thủ trước Cần Thơ. Dù vậy, karate Thanh Hóa cũng hoàn thành mục tiêu đề ra với thành tích 2 HCV, 1 HCB, xếp thứ 5/32 toàn đoàn. Trong khi đó, môn bắn cung giành được 1 HCB, môn wushu dù được kỳ vọng giành HCV nhưng chỉ có được 2 HCĐ ở nội dung tán thủ. Các môn võ thuật cổ truyền, bơi, khiêu vũ thể thao mỗi môn giành thêm 1 HCĐ.

Tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII với 250 VĐV, tranh tài ở 20 môn, đoàn Thanh Hóa đã có một kỳ đại hội thành công rực rỡ, thể hiện sự sự tiến bộ vượt bậc (tại kỳ đại hội trước, Thanh Hóa xếp thứ 6 toàn đoàn với 36 HCV).  Các bộ môn thế mạnh như điền kinh, taekwondo, pencak silat, lặn, vật, khiêu vũ thể thao, đều khẳng định vị trí trong top 3, đặc biệt, bộ môn điền kinh giành vị trí nhất toàn đoàn với 9 HCV, 6 HCB và 3 HCĐ. Đây cũng là bộ môn đem về nhiều HCV nhất cho đoàn Thanh Hóa. Các gương mặt VĐV xuất sắc nhất của Thanh Hóa tại đại hội như: Nguyễn Thị Phương (giành 3 HCV, 1 HCB), Lê Trọng Hinh (2 HCV), Quách Công Lịch (2 HCV) ở môn điền kinh, Võ Thị Đài Trang (2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ), Đặng Trọng Nam (2 HCV, 1 HCB) ở môn lặn, Phạm Tuấn Anh (2 HCV, 1 HCB) ở môn cử tạ…

Như vậy, đoàn Thanh Hóa đã kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII với thành tích giành được 105 huy chương các loại, trong đó có 46 HCV, 30 HCV, 29 HCĐ, xếp thứ 4 toàn đoàn sau các đoàn mạnh là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội, đồng thời bỏ xa đoàn Hải Phòng xếp sau tới 12 HCV.

T.H

Thành lập phân hiệu ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho biết quyết định thành lập phân hiệu Thanh Hóa của trường sẽ được trường công bố vào ngày 15-12


Trước mắt, phân hiệu Thanh Hóa có thể là nơi học tập của sinh viên y năm thứ 4-5, đào tạo bác sĩ cho khu vực Bắc Trung bộ để đáp ứng nhu cầu nhân lực y khoa tại các khu vực thiếu thầy thuốc nhất vùng.

Việc thành lập Phân hiệu Trường ĐHYHN tại Thanh Hóa sẽ đáp ứng sự thiếu hụt về nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao của Thanh Hóa và các tỉnh lân cận; tạo động lực cho việc phát triển mạng lưới y tế; giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên khi năng lực và chất lượng hệ thống khám, chữa bệnh của Thanh Hóa được tăng cường...

Phân hiệu Trường ĐHYHN tại Thanh Hóa được phát triển dựa trên cơ sở của Trung tâm đào tạo Trường ĐHYHN tại Thanh Hóa và Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, nhằm từng bước xây dựng và phát triển thành Trường Đại học Y Thanh Hóa đa ngành, đa cấp, đảm trách việc đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học, cao đẳng và trung cấp cho Thanh Hóa và các tỉnh lân cận; tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh và phục vụ cộng đồng.

Khi Phân hiệu được thành lập, Trường ĐHYHN sẽ là đơn vị quản lý, điều hành, tổ chức tuyển sinh, đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện lộ trình chuyển Phân hiệu trở thành Trường Đại học Y Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đầu tư ban đầu, kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí thu hút cán bộ.

Cũng theo ông Hinh, điểm chuẩn đầu vào và đầu ra cho bác sĩ đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa sẽ tương tự với cơ sở chính của trường tại Hà Nội.

Về lâu dài, khi phân hiệu Thanh Hóa đã có đủ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu thì có thể tách riêng trở thành ĐH Y Thanh Hóa.

T.H

Tiền vệ Cao Sỹ Cường chính thức gia nhập CLB Thanh Hóa

Sau nhiều lần đàm phán, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Thanh Hóa đã chính thức chiêu mộ thành công tiền vệ Cao Sỹ Cường từ đội Á quân V-League 2014, Hà Nội T&T.

Tiền vệ Cao Sỹ Cường (áo vàng) được kỳ vọng sẽ là thủ lĩnh hàng tiền vệ của Thanh Hóa ở mùa giải 2015.

Sau khi đem về một loạt gương mặt mới, đặc biệt là hàng tiền đạo với sự xuất hiện của bộ ba Timothy – Đình Tùng – Huỳnh Văn Thanh, cùng nhiều nhân tố mới ở hàng hậu vệ, CLB Bóng đá Thanh Hóa tiếp tục tăng cường lực lượng cho tuyến tiền vệ. Đây cũng là điều dễ hiểu khi từ mùa giải 2015, đội bóng xứ Thanh không còn sự phục vụ của Nastja Ceh và lỗ hổng mà tiền vệ người Slovenia này để lại ở hàng tiền vệ là khá lớn. Bản thân tân HLV Vũ Quang Bảo kể từ khi tiếp quản CLB Bóng đá Thanh Hóa cũng luôn tìm kiếm một vị trí tiền vệ tấn công vừa có kinh nghiệm, vừa có chất lượng.

Cao Sỹ Cường là cái tên được nhắc đến đầu tiên và trên thực tế Thanh Hóa đã nhiều lần đề nghị Hà Nội T&T “nhả” tiền vệ này. Tuy vậy, phải sau khi kết thúc giải bóng đá Thanh Hóa mở rộng 2014, hai CLB Bóng đá Thanh Hóa và Hà Nội T&T mới đạt được thỏa thuận chuyển nhượng Sỹ Cường, cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa nhưng gắn bó và thành danh với các đội bóng của thủ đô Hà Nội như Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội T&T. Cao Sỹ Cường cũng từng được gọi vào đội tuyển Quốc gia giai đoạn 2012-2013 dưới thời HLV Phan Thanh Hùng.

Trao đổi với phóng viên chiều 9-12, Phó Chủ tịch CLB Bóng đá Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài khẳng định: Mặc dù Sỹ Cường vẫn còn hợp đồng với Hà Nội T&T nhưng mọi thủ tục chuyển nhượng đã diễn ra suôn sẻ. CLB Bóng đá Thanh Hóa đã ký hợp đồng 1 năm với tiền vệ này. Theo đánh giá của HLV Vũ Quang Bảo, Sỹ Cường chính là “miếng ghép” còn thiếu của đội hình CLB Bóng đá Thanh Hóa ở mùa giải tới. Tiền vệ 30 tuổi này đã hòa nhập tốt với các đồng đội mới khá nhanh nhờ kinh nghiệm và chuyên môn tốt.

Tin và ảnh: Mạnh Cường

Thanh Hóa tiếp SHB Đà Nẵng trên sân nhà trong trận ra quân V-League 2015

Theo kết quả bốc thăm lịch thi đấu các giải bóng đá quốc gia mùa 2015, Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Thanh Hóa sẽ chạm trán đối thủ mạnh SHB Đà Nẵng ngay từ vòng đấu đầu tiên của V-League 2015.


Chiều ngày 4-12, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tổ chức Lễ bốc thăm và xếp lịch thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2015. Theo đó, giải vô địch quốc gia V-League 2015 có 14 CLB tham dự gồm: Becamex Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tâm Long An, Hà Nội T&T, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, QNK Quảng Nam, Sanna Khánh Hòa – BVN, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, Đồng Tháp, XSKT Cần Thơ và Thanh Hóa.

Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt (sân nhà, sân khách) tính điểm với tổng cộng 26 vòng đấu. Hai đội xếp cuối cùng sau 26 vòng đấu sẽ xuống hạng trực tiếp. Đội xếp thứ 12 ở V-League 2015 sẽ đấu play-off với đội xếp thứ ba của giải hạng Nhất quốc gia để tranh vé tham dự V-League 2016. Mùa giải bóng đá 2015 sẽ chính thức mở màn bằng trận siêu cúp quốc gia giữa Becamex Bình Dương và Hải Phòng vào ngày 27-12-2014. Giải vô địch quốc gia V-League 2015 dự kiến khởi tranh vào ngày 4-1-2015.

Theo kết quả bốc thăm, Thanh Hóa sẽ có trận đấu đầu tiên ở mùa giải mới 2015 trên sân nhà với đối thủ SHB Đà Nẵng, đội xếp thứ 4 ngay sau Thanh Hóa ở V-League 2014. Đây được xem là một trong những cuộc đối đầu hấp dẫn và nóng bỏng nhất vòng 1 V-League 2015. Trong khi đó, ở Cúp Quốc gia 2015, Thanh Hóa không phải thi đấu vòng loại và được vào thẳng vòng 1/8, gặp đội thắng trong cặp đấu giữa SHB Đà Nẵng và Nam Định.

Cũng từ mùa giải 2015, mỗi đội bóng tham dự V-League sẽ chỉ được đăng ký và sử dụng tối đa 1 cầu thủ nhập tịch và 2 cầu thủ ngoại. Riêng hai đội Becamex Bình Dương và Hà Nội T&T được đăng ký 3 cầu thủ ngoại để tham dự AFC Champions League và AFC Cup. Trong khi đó, 8 đội bóng tham dự giải hạng Nhất quốc gia 2015 sẽ không được đăng ký cầu thủ ngoại.

T.H

Thanh Hóa vô địch giải bóng đá Thanh Hóa mở rộng 2014

Với bàn thắng ở phút bù giờ thứ 2 vào lưới QNK Quảng Nam, tiền vệ Đức Tuấn đã giúp chủ nhà Thanh Hóa giành chức vô địch giải bóng đá Thanh Hóa mở rộng 2014.


Diễn ra từ ngày 26-11 với sự tham ra của 4 đội bóng gồm Than Quảng Ninh,  Hải Phòng, QNK Quảng Nam và chủ nhà Thanh Hóa. Với mục đích chính là tập dượt, rà soát đội hình, 4 đội bóng thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, hai đội dẫn đầu tranh chức vô địch. Hai đội xếp thứ ba và tư gặp nhau tranh hạng ba. Kết thúc vòng đấu bảng, QNK Quảng Nam xếp thứ nhất với 7 điểm sau 2 trận thắng, 1 trận hòa. Thanh Hóa xếp thứ 2 với 4 điểm sau 1 trận thắng (2-0 trước Than Quảng Ninh), 1 trận hòa (0-0 với Hải Phòng) và 1 trận thua (2-3 trước QNK Quảng Nam). Xếp thứ ba là Than Quảng Ninh (4 điểm) và xếp cuối là Hải Phòng.

Trận chung kết là cuộc đối đầu giữa đội đương kim vô địch QNK Quảng Nam và chủ nhà Thanh Hóa. Đội bóng xứ Thanh với nhiều cầu thủ trẻ đã ào lên tấn công ngay từ đầu với khát vọng chiến thắng. Và trên thực tế họ đã nhỉnh hơn đối phương ở khu vực giữa sân. Trong khi Quảng Nam chỉ có vài ba cơ hội đe dọa khung thành của thủ môn Lương Bá Sơn, thì các chân sút xứ Thanh đã có 2 lần đưa bóng dội xà ngang, cột dọc. Phải đến phút bù giờ cuối cùng của trận đấu, đội bóng xứ Thanh mới đưa được bóng vào lưới đối phương.

Như vậy, với chiến thắng 1 - 0 trước QNK Quảng Nam đội chủ nhà đã lần đầu giành được cúp vô địch giải đấu tập huấn này sau 3 lần tổ chức. Tân HLV Vũ Quang Bảo cũng có được danh hiệu đầu tiên với Thanh Hóa.

Trước đó, Hải Phòng giành vị trí thứ ba cũng nhờ chiến thắng 1-0 trước Than Quảng Ninh.

Chung kết "Người đẹp xứ Thanh" năm 2014

Tối 30/11, chung kết cuộc thi “Người đẹp Xứ Thanh” năm 2014 đã diễn ra, thí sinh mang SBD 036 Nguyễn Thị Khánh Huyền (xã Quảng Cát, TP Thanh Hóa) giành vương miện “Người đẹp Xứ Thanh”năm 2014.


Tối 30-11, tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần Lamda Việt Nam tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Người đẹp Xứ Thanh” năm 2014.

30 thí sinh tiếp tục tranh tài tại 3 phần thi trang phục áo dài, trang phục áo tắm và trang phục dạ hội, nhằm làm nổi bật được sự duyên dáng, thanh lịch, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam. Bằng sự nhiệt tình, công tâm và trách nhiệm, Ban giám khảo đã lựa chọn được 5 gương mặt xuất sắc nhất tham gia phần thi ứng xử. Với trí tuệ và sự tự tin, thí sinh mang SBD 036 Nguyễn Thị Khánh Huyền (xã Quảng Cát, TP Thanh Hóa) đã vượt qua 4 thí sinh còn lại để giành vương miện “Người đẹp Xứ Thanh” năm 2014. Các thí sinh Văn Thị Diễm, SBD 055 và Phạm Thị Liên, SBD 078 lần lượt giành các danh hiệu Người đẹp 1 và Người đẹp 2.

Người đẹp đoạt danh hiệu “Người đẹp Xứ Thanh” năm 2014 được nhận vương miện, bằng chứng nhận, cúp, 30 triệu đồng tiền mặt và 20 triệu đồng bằng quà tặng. Cũng tại đêm chung kết, Ban tổ chức đã trao các giải phụ:  Người đẹp ảnh, Người đẹp tài năng, Người đẹp biển, Người đẹp áo dài và Người đẹp được khán giả bình chọn nhiều nhất.

Một số hình ảnh đêm chung kết:

Người đẹp 1

Người đẹp 2

Người đẹp tài năng

Người đẹp biển

Người đẹp được yêu thích

Người đẹp áo dài

Người đẹp ảnh

T.H

Đồng chí Trịnh Văn Chiến giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Ngày 27-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 triển khai Quyết định của Trung ương về điều động cán bộ và thông báo ý kiến chỉ đạo giới thiệu nhân sự bầu Bí thư Tỉnh ủy.


Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo một số vụ thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Thay mặt Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy của  đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa để điều động và phân công nhiệm vụ giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương; Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị, đồng ý giới thiệu đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa,  nhiệm kỳ 2010-2015.

Bám sát quy chế bầu cử trong Đảng, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh đã triển khai các nội dung công việc theo đúng quy định. Kết quả, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã được hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh bỏ phiếu bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 với số phiếu tán thành 100% (56/56 đại biểu có mặt).

Thay mặt BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng tặng hoa, chúc mừng đồng chí Trịnh Văn Chiến.

T.H

Dàn người đẹp xứ Thanh diện bikini khoe dáng trên bãi biển

Trong khuôn khổ vòng chung kết Người đẹp xứ Thanh năm 2014, sáng 25/11 các thí sinh đã có buổi chụp ảnh và ghi hình trên bãi biển sầm sơn. Trong trang phục bikini màu hồng tươi các người đẹp đã khoe những đường cong gợi cảm.

Đêm chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào 30/11 tại Thanh Hóa, ngồi ghế nóng cuộc thi sắc đẹp này là Hoa hậu Ngọc Hân, nhà thiết kế Anh Thư, ca sĩ Trọng Tấn…

Một số hình ảnh của các thí sinh:














Trước đó, từ sáng sớm 30 thí sinh đã đến dâng hương tại tượng đài Lê Lợi và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Sau đó các thí sinh bắt đầu hoạt động đạp xe qua các tuyến phố chính tại Thành phố Thanh Hóa. 














Tổng hợp

Trước vòng chung kết "Người đẹp xứ Thanh" năm 2014

Ngày 20/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã diễn ra vòng chung khảo cuộc thi "Người đẹp xứ Thanh" năm 2014 với 47 thì sinh tham dự.  Các thí sinh đã trải qua các nội dung thi: Trình diễn trang phục áo dài và tự giới thiệu về bản thân; Trình diễn trang phục áo tắm.

 Trong vòng thi này các thí sinh đã thể hiện sự mong muốn được giao lưu, học hỏi để hoàn thiện bản thân. Đồng thời qua các phần thi ứng xử và chào màn giới thiệu bản thân, các thí sinh đã thể hiện tình yêu quê hương Thanh Hóa và mong muốn được góp một phần nhỏ bé để quảng bá hình ảnh quê hương và con người xứ Thanh.

Kết thúc các phần thi, BTC đã chọn ra 30 thí sinh tiêu biểu nhất cho vòng chung kết, dự kiến diễn ra từ 23 đến 30/11/2014.

Trước đó vào ngày 18/11 vòng sơ khảo đã diễn ra với sự có mặt của Ban chỉ đạo : Ông Nguyễn Duy Ngọc – Phó phòng Văn hoá, Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá; Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá; Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – TRưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá; Ông Lê Ngọc Châu – Đại diện từ phía Tỉnh Đoàn Thanh Hóa; Đại diện của sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá... 

Về phía Ban Tổ chức: Ông Nghuyễn Thành Chung – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Lam Đa Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức; Ông Phạm Hoàng Giang - Giám đốc Sản xuất; Bà Minh Hạnh - Phó Giám đốc dự án,... Và trưởng Ban Giám khảo – Tiến sĩ Nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp.

Một số hình ảnh ghi lại tại vòng sơ khảo và chung khảo của cuộc thi:







T.H

Làng Đông Sơn - Ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam

Làng cổ Đông Sơn được liệt vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn của một nền văn minh huy hoàng của dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn.


Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Mã huyền thoại, cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước có cánh đồng rộng màu mỡ, có bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, ba phía của làng được bao bọc bởi những quả đồi đất, núi đá xen kẽ nhau. Huyền thoại dân gian cho rằng làng Đông Sơn ở vào thế đất có 99 ngọn núi hình con Phượng Hoàng. Ca dao cổ vùng Đông Sơn đã nhắc đến 99 ngọn núi này một cách đầy tự hào:

Chín mươi chín ngọn bên đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về
Chín mươi chín ngọn đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên đông

Phía đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu gặp sông Mã chạy theo bờ nam sông Mã. Sông Mã qua hành trình vạn dặm trước khi về với biển cả đã để lại ở đây một cảnh khí ngoạn mục vào bậc nhất của xứ Thanh: Hàm Rồng - núi Ngọc.

Phía nam của làng là hệ thống đồi đất cao có nhiều ngọn trong đó tiêu biểu nhất là núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế.

Phía bắc của làng là hệ thống núi Phượng, núi con Voi có động Tiên và chùa Tiên Sơn. Động Tiên mới được phát hiện gần đây đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn.

Làng Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông. Vị thế của làng cho phép phát huy triệt để lợi thế của kinh tế ruộng nước và đất đồi. Hệ thống di tích: đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý tạo nên những cảnh bình dị giếng nước mái đình rất đỗi thân thương.

Từ xa xưa, làng đã có đủ ruộng sâu, ruộng cạn trồng lúa; đất đồi, đất bãi trồng màu; núi đất, núi đá chăn thả gia súc. Người dân chịu thương, chịu khó, cần cù lao động nên cuộc sống nhiều phần no đủ, trù phú và yên bình.

Ít có một làng quê Việt Nam nào có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục như làng cổ Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn được xem như một ''niên biểu'' về sự phát triển liên tục từ buổi các vua Hùng dựng nước cho đến thời hiện đại. Theo dòng lịch sử có thể thấy lịch sử của làng gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh.

Tài liệu khảo cổ học cho biết từ thời các vua Hùng dựng nước trên đất Đông Sơn đã hình thành một làng nông nghiệp. Những chứng cứ văn hoá vật chất được phát triển từ lòng đất làng cổ Đông Sơn từ những bộ nông cụ đa dạng, các loại vũ khí, các loại đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc đến những chiếc trống đồng hoa văn tinh sảo... Đã cho thấy từ thời kỳ dựng nước Văn Lang, Đông Sơn đã là một làng nông nghiệp hình thành, và phát triển lâu dài và có vị thế trong khu vực. Phát hiện về di tích làng cổ Đông Sơn với niên đại hơn 2.500 năm đã mở ra chương mới cho việc nghiên cứu văn minh Việt cổ thời dựng nước đầu tiên. Từ đầu thế kỷ XX Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hoá khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hoá Đông Sơn. Văn minh Đông Sơn đã trở thành một nền văn minh tiêu biểu của tổ tiên ta thời kỳ dựng nước, trống Đông Sơn trở thành biểu tượng tài năng trí sáng tạo của người Việt cổ buổi đầu tạo dựng văn minh.

Làng Đông Sơn tưởng như nằm giữa thung lũng, tứ bề là rừng núi. Nhưng nhờ bởi ông cha từ xưa đã có cách bố trí, sắp đặt, quy hoạch hết sức thông thái, khoa học giữa các cụm dân cư, đường ngõ và hệ thống thoát nước; lại thêm thế đất liền mạch theo chiều thoai thoải của núi Rồng nên dù có mưa gió, bão lụt thì làng vẫn được bảo vệ. Chưa hết, nơi dựng làng là vị trí đắc địa cho phòng thủ và tác chiến nên mọi sự xâm nhập từ bên ngoài có thể được phát giác và ngăn chặn. Cũng vì địa thế ấy nên làng Đông Sơn đã được triều đình phong kiến nhà Lê chọn làm nơi xung yếu. Đồng thời, qua hai cuộc kháng chiến, nhất là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa quân và dân ta với những thần sấm, con ma của đế quốc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cái tên làng Đông Sơn một lần nữa được xướng lên như biểu tượng của sự can trường, anh dũng. 

Đông Sơn, cái làng quê điển hình thuần Việt ấy còn lưu giữ cả một hệ thống các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đủ khiến ai sinh ra từ đây cũng tự hào, ai qua đây cũng cảm phục và yêu mến. Người dân sống tuân thủ theo hương ước của làng, với 120 – 130 điều quy định cụ thể về tổ chức hội đồng biểu, quản lý công điền, tang tế, hôn lễ, tế tự, kết chạ... Làng còn được chia thành nhiều “làng” nhỏ thể hiện một mức sống tinh thần khá cao, với làng Văn – người học chữ Nho, làng Võ – người đi lính, làng Nhạc – người chơi nhạc, làng Hộ - người trông coi Văn Thánh. Đặc biệt, làng Đông Sơn còn bảo tồn được nhiều di tích liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo như Văn Thánh, đền Đức Thánh Cả, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, Âm Vân tự, Bồ Đề tự, Văn chỉ, Võ chỉ, đình Trung, đền thờ nhà Lê, miếu nhà Bà, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...  Lễ, hội làng Đông Sơn cũng đa dạng không kém với lễ Sắp Ấn, lễ Thượng Nêu, lễ Kỳ Yên, lễ Cửu Trùng, lễ Hạ Nguyên, lễ Văn Thánh...; đặc biệt, hội làng diễn ra vào 3-3 âm lịch hằng năm là dịp để tưởng nhớ công ơn người khai sinh xóm làng, cháu con sum họp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đến nay làng cổ Đông Sơn vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một làng quê nông nghiệp truyền thống. Hiện tại làng Đông Sơn nằm trong khu du lịch Hàm Rồng - điểm xuất phát của hành trình du lịch xứ Thanh. Các di tích vãn hoá cũng như dấu tích văn hoá Đông Sơn, làng cổ Đông Sơn, đình, chùa, động Tiên, động Long Quang đã trở thành những địa điểm du lịch thú vị. 

Đ.S

Lễ kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP Thanh Hóa, công bố Quyết định Đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Tối 16/11, tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lế kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ; 20 năm thành lập TP Thanh Hóa; công bố Quyết định Đô thị loại I và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Về dự lễ kỷ niệm  về phía Trung ương có các đồng chí: Dự lễ kỷ niệm về phía Trung ương có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, cùng nhiều  tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương  gửi lẵng hoa chúc mừng.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh, cùng các tầng lớp nhân dân TP Thanh Hóa.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Đào Trọng Quy đã điểm lại chặng đường lịch sử hình thành, phát triển của TP Thanh Hóa từ hàng trăm năm trước cho đến nay.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa; thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận TP Thanh Hóa là Đô thị loại I.

Trong niềm vui mừng, phấn khởi của nhân dân thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ  Hoàng Trung Hải phát biểu chúc mừng, biểu dương tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu và những thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa đã đạt được. Đồng chí khẳng định: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TP Thanh Hóa luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa; cùng với cả tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho đất nước. Thời kỳ đổi mới, đã không ngừng bứt phá, với tốc độ phát triển nhanh, nhất là công nghiệp và dịch vụ đã tạo cho TP Thanh Hóa một diện mạo mới, một sức mạnh mới và một nội lực mới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài phát biểu cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ để TP Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung không ngừng phát huy truyền thống, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng ghi nhận và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thanh Hóa đã đoàn kết, chung sức đồng lòng phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Ngay sau lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng “Hát về đất và người nơi đây”  với sự kết hợp giữa hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình led đã mô tả sinh động về vùng đất Thanh Hóa anh hùng qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 


Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung... 

Lễ kỷ niệm đã khép lại với màn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu  để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

T.H

Khởi công Dự án đường vành đai phía Tây Thành phố Thanh Hóa

Sáng 16/11 tại địa phận xã Đông Tân – TP Thanh Hóa, Sở GTVT phối hợp với  UBND tỉnh Thanh Hóa và liên danh các nhà đầu tư, tổ chức lễ khởi công Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với chiều dài 14,6 km với tổng mức đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng.


Đến dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai văn Ninh, Ủy viên BCH TW Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; Trịnh Văn Chiến , Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư tỉnh ủy – Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Nguyễn Thị Xuân Thu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thìn – Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải; các đồng chí thường trực UBND Tỉnh; Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban ngành, Thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, các địa phương liên quan và đông đảo nhân dân.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A, lưu lượng xe khu vực phía Tây của tỉnh qua trung tâm thành phố; đồng thời, sẽ tạo thành một trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển thành phố về phía Tây, hòa nhập các khu vực đô thị, ven đô và vùng phụ cận đang thiếu mạng lưới giao thông, các dịch vụ đô thị cơ bản.


Tuyến đường vành đai phía Tây thành phố đi qua địa bàn TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, có chiều dài 14,632 km. Điểm đầu tại Km 0+00 (trùng với điểm đầu của Quốc lộ 1A – đoạn tránh TP Thanh Hóa), điểm cuối tại Km 14+632 (trùng với điểm cuối của Quốc lộ 1A – đoạn tránh TP Thanh Hóa). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h, chỉ giới xây dựng 82 m, mặt cắt ngang 76 m. Trong đó, bao gồm hai luồng chính 2x10,5 m, phân cách giữa hai luồng chính 5 m; hai luồng đường gom 2x10 m; giữa đường chính và đường gom là giải phân cách 2x9 m, phía trong hai bên đường gom là vỉa hè 2x6 m. Với tổng mức đầu tư hơn 6.963 tỷ đồng, dự án được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư từ Km 6+00 đến Km 14+632 với qui mô đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m, tổng mức đầu tư hơn 789 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; đoạn từ Km 0+00 đến Km 6+00, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, do Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) và hoàn thành vào đầu năm 2017. Giai đoạn 2 được đầu tư theo qui mô bốn làn xe, mặt cắt ngang 26 m, tổng mức đầu tư hơn 3.077 tỷ đồng. Giai đoạn 3, đầu tư phần còn lại của dự án, bảo đảm hoàn chỉnh với mặt cắt ngang 76 m và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa trong việc kêu gọi, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn. Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền Thanh Hóa thực hiện tốt công tác chính sách, vận động nhân dân GPMB đúng thời hạn, bàn giao đúng thời hạn cho nhà thầu thi công. Các đơn vị thi công dự án phải đảm bảo được chất lượng công trình và đúng tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Cũng trong tại buổi lễ,, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thời gian qua đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thanh Hóa nói chung và xây dựng đường vành đai phía Tây thành phố nói riêng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải tập trung chỉ đạo các đơn vị huy động nhân lực, thiết bị, xe, máy thi công xây dựng đường vành đai phía Tây thành phố bảo đảm chất lượng đúng tiến độ; phấn đấu đầu năm 2017 đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn 1 của tuyến đường. Trong quá trình thi công phải bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thi công; đồng thời, làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của dự án, các chính sách về bồi thường GPMB của Nhà nước để nhân dân, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng chia sẻ, ủng hộ và sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

T.H